Skip to main content

Thẻ: Mộc Châu Milk

Vinamilk sắp bơm nghìn tỷ để ‘lột xác’ Mộc Châu Milk

Thương hiệu F&B Vinamilk cùng công ty con GTNFoods sẽ chi 1.176 tỷ đồng để mua vào cổ phần phát hành mới của Mộc Châu Milk, bổ sung nguồn vốn giúp thương hiệu này đầu tư nhiều dự án mới.

Vinamilk sắp bơm nghìn tỷ để 'lột xác' Mộc Châu Milk
Vinamilk sắp bơm nghìn tỷ để ‘lột xác’ Mộc Châu Milk

Cổ đông Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vừa thống nhất phương án tăng vốn điều lệ doanh nghiệp trong năm 2020 sau khi biểu quyết bằng văn bản.

Mộc Châu Milk sẽ phát hành 3,34 triệu cổ phiếu phổ thông cho cổ đông hiện hữu với giá chào bán 20.000 đồng/cổ phiếu với tỷ lệ 5%. Mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được mua thêm 5 cổ phần. Tổng giá trị thu về từ việc phát hành ước tính 67 tỷ đồng. Số cổ phần không phân phối hết sẽ được chào bán lại cho nhà đầu tư chiến lược.

Cụ thể, Mộc Châu Milk đồng thời phát hành 39,2 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư chiến lược là Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Công ty Cổ phần GTNFoods. Trong đó, GTNFoods hiện sở hữu gián tiếp Mộc Châu Milk còn Vinamilk là công ty mẹ của chính GTNFoods.

Vinamilk và GTNFoods sẽ mua cổ phần của Mộc Châu Milk với giá 30.000 đồng/cổ phần. Tổng số tiền dự kiến thu về từ việc phát hành 39,2 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư này khoảng 1.176 tỷ đồng.

Ngoài ra, Mộc Châu Milk cũng sẽ phát hành 668.000 cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá ưu đãi 10.000 đồng/cổ phần và thu về gần 7 tỷ đồng.

Tổng cộng vốn điều lệ của công ty dự kiến tăng từ 668 tỷ lên 1.100 tỷ đồng. Tổng số tiền thu về thực tế khoảng 1.250 tỷ. Việc phát hành cổ phiếu của Mộc Châu Milk diễn ra trong năm nay sau khi thủ tục được cơ quan chức năng phê duyệt.

Toàn bộ tiền thu được sẽ tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển của công ty gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại hiện hữu lên quy mô 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới.

Tổng vốn đầu tư của những dự án trên là 1.600 tỷ đồng. Mộc Châu Milk sẽ dùng nguồn vốn tự có khác của công ty hoặc vay vốn từ các tổ chức tín dụng để tài trợ đủ vốn.

Cổ đông của Mộc Châu Milk cũng tán thành 2 vấn đề quan trọng khác gồm phê duyệt hạn mức sở hữu không hạn chế, cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tối đa 100% vốn điều lệ công ty và kế hoạch niêm yết toàn bộ cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) trong thời gian tối đa 9 tháng từ khi thông qua.

Mộc Châu Milk tiền thân là Nông trường Mộc Châu thành lập năm 1958. Doanh nghiệp cổ phần hóa năm 2005. Hiện công ty con của GTNFoods là Vilico nắm quyền chi phối Mộc Châu Milk với 51% cổ phần.

Cuối năm 2019, Vinamilk hoàn tất mua lại GTNFoods sau khi nâng tỷ lệ sở hữu lên 75%, qua đó gián tiếp sở hữu Mộc Châu Milk. Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên hiện làm chủ tịch HĐQT của cả 3 công ty GTNFoods, Vilico và Mộc Châu Milk.

Năm 2019, doanh thu của Mộc Châu Milk đạt 2.558 tỷ và lợi nhuận ròng 167 tỷ đồng. Dù tăng trưởng doanh thu nhưng lợi nhuận của công ty sữa này lại liên tục thụt lùi những năm qua.

CEO Mai Kiều Liên khẳng định Sữa Mộc Châu là thương hiệu tốt, tiềm năng để phát triển song song cùng Vinamilk. Bà Liên cam kết cổ đông sẽ nhìn thấy kết quả của khoản đầu tư vào Mộc Châu Milk vào cuối năm.

“Con người của Sữa Mộc Châu giữ nguyên nhưng áp dụng kinh nghiệm quản trị của Vinamilk nên sẽ tiết kiệm chi phí, nguyên vật liệu.

Sản phẩm của Sữa Mộc Châu cũng sẽ đi xa hơn sau khi cấu trúc lại hệ thống phân phối”, bà Mai Kiều Liên chia sẻ tại đại hội cổ đông của Vinamilk hồi cuối tháng 6.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips via Zing