Skip to main content

Thẻ: Nghỉ việc

Chuyện nghỉ việc: Cái giá của nghỉ việc không tử tế

Thôi việc không chỉ đơn thuần là chấm dứt quan hệ lao động với công ty mà còn thể hiện hành vi ứng xử, dù ra đi vì bất cứ lý do gì, bạn cũng nên để lại ấn tượng tốt với công ty cũ. Sau đây là một số lưu ý giúp bạn ứng xử tốt khi thôi việc.

Chuyện nghỉ việc: Cái giá của nghỉ việc không tử tế

Hầu hết, nhân viên sau khi nộp đơn nghỉ việc cũng ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc. Một số nhân viên cố gắng chuyên nghiệp đến cuối cùng, hoàn thành và bàn giao công việc tốt đẹp.

Ngược lại, một số nhân viên làm việc chểnh mảng và có thái độ không tốt với đồng nghiệp. Thái độ luôn được đánh giá cao dù bạn làm công việc gì hay làm ở đâu.

Cùng đọc qua mẫu chuyện dưới đây để xem những “rắc rối” mà bạn có thể gặp phải nếu thái độ không tốt nhé!

“Trời ơi, không hiểu sao con bé mắt cận, mặt mày u ám ấy lại pass phỏng vấn còn tao thì không? Chắc chắn có nhầm lẫn gì rồi, tao phải gọi ngay cho bên nhân sự mới được.”

Buổi tối cuối tuần yên bình của cả phòng nhanh chóng rơi vào xôn xao, ồn ào bởi sự “trượt” phỏng vấn công việc trong mơ đầy bất ngờ của H – sinh viên tốt nghiệp thủ khoa ngành tôi.

H – bạn đại học kiêm bạn chung phòng của tôi từ khi còn là sinh viên đã nổi bật lên như một viên ngọc trai giữa đám sỏi đá bởi sự tài giỏi và vẻ ngoài xinh như hoa hậu.

Cô nàng liên tiếp “hốt trọn” mọi học bổng của khoa, của trường và như chưa đủ cô còn qua tận các trường khác để hốt luôn giải thưởng cuộc thi này, thi kia.

Thế nên, trong suy nghĩ của tụi tôi, chắc chắn kết quả phỏng vấn có vấn đề.

Nếu không nhầm lẫn ở điểm số thì cô bạn “mặt mày u ám” như miêu tả của H cũng phải thuộc dạng “hậu duệ” nhà ai to lắm mới có thể vượt mặt niềm tự nào của cả khóa tôi mà ngồi êm xuống cái ghế vốn ấn định sẽ thuộc về đương kim thủ khoa đầu ra của cả một ngành.

Ấy thế mà sau 7749 bước liên hệ hỗ trợ, khiếu nại và thậm chí là kiện cáo vì muốn kiểm tra lại kết quả cuộc phỏng vấn, H bỗng dưng im bặt.

Cô bạn không còn bức xúc kể tội nhà tuyển dụng mỗi ngày cả trên mạng xã hội lẫn với hội chị em cây khế như bọn tôi nữa. Mọi thứ có lẽ chỉ nằm yên trong im lặng đợi chờ rơi vào quên lãng, cho đến một ngày….

Thưa thì thưa không thưa cũng phải thưa.

Một ngày như mọi ngày, sau buổi tụ họp với bạn bè và trở về phòng trong trạng thái “chân nọ đá chân kia”, H quyết định vén màn bí mật pha “trượt” phỏng vấn đắng chát của mình cho tụi tôi.

Chuyện là trong khoảng thời gian đợi bằng tốt nghiệp, H có nhận thực tập ở một công ty không lớn lắm.

Với khả năng của mình và yêu cầu khá nhẹ nhàng trong công việc, cô nhanh chóng nhận được thư bổ nhiệm lên làm nhân viên chính thức.

Vậy mà, chỉ ít ngày sau khi H nhận lời tiến bước xa hơn với công ty, một tập đoàn A lại mở tuyển dụng ở Việt Nam.

