Skip to main content

Thẻ: lọi thế cạnh tranh

Competitive Advantage: Khi nào dữ liệu có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh (P2)

Không ít người làm marketing cho rằng, khi doanh nghiệp càng có nhiều khách hàng, họ càng có thể thu thập thêm nhiều dữ liệu (Data) và khi phân tích nhiều hơn các dữ liệu này họ càng có thể thu hút thêm được nhiều khách hàng hơn, đồng thời có thể tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây là một tư duy sai lầm.

Competitive Advantage: Khi dữ liệu có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh
Competitive Advantage: Khi dữ liệu có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh

Nhiều marketer và nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng họ có thể sử dụng năng lực về dữ liệu khách hàng (customer data) để tạo ra hay giành lấy các lợi thế cạnh tranh lớn.

Bằng cách có càng nhiều khách hàng, họ càng có thể thu thập nhiều dữ liệu hơn và từ những dữ liệu đó, khi được phân tích bằng các công cụ máy học hoặc trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép họ cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ tối ưu hơn để từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi này là loại bỏ các đối thủ cạnh tranh của mình giống như cách mà các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mạng lưới lớn có thể làm với các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, thực tế là nhiều người làm marketing và kinh doanh một mặt đánh giá quá cao sức mạnh của các dữ liệu khách hàng nói chung, mặt khác họ chưa phân biệt được khi nào thì các dữ liệu khách hàng thực sự có thể giúp xây dựng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trong ngành.

Trong khi lợi thế có được khi có nhiều khách hàng và dữ liệu hơn trông có vẻ hoạt động giống với các mô hình nền tảng hay mạng lưới (platforms, networks), trong đó một sản phẩm ví dụ như nền tảng mạng xã hội – sẽ trở nên có giá trị hơn khi có nhiều người sử dụng nó hơn và cuối cùng, khi nền tảng thu hút được một lượng lớn người dùng, điều này khiến các đối thủ khó thâm nhập và cạnh tranh hơn.

Nhưng trong thực tế, sức mạnh có được từ các mô hình mạng lưới thường tồn tại lâu hơn và có xu hướng mạnh hơn. Để thiết lập vị thế cạnh tranh, doanh nghiệp vừa cần có các hiệu ứng theo kiểu mạng lưới vừa phải liên tục học tập dựa trên dữ liệu (data-enabled learning). Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp có thể phát triển cả hai.

Trong những điều kiện thích hợp, dữ liệu có được từ khách hàng có thể giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống phòng thủ cạnh tranh (competitive defenses), ngay cả khi không có hiệu ứng kiểu mạng lưới.

Trong bài viết này, hãy cùng phá xem, để dữ liệu có thể mang lại lợi thế cạnh tranh hay giúp xây dựng hệ thống phòng thủ cạnh tranh, dữ liệu được thu thập từ khách hàng cần có những điều kiện gì và doanh nghiệp liệu có thể tận dụng nó ra sao.

Tiếp phần 2.

(Bạn có thể xem lại phần 1 tại: Khi nào dữ liệu có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh (P1)

4. Dữ liệu của doanh nghiệp có phải là dữ liệu độc quyền không? Có nghĩa là dữ liệu đó không thể mua từ các nguồn khác, không thể sao chép dễ dàng.

Về bản chất, việc có được các dữ liệu khách hàng duy nhất (unique customer data) với ít hoặc không có dữ liệu thay thế là rất quan trọng để tạo ra một rào cản có thể bảo vệ được thương hiệu hay xây dựng được các lợi thế cạnh tranh cho thương hiệu.

Adaviv là một công ty khởi nghiệp ở khu vực Boston chuyên cung cấp hệ thống quản lý cây trồng cho phép người trồng liên tục theo dõi tình trạng của cây cối.

Hệ thống này dựa trên AI (trí tuệ nhân tạo), phần mềm thị giác máy tính (computer vision) và kỹ thuật ghi nhận dữ liệu độc quyền khác có thể theo dõi các kết quả sinh trắc mà mắt người không thể nhìn thấy, chẳng hạn như các dấu hiệu ban đầu của bệnh hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng.

Sau đó, hệ thống sẽ chuyển dữ liệu thành các thông tin chuyên sâu (insights) mà người trồng trọt có thể sử dụng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và từ đó cải thiện năng suất.

