Skip to main content

Thẻ: chán việc

Bạn nên làm gì khi chán nản trong công việc

Hầu hết mọi người sẽ tập trung vào việc làm thế nào để duy trì năng suất trong những khoảng thời gian bận rộn nhất. Nhưng làm điều tương tự trong những khoảng thời gian thấp điểm hay khi bạn chán nản, nó có thể có tác động đáng kể đến kết quả đầu ra và sức khỏe của bạn.

Bạn nên làm gì khi chán nản trong công việc

Khi công việc ập đến với bạn, bạn biết rằng bạn phải thực hiện nó với tốc độ nhanh chóng, bạn bận rộn và chỉ bận rộn, và đôi khi, bạn hầu như không theo kịp.

Nhưng khi luồng công việc chậm lại, bạn có thể thấy mình bị trôi đi và không còn hào hứng với những công việc đó, bạn di chuyển chậm hơn mức bình thường, lướt web vu vơ và bạn cảm thấy buồn chán.

Tất cả chúng ta khi đi làm đều cảm nhận được những sự thay đổi và dòng chảy này, cho dù chúng ta là một nhân viên mới, đang thực hiện một dự án nước rút hay khi chúng ta có nhiều khách hàng mới hơn.

Vậy làm thế nào để bạn có thể kiểm soát tốt hơn khi bạn bận rộn và làm thế nào bạn có thể vượt qua được sự chán nản khi mọi thứ dường như trôi chậm đi.

Lên một bản kế hoạch.

Khi áp lực của bạn giảm đi, bạn rất dễ bị phân tâm ngay cả từ những thứ nhỏ nhặt nhất.

Bạn có thể đầu tư quá mức vào email, lang thang trên internet, tập trung vào những thứ không quan trọng hay những việc lặt vặt, bạn nghĩ rằng “Mình còn nhiều thời gian”.

Để chống lại xu hướng nhàn rỗi đến nguy hại này, hãy đặt mục tiêu để bắt đầu mỗi ngày với một bản kế hoạch rõ ràng.

Viết ra hai đến ba nhiệm vụ quan trọng nhất của bạn trong ngày và bất kỳ nhiệm vụ nào nhỏ hơn mà bạn muốn hoàn thành.

Bạn cũng nên ước tính lượng thời gian bạn muốn đầu tư cho mỗi mục tiêu. Ví dụ, trước 11 giờ sáng, tôi muốn hoàn thành nhiệm vụ quan trọng nhất đầu tiên của mình. Từ 11 giờ sáng đến trưa, tôi sẽ thực hiện ba việc nhỏ cần làm còn lại.

Kế hoạch chi tiết này có thể giúp bạn biến một ngày buồn tẻ hay chán nản thành một loạt các cuộc chạy nước rút nhỏ và đầy năng lượng.

Phát triển bản thân.

Thời gian làm việc chậm lại là cơ hội để bạn nâng cao toàn bộ cuộc sống của bạn nếu bạn biết tận dụng chúng.

Hãy xem xét các hoạt động phát triển chuyên môn hay kỹ năng mà bạn thường không có thời gian khi quá bận rộn và thêm chúng vào kế hoạch hành động hàng ngày của bạn.

Những điều này có thể bao gồm việc tham dự các buổi hội thảo ngành, gặp gỡ sếp cũ, nghiên cứu trực tuyến, xem lại CV và hồ sơ LinkedIn của bạn hoặc tham gia một lớp học trực tuyến nào đó chẳng hạn.

Khi bạn đầu tư nhiều thời gian hơn vào bản thân, nó sẽ giúp cho bạn có nhiều cơ hội hơn trong tương lai.

Tiến lên phía trước.

Những lúc bạn cảm thấy chán nản bạn cũng có thể lên kế hoạch thăm khám sức khỏe hàng năm của bạn hay thực hiện một chuyến du lịch nào đó để nghỉ ngơi.

Một chuyến đi xa tới một nơi yên tĩnh hơn không những có thể giúp bạn lấy lại được năng lượng mà còn có thể giúp bạn có thêm được nhiều ý tưởng hơn.

Xây dựng các mối quan hệ.

Nếu bạn thường từ chối khi đồng nghiệp hay bạn bè yêu cầu bạn cùng ăn trưa hay cafe với họ, thì đây là lúc để bạn nói “Có”.

Những buổi trò chuyện với những người mình thích cũng giống như những bữa ăn ngon, nó giúp bạn có thêm nhiều năng lượng và cảm hứng mới.

Xây dựng mối quan hệ sẽ mở đường cho sự hợp tác hiệu quả của bạn về sau này đồng thời cung cấp cho bạn một số ‘nguồn hỗ trợ’ cho những thời điểm khi công việc của bạn trở nên căng thẳng hơn.

Tranh thủ nghỉ ngơi.

Cuối cùng, những lúc bạn chán nản hay những thời gian thấp điểm mở ra cho bạn những không gian mới để đầu tư bên ngoài công việc.

Đây là thời điểm lý tưởng để đi nghỉ mát, gỡ bạn bè hay dành thời gian nhiều hơn cho gia đình và người thân.

Thay vì lãng phí thời gian khi công việc bớt áp lực hơn, hãy chọn cách duy trì sự tập trung.

Điều quan trọng là hãy quản lý thời gian của bạn một cách có chủ đích và tối đa hóa hiệu suất của bạn, cho dù đó là lúc bạn nhiều năng lượng và bận rộn nhất hay lúc bạn rãnh rỗi và chán nản nhất.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Chán việc – Biểu hiện dễ gây “ngộ nhận” nhất

Có những lúc, chỉ cần nhầm lẫn một chút cũng khiến bạn phải trả giá đắt!

Không cần phải là những nhân viên “lão làng” với thâm niên hàng chục năm trời, ngay cả các bạn trẻ chỉ vừa đi làm vài năm cũng thường có biểu hiện than vãn, chán nản.

Nhưng chán việc và muốn nghỉ việc lại là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Đừng nhầm lẫn dẫn đến quyết định sai lầm và kết cục là sự nghiệp lao dốc không phanh.

Chán việc – Biểu hiện dễ gây “ngộ nhận” nhất

Nói như thế là bởi có không ít nhân viên cảm thấy chán nản, không còn hứng thú trong công việc nữa và thế là nộp đơn xin nghỉ.

Không phải là người trong cuộc thì không thể phán xét đúng – sai. Thế nhưng nếu đến một ngày nào đó, bạn cũng cảm thấy chán ngán nơi mình ngồi, việc mình làm và cả những người bạn gặp nơi công sở… thì khoan hãy nghĩ đến việc nộp đơn xin nghỉ.

Vì biết đâu đấy chỉ là cảm xúc nhất thời mà thôi.

Khi mỗi ngày đều phải đối diện với những công việc lặp đi lặp lại, tất nhiên nhàm chán là cảm giác khó tránh khỏi.

Ngay cả những công việc phải sáng tạo cái mới liên tục, tiếp xúc với điều mới mẻ mỗi ngày cũng có khi gây ra sự chán và nản vì áp lực, vì cạn kiệt khả năng tạo ra cái mới ở một lĩnh vực đã rất quen thuộc.

Bạn ơi, bạn không phải là người duy nhất như thế. Chán ở công ty này, sang công ty khác một thời gian bạn cũng sẽ lặp lại cảm xúc như thế.

Vậy thì vấn đề ở đây là làm sao để vượt qua điều đó, lấy lại hứng khởi làm việc chứ không phải là dễ dàng xin nghỉ để rồi phải làm quen lại ở môi trường mới, bắt đầu lại thâm niên ở một công ty mới.

Giải pháp trước mắt là hãy xin phép nghỉ một vài ngày để du lịch. Học những khóa học theo sở thích như nấu ăn, âm nhạc, cắm hoa, học nhảy… cũng là một gợi ý hay. Để khắc phục bệnh “chán” lâu dài hơn, hãy lấy độc trị độc bằng cách tìm niềm vui trong chính công việc của mình.

Sắp xếp lại chỗ ngồi và trang trí theo cách mới. Đề xuất với sếp cho bạn được học thêm kỹ năng và chuyên môn ở một mảng nào đó có liên quan để cảm thấy mới mẻ hơn.

