Skip to main content

Thẻ: Hybrid Workplace

Hybrid là tương lai của thế giới làm việc và cộng tác

Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch, các mô hình làm việc kết hợp (hybrid) tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc cộng tác, ngay cả sau đại dịch.

Hybrid là tương lai của thế giới làm việc và cộng tác
Source: Forbes

COVID-19 đã làm thay đổi cách chúng ta làm việc và cộng tác.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu đã đẩy nhanh việc thích nghi các công cụ cũng như các cách thức phối hợp làm việc mới theo những cách chưa từng có. Đến tháng 4 năm 2020, khoảng một nửa số doanh nghiệp cho biết rằng hơn 80% nhân viên của họ làm việc tại nhà do sự ảnh hưởng của COVID-19.

Trong khi có không ít các công nghệ có thể hỗ trợ doanh nghiệp làm việc từ xa một cách hiệu quả, việc vận dụng các công nghệ đó vào thực tiễn doanh nghiệp vẫn khá khó khăn.

Ngay từ năm 1987, một số nghiên cứu đã xác định một số thách thức mà những phụ nữ phải đối mặt khi áp dụng công nghệ để làm việc tại nhà. Những khó khăn liên quan đến việc chăm sóc con cái, tách biệt giữa công việc và gia đình cũng như các cơ hội để phát triển bản thân.

Kể từ khi áp dụng mô hình làm việc từ xa, chúng ta rõ ràng là đã học được nhiều hơn về cộng tác ảo (virtual collaboration). Chúng ta cũng đang mong đợi những sự thay đổi mới trong tương lai sau đại dịch.

Như một kết quả tất yếu, mô hình làm việc kết hợp (hybrid) trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ – những nhân viên giờ đây, họ vừa làm việc trong văn phòng và vừa làm việc tại nhà qua môi trường ảo – đây sẽ là một mảnh ghép lớn của bức tranh làm việc tổng thể trong tương lai.

Một cuộc khảo sát vào tháng 4 năm 2021 cho thấy 99% các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực nhân sự cho biết nhân viên sẽ được làm việc theo mô hình kết hợp trong tương lai, theo một cách thức phù hợp nào đó.

Ứng dụng lưu trữ dữ liệu Dropbox đã chủ động thực hiện các thay đổi một cách thường xuyên trong suốt đại dịch, họ cho phép nhân viên làm việc tại nhà và tổ chức các cuộc họp nhóm tại văn phòng.

Định nghĩa về “Hybrid” hay “Kết hợp” hay “Hỗn hợp” là khác nhau ở mỗi tổ chức. Một số tổ chức thì để nhân viên làm việc xen kẻ vài ngày tại nhà, vài ngày tại văn phòng, một số tổ chức thì sắp xếp theo tính chất công việc.

Các doanh nghiệp khác có thể chỉ yêu cầu gặp mặt trực tiếp tại văn phòng cho những dịp đặc biệt hay những khoảng thời gian định kỳ, họ có thể chỉ gặp nhau một tháng hoặc một quý một lần.

Tuy nhiên, dù là bằng cách nào, các nghiên cứu cho thấy nhiều doanh nghiệp đã thất bại trong việc triển khai mô hình làm việc mới này.

Làm việc từ xa với làm việc tại văn phòng.

Làm việc tại văn phòng thúc đẩy tính có cấu trúc và minh bạch của doanh nghiệp, điều này có thể làm tăng sự tin tưởng giữa cấp quản lý và người lao động. Việc phát triển văn hóa tổ chức về cơ bản là sẽ diễn ra một cách tự nhiên.

Các cuộc trò chuyện thông thường trong văn phòng giữa các nhân viên với nhau có thể dẫn đến việc họ sẽ chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm với nhau, họ hỗ trợ nhau để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Những điều này thực sự khó khăn đối với môi trường ảo, vốn thường bị phụ thuộc vào việc phải đặt lịch trước nếu muốn trao đổi hoặc thực hiện các cuộc họp.

Tuy nhiên khi nhìn vào số liệu, làm việc tại nhà hiệu quả hơn nhiều so với làm việc tại văn phòng. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người làm việc từ xa báo cáo mức năng suất cao hơn và họ thích làm việc tại nhà hơn vì tính linh hoạt, họ cũng không phải tốn nhiều thời gian cho việc di chuyển.

Làm việc từ xa cũng tiết kiệm về chi phí. Tiết kiệm đáng kể chi phí cho không gian văn phòng, một trong những hạng mục tốn nhiều ngân sách nhất cho các tổ chức.

Mô hình làm việc kết hợp có thể kết hợp những gì tốt nhất của cả hai thế giới, thực và ảo.

Không có gì là hoàn hảo.

Làm việc kết hợp phải đối mặt với nhiều trở ngại tương tự như khi làm việc trực tiếp. Lập kế hoạch và giao tiếp kém, các cuộc họp không hiệu quả hoặc không cần thiết, hay mù mờ về trách nhiệm công việc xảy ra với cả mô hình làm việc trực tiếp lẫn từ xa.

Có lẽ vấn đề lớn nhất khi làm việc tại nhà đó là những lo ngại về yếu tố công nghệ và bảo mật. Khi sử dụng mạng gia đình (Home networks), bạn đang tạo điều kiện nhiều hơn cho các cuộc tấn công mạng, điều này rất khó xảy ra nếu sử dụng mạng doanh nghiệp.

Những người làm việc từ xa cũng có nhiều khả năng chia sẻ máy tính cá nhân của họ với người khác bên ngoài tổ chức hơn. Các tổ chức áp dụng mô hình làm việc kết hợp phải đấu tranh để giải quyết các vấn đề phức tạp và thường tốn kém này.

Với mô hình làm việc kết hợp, người quản lý khó có thể nhìn thấy công việc đang diễn ra. Điều này có nghĩa là họ phải đo lường hiệu suất của nhân viên dựa trên kết quả với các thước đo hiệu suất cụ thể hơn thay vì tập trung vào hành vi của nhân viên.

Một cạm bẫy tiềm ẩn khác với các mô hình làm việc kết hợp đó là sự tăng lên của việc hiểu lầm hoặc truyền thông sai lệch giữa những người ở văn phòng và những người ở nhà.

Thiết lập một môi trường làm việc kết hợp (hybrid environment).

Có rất nhiều lời khuyên liên quan đến việc xây dựng một môi trường làm việc kết hợp hiệu quả. Dưới đây là một số ý tưởng bạn có thể tham khảo.

Việc thực hiện các cuộc họp quá thường xuyên hoặc họp không có mục đích rõ ràng thường dẫn đến sự mệt mỏi và kiệt sức. Không phải ai cũng cần phải có mặt tại mọi cuộc họp và các nhà lãnh đạo cũng nên khéo léo để đảm bảo không ai cảm thấy bị bỏ rơi.

Thay vì tốn thời gian tham dự các cuộc họp không cần thiết, nhân viên có thể tăng năng suất và có nhiều thời gian hơn để tập trung vào các công việc phức tạp khác của họ.

Lắng nghe nhân viên là một trong những kỹ năng quan trọng nhất để đảm bảo một môi trường làm việc kết hợp có thể thể hiện được sức mạnh của nó. Bạn nên liên tục tìm kiếm sự phản hồi, có thể là thông qua các cuộc trò chuyện trực tiếp, thảo luận nhóm tập trung hay khảo sát nhân viên.

Công nhận và khen thưởng nhân viên cho các thành tích của họ liên quan đến việc làm việc trực tiếp lẫn từ xa cũng là cách mà các nhà lãnh đạo nên làm.

Cả người quản lý và nhân viên đều phải minh bạch trong giao tiếp và có nhận thức đầy đủ về mô hình làm việc kết hợp. Các chính sách cũng phải được đưa ra để xác định nhiệm vụ nào xảy ra trong văn phòng và nhiệm vụ nào được thực hiện từ xa.

Tất cả nhân viên phải nhận được cùng một thông tin giống nhau tại cùng một thời điểm và kịp thời. Vì dù sao thì, cho dù họ đang làm việc ở văn phòng hay trực tuyến, người lao động không bao giờ muốn cảm thấy họ là người cuối cùng được biết.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Hybrid Workplace: Top 3 kỹ năng mềm cần có trong các môi trường làm việc kết hợp

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) cho biết những năng lực này này sẽ trở nên quan trọng hơn trong những năm tới.

Với việc ngày càng có nhiều người lao động quay trở lại làm việc, mô hình làm việc kiểu kết hợp (hybrid) đang ngày càng chứng tỏ nhiều lợi thế của nó.

Nó sẽ cho phép người sử dụng lao động xoay sở nhanh chóng hơn, nếu chúng ta buộc phải quay trở lại chế độ ‘đóng cửa’ trong tương lai.

Hơn nữa, nó cũng phù hợp với những gì mà người lao động muốn. Giờ đây, sau nhiều lần trải nghiệm chế độ làm việc kết hợp, tính linh hoạt là một trong những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều người lao động.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thực tế và thừa nhận rằng việc hướng tới một phương thức làm việc mới đồng nghĩa với việc người lao động cần phát triển một bộ kỹ năng mới.

Vậy, những kỹ năng cốt lõi nào mà người lao động cần phát triển trong một môi trường làm việc kết hợp?

Trong báo cáo Future of Jobs 2020 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, một loạt các kỹ năng được gọi là “kỹ năng hàng đầu” mà một nhân viên cần để thành công trong tương lai tại nơi làm việc đã được chỉ ra.

Dưới đây là một số kỹ năng mềm bạn cần để bước tiếp tới tương lai.

TRÍ THÔNG MINH CẢM XÚC.

Trí thông minh cảm xúc (EQ) không nhất thiết phải là thứ mà bạn sinh ra đã có. Đó là một kỹ năng có thể được phát triển với những nỗ lực nhất quán. EQ là một trong những kỹ năng tuyệt vời nếu bạn không phải đối mặt với ai đó.

Khi chúng ta nói chuyện qua môi trường ảo, chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến giọng điệu của mình, giải thích ngữ cảnh và phát triển nhận thức về cách chúng ta đang thể hiện.

Có một lý do tại sao văn bản (text) và email đôi khi bị hiểu sai. Đó là bởi vì ngữ cảnh và cách chúng ta trình bày điều gì đó thường quan trọng tương đương với những gì mà chúng ta muốn nói.

Phát triển EQ của chúng ta là điều quan trọng để hiểu các hành động và hành vi của chúng ta có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Nếu chúng ta học cách hiểu cảm xúc của mình tốt hơn, chúng ta sẽ ít có nguy cơ bị ‘chiếm đoạt’ cảm xúc hơn.

Chúng ta cũng có thể cân bằng tốt hơn giữa nhận thức xã hội với quản lý mối quan hệ.

Ví dụ, chúng ta bắt đầu hiểu cách đưa sự đồng cảm của mình vào những tình huống khó khăn và chúng ta tập trung vào sự rõ ràng của giao tiếp.

Để bắt đầu xây dựng EQ của bạn, hãy chú ý đến sự tự nhận thức của bạn (self-awareness).

Những người có khả năng tự nhận thức có thể hiểu được cảm xúc của họ tốt hơn và do đó, họ có thể hiểu và quản lý trạng thái cảm xúc của người khác tốt hơn.

LÃNH ĐẠO VÀ ẢNH HƯỞNG XÃ HỘI.

Khi bạn là một nhà lãnh đạo thành công, bạn vượt lên trên tất cả mọi thứ như quyền lực hay các chức danh trong công việc.

Hành trình để trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại thường mang tính cá nhân rất cao, trong đó bạn phát triển những điểm mạnh cốt lõi, kiểm soát điểm yếu và học cách ảnh hưởng đến người khác theo cách của riêng bạn.

Nếu bạn nghĩ về những nhà lãnh đạo vĩ đại, hoặc những người mà bạn cảm thấy được truyền cảm hứng, một phần lý do khiến bạn ngưỡng mộ họ có thể là vì họ là những người thực sự muốn tạo ra sự thay đổi tích cực.

Bạn không thể học khả năng lãnh đạo chỉ từ sách giáo khoa hoặc bằng cách đạt được một danh hiệu hoặc một chức danh nào đó.

Khả năng lãnh đạo và khả năng ảnh hưởng đến người khác là kết quả của việc thấu hiểu người khác. Nếu chúng ta dành thời gian để phát triển điều này, thì việc ảnh hưởng đến người khác sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa lãnh đạo ở tất cả các cấp của tổ chức — từ nhân viên cấp dưới đến các CEO. Là một nhà lãnh đạo, bạn không thể tự mình làm mọi thứ trong một thế giới kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng.

Bạn cần một đội nhóm tự nắm quyền làm chủ, huấn luyện và giúp đỡ nhau cùng nhau vượt qua những khó khăn, duy trì năng lượng của nhau.

PHÁT TRIỂN CÁC SÁNG KIẾN TỪ BÊN TRONG.

Trong tương lai của thế giới công việc, khi tốc độ phát triển của công nghệ mới ngày càng trở nên nhanh chóng, các doanh nghiệp có nguy cơ trở nên không còn phù hợp sẽ ngày càng nhiều hơn so với trước đây.

Chúng ta phải nhận ra rằng những cách làm việc cũ và với những tư duy cũ sẽ không còn hiệu quả. Các doanh nghiệp cần đội ngũ những người có thể suy nghĩ sáng tạo và luôn chủ động đổi mới trong vai trò của chính họ.

“Intrapreneurship” hay ‘Tinh thần doanh nhân” theo đó, là một trong những kỹ năng hàng đầu của một nhân viên mà tổ chức cần.

Intrapreneurship là hệ thống các nguyên tắc khởi nghiệp, trong đó một nhân viên suy nghĩ và hành động như một doanh nhân thực thụ.

Intrapreneur là người chịu trách nhiệm đổi mới ý tưởng, sản phẩm và quy trình mới hoặc bất kỳ phát minh mới nào trong tổ chức.

Để nhân viên cảm thấy thoải mái với điều này, các doanh nghiệp cần tạo ra môi trường, nơi bất kỳ người nào trong tổ chức đều cảm thấy rằng họ có thể, doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận rủi ro trong khuôn khổ và nhân viên sẵn sàng chấp nhận trách nhiệm về phần mình.

Nếu bạn nỗ lực để phát triển tất cả những kỹ năng nói trên, bạn sẽ là một phần của tương lai, nơi các chủ doanh nghiệp luôn chào đón bạn.

Bạn trở nên giỏi hơn trong việc giải quyết các vấn đề và chủ động hơn trong việc học hỏi và phát triển.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Hybrid Workplace – Mô hình làm việc hiện đại của tương lai

Mô hình kết hợp làm việc từ xa và tại văn phòng (hybrid workplace) được doanh nghiệp áp dụng một cách linh hoạt để tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng và hiệu suất công việc.

Hàng loạt doanh nghiệp áp dụng hybrid working.

Từ khi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát vào tháng 5/2021, FPT áp dụng chế độ làm việc từ xa 100% đối với 6 tỉnh, thành phố có dịch; những nơi còn lại áp dụng hybrid working.

Trước đó, FPT duy trì làm việc từ xa toàn Tập đoàn ở mức 62%, nhiều công ty con áp dụng hybrid working như FPT Education (67%) FPT Telecom (64%), FPT Software (62%)…

Fiin Credit – một start-up trong lĩnh vực tài chính số – cũng áp dụng chế độ làm việc luân phiên: 20% ở văn phòng, 80% làm việc từ xa. Ngoài ra, rất nhiều nhiều ngân hàng, công ty bất động sản, start-up đã bắt đầu áp dụng chế độ làm việc hybrid working.

Theo số liệu từ ASUS Việt Nam, 75% doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng làm việc từ xa trong đại dịch Covid-19; khoảng 82% doanh nghiệp đã ban hành chính sách làm việc linh động cho nhân viên và 66% nhân viên cho biết, chính sách làm việc linh hoạt đã được áp dụng tại nơi làm việc của họ.

Báo cáo mới nhất của Microsoft về xu hướng “Làm việc kết hợp – Hybrid Workplace” cho thấy, tại Việt Nam, 81% người lao động muốn tiếp tục làm việc từ xa, trong khi 77% mong gặp lại đồng nghiệp nơi văn phòng.

Để đáp ứng nhu cầu của cả 2 nhóm, chỉ có môi trường làm việc linh hoạt mới giúp họ an tâm, dù làm việc ở nhà hay đến công sở trong mùa dịch.

Tại Microsoft, nhân viên linh hoạt lựa chọn làm việc từ xa với thời lượng dưới 50% tổng số giờ làm việc.

Google cho biết, 10% nhân viên của họ hoàn toàn không muốn đến văn phòng trong tương lai; 15% cho biết, họ chỉ thấy cần đến văn phòng khi có việc cần hoặc sự kiện đặc biệt; 62% muốn thỉnh thoảng đến văn phòng chứ không muốn đến mỗi ngày.

Trong khi đó, Facebook khẳng định, khoảng 50% nhân viên có thể làm việc từ xa trong 5 – 10 năm tới, còn Twitter cho phép một số nhân viên tiếp tục làm việc tại nhà “vĩnh viễn”, nếu họ lựa chọn.

Có thể thấy, hybrid working không chỉ thể hiện tính hiệu quả và cần thiết ở Việt Nam, mà đang là xu thế toàn cầu.

Bà Phan Tú Quyên, Giám đốc Marketing và Vận hành của Microsoft Việt Nam chia sẻ:

“Chúng ta đang đứng trước một sự thay đổi lớn trên toàn cầu. Năm ngoái, cả thế giới đột ngột phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa, thì bây giờ, là mô hình làm việc kết hợp – cho phép một số nhân viên trở lại văn phòng và số khác tiếp tục làm việc tại nhà.

Chúng tôi tin rằng, hybrid workplace sẽ là một sự tham khảo cho mô hình làm việc linh hoạt và hiệu quả, giúp các doanh nghiệp bước vào kỷ nguyên cộng tác và sáng tạo mới.”

Xu hướng tất yếu trong tương lai.

Thực tế cho thấy, mô hình kết hợp làm việc tại nhà với đến văn phòng không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mặt bằng, mà còn giúp người lao động có thêm thời gian cho gia đình khi không phải mất thời gian di chuyển tới nơi làm việc.

Không chỉ hiệu quả trong mùa dịch, thậm chí khi dịch bệnh được khống chế, nhiều doanh nghiệp có thể áp dụng duy trì 25% chỗ ngồi cứng tại văn phòng, 75% làm từ xa theo hình thức luân phiên.

Bà Hà Lâm Tú Quỳnh, Giám đốc truyền thông Google châu Á – Thái Bình Dương, phụ trách Việt Nam cho biết, hình thức làm việc từ xa, làm việc tại nhà xuyên quốc gia tại Google đã được áp dụng từ lâu.

Google có hệ thống đánh giá chất lượng, tiến độ công việc của nhân viên, nên điều lo lắng nhất khi làm việc từ xa không phải hiệu suất, mà là làm sao để nhân viên cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

“Công ty cũng đặc biệt quan tâm đến tâm lý của nhân viên khi phải làm việc từ xa. Họ sắp xếp đội ngũ bác sĩ tâm lý, tăng ngày nghỉ phép để đảm bảo nhân viên không bị khủng hoảng tâm lý khi phải rời xa văn phòng.

Chúng tôi làm ít mà thành nhiều, ưu tiên và tập trung 3 – 5 dự án lớn, quan trọng. Nhờ đó, chất lượng công việc tăng hơn 50% trước đại dịch”, bà Quỳnh chia sẻ.

Khẳng định hybrid working hay làm việc từ xa là xu hướng chung của toàn thế giới và chúng ta phải thích nghi, nhưng ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty FPT Telecom cũng lưu ý, để áp dụng 2 hình thức này, doanh nghiệp phải đầu tư và chuẩn bị kỹ càng, sẵn sàng cả về công nghệ, nhân lực, bảo mật…

Theo đó, doanh nghiệp nên lựa chọn hình thức phù hợp với nguồn lực, tình hình thực tế của mình để áp dụng, chứ không nên quá nóng vội.

Bởi thống kê cho thấy, có tới 70% kiến thức, kỹ năng học được từ làm việc trực tiếp với nhau, nên làm việc từ xa không thể đào tạo được nhân viên.

Ông Lữ Thành Long, Chủ tịch Misa cũng nhấn mạnh, làm việc ở nhà không thể đạt hiệu quả như làm việc tại công ty.

“Ngay sau khi dịch bệnh diễn ra, Ban lãnh đạo phải ngồi lại để tìm hiểu văn hóa làm việc của người Á Đông, của nhóm nhân viên trẻ, đảm bảo mọi người làm việc ở nhà có cảm giác là mình đang làm việc, chứ không phải đang ở nhà.

Nhiều biện pháp được đưa ra, như điểm danh trực tuyến, yêu cầu nhân viên ăn mặc chỉnh chu, ngồi trước bàn làm việc, bật camera, chào hỏi nhau… như đang làm việc tại cơ quan.” ông Long chia sẻ.

Với kinh nghiệm thực tế áp dụng hybrid working tại doanh nghiệp, bà Trần Thị Hồng Vân, Giám đốc điều hành AvePoint Global – Việt Nam cho biết:

“Có nhiều yếu tố để cân nhắc lựa chọn mô hình làm việc, nhưng chắc chắn, hybrid working sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai, nên dù doanh nghiệp chưa sử dụng, thì cũng hãy chuẩn bị sẵn sàng. Đối với nhân viên, giá trị của họ thể hiện bằng chất lượng công việc, chứ không phải sự hiện diện của họ.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Nam Nguyen