Adaviv phục vụ càng nhiều người trồng trọt thì phạm vi các biến thể, điều kiện nông nghiệp và các yếu tố khác mà Adaviv có thể tìm hiểu càng rộng và cũng từ đây những dự báo của Adaviv cho khách hàng mới và khách hàng hiện tại càng chính xác.

Những dữ liệu này của Adaviv có thể gọi là độc quyền, ít có khả năng mua từ bên ngoài hay sao chép, chính các dữ liệu này đã mang lại những lợi thế cạnh tranh đặc biệt cho doanh nghiệp.

Ở một khía cạnh khác, với sự tiến bộ ngày càng lớn của công nghệ, nhiều dữ liệu khác lại có thể được thay thế một cách dễ dàng. Một ví dụ điển hình đó là các phần mềm nhận dạng giọng nói (speech-recognition).

Trước đây, người dùng cần đào tạo phần mềm để nó hiểu giọng nói và kiểu giọng nói của từng cá nhân và càng sử dụng nhiều thì phần mềm càng trở nên chính xác.

Thị trường này từng bị chi phối và thống trị bởi một số ít các doanh nghiệp. Tuy nhiên, như đã phân tích khi các công nghệ hỗ trợ như trí tuệ nhân tạo hay học máy càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn, hệ thống này có thể được đào tạo dựa trên các bộ dữ liệu giọng nói có sẵn công khai và chỉ mất một khoảng thời gian ngắn để học cách hiểu giọng nói của từng cá nhân.

Những tiến bộ này đã cho phép nhiều doanh nghiệp khác cung cấp các ứng dụng nhận dạng giọng nói mới (dịch vụ chăm sóc khách hàng tự động qua điện thoại, trợ lý ảo…) và hiển nhiên, các dữ liệu mà doanh nghiệp có được khi này không thể là rào cản bảo vệ chính doanh nghiệp.

5. Độ khó của việc bắt chước sản phẩm (cải tiến sản phẩm) dựa trên các dữ liệu khách hàng ra sao?

Ngay cả khi dữ liệu khách hàng có được là duy nhất hoặc độc quyền và tạo ra những hiểu biết có giá trị, thì chúng cũng khó xây dựng được các lợi thế cạnh tranh bền vững nếu những cải tiến về sản phẩm có được có thể bị đối thủ cạnh tranh sao chép mà không cần phải có các dữ liệu tương tự.

Dưới đây là một số yếu tố mà doanh nghiệp có thể cân nhắc và đánh giá về điều này.

  • Liệu những cải tiến của sản phẩm có thể được giấu kín hoặc liên quan đến một quy trình sản xuất phức tạp khiến chúng khó bị sao chép hay không?

Pandora, một dịch vụ phát nhạc trực tuyến là thương hiệu đã được hưởng lợi từ rào cản này. Sản phẩm của Pandora tận dụng hàng loạt các dịch vụ độc quyền và phân loại hàng triệu bài hát trên cơ sở khoảng 450 thuộc tính khác nhau, điều này cho phép Pandora tùy chỉnh các đài phát thanh (radio stations) theo sở thích của từng người dùng.

Người dùng càng nghe nhiều từ đài của họ và xếp hạng các bài hát cao hoặc thấp, thì Pandora càng có thể điều chỉnh các lựa chọn âm nhạc phù hợp với người dùng đó.

Các đối thủ khác không thể dễ dàng bắt chước vì quá trình này gắn liền sâu sắc với nhiều sản phẩm và dịch vụ độc quyền.

  • Các insight có được từ dữ liệu khách hàng thay đổi nhanh đến mức nào. Insight thay đổi càng nhanh thì đối thủ càng khó bắt chước.

Ví dụ: nhiều tính năng thiết kế của giao diện Google Maps có thể dễ dàng bị sao chép (sự thật là Apple Maps và một số ứng dụng khác đã sao chép).

Nhưng một phần quan trọng khác trong hệ giá trị của Google Maps đó là khả năng dự báo lượng traffic và đề xuất các tuyến đường tối ưu, tính năng này khó sao chép hơn nhiều vì nó tận dụng dữ liệu người dùng theo thời gian thực, thứ mà sẽ trở nên vô giá trị trong một thời điểm khác (thậm chí là vài phút sau đó).

Chỉ những doanh nghiệp có một lượng dữ liệu lớn từ người dùng mới có thể cạnh tranh với Google (và cả Apple).

