Skip to main content

Thẻ: Bain&Company

Thương mại điện tử sẽ phát triển thế nào trong 5 năm tới?

Với sự bùng nổ trong những năm gần đây, thương mại điện tử đang là hình thức kinh doanh tiềm năng được nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ hướng tới.

Những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đã không còn là khái niệm xa lạ trong xã hội hay một lĩnh vực mới mẻ tại nước ta.

Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã mang đến nhiều biến động đối với nền kinh tế nhưng lại góp phần tăng trưởng bứt phá cho TMĐT.

Từ đó, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhất khu vực ASEAN.

Sự phát triển bùng nổ.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016-2019 khoảng 30%.

Quy mô thương mại điện tử bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 11,5 tỷ USD năm 2019.

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM cũng dẫn báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain&Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD.

Trong đó, lĩnh vực bán lẻ hàng hóa trực tuyến tăng 46%, gọi xe và đồ ăn công nghệ tăng 34%, tiếp thị, giải trí và trò chơi trực tuyến tăng 18%, riêng lĩnh vực du lịch trực tuyến giảm 28%.

Báo cáo này cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2020-2025 là 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước tai đặt 52 tỷ USD.

Theo Sách trắng thương mại điện tử 2020, năm 2019, số người Việt tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người (năm 2015 là 30,3 triệu, năm 2016 là 32,7 triệu người, năm 2017 là 33,6 triệu và năm 2018 là 39,9 triệu người).

Doanh số bán lẻ thương mại điện tử B2C của Việt Nam trong năm 2019 đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc TOP 3 trong khu vực Đông Nam Á. Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Để có được những con số trên, Việt Nam có thế mạnh là dân số trẻ cũng như lượng người dùng smartphone chiếm tỷ trọng lớn, lượng người giao dịch thương mại điện tử trên smartphone nhiều.

Trong tăng trưởng của thị trường TMĐT thời gian qua có đóng góp rất lớn từ sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối và hoàn tất đơn hàng.

Các sàn TMĐT hàng đầu tại Việt Nam đang chạy đua nước rút để cải thiện tốc độ giao hàng với nhiều chiến lược khác nhau để gia tăng trải nghiệm của khách hàng.

Theo ông Vũ Đức Thịnh – TGĐ Lazada Việt Nam, đầu tư cho logistics không chỉ phục vụ cho doanh nghiệp mà còn là đầu tư cho sự phát triển bền vững trong tương lai của thương mại điện tử. Đó là lý do Lazada không chỉ đầu tư rất nhiều vào logistics mà còn rất dài hạn.

Bên cạnh đó, xu hướng thanh toán trực tuyến cũng ngày càng được ưa chuộng, có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này góp phần thúc đẩy tăng trưởng TMĐT khi các sàn luôn cung cấp phương thức thanh toán trực tuyến cho khách hàng.

Trong năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát khắp nơi trên thế giới, khiến mọi người phải hạn chế đi lại, nhiều khu vực bị phong tỏa trong thời gian dài.

Dù bất lợi nhưng đây lại là cơ hội để TMĐT “trỗi dậy” hơn bao giờ hết. Người dân ở trong nhà chỉ cần cầm chiếc smartphone lên là đã có thể mua sắm, đi chợ.

Bên cạnh những lợi ích mà TMĐT mang đến như giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, thanh toán nhanh thì vẫn còn nhiều hạn chế.

Vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các sàn giao dịch TMĐT và mạng xã hội vẫn đang còn rất nhiều. Bên cạnh đó, hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, tranh chấp với đối tác trong TMĐT.

Đặc biệt, các mạng xã hội đang nổi lên là một phương thức giao dịch TMĐT phổ biến nhưng chưa được điều chỉnh,… Thách thức về an toàn, an ninh mạng và bảo mật cá nhân trong các giao dịch TMĐT cũng là một vấn đề đáng lo ngại.

Các hành vi vi phạm trong TMĐT diễn ra ngày càng phức tạp khiến người tiêu dùng còn nhiều lo ngại trong việc mua hàng và thanh toán trực tuyến. Chính vì vậy, TMĐT đang cần một khung pháp lý toàn diện, đồng bộ trong giai đoạn hiện nay.