Ngồi lại để nghĩ về những ngày tháng vui vẻ mà bạn đã có cùng cái nghề mà mình đã chọn, đặt ra những mục tiêu thậm chí hơi quá sức một chút để làm động lực.

Hoặc tự treo thưởng cho bản thân như cuối năm sẽ đi du lịch ở đâu, 1 vài năm nữa sẽ mua sắm thứ gì giá trị lớn… Nỗ lực tìm lại niềm vui và động lực trong công việc, cố gắng kìm nén cảm xúc tiêu cực và bạn sẽ lại tiếp tục được với công việc của mình.

Nhưng nếu đã làm mọi cách mà bạn vẫn cảm thấy quá chán ngán, thậm chí bức xúc, ngộp thở, không muốn phấn đấu thêm gì nữa, không còn thấy tương lai nào với vị trí và môi trường đó nữa. Vậy thì có lẽ đã đến lúc bạn nên nghiêm túc với đơn xin nghỉ việc.

Nghỉ việc – Quyết định cần “cái đầu lạnh” hơn là “trái tim nóng”

Nghỉ việc là một việc quan trọng bởi không thể biết trước được môi trường sau có tốt hơn môi trường trước hay không. Do đó, bạn cần tỉnh táo và lý trí để kìm nén những quyết định nóng vội.

Chán việc là nguy cơ cao nhất dẫn đến nghỉ việc. Nhưng môi trường nào và công việc nào cũng sẽ có thời điểm khiến bạn mất đi niềm đam mê, yêu thích theo thời gian.

Điều đó hoàn toàn có thể khắc phục được. Do đó, ngoài cảm xúc chán nản, bạn chỉ nên thực sự nghiêm túc với vấn đề xin nghỉ nếu cảm thấy các biểu hiện như: bị đối xử bất công, lương bổng và phúc lợi không tương xứng như thỏa thuận hoặc không rõ ràng, quá nhiều văn hóa đồng nghiệp và văn hóa công ty mà dù có cố gắng thế nào bạn cũng không thể hòa nhập được.

Tất cả những yếu tố trên cộng lại, thêm vào đó là yếu tố bản thân bạn cũng không cảm nhận mình tiến bộ nhiều ở môi trường ấy. Vậy thì nghỉ việc rõ ràng là quyết định rất đáng xem xét.

Tuy nhiên trước khi quyết định nghỉ việc, bạn cũng cần có một buổi trò chuyện thẳng thắn cùng cấp trên của mình.

Những trao đổi có thể sẽ giúp giải quyết được vấn đề của bạn thay vì lẳng lặng xin nghỉ mà trong lòng vẫn còn nhiều nỗi bực tức và bức xúc.

Dù là chán việc hay nghỉ việc cũng đừng để cảm xúc lấn át lý trí, ảnh hưởng sự nghiệp

Mỗi lần stress hoặc chán việc, bạn lại mất thời gian để phục hồi lại. Mỗi lần nghỉ việc, lại lại mất thời gian để làm quen với nếp làm việc, đồng nghiệp, cường độ công việc ở môi trường mới.

Nếu tần suất của cả chán việc và nghỉ việc diễn ra quá nhiều, điều đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất làm việc.

Bên cạnh đó, những quyết định nghỉ việc vội vàng đôi khi còn dẫn đến sai lầm khi tìm việc sau không phù hợp bằng công việc trước, môi trường làm việc cũng xảy ra nhiều điểm bất cập.

Công việc và môi trường là những yếu tố cực kỳ quan trọng trong sự nghiệp, vì thế đừng để những cảm xúc tiêu cực nhất thời dẫn lối hành động để rồi sự nghiệp có phần đình trệ, không như mong muốn.

Có câu nói vốn đã rất quen nhưng rất phù hợp trong hoàn cảnh này, đại ý: Mỗi khi muốn từ bỏ, hãy nhớ lại lý do bắt đầu. Công việc chắc chắn không tránh khỏi những ngày mỏi mệt. Nhưng hãy cố gắng tạo niềm vui, động lực để sự nghiệp phát triển hơn mỗi ngày.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo HR Insider