6. Dữ liệu khách hàng có được từ một người dùng chỉ giúp cải thiện sản phẩm cho chính người dùng đó hay cho cả những tập người dùng khác?

Lý tưởng nhất là dữ liệu có được vừa giúp chính người dùng đó lẫn những người dùng hay khách hàng khác.

Khi dữ liệu từ một người dùng chỉ giúp cải thiện sản phẩm cho chính người đó, doanh nghiệp có thể tùy chỉnh riêng cho từng người dùng, tuy nhiên, chi phí cho điều này thường là không hề nhỏ.

Ngược lại, khi dữ liệu từ một người dùng lại có thể giúp cải thiện sản phẩm cho cả những người dùng khác, điều này cuối cùng có thể tạo ra thứ được gọi là “hiệu ứng mạng lưới” mà MarketingTrips đã đề cập đến khá nhiều lần trong phần 1.

Trong khi cả 2 loại dữ liệu đều giúp tạo ra các rào cản gia nhập (đối với các đối thủ), loại dữ liệu thứ 2 lại mang lại lợi thế lớn trong việc tìm kiếm các khách hàng mới.

Ví dụ: Pandora, mặc dù là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực phát nhạc trực tuyến nhưng sau đó đã bị tụt lại phía sau so với Spotify và Apple Music.

Như đã phân tích, các dữ liệu có được giúp Pandora điều chỉnh các bài hát theo từng sở thích cá nhân của người dùng, tuy nhiên vì mỗi người có một sở thích và hành vi khác nhau, Pandora không thể tận dụng dữ liệu cũ (của từng người dùng hiện tại) để tìm kiếm hay áp vào các khách hàng khác.

Ngược lại, Spotify và Apple Music tập trung nhiều hơn vào việc cung cấp cho người dùng các tính năng chia sẻ và khám phá, chẳng hạn như khả năng tìm kiếm và nghe những bài hát yêu thích của người khác, điều này giúp tạo ra một hiệu ứng mạng lưới trực tiếp và thu hút thêm khách hàng mới.

Dịch vụ của Pandora vẫn chỉ khả dụng ở Mỹ (nơi có lượng người dùng trung thành cao), trong khi Spotify và Apple Music đã trở thành những thương hiệu toàn cầu.

Pandora đã được Sirius XM mua lại với giá 3,5 tỷ USD vào tháng 2 năm 2019, Spotify thì đã trở thành công ty đại chúng vào tháng 4 năm 2018 và tính đến đầu tháng 11 năm 2019, giá trị của Spotify là 26 tỷ USD.

Bài học mà người làm marketing và kinh doanh có thể rút ra là gì, trong khi khả năng tùy chỉnh sản phẩm (hay dịch vụ) dựa trên việc học hỏi từ dữ liệu của một người dùng riêng lẻ giúp giữ chân các khách hàng hiện tại, nhưng nó lại không thể dẫn đến kiểu tăng trưởng theo cấp số nhân mà hiệu ứng mạng lưới có thể tạo ra.

7. Các insight có được từ dữ liệu người dùng có thể được tích hợp vào sản phẩm nhanh đến mức nào?

Các chu kỳ học tập và thay đổi nhanh chóng khiến các đối thủ cạnh tranh khó bắt kịp, đặc biệt nếu có nhiều chu kỳ cải tiến sản phẩm được diễn ra trong một hành trình khách hàng sử dụng và trải nghiệm sản phẩm.

Ngược lại, nếu phải mất nhiều năm hoặc phải dự vào các thế hệ sản phẩm mới để áp dụng việc cải tiến dựa trên dữ liệu, các đối thủ cạnh tranh hiện có sẽ có nhiều cơ hội hơn để đổi mới và bắt đầu thu thập dữ liệu người dùng của riêng họ.

Từ góc nhìn này, các lợi thế cạnh tranh có được từ dữ liệu khách hàng sẽ trở nên mạnh hơn khi việc học hỏi từ khách hàng sẽ nhanh chóng được chuyển thành các cải tiến sản phẩm cho chính những khách hàng đó thay vì chỉ dành cho khách hàng tương lai.

KẾT LUẬN.