Tự mãn về màn thể hiện xuất sắc cùng những phản hồi “chưa chính thức” về khả năng cao pass qua các round sau khi dự tuyển ở A, cô bạn vội vàng “đáp ứng trước thời gian làm việc” của họ bằng cách đột ngột biến mất khỏi vị trí ở công ty cũ.

H ra đi, để lại ngổn ngang công việc chưa được giải quyết xong mà không cho bất kỳ ai một lời tạm biệt hay một lý do chính đáng.

Bức thư phản hồi cuối cùng của A về vấn đề của H đến từ chính trưởng bộ phận cô apply chỉ vỏn vẹn vài dòng: “Em rất có tài nhưng người trẻ đi làm cần nhất là thái độ, em không cho tụi anh thấy điều ấy.

Việc nghỉ việc không thưa gửi và vô trách nhiệm của em chính là nguyên nhân duy nhất khiến tụi anh có cơ sở đánh trượt em.”

Hoá ra công ty cũ của H bao năm qua vẫn là ‘sân sau” cho tập đoàn A kia, chỉ là H làm việc ở đây chưa đủ lâu và chưa đủ sâu để hiểu rõ về mối quan hệ ấy mà thôi.

Sự vội vàng rời đi khi chưa kịp xin nghỉ việc đúng thủ tục của H cuối cùng không đưa cô đến với ước mơ đời mình, ngược lại còn khiến cô mang theo một “vết nhơ” khó lòng xóa sạch trong khoảng thời gian gần.

Đấy cũng là một bài học cho bất cứ ai có ý định rời đi khi chưa xin phép. Xin việc văn minh thì rời đi cũng phải văn minh.

Nghỉ việc cần nhất là thưa gửi đàng hoàng, rõ ràng lý do và thời gian. Nếu không, không ai biết trước hành động bộc phát của bạn lúc nghỉ, có thể dẫn sự nghiệp của bạn tới đâu cả.

“Sắp nghỉ rồi, chăm chỉ chi vậy?”

Không rơi khỏi giấc mộng êm như H, D lại là một trường hợp “30 không phải là Tết” đúng nghĩa.

Vốn là nhân viên gương mẫu và luôn hết lòng cống hiến như một chú “ong thợ” chăm chỉ, D thường xuyên nhận được sự khích lệ của cấp trên bởi hiệu suất công việc đứng top đầu bộ phận.

Siêu năng lực của cậu trai là khả năng không ăn không ngủ liên tục cả tuần trời theo cho kịp tiến độ dự án.

Sau nhiều năm cần mẫn, D nhận được lời mời từ một công ty khác với những phúc lợi cao hơn hẳn so với nơi chốn hiện tại. Tất nhiên là D đồng ý nhảy việc và chỉ còn đợi đến ngày đến tháng đúng hợp đồng sau khi xin nghỉ ở công ty cũ để đến với “miền đất hứa”.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đợi chờ chuyển giao, D bắt đầu có suy nghĩ “Ôi dào, đằng nào cũng sắp đi, xõa thôi” và làm việc với thái độ chểnh mảng, qua loa khiến hiệu suất công việc giảm sút.

Cấp trên lẫn đồng nghiệp đều tặc lưỡi cho qua bởi cậu ở đây cũng chẳng mấy ngày nữa. Thế nhưng người tính không bằng trời tính, sự bất cẩn của D khi chuyển giao công việc đã gây ra rắc rối, thiệt hại cho công ty.

May mắn nhờ cấp trên xử lý khéo léo, D không phải hầu tòa mà chỉ phải bồi thường một số tiền cho công ty cũ.

Chẳng còn tấm “thảm đỏ” nào trải ra đợi chờ D bước đến nữa, công ty “hứa hẹn” kia sau sự cố ấy cũng đã lặn mất tăm, đồng thời các công ty cùng lĩnh vực cũng đã nhanh chóng thêm tên D vào blacklist bởi sự cố sai lầm ngay nghiệp vụ cơ bản nhất của cậu.

Thế nên, để tránh trường hợp như D, hãy chăm chỉ và giữ thái độ chuyên nghiệp đến tận ngày cuối cùng.

Cả đời làm “ong thợ” chưa chắc sẽ đem lại “mật ngọt” nhưng chỉ cần một lần chểnh mảng, rất có thể sẽ chẳng còn sót lại dù chỉ chút ít phấn hoa nào cho lần sau nữa.

“Đại hội kể xấu công ty cũ” và cái kết đắng chát.

Thực tế cuộc sống là có những người bạn thích và những người bạn không ưa nổi, nhưng dù sao bạn vẫn phải duy trì công việc của mình.

Thế nên nghỉ việc được nhiều người xem như cơ hội “một lần nói hết” ra những bức xúc về những người đồng hành đã cũ hay công ty cũ đã giữ kín trong lòng từ lâu.

Một phần lý do rời xa khỏi công việc mình đã gắn bó từ lâu của V là do những mâu thuẫn của cô nàng với đồng nghiệp trong cạnh tranh công việc.

Thế nên sau khi nghỉ việc, V như cá gặp nước, mở ngay “đại hội nói xấu” để rêu rao về đồng nghiệp và mâu thuẫn của mình khắp nơi.

Thậm chí để câu chuyện thêm sinh động, cô còn lôi cả cấp trên của mình vào vai trò “do có cảm tình với đồng nghiệp” nên đã xử ép cô trong các dự án như thế nào.

“Bệnh tật đến từ miệng, họa cũng từ miệng mà ra”, không biết những lời nói của V đã truyền đi tới đâu, chỉ biết trong một buổi ăn cưới người chị em thân thiết ở công ty cũ, V đã phải nhận hậu quả từ những phút giây “nói cho sướng miệng” của mình.

Không tới nỗi mất cả cơ hội việc làm hay khó khăn trong sự nghiệp về sau như H và D, bài học V nhận được có phần nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Số là khi gặp lại cấp trên cũ, mặc cho V thân thiệt chào hỏi, cấp trên chỉ nhỏ nhẹ nhắc lại những tiếng xấu mà cô gán cho sau khi rời khỏi công ty.

Giây phút đó, dưới rất nhiều con mắt chứng kiến, “mồm năm miệng mười” của V biến đâu mất, chỉ để lại bẽ bàng và xấu hổ trước tất cả mọi người.

Sau ngày hôm đó, rất nhiều những người thân quen dần tảng lờ V. Bởi, chẳng ai dám tin tưởng qua lại với một người có tài năng “thêm mắm dặm muối” hình tượng của người khác như V nữa rồi.

Nghỉ việc không phải là cơ hội để nói xấu về công ty hãy đồng nghiệp cũ. Những câu chuyện phần nào giải quyết bức xúc hiện tại của bạn một ngày nào đó có thể quay ngược lại, đem theo cho bạn muôn ngàn rắc rối đè nặng gấp ngàn lần.

Và chắc rằng, chẳng ai muốn làm việc với một người đã có danh tiếng thích “bóc phốt” những điều xưa cũ đâu.

Không ai ép bạn phải trở thành con người hoàn hảo không chút lầm lỗi nhưng cũng không ai muốn trao cơ hội cho những người đã có “dư âm” xấu khi nghỉ việc.

Đột ngột rời đi, chểnh mảng công việc vào những ngày cuối cùng hay tích cực nói xấu công ty cũ và những thành viên trong đó có thể khiến hình tượng của bạn sụp đổ rất nhanh.

Thái độ và cách hành xử kém thông minh khi nghỉ việc có thể ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của chính bạn những ngày sau này.

Tuổi trẻ đương nhiên cần nhiều cơ hội để thử sức và khám phá năng lực của bản thân. Việc nhảy việc để tiếp cận những cơ hội mới chưa bao giờ là xấu.

Nhưng lúc đến bạn được mời chào tử tế, thì khi ra đi cũng hãy làm điều tương tự. Vì chẳng có gì thiệt thòi ở đây khi nghỉ việc trong văn minh đâu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Nhảy việc: Thời điểm NÊN và KHÔNG NÊN!

Nhảy việc cuối năm là đánh đổi tất cả những cố gắng của bạn trong suốt một năm qua. Điều này