Xu hướng phát triển của TMĐT trong 10 năm tới.

Báo cáo Facebook cuối tháng 6/2021 cho thấy mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch.

Facebook nhận định, chính Covid-19 là nguyên nhân dẫn đến việc người dùng trên toàn thế giới thay đổi cách thức, địa điểm và thời gian mua sắm.

Tương tự Facebook, nhiều chuyên gia giới thương mại điện tử đưa ra dự đoán trong tương lai, thương mại điện tử sẽ dần chiếm ưu thế so với phương thức mua sắm truyền thống.

Họ cho rằng mua sắm trực tuyến không phải một phương thức tạm thời đối phó với dịch bệnh mà là xu hướng mới với nhiều cải thiện vượt trội, mang đến trải nghiệm mua sắm hiện đại và thông minh hơn cho người tiêu dùng; kéo theo là sự lên ngôi của thanh toán không tiền mặt và dịch vụ logistics, đáp ứng sự tăng trưởng ổn định của thương mại điện tử.

Tận dụng nền tảng mạng xã hội và KOL.

Trong báo cáo mới đây, Facebook ghi nhận hơn một nửa (51%) người tiêu dùng tham gia khảo sát trên thế giới chọn mua sản phẩm từng được người nổi tiếng, các blogger, vlogger, những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (Social Media Influencer) giới thiệu hoặc chia sẻ trải nghiệm.

Khả năng sáng tạo và độ nổi tiếng, tầm ảnh hưởng của các KOL đã giúp thu hút người dùng nhiều hơn, đồng thời hỗ trợ tăng độ uy tín cho sàn thương mại điện tử lẫn thương hiệu.

Tại Việt Nam, hình thức này bắt đầu từ ba năm trước với sự tiên phong của Lazada. Đến nay, nhiều sàn thương mại điện tử lớn đều ưa chuộng hình thức quảng bá mới này, mang lại lợi ích song phương cho cả doanh nghiệp lẫn thương hiệu đối tác và các nhà bán hàng.

Thanh toán kỹ thuật số phát triển.

Thanh toán kỹ thuật số là phương thức giao dịch đang được ưa chuộng trên các sàn thương mại điện tử.

Theo các chuyên gia, việc ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận với thương mại điện tử cũng sẽ thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt khi mua sắm tại các cửa hàng.

Các điểm kinh doanh offline cũng nhận thức được xu hướng này và ngày càng thân thiện hơn với các giải pháp thanh toán kỹ thuật số.

Dịch vụ hậu cần ngày càng quan trọng.

Dịch vụ hậu cần ngày một trở nên quan trọng hơn khi người tiêu dùng mong đợi nhiều về chất lượng giao hàng. Nhu cầu về các sản phẩm thiết yếu hàng ngày và các thiết bị gia dụng có sự gia tăng đáng kể là một minh chứng.

Do vậy, các doanh nghiệp và nhà bán hàng cần sử dụng hiệu quả công nghệ để đảm bảo hàng hóa được giao nhanh chóng với chi phí tiết kiệm.

Để hỗ trợ các nhà bán hàng và làm hài lòng hơn người tiêu dùng, các sàn lớn đã và đang tập trung đầu tư mạnh cho logistics.

Đổi mới trong chiến lược bán lẻ.

Đại dịch đã thúc đẩy các doanh nghiệp, từ những thương hiệu cao cấp cho đến các doanh nghiệp nhỏ, nhanh chóng thực hiện chiến lược kỹ thuật số để tiếp cận người dùng trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Khi bán hàng trực tuyến trở thành một kênh có doanh thu lớn hơn cho các thương hiệu và nhà bán hàng, các nền tảng thương mại điện tử cần phải thích ứng và phối hợp với họ để hiện thực hóa các chiến lược bán lẻ sáng tạo nhằm thu hút khách hàng.

iPrice Group nhận định, với đà phát triển này, các doanh nghiệp thương mại điện tử sẽ đón nhận những cơ hội và đó cũng là thách thức khi các sàn phải liên tục thay đổi để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn