Skip to main content

Thẻ: hướng nội

Những hiểu lầm phổ biến nhất về Người hướng nội (Introvert)

Trong khi người hướng nội (introvert) thường được gắn liền với các cụm từ như ngại giao tiếp, suy nghĩ nhiều, ít năng động với thế giới bên ngoài, sự thật là gì?

Những hiểu lầm phổ biến nhất về Người hướng nội (Introvert)
Những hiểu lầm phổ biến nhất về Người hướng nội (Introvert)

Khi nhắc đến những “Người hướng nội”, nhiều người cho rằng người hướng nội thường gặp khó khăn trong công việc, trong giao tiếp, trong tương tác với thế giới bên ngoài.

Người hướng nội hay Hướng nội cũng là nguyên nhân bị gán cho việc không hội nhập với môi trường làm việc, không được thăng tiến hay không thành công trong cuộc sống.

Thật ra, những người thành công trên thế giới này đa số là người hướng nội đó mọi người.

Vì là người hướng nội nên họ suy nghĩ sâu sắc, tận cùng của vấn đề, sự bình tâm trong quan sát và có được góc nhìn đa diện nhờ quan sát, điều này giúp họ nhìn nhận và hiểu rõ hơn nguồn căn của vấn đề.

Người hướng nội theo đó đang được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn chưa đúng đắn, dưới đây là một số hiểu lầm thường thấy về người hướng nội.

(Bài viết được sử dụng theo phong cách ngôn ngữ đời thường và cá nhân).

Người hướng nội hay bị rối.

Trong cái thế giới ồn ào, quấy nhiễu đa diện sức khoẻ tinh thần này bằng overload thông tin và ý kiến nhân loại, việc lèo lái quan hệ của bản thân với thế giới bên ngoài trở nên quá khó. Hồi xưa, mình chưa biết mình là ai đã đành.

Mình từ từ đi tìm, từ từ chiêm nghiệm, không đụng chạm gì tới ai. Bây giờ, cái sự quá nhanh quá nguy hiểm của ảo ảo thực thực nó đẩy con người ta vô nhiều đoạn khó đỡ.

Mình chưa biết mình là ai mà cả thiên hạ họ xúm vào còm như đúng rồi, tự họ quyết định mình là ai, mình cần phải làm gì, mình cần phải sống ra sao, mình tệ bạc, ngu ngốc, thất bại thế nào theo tiêu chuẩn của họ, vv. Và mặc dù họ cũng không biết họ là ai nhưng có vẻ họ có quyền năng phán lung tung người khác là ai.

Thế là, bạn rối, và càng sợ hãi hơn nữa vì không biết đã đành, giờ lại biến thành hoang mang. Mình là như thế thiệt sao, như họ nói thiệt sao, không ra gì vậy sao…?

Bạn sợ quá, rối quá, sợ quá, rút vào cái vỏ ốc của đời mình rồi dán cho mình cái nhãn “người hướng nội” vì chưa biết phải giải quyết sao với đời, với người, với cái thế giới ồn ào và ác mồm ở ngoài kia.

Đừng có dán nhãn “hướng nội” như thế tội cho chính mình và người khác. Mình chưa xử lý được thì phải tìm cách, bắt đầu bằng chuyện quay về và kết nối với bản thân, hiểu rõ bản thân, biết mình là ai, mục đích và giá trị là gì.

Khi mình đã trong veo về bản thân thì tự nhiên mọi sự lu xu bu ngoài kia cũng sẽ biến mất.

Thế là mình hết hướng nội, mà trở nên kết nối.

Không có kỹ năng giao tiếp không có nghĩa là người hướng nội.

Nhiều khi, do mình không biết phải giao tiếp sao với đời, gặp người khác không biết nói gì, gặp sếp thì sợ không dám nói sợ nói sai, gặp đồng nghiệp thì tránh vì sợ nói xong người ta đánh giá mình, lỡ có gì không đúng thì đỡ ngại, vv.

Thế là mình dán nhãn “người hướng nội” để khỏi phải nói, khỏi phải giải thích tại sao mình không mở miệng, để làm bình phong che đậy cho cái việc mình thiếu kỹ năng giao tiếp.

Nhưng cách này xài lâu không được, vì không lẽ cả đời mình không giao tiếp, tương tác với thế giới bên ngoài?

Cứ như vậy thì làm sao phát triển bản thân, làm sao làm việc, làm sao tham gia các hoạt động xã hội, vv? Mà không tương tác gì hết, không kết nối gì hết thì làm sao thành công?

Chẳng lẽ cứ mãi đổ thừa vì mình là người hướng nội (introverts)?

Lười phát triển bản thân nên “hướng nội”.

Ngồi một mình quẹt quẹt điện thoại, lướt lướt mạng, bấm nút theo sự tiện lợi của các loại app, nền tảng, website có sẵn quen rồi, cần gì thì hỏi ChatGPT, Google, nên không có nhu cầu phải tương tác gì với ai. Ngồi kế bên cũng nhắn tin chớ không thèm nhìn vào mặt nhau.

Ngồi ăn chung bàn cũng mỗi người một cái máy quẹt quẹt, cười cười tương tác ảo chớ không thèm để ý tới người thịt người xương đang ngồi trước mặt.

Cứ như vậy, riết rồi cả xã hội chẳng ai cần kết nối hay tương tác với ai, riết rồi đâm ra lười biếng, không muốn phát triển các kỹ năng xã hội vì cũng chẳng cần chúng để tương tác với ai làm gì. Vậy, thì dán nhãn là “người hướng nội” nghe cho nó sang. Chớ không lẽ gọi là thiếu kỹ năng xã hội thì nghe nó củ chuối quá, không hợp với dáng em?

OK, thời này mình không cách nào phủi chuyện không sử dụng mạng xã hội và sống ảo.

Này nó đã là một phần của cuộc sống. Nhưng chuyện gì ra chuyện đó.

Đời nó vẫn rất thật ở ngoài kia. Người vẫn sinh lão bệnh tử chứ không sống mãi trong máy tính. Cho nên, nếu sống thật mà mơ ảo thì tỉnh dậy đi. Bạn cần kết nối cả hai cuộc đời ảo thật đang đứt gãy kia của mình nếu bạn thật sự muốn sống hạnh phúc và vui vẻ.

Bằng không thì, bạn sẽ chỉ trốn vào thế giới ảo, và co rút trong cái vỏ “người hướng nội” ngoài đời thật để trốn tránh thực tế, trốn tránh trách nhiệm làm người, trốn tránh cái job phải phát triển bản thân để thành công trong đời thật. Mình chỉ có một đời để sống thật rạng rỡ. Đừng phí nó vào sự trốn tránh chớ!

Hướng nội thật sự là người có nhiều nội lực để thành công.

Tôi là người cực hướng nội, và hay nói với mọi người là nhốt tôi trong nhà 6 tháng không gặp ai tôi cũng OK. Nhưng khi ra public thì ai cũng tưởng tôi là người hướng ngoại vì học được kỹ năng giao tiếp.

Thế thôi! Chính khả năng có thể quay về với bản thân, an yên trong thực tại, quan sát cuộc sống và bình tĩnh nhìn đời đã giúp tôi có được ngày hôm nay. Nếu hỏi hướng nội có lợi không thì chắc tôi sẽ trả lời là lợi thế rất lớn của bất kỳ ai, nhất là trong thời đoạn này, khi thế giới và loài người đang rối lên với sự hỗn độn.

Người đời nông cạn, mình sâu sắc. Người đời lướt qua nhau trên bề mặt, mình kết nối sâu.

Người đời xài ChatGPT, mình vẫn giữ khả năng tư duy và suy nghĩ. I think, therefore I am –

Tôi suy nghĩ nên tôi tồn tại.

Chớ cái gì tôi cũng hỏi ông AI hết thì tôi thành con lười, thành nô lệ của trí tuệ nhân tạo, thành công dân hạng hai. Không còn biết suy nghĩ sâu, suy ngẫm về sự tồn tại và chữ why trong đời thì còn gì là con người nữa.

Cho nên, các bạn ạ, đời này thời này hướng nội nó lợi hại lắm, nó trở thành lợi thế cạnh tranh á. Cho nên, đừng xài nó một cách tiêu cực nữa. Hãy xem đó là lợi thế nếu bạn thật sự hướng nội. Còn nếu bạn đang là “người hướng nội fake” thì thôi đi nha.

Làm ơn đừng có dán nhãn lung tung để biện minh cho những sự không ổn của chính bản thân mình. Lo mà đi phát triển bản thân và sống một cuộc đời rực rỡ đi kìa.

Vậy mới gọi là sống chớ!

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Sức mạnh của những người hướng nội trong Marketing

Nếu như việc làm Marketing từng chỉ được gắn liền với những người thích giao tiếp hay năng động thì giờ đây bạn có thể suy nghĩ lại. Những người hướng nội (introverts) chính là những nhân tố tiềm ẩn đầy sức mạnh trong Marketing.

Sức mạnh của những người hướng nội trong Marketing
Sức mạnh của những người hướng nội trong Marketing

Tôi chưa bao giờ coi mình là người hướng nội cho đến khi tôi bắt đầu làm việc trong lĩnh vực Marketing.

Trước đây, khi tôi còn là một nhà phát triển (Developer), tôi cảm thấy mọi thứ khá ổn, tôi không cần phải tương tác với nhiều người, và hiển nhiên là có thể tự nạp lại năng lượng trong những khoảnh khắc yên tĩnh.

Tuy nhiên, kể từ khi chuyển sang công việc bán hàng và Marketing, mọi thứ đã thay đổi, tôi cần tương tác nhiều hơn, hoạt bát hơn và cần chủ động hơn.

Tôi thấy mình như đang ở trong một thế giới của những người hướng ngoại (extroverts), nơi ngôn ngữ cơ thể, phong cách làm việc và cả khả năng đóng góp đều rất quan trọng (vào thời điểm đó).

Nhưng ngành Marketing đã và đang thay đổi – và kéo theo đó là những người hướng nội ngày càng trở nên phù hợp và có nhiều giá trị hơn.

Trong một thời đại khi mà mọi thứ đều dựa trên dữ liệu, phân tích và khả năng kết nối với nhiều nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau, những năng lực vốn có của những người hướng nội đang thực sự phát huy tác dụng.

Thời khắc của những người hướng nội.

Trong suốt những năm làm việc trong ngành, tôi nhận thấy rằng marketing đang liên quan rất nhiều đến việc phân tích dữ liệu.

Gần 4 trong số 5 người làm Marketing chuyên nghiệp trên toàn cầu cho biết chất lượng của dữ liệu hiện là chìa khóa chính để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên hoạt động Marketing và trải nghiệm của khách hàng.

Sự thay đổi này đã mang lại nhiều thuận lợi cho những người hướng nội.

Dữ liệu không chỉ giúp những người hướng nội hiểu rõ hơn về quan điểm của họ (điều họ vốn rất đam mê), mà còn giúp doanh nghiệp phát triển dựa trên sự thật. Những người hướng nội vốn muốn lắng nghe và tiếp nhận tất cả thông tin trước khi đưa ra quyết định.

Ở bối cảnh làm marketing hiện tại, khi lắng nghe khách hàng để thấu hiểu họ và đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi của họ là chìa khía để phát triển thương hiệu và doanh nghiệp, những người hướng nội chính là những nhân tố tiềm ẩn nhiều sức mạnh to lớn.

Người hướng nội hoàn toàn phù hợp với bối cảnh Marketing hiện tại, nơi lắng nghe khách hàng là chìa khóa để tăng trưởng.

Để có thể giúp bạn hình dùng rõ hơn về điều này, hãy thử nhìn vào Gymshark, một thương hiệu chuyên về quần áo thể dục thể thao, thương hiệu này đã chuyển từ việc hành động theo “cảm tính” sang dành thời gian để lắng nghe khách hàng và đưa nhiều dữ liệu vào các quyết định của mình.

Việc tập trung vào phân tích này đã giúp thương hiệu hiểu được các hành vi phức tạp của khách hàng và thúc đẩy hiệu suất Marketing tổng thể.

Khi Gen Z sẽ sớm trở thành động lực mua sắm chính trên thị trường, nhóm người tiêu dùng hiện chiếm khoảng 1/3 dân số toàn cầu này cũng chính là “điểm tựa” để các marketer hướng nội phát huy sức mạnh.

Đối với Gen Z, một mẫu quảng cáo hấp dẫn dường như không có mấy tác dụng đến cách họ mua hàng, thay vào đó, để có thể xây dựng nên những mối quan hệ có ý nghĩa với thế hệ này, các doanh nghiệp cần thể hiện được giá trị thực tế của các sản phẩm và dịch vụ, tức những thứ đằng sau các mẫu quảng cáo hào nhoáng.

Với bản chất thích phân tích, thích lắng nghe và thấu hiểu suy nghĩ của người đối diện, những người hướng nội nên là một phần lựa chọn của doanh nghiệp.

Khai thác sức mạnh của những người hướng nội trong Marketing.

Tất nhiên, là một người hướng ngoại hay hướng nội không phải là tất cả những gì quyết định sự thành công trong marketing.

Điều quan trọng ở đây là đối với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, họ cần hiểu rõ nhân viên của mình để có thể giúp nhân viên phát huy tối đa sức mạnh tiềm ẩn vốn có.

Các tổ chức cần có được nhiều tiếng nói khác nhau, nhiều nhân cách khác nhau, nhiều loại năng lực khác nhau — và điều này phải luôn bao gồm cả từ những “tiếng nói thầm lặng”, từ những người vốn ngại giao tiếp nhưng lại rất hiểu những gì đang diễn ra.

Doanh nghiệp cần cho phép nhân viên của họ giao tiếp theo nhiều cách khác nhau, gửi thông điệp hay nội dung ở nhiều định dạng khác nhau, với mục tiêu là có thể giúp đảm bảo rằng mọi nhân viên đều được lắng nghe. (thay vì chỉ lắng nghe từ những người thích giao tiếp hay hướng ngoại).

Ngành công nghiệp Marketing đang trải qua nhiều sự thay đổi. Điều này vừa mang đến những thách thức lẫn cơ hội cho doanh nghiệp, tuy nhiên, điều cần thiết là các nhà lãnh đạo cần phải tập hợp nhiều loại tính cách khác nhau lại với nhau, đa dạng hơn, nhiều khía cạnh hơn, có như vậy doanh nghiệp mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường và gắn kết với nhiều nhóm khách hàng khác nhau với những mong muốn và sở thích khác nhau.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Nghiên cứu: Người hướng nội thực sự hiểu con người tốt hơn người hướng ngoại

Theo nghiên cứu mới nhất cửa Đại học Yale, người hướng nội (introvert) có khả năng thấu hiểu người khác tốt hơn người hướng ngoại (extrovert).

Người hướng nội thực sự hiểu con người tốt hơn người hướng ngoại
Getty Images

Nhiều người trong chúng ta có xu hướng nghĩ rằng các đặc điểm tính cách là tốt hoặc xấu.

Ví dụ, lo lắng nằm ở đâu đó giữa khó chịu và suy nhược.

Tính cách hướng ngoại thường giúp mọi người dễ dàng hơn trong việc tận hưởng cuộc sống và vươn lên.

Nhưng các nghiên cứu mới đây cho thấy mọi thứ gần như không đơn giản như vậy. Hầu hết mọi đặc điểm “tốt” cũng có nhược điểm của nó, và mọi đặc điểm “tiêu cực” đều có thể mang lại những lợi ích nhất định.

Chẳng hạn, lo lắng có thể khiến bạn không thể tận hưởng cuộc sống và chấp nhận những rủi ro một cách lành mạnh. Nhưng nó cũng giúp bạn an toàn và cải thiện trí nhớ.

Tính cách hướng nội cũng tương tự như vậy. Im lặng hơn chắc chắn là một bất lợi khi bạn muốn nổi bật trong một thế giới ồn ào.

Các nghiên cứu cho thấy rằng việc bạn nói nhiều có thể sẽ khiến mọi người cho rằng bạn là người có khả năng lãnh đạo – nhưng như nghiên cứu gần đây của Yale nhấn mạnh rằng việc bạn trở thành người hướng nội cũng có rất nhiều những lợi thế.

Nghiên cứu cho thấy những người hướng nội có thể không thích và tận hưởng hưởng cảm giác nhiều người nhiều như người hướng ngoại, nhưng họ hiểu họ hơn.

Những người nhút nhát thực sự có hiểu biết chính xác hơn nhiều về tâm lý của người khác so với những người dành nhiều thời gian cho việc giao tiếp xã hội.

Người hướng nội là “nhà tâm lý học tự nhiên”.

Các nhà tâm lý học đã dành nhiều thời gian và năng lượng để phát triển và thực hiện các nghiên cứu nhằm mục tiêu hiểu rõ hơn về sự phức tạp của hành vi con người.

Đầu tiên, các nhà nghiên cứu của Yale đã kiểm tra gần một nghìn tình nguyện viên tham gia vào nghiên cứu để xem liệu họ có thể trả lời chính xác đến mức nào các câu hỏi về các sự thật tâm lý vốn đã được chứng minh – những câu hỏi như “Mọi người làm việc chăm chỉ hơn theo nhóm hay theo cá nhân?” hoặc “Việc trút bỏ nỗi thất vọng lên một thứ gì đó có giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi tức giận không?”

Kết quả là. Sự nhút nhát và u sầu hoàn toàn vượt trội hơn so với sự vui vẻ và thân thiện.

Tại sao vậy? Nhà tâm lý học từ Yale cho rằng:

“Có thể là những người trầm lặng, sống nội tâm đang dành nhiều thời gian quan sát bản chất con người hơn những người đang bận rộn tương tác với người khác, hoặc họ xem xét nội tâm chính xác hơn vì họ có ít thành kiến hơn. Dù thế nào đi nữa, điều này cũng chứng tỏ một sức mạnh không thể chối bỏ của những người hướng nội.”

Một lợi thế khác của người hướng nội.

Như nhà tâm lý học Anton Gollwitzer lưu ý, có một loạt các bằng chứng tuyệt đối cho thấy rằng con người có xu hướng chọn những người thích trò chuyện và tự tin nhất trong số chúng ta để làm các nhà lãnh đạo.

Nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu, bao gồm cả nghiên cứu mới nhất này của Yale, cho thấy những người hướng nội mới thực sự là có lợi thế.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng những người hướng nội có xu hướng làm tốt hơn những người hướng ngoại khi gặp khủng hoảng.

Nghiên cứu này cho thấy họ cũng sâu sắc hơn khi hiểu động cơ và hành vi của người khác hơn, đó là một kỹ năng quan trọng để có thể lãnh đạo một cách hiệu quả.

Tất cả thời gian bạn dành để xem và băn khoăn về người khác có lẽ đã giúp bạn có thể hiểu biết về tâm trí con người ở một mức cao hơn.

Sở trường về “tâm lý học tự nhiên” này có thể sẽ là một bước tiến lớn nếu bạn chuyển sang đảm nhận các vai trò lãnh đạo.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh