Skip to main content

Thẻ: FTC

Mark Zuckerberg thừa nhận việc chống lại những nội dung sai lệch trên Facebook rất khó

Trong một cuộc phỏng vấn, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Facebook nói rằng mọi người không nên mong đợi việc gã khổng lồ truyền thông mạng xã hội này có thể nắm bắt hết mọi điều tồi tệ.

Getty Images

Những khoảng thời gian gần đây đặc biệt khó khăn với Facebook. Ngoài sức ép thông thường từ các cơ quan quản lý, các nhà làm luật và các vụ kiện của Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC).

Tổng thống Biden gần đây cũng đã bắt đầu chỉ trích Facebook vì nền tảng này đã cho phép xuất hiện những thông tin sai lệch về vắc xin Covid-19 trên nền tảng của mình.

Không chỉ từ ông Biden, mà trên thực tế là hầu như tất cả mọi người đều đồng ý rằng Facebook thực sự có vấn đề với các thông tin sai lệch, đặc biệt là liên quan đến đại dịch.

Câu hỏi duy nhất bây giờ là Facebook có thể và nên làm gì để ứng phó với tình trạng này.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với The Vergecast, CEO Mark Zuckerberg cũng đã chia sẻ về điều này:

“Khi bạn nghĩ về tính toàn vẹn của một hệ thống như chúng tôi, nó giống như việc chống lại tội phạm trong một thành phố.

Không ai mong rằng bạn sẽ giải quyết triệt để tội phạm trong một thành phố. Mục tiêu của sở cảnh sát không phải là để nếu có bất kỳ hành vi phạm tội nào xảy ra, bạn có thể nói rằng sở cảnh sát đang thất bại. Điều đó rõ ràng là không hợp lý.

Tôi nghĩ, thay vào đó, những gì chúng ta mong đợi nên là việc các sở cảnh sát sẽ làm tốt công việc của họ nhằm giúp ngăn chặn và nắm bắt kịp thời những điều tồi tệ khi nó xảy ra và cố gắng giữ nó ở mức tối thiểu nhất có thể. Vì vậy, chúng tôi cũng sẽ làm điều tương tự trên nền tảng của mình.”

Có khá nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý trong quan điểm của Facebook.

Một điểm đáng nói ở đây là nếu thành phố nào để xảy ra vấn đề phạm tội ở quy mô lớn như vấn đề kiểm duyệt nội dung của Facebook, thì không chỉ cảnh sát trưởng bị sa thải, Thị trưởng và Hội đồng thành phố cũng phải từ chức trong sự e thẹn.

Vậy khi để những thông tin sai lệch tràn lan trên nền tảng, Facebook sẽ nên bị xử lý như thế nào? Đây vẫn là một câu hỏi bị bỏ ngõ.

Ở một khía cạnh khác, rõ ràng là với các lợi thế về công nghệ, Facebook có nguồn tài nguyên dường như vô tận để xử lý các vấn đề hơn là so sánh với nguồn lực con người vốn hạn chế của các sở cảnh sát.

Một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn những thông tin sai lệch là ngừng phân phối quá nhiều những thông tin đó.

Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là một vấn đề lớn. Có gần 3 tỷ người sử dụng Facebook thường xuyên. Tôi không biết họ tạo ra bao nhiêu nội dung hàng ngày, nhưng quy luật số lượng lớn nói rằng có lẽ không thể ngăn chặn mọi nội dung xấu.

Nếu sự thật đúng như vậy và bạn thấy rằng bạn đã ra mắt thế giới thứ gì đó gây hại, bạn phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra tiếp theo.

Ngay cả khi bạn không chịu trách nhiệm trực tiếp về việc đăng và chia sẻ nội dung, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm, vì đó là nền tảng của mình.

Tuy nhiên, thành thật mà nói, nếu quá khó để kiểm duyệt nội dung một cách hiệu quả trên nền tảng bạn đã xây dựng, thì có thể bạn đã xây dựng những thứ mà bạn không nên có.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Facebook rơi vào tầm ngắm của các cơ quan chống độc quyền Mỹ

Bác bỏ cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền, Luật sư trưởng của Facebook nhấn mạnh “mục đích của luật chống độc quyền là bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sáng tạo, không phải để phạt doanh nghiệp”.

Ngày 9/12, các cơ quan chống độc quyền của liên bang và các bang tại Mỹ đã khởi kiện Facebook với cáo buộc mạng xã hội này lạm dụng ưu thế để giữ độc quyền, đồng thời tìm cách đảo ngược các thỏa thuận của Facebook thu mua các ứng dụng tin nhắn Instagram và WhatsApp.

Trong vụ kiện thứ nhất, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) yêu cầu Facebook thoái vốn đối với Instagram và WhatsApp trong nhóm ứng dụng thuộc sở hữu của Facebook.

Giám đốc Cục Cạnh tranh của FTC Ian Conner cho rằng các hành động của Facebook nhằm duy trì thế độc quyền của mạng xã hội này, khiến người tiêu dùng không được hưởng lợi từ cạnh tranh.

Mục tiêu của FTC là ngăn chặn hành vi chống cạnh tranh của Facebook và thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như cạnh tranh tự do.

Vụ kiện thứ hai do liên minh các cơ quan chống độc quyền từ 48 bang và vùng lãnh thổ Mỹ tiến hành.

Tổng Chưởng lý bang New York Letitia James, người đứng đầu liên minh này, nhấn mạnh: “Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng ưu thế và sự độc quyền để loại bỏ các đối thủ và dập tắt cạnh tranh, bất chấp lợi ích của người dùng.”

Cả hai vụ kiện đều cáo buộc Facebook chấm dứt cạnh tranh thông qua việc mua lại ứng dụng Instagram vào năm 2012 và WhatsApp năm 2014.

Hai ứng dụng đang ngày càng trở thành nhân tố quan trọng trong mô hình kinh doanh của Facebook và được tích hợp vào công nghệ của hãng.

Về phần mình, Facebook đã bác bỏ cáo buộc lạm dụng vị thế độc quyền. Luật sư trưởng của Facebook, bà Jennifer Newstead nhấn mạnh “mục đích của luật chống độc quyền là bảo vệ người tiêu dùng và thúc đẩy sáng tạo, không phải để phạt các doanh nghiệp thành công.”

Theo bà Newstead, Instagram và WhatsApp đã trở thành những sản phẩm tuyệt vời như ngày nay là do Facebook đã đầu tư hàng tỷ USD, nhiều năm đổi mới và tăng cường chuyên môn, để phát triển các tính năng mới và đem đến trải nghiệm tốt hơn cho hàng triệu người dùng. Bà nhấn mạnh những thỏa thuận này đã được FTC thông qua cách đây nhiều năm.

Một số nhà phân tích cho rằng các vụ kiện chống độc quyền này rất khó chứng minh Facebook gây tổn hại người tiêu dùng vì các dịch vụ của hãng phần lớn đều miễn phí.

Trước đó, FTC tuyên bố sẽ xem xét các thỏa thuận thu mua của 5 hãng công nghệ lớn trong một thập kỷ qua, mở ra khả năng tiến hành hàng loạt cuộc điều tra chống độc quyền.

Cụ thể, cơ quan bảo vệ người tiêu dùng sẽ đánh giá các thỏa thuận của Amazon, Apple, Facebook, Microsoft và Alphabet (công ty mẹ của Google) kể từ năm 2010 trong bối cảnh ngày càng có nhiều khiếu nại về việc các nền tảng công nghệ đang chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt.

Tháng 10 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Alphabet độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. 11 bang của Mỹ (gồm Arkansas, Florida, Georgia, Indiana, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, Montana, South Carolina và Texas) tham gia vụ kiện này. Đây được xem là vụ kiện độc quyền lớn nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Thuý Minh | MarketingTrips 

Theo TTXVN