Ngay cả khi với các sản phẩm tiêu dùng bình thường cũng có thể trở nên thông minh và có ý nghĩa hơn, ví dụ như các thế hệ quần áo mới giờ đây có thể phản ứng lại với các điều kiện thời tiết khác nhau, theo dõi số dặm di chuyển và hơn thế nữa.

Việc học tập dựa trên dữ liệu từ đó sẽ được sử dụng để nâng cao và cá nhân hóa ngày càng nhiều các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, doanh nghiệp hay thương hiệu sẽ không thể xây dựng được vị thế cạnh tranh tốt hay tạo ra các rào cản gia nhập ngành với các đối thủ nếu những giá trị được tạo ra từ dữ liệu không đủ lớn và bền vững, nếu dữ liệu không phải là độc quyền, đối thủ dễ dàng sao chép các cải tiến của sản phẩm hay không thể tạo ra các hiệu ứng tăng trưởng kiểu mạng lưới.

Trong những thập kỷ tới, việc cải thiện các sản phẩm và dịch vụ từ dữ liệu khách hàng sẽ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tiếp tục ở lại thị trường, hay được xem là rào cản cạnh tranh so với các doanh nghiệp mới.

Những doanh nghiệp tốt và có giá trị nhất trong tương lai gần sẽ là những doanh nghiệp vừa được xây dựng dựa trên hiệu ứng mạng lưới (Network/Platforms Effects) vừa được thúc đẩy (và bảo vệ) bằng cách học hỏi liên tục dựa trên dữ liệu. Alibaba, Amazon, App Store của Apple và các nền tảng mạng xã hội như Facebook là những minh chứng sống.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Competitive Advantage: Khi nào dữ liệu có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh (P1)

Không ít người làm marketing cho rằng, khi doanh nghiệp càng có nhiều khách hàng, họ càng có thể thu thập thêm nhiều dữ liệu (Data) và khi phân tích nhiều hơn các dữ liệu này họ càng có thể thu hút thêm được nhiều khách hàng hơn, đồng thời có thể tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh hơn, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, đây là một tư duy sai lầm.

Competitive Advantage: Khi dữ liệu có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh
Competitive Advantage: Khi dữ liệu có thể xây dựng lợi thế cạnh tranh

Nhiều marketer và nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng họ có thể sử dụng năng lực về dữ liệu khách hàng (customer data) để tạo ra hay giành lấy các lợi thế cạnh tranh lớn.

Bằng cách có càng nhiều khách hàng, họ càng có thể thu thập nhiều dữ liệu hơn và từ những dữ liệu đó, khi được phân tích bằng các công cụ máy học hoặc trí tuệ nhân tạo (AI), cho phép họ cung cấp một sản phẩm hoặc dịch vụ tối ưu hơn để từ đó thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Mục tiêu chính của doanh nghiệp khi này là loại bỏ các đối thủ cạnh tranh của mình giống như cách mà các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình mạng lưới lớn có thể làm với các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, thực tế là nhiều người làm marketing và kinh doanh một mặt đánh giá quá cao sức mạnh của các dữ liệu khách hàng nói chung, mặt khác họ chưa phân biệt được khi nào thì các dữ liệu khách hàng thực sự có thể giúp xây dựng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trong ngành.

Trong khi lợi thế có được khi có nhiều khách hàng và dữ liệu hơn trông có vẻ hoạt động giống với các mô hình nền tảng hay mạng lưới (platforms, networks), trong đó một sản phẩm ví dụ như nền tảng mạng xã hội – sẽ trở nên có giá trị hơn khi có nhiều người sử dụng nó hơn và cuối cùng, khi nền tảng thu hút được một lượng lớn người dùng, điều này khiến các đối thủ khó thâm nhập và cạnh tranh hơn.

Nhưng trong thực tế, sức mạnh có được từ các mô hình mạng lưới thường tồn tại lâu hơn và có xu hướng mạnh hơn. Để thiết lập vị thế cạnh tranh, doanh nghiệp vừa cần có các hiệu ứng theo kiểu mạng lưới vừa phải liên tục học tập dựa trên dữ liệu (data-enabled learning). Tuy nhiên, có rất ít doanh nghiệp có thể phát triển cả hai.

Trong những điều kiện thích hợp, dữ liệu có được từ khách hàng có thể giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống phòng thủ cạnh tranh (competitive defenses), ngay cả khi không có hiệu ứng kiểu mạng lưới.

Trong bài viết này, hãy cùng phá xem, để dữ liệu có thể mang lại lợi thế cạnh tranh hay giúp xây dựng hệ thống phòng thủ cạnh tranh, dữ liệu được thu thập từ khách hàng cần có những điều kiện gì và doanh nghiệp liệu có thể tận dụng nó ra sao.

Năng lực thu thập và sử dụng dữ liệu đã thay đổi mạnh nhờ vào công nghệ.

Về bản chất, các doanh nghiệp được xây dựng trên dữ liệu đã có từ rất lâu, ví dụ các đơn vị tổng hợp thông tin như Thomson Reuters hay Bloomberg.

Các doanh nghiệp này được “bảo vệ” bởi các rào cản gia nhập ngành đáng kể do tính kinh tế theo quy mô liên quan đến việc thu thập và cấu trúc một lượng dữ liệu khổng lồ, tuy nhiên, mô hình kinh doanh của họ không liên quan đến việc thu thập dữ liệu từ khách hàng và khai thác các dữ liệu đó để thấu hiểu khách hàng hay tối ưu sản phẩm (và dịch vụ).

Thu thập thông tin khách hàng và sử dụng các thông tin đó để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ tốt hơn không phải là một chiến lược mới, nhưng quá trình này trước đây diễn ra khá chậm, bị giới hạn về phạm vi và khó mở rộng quy mô.

Đối với các nhà sản xuất ô tô, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và nhiều nhà sản xuất truyền thống khác, nó đòi hỏi doanh nghiệp phải thu thập dữ liệu bán hàng (sales data), tiến hành khảo sát khách hàng và cả việc tổ chức các nhóm phỏng vấn tập trung (focus groups).

Dữ liệu bán hàng thường là dữ liệu bán hàng tổng hợp, tức không liên kết với khách hàng cá nhân và vì các cuộc khảo sát và nhóm tập trung lại rất tốn kém cả ngân sách và thời gian nên dữ liệu có được đa phần là dữ liệu từ một lượng nhỏ khách hàng.

Tuy nhiên, điều này sau đó đã thay đổi đáng kể với sự ra đời của các đám mây công nghệ (Cloud Computing), các công nghệ điện toán đám mây mới cho phép doanh nghiệp nhanh chóng thu thập, xử lý và có được insights từ một lượng dữ liệu khổng lồ.

Các sản phẩm và dịch vụ được kết nối qua internet giờ đây có thể trực tiếp thu thập thông tin hay dữ liệu về khách hàng, bao gồm cả các thông tin cá nhân, hành vi tìm kiếm, ưu tiên nội dung, thông tin liên hệ, các bài đăng trên mạng xã hội, và hơn thế nữa.

Với sự hỗ trợ của các thuật toán dựa trên công nghệ máy học hay trí tuệ nhân tạo, các dịch vụ của doanh nghiệp sau đó có thể được tự động điều chỉnh sao cho phù hợp với không chỉ là các tập khách hàng lớn mà đến cả từng khách hàng cá nhân riêng biệt.

Trong khi rõ ràng là việc thu thập và phân tích dữ liệu đang trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, khi người làm marketing có nhiều cách hơn để thấu hiểu khách hàng của họ, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp có thể tạo ra các rào cản hay hệ thống phòng thủ cạnh tranh trước đối thủ.

Xây dựng các rào cản hay lợi thế cạnh tranh bằng quá trình học tập dựa trên dữ liệu.

Để có thể xác định mức độ bền vững của cái gọi là lợi thế cạnh tranh từ quá trình thu thập và học tập dựa trên dữ liệu, các doanh nghiệp nên trả lời bảy câu hỏi:

1. Độ lớn của các giá trị được tạo ra từ các dữ liệu khách hàng?

Giá trị được tạo ra (tăng thêm) càng cao thì cơ hội tạo ra các lợi thế cạnh tranh về lâu dài càng lớn.

Hãy xem xét một doanh nghiệp có giá trị của dữ liệu khách hàng rất cao là Mobileye, một nhà cung cấp các hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS), bao gồm cả khả năng cảnh báo ngăn ngừa va chạm và chệch làn đường cho các phương tiện.

Mobileye chủ yếu bán các hệ thống của mình cho các nhà sản xuất ô tô, những nhà sản xuất này sẽ thử nghiệm chúng một cách kỹ lưỡng trước khi tích hợp chúng vào các sản phẩm của họ.

