Skip to main content

Thẻ: ecommerce vietnam

CEO Tiki muốn lên sàn chứng khoán vì thua lỗ nặng trong cuộc đua đốt tiền

CEO Tiki mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn.Tiki còn đề xuất miễn giảm thuế, hỗ trợ phát triển hệ thống logistics và chuyển đổi số. Tiki vẫn đang thua lỗ và số lỗ ngày càng lớn do chi mạnh cho đầu tư và nhận diện thương hiệu.

tiki-marketingtrips2

Trong nội dung tham luận tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (9/5), Tổng giám đốc Tiki Trần Ngọc Thái Sơn cho biết dịch Covid-19 đang khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và người dân cũng “thắt lưng buộc bụng” nhiều hơn để dự phòng cho những khó khăn trước mắt. Theo đó, ông Sơn đưa ra 4 kiến nghị để gỡ khó cho doanh nghiệp bán lẻ thương mại điện tử (TMĐT) và công nghệ.

CEO Tiki muốn hỗ trợ cơ chế tiếp cận vốn

Thứ nhất, CEO Tiki mong muốn Nhà nước xem xét hỗ trợ miễn giảm các loại thuế, điển hình như thuế giá trị gia tăng nhằm hạ thấp giá thành sản phẩm. Điều này sẽ các doanh nghiệp nội địa vẫn duy trì được năng lực sản xuất, đảm bảo sức cạnh tranh sòng phẳng. Người tiêu dùng cũng được tiếp cận với nguồn sản phẩm made-in-Vietnam với giá cả hợp lý khi thương mại quốc tế gặp nhiều hạn chế.

Thứ hai là khả năng tiếp cận vốn. Ông Thái Sơn đề xuất Nhà nước có những chính sách hỗ trợ để giúp các công ty công nghệ, thương mại điện tử, bán lẻ… dễ dàng tiếp cận với các khoản vay ưu đãi và nguồn vốn trong, ngoài nước.

“Vốn nước ngoài cũng là một giải pháp khả thi. Chúng tôi rất mong các thủ tục hành chính đối với việc tiếp nhận nguồn vốn nước ngoài trở nên đơn giản hơn, từ đó sẽ rút ngắn thời gian phê duyệt thay vì mất 2-3 tháng như hiện tại”, CEO Tiki bổ sung.

Việc tiếp cận được nguồn vốn ngoại dồi dào có thể giúp doanh nghiệp phục hồi và củng cố năng lực cạnh tranh. Hiện lĩnh vực TMĐT là ngành nghề kinh doanh đặc biệt nên khi nhận được vốn nước ngoài thì các sở Kế hoạch & Đầu tư phải hỏi ý kiến bộ nên thời gian kéo dài.

Các công ty công nghệ, công ty bán lẻ cũng mong muốn được tận dụng nguồn vốn đại chúng để đẩy nhanh quá trình huy động vốn. Vì vậy, ông Sơn kiến nghị Nhà nước có những chính sách nới lỏng điều kiện lên sàn đối với các doanh nghiệp trong nước.

“Ví dụ có thể thực hiện thí điểm dỡ bỏ điều kiện cần chứng minh lợi nhuận trong 3 năm để được IPO cho các doanh nghiệp công nghệ có nguồn vốn mạnh, năng lực vận hành vững vàng và uy tín trên thị trường”, tham luận của Tiki viết.

Thứ ba là kiến nghị phát triển hệ thống logistics tại Việt Nam, được xem là xương sống của nền kinh tế. ông Sơn cho rằng ngành logistics tại Việt Nam chưa thực sự hiệu quả, đơn cử với một đơn hàng có giá trị 10 đồng thì chi phí logistics có thể đến 2,5 đồng.

Cụ thể, Tiki xin đề xuất Nhà nước, Chính phủ và các cấp ban ngành tại từng địa phương có những chính sách ưu đãi cụ thể về vị trí kho bãi trong dài hạn dành cho các đơn vị logistics và TMĐT. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp tự tin đầu tư lâu dài cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kho bãi… giúp cắt giảm các bước trung gian không cần thiết.

Kiến nghị cuối cùng là giải pháp chuyển đổi số để tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Tiki nhận thấy một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, điển hình là nguồn nhân lực và kiến thức kinh doanh trên TMĐT vẫn còn hạn chế.

Nhà sáng lập Tiki mong có được sự đồng hành và phối hợp từ Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong việc truyền thông và đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác với sàn TMĐT để đa dạng kênh phân phối, tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.

Tiki ngày càng lỗ trong cuộc đua “đốt tiền”

Hiện doanh nghiệp có nhiều nguồn huy động vốn để phát triển kinh doanh như vay vốn ngân hàng, huy động vốn riêng lẻ từ các nhà đầu tư thông qua phát hành cổ phiếu hay trái phiếu, huy động vốn từ công chúng thông qua IPO hay niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán…

Theo quy định niêm yết chứng khoán hiện nay, một công ty muốn lên sàn chứng khoán cần đáp ứng nhiều điều kiện trong đó có kết quả kinh doanh 3 năm gần nhất phải có lãi. Chỉ riêng điều kiện này thì Tiki đã “không có cửa” niêm yết.

Báo cáo thường niên của VNG Corp (cổ đông lớn chiếm 24% vốn của Tiki) cho thấy con số lỗ của trang thương mại điện tử này là gần 1.766 tỷ đồng trong năm 2019, tăng mạnh so với các năm trước đó.

Việc các trang thương mại điện tử thua lỗ không phải quá bất thường bởi đây là lĩnh vực kinh doanh phải chạy đua “đốt tiền” nhằm giành lấy thị phần. Các ông lớn khác như Lazada, Shopee hay Sendo cũng đều thua lỗ lớn trong các năm gần đây.

Không chỉ đến từ cạnh tranh khuyến mãi mà Tiki còn tăng cường nhận diện thương hiệu khi chi kinh phí lớn để tiếp cận giới trẻ thông qua các video âm nhạc của các ca sĩ nổi tiếng. Công ty cũng tăng trải nghiệm khách hàng khi ra mắt tính năng livestream TikiLIVE, đầu tư cho hệ thống kho bãi, đầu tư cho đội ngũ giao hàng…

Được thành lập vào đầu năm 2010, Tiki hiện là trang TMĐT nằm trong top 10 tại khu vực Đông Nam Á. Hệ sinh thái kinh doanh bao gồm các thành viên như đơn vị bán lẻ Tiki Trading và Sàn giao dịch cung cấp 10 triệu sản phẩm, dịch vụ vé Ticketbox và TikiNOW Smart Logistics cung cấp dịch vụ đầu cuối.

VNG Corp hiện là cổ đông lớn nhất chiếm 24,25% vốn Tiki và tính đến cuối năm 2019 đã rót hơn 506 tỷ đồng vào sàn TMĐT này. Việc thua lỗ lớn của Tiki trước đây buộc VNG phải thường xuyên trích lập dự phòng và làm giảm lợi nhuận tập đoàn.

Tuy nhiên, đến quý I/2019 thì số lỗ từ Tiki mà VNG phải ghi nhận vào kết quả kinh doanh đã bằng đúng số tiền đầu tư, do đó việc Tiki tiếp tục lỗ thêm đã không còn ảnh hưởng đến lợi nhuận của VNG do đã trích lập dự phòng toàn bộ cho sàn TMĐT này.

Ngoài VNG Corp, Tiki còn huy động vốn từ nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài. Với mức vốn điều lệ gần 191 tỷ đồng, cổ đông nước ngoài chiếm tỷ lệ tới 49,7% vốn. Một số cổ đông đáng chú ý như JD.Com International (22,2%), Ubiquitous Traders (8,82%), Finup Asia Investment (4,52%), Sumitomo (3,85%), Sparklabs Ventures Ignition (1,48%), STIC SME Global Expansion (1,74%), KIP Venture (0,69%)…

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips

via Người đồng hành

Shopee, Lazada khó thống trị thương mại điện tử Việt Nam

Shopee, Lazada đã chi phối phần lớn thị phần thương mại điện tử Đông Nam Á nhưng riêng tại Việt Nam, Tiki, Sendo, Thế Giới Di Động… đã không cho họ làm điều này.

Theo thống kê của công ty thương mại điện tử iPrice, website của hai gã khổng lồ Lazada, Shopee chiếm tới 80-90% lượng truy cập toàn thị trường ở Malaysia, Thái Lan, Phillipines, Singapore. Trong khi đó, họ chỉ chiếm chưa tới 35% thị phần ở Việt Nam. Điều này cho thấy, hai ông lớn chiếm vị thế áp đảo tại các nước trong khu vực nhưng lại vấp phải sự kháng cự khốc liệt ở Việt Nam.

Tính về lượng truy cập, các website thương mại điện tử nội địa ở Việt Nam xếp thứ nhì Đông Nam Á về mức độ cạnh tranh với các công ty quốc tế, chỉ sau Singapore. Tuy nhiên, cần lưu ý Singapore chính là nơi đăng ký hoạt động kinh doanh của hai gã khổng lồ Lazada và Shopee – đứng sau là Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc.

Như vậy, Việt Nam dẫn đầu khu vực về thị phần traffic của các công ty thương mại nội địa (66%). Indonesia xếp sau Việt Nam với tổng lượng truy cập của các tay chơi nội chiếm khoảng 62%.

thương mại điện tử

Ông David Chmelar, Giám đốc Công ty thương mại điện tử iPrice đánh giá: “Tại Đông Nam Á, có hai quốc gia mà các công ty nội địa rất thành công là Việt Nam và Indonesia”.

Ở Indonesia có Tokopedia, Bukalapak, Blibli. Ở Việt Nam có Tiki và Sendo đứng đầu cùng những cái tên khác. Trong khi ở các thị trường còn lại như Malaysia, Thái Lan hay Phillipines, có rất ít đối thủ cạnh tranh được với Lazada hay Shopee.

Theo iPrice, các công ty thương mại điện tử nội địa Việt Nam có một phần lợi thế nhờ dân số trẻ, đội ngũ công nghệ có tài. Người dân cũng tiếp cận với thương mại điện tử quốc tế muộn và ít hơn so với các nước trong khu vực (do rào cản ngôn ngữ).

Trong bối cảnh đó, việc các công ty thương mại điện tử nội địa như Tiki và Sendo manh nha từ sớm giúp họ có lợi thế của những người đi đầu.

Nhìn lại thị trường thương mại điện tử Việt Nam từ lúc khai sơ, Lazada bước chân vào Việt Nam từ năm 2012 và khánh thành nhà kho đầu tiên năm 2013. Lazada được nhắc đến là người dẫn đầu, bỏ xa nhiều công ty thương mại điện tử khác về lượng truy cập tại Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2016, việc Alibaba chi tiền nắm quyền chi phối Lazada đã kéo theo sự thay đổi ban lãnh đạo và chiến lược kinh doanh “áp đặt”, khiến họ mất vị trí đầu bảng.

Lazada bắt đầu nhường ngôi nhất cho Shopee và lượng truy cập có xu hướng lao dốc, bị các đối thủ nội địa như Tiki, Sendo và cả Thế Giới Di Động vượt qua.

Năm 2018, không còn ai nói về Lazada với ngôi vị dẫn đầu nữa mà họ chỉ nằm trong top 5 công ty thương mại điện tử tại Việt Nam, nếu xét về lượng truy cập. Trong khi đó, người bạn ngoại quốc – Shopee tăng tốc nhanh chóng và giữ vị trí dẫn đầu về lượng truy cập trong 1,5 năm trở lại đây.

Đồng thời, ba công ty nội địa là Tiki và Sendo và Thế Giới Di Động – với thế mạnh của việc hiểu chính người dân nội địa, lần lượt đổi chỗ cho nhau trong bảng xếp hạng Top 5 tại Việt Nam và cũng nằm trong top 10 website thương mại điện tử được truy cập nhiều nhất Đông Nam Á năm 2019.

Xét riêng về sàn thương mại điện tử (website bán hàng cho bên thứ ba) thì Tiki và Sendo là đơn vị nội địa nhiều tiềm năng nhất, đối chọi lại với hai công ty toàn cầu Lazada và Shopee. Trong báo cáo e-Conomy SEA 2019, Sendo và Tiki được Google đánh giá là có tiềm năng trở thành những kỳ lân công nghệ trong tương lai.

Xuất phát từ một trang bán sách trực tuyến được ông Trần Ngọc Thái Sơn thành lập năm 2010, Tiki “nối gót” bước đi của Amazon, chuyển mình thành một sàn thương mại điện tử bán hàng cho cả các bên thứ ba. Sau khi nhận khoản đầu tư hàng chục triệu USD vào cuối 2017, Tiki bứt tốc mạnh từ cuối năm 2018 trước khi có phần chậm lại từ cuối 2019.

Còn Sendo, mặc cho hầu hết sàn thương mại điện tử dẫn đầu như Shopee, Lazada, Tiki đang giành phân khúc thành thị, họ lại hướng tới những người tiêu dùng ở vị trí ngoại thành và nông thôn.

Gần đây, giới trong ngành có những suy đoán về Tiki và Sendo về chung một nhà, xuất phát từ nguồn tin DealstreetAsia cho biết họ đang đàm phán về việc sáp nhập.

Tiki vốn có thế mạnh ở thành thị, Sendo lại có lợi thế riêng biệt với tệp khách ở vùng nông thôn và nhà bán hàng nội địa. Vẫn chưa rõ khả năng bắt tay, nhưng CEO iPrice nhận định nếu điều này xảy ra, đó là một bước đi tốt để những tay chơi nội địa hợp lực để đấu lại với hai gã khổng lồ nhiều tiền Shopee và Lazada.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Theo VnExpress