Điều tối kỵ đối với các hệ thống lái là thiếu sự an toàn và dữ liệu thử nghiệm là điều cần thiết để cải thiện độ chính xác của chúng. Bằng cách thu thập dữ liệu này từ nhiều khách hàng của mình, Mobileye đã có thể nâng độ chính xác của ADAS lên mức 99,99%.

Mặc dù doanh nghiệp có được rất nhiều sự hiểu biết về sản phẩm từ việc thu thập dữ liệu, nhưng chúng lại không thể đảm bảo tạo ra các rào cản bảo vệ doanh nghiệp.

Ngược lại với các doanh nghiệp như Mobileye, giá trị của việc học hỏi từ dữ liệu khách hàng là tương đối thấp đối với các nhà sản xuất TV thông minh.

Trong khi việc cá nhân hoá nội dung có thể phù hợp (tạo ra giá trị) với các đơn vị như Netflix hay Amazon, nó lại gần như vô giá trị đối với các nhà sản xuất TV.

Khách hàng của các doanh nghiệp này chủ yếu xem xét các yếu tố như kích thước TV, chất lượng hình ảnh, tính dễ sử dụng và độ bền khi đưa ra quyết định mua hàng.

Nếu việc thu thập dữ liệu hay học hỏi từ khách hàng đóng một vai trò quyết định, có lẽ mảng kinh doanh TV thông minh sẽ kém cạnh tranh hơn.

2. Giá trị cận biên (marginal value) của việc học tập dựa trên dữ liệu giảm nhanh đến mức nào?

Nói cách khác, bao lâu thì doanh nghiệp đạt đến điểm mà ở đó khi dữ liệu khách hàng được thu thập hay bổ sung nhiều hơn không còn giúp tạo ra giá trị nữa? Giá trị biên giảm càng chậm thì rào cản cạnh tranh được tạo ra càng mạnh.

Với câu hỏi này, người làm kinh doanh hay marketer nên đánh giá giá trị của việc học tập dữ liệu dựa trên mức độ sẵn sàng chi trả của khách hàng chứ không phải theo các chỉ số khác ví dụ như tỷ lệ khách hàng trả lời tin nhắn hay tỷ lệ nhấp chuột tiềm năng.

Khi giá trị cận biên của việc học hỏi từ dữ liệu khách hàng vẫn cao ngay cả sau khi doanh nghiệp đã có được một lượng khách hàng rất lớn, các sản phẩm và dịch vụ có xu hướng có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn. Các công cụ tìm kiếm trực tuyến như Baidu và Google chính là minh chứng cho điều này.

Mặc dù Microsoft đã đầu tư nhiều năm và hàng tỷ đô la vào Bing, nhưng nó đã không thể lay chuyển sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm. Tất cả các công cụ tìm kiếm và hệ thống đều cần một lượng lớn dữ liệu người dùng để có thể cung cấp các kết quả đáng tin cậy một cách nhất quán.

Một ví dụ ngược lại về một doanh nghiệp mà giá trị cận biên của dữ liệu người dùng đã giảm xuống nhanh chóng khi có được một lượng lớn dữ liệu và khách hàng nhất định đó là máy điều nhiệt thông minh. Những sản phẩm này chỉ cần vài ngày để tìm hiểu sở thích về nhiệt độ của người dùng trong suốt cả ngày.

Trong bối cảnh này, việc học tập dựa trên dữ liệu khách hàng không thể mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Mặc dù là đơn vị ra mắt máy điều nhiệt thông minh đầu tiên kể từ năm 2011, Nest (được Google mua lại vào năm 2014) hiện phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể từ những đối thủ mới như Ecobee và Honeywell.

3. Mức độ liên quan của dữ liệu người dùng giảm nhanh ra sao?

Nếu dữ liệu trở nên “lỗi thời” nhanh chóng, thì tất cả những thứ khác đều như nhau, đối thủ cạnh tranh khi này sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường hơn vì họ không cần phải cạnh tranh với năng lực học tập dựa trên dữ liệu được tính bằng thời gian của các doanh nghiệp ra đời trước.

Tất cả dữ liệu mà Mobileye đã tích lũy được trong nhiều năm từ các nhà sản xuất ô tô vẫn có giá trị với các phiên bản hiện tại của sản phẩm. Dữ liệu về người dùng mà các công cụ tìm kiếm như Google đã thu thập trong nhiều thập kỷ cũng vậy.

Mặc dù một số từ khoá có thể sẽ ít được tìm kiếm hơn và nhiều từ khoá tìm kiếm mới cũng không ngừng xuất hiện, lịch sử dữ liệu tìm kiếm được thu thập trong nhiều năm, các thuật toán đề xuất và xếp hạng nội dung, cùng với đó là các cấu trúc dữ liệu hành vi khác có được từ người dùng lại vô cùng giá trị.

Điều này giải thích lý do tại sao cả Mobileye và Google Search rất khó bị loại bỏ ra khỏi thị trường mặc dù họ đã có mặt từ rất lâu.

Tuy nhiên, đối với các trò chơi xã hội (social games) dành cho máy tính và thiết bị di động, giá trị của việc học hỏi từ dữ liệu người dùng có xu hướng giảm nhanh chóng. Năm 2009, thị trường này cất cánh khi Zynga giới thiệu trò chơi FarmVille rất thành công.

Trong khi các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào việc phân tích dữ liệu người dùng để đưa ra các quyết định (thiết kế và tối ưu trò chơi), nhưng hóa ra những hiểu biết sâu sắc họ có được từ một trò chơi lại không thể giúp họ có nhiều lợi thế hơn với các trò chơi mới khác: Các trò chơi xã hội thông thường thường có xu hướng nhất thời và sở thích của người dùng (người chơi game) cũng thay đổi nhanh chóng theo thời gian, điều này khiến các dữ liệu mà doanh nghiệp có được không giúp họ phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Mặc dù đã từng rất thành công, Zynga đã ngừng sản xuất các phiên bản mới, và vào năm 2013, hãng đã mất gần một nửa lượng người dùng.

Zynga đã được thay thế bởi các nhà sản xuất trò chơi mới như Supercell (Clash of Clans) và đế chế Epic Games (Fortnite). Sau khi đạt đỉnh 10,4 tỷ USD vào năm 2012, giá trị thị trường của Zynga giảm xuống dưới mức 4 tỷ USD trong hầu hết 6 năm tiếp theo.

Hết phần 1!

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp trong việc thu hút tài năng trẻ

Cung cấp sự linh hoạt và năng động cho nhân viên đã được chứng minh là sẽ giúp nâng cao tinh thần và cải thiện sự hài lòng tại nơi làm việc.

Lợi thế cạnh tranh lớn nhất của doanh nghiệp trong việc thu hút nhân tài trẻ

Khi nói đến lợi ích của doanh nghiệp, tính linh hoạt được xếp hạng cao đối với Gen Y (millennial) và Gen Z – và đôi khi thậm chí còn cao hơn cả tiền lương.

Các thế hệ trẻ ngày nay đặc biệt coi trọng quyền tự chủ trong công việc và sẽ không có gì làm lạ khi họ sẵn sàng rời bỏ một công việc nếu họ cảm thấy mình đang bị quản lý một cách vi mô.

Các công ty khởi nghiệp thành công nhận thức được tâm lý này và đã thay đổi một cách nghiêm túc văn hóa công ty của họ để cung cấp cho những người trẻ sự linh hoạt.

Và kết quả là, họ đã gặt hái được những thành quả xứng đáng khi họ đã tạo ra được một môi trường với những nhân viên hạnh phúc.

Cung cấp sự linh hoạt đã được chứng minh là sẽ nâng cao tinh thần và cải thiện sự hài lòng của nhân viên tại nơi làm việc.

Theo một cuộc khảo sát của Harvard Business Review trước đại dịch, có 96% các chuyên gia cho biết họ mong muốn được linh hoạt hơn trong công việc.

Để cạnh tranh và có được những tài năng trẻ hàng đầu, điều quan trọng là doanh nghiệp phải xem xét đến những khía cạnh khác nhau của sự linh hoạt trong tổ chức, cho dù đó chỉ là thay đổi môt phần hay toàn diện.

Khai thác những gì quan trọng nhất.

Trước khi bạn bắt đầu thực hiện các thay đổi, hãy dành một chút thời gian để hiểu rõ hơn về những người trẻ đầy năng động ngày nay.

Nếu đội ngũ quản lý và nhân sự của công ty bạn toàn là những ‘người gạo cội’, có thể bạn chưa quen hay để ý đến những gì khiến giới trẻ thích thú.

Một gợi ý dành cho bạn là, họ sẽ không thích ngồi quá nhiều trong văn phòng.

Hãy làm nghiên cứu của bạn. Bắt đầu từ bên trong tổ chức của riêng bạn, kết nối với các đồng nghiệp hoặc nhân viên trẻ hơn và tìm hiểu về những điều thực sự đang thúc đẩy họ.

Một sự thật là, sự cân bằng giữa một công việc mơ ước và một cuộc sống hạnh phúc là ưu tiên hàng đầu đối với phần đông trong số họ.

Khi nói đến công việc và cuộc sống, họ cần được tự chủ và sự linh hoạt. Thay vì giữ cho cả hai mục tiêu này hoàn toàn tách biệt nhau, sự cân bằng là điều cần thiết nhất, chúng nên được gắn liền với nhau.

Trọng tâm của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là sự linh hoạt trong thời gian và địa điểm làm việc, đó có thể là sự linh hoạt trong thời gian làm việc mỗi ngày hay phương án làm việc từ xa cho phép nhân viên làm việc ngoài văn phòng vài ngày mỗi tuần.

Kiểm soát sự hỗn loạn.

Trái ngược với văn hóa công sở truyền thống, môi trường làm việc linh hoạt vận hành trên một loạt các kỳ vọng và biện pháp giải trình trách nhiệm hoàn toàn riêng biệt.

Thay vì cho rằng thời gian ngồi trên ghế tương đương với năng suất, các nhà quản lý tại các doanh nghiệp vận dụng sự linh hoạt hiểu rằng công việc linh hoạt thực sự có thể tạo ra năng suất cao hơn và kết quả dự án tốt hơn.

Một trong những thách thức lớn nhất mà các nhà tuyển dụng truyền thống phải vượt qua đó là xu hướng quản lý vi mô và giám sát nhân viên của họ.

Việc đánh mất quyền kiểm soát có thể khiến bạn cảm thấy như rơi vào sự hỗn loạn, nhưng với sự lãnh đạo và cách tiếp cận đúng đắn, sự hỗn loạn đó có thể nhanh chóng biến thành sự đổi mới.

Để giúp doanh nghiệp của bạn thích nghi với sự thay đổi mang tính cách mạng này trong phong cách quản lý, môt công cụ quản lý và phối hợp công việc như Slack là điều mà bạn không thể bỏ qua.

Ngày nay, một phần đáng kể công việc đang diễn ra trên các ‘đám mây’. Vậy nên không có lý do gì để không thể quản lý con người thông qua môi trường trực tuyến.

Mô hình quản lý dựa trên chất lượng công việc đầu ra này mang lại cho nhân viên của bạn sự độc lập, khả năng sáng tạo và minh bạch hơn trong việc giải trình trách nhiệm.

‘Bộ mặt mới’ của nơi làm việc.

Trước đại dịch, khái niệm về công việc hay môi trường linh hoạt nghe có vẻ hơi rủi ro đối với nhiều nhà tuyển dụng, nhưng trong và sau đại dịch thì mọi thứ dường như đã khác.

Các doanh nghiệp buộc phải vận hành và quản lý từ xa.

Khi mọi thứ trở lại bình thường và các lệnh giãn cách dần bị gỡ bỏ, đó là thời điểm tuyệt vời để khám phá một mô hình làm việc kết hợp giữa trong văn phòng và ngoài văn phòng – theo cách riêng của từng doanh nghiệp.

Nếu suy nghĩ về việc giải phóng lực lượng lao động của bạn vào một nền văn hóa làm việc linh hoạt vĩnh viễn khiến bạn có phần lo lắng, hãy nhớ rằng các nhân sự và tài năng trẻ rất coi trọng lối sống cân bằng.

Khi doanh nghiệp của bạn đã sẵn sàng tiếp nhận một nền văn hóa linh hoạt hơn, bạn sẽ có thể cải thiện việc thu hút các thế hệ trẻ sáng giá nhất hiện nay.

Với ý thức thực sự về tầm quan trọng của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, các tài năng trẻ sẽ phát huy tốt nhất vai trò của họ và phát triển cùng với doanh nghiệp của bạn.

Điều đó thực sự có lợi cho tất cả mọi người trong tổ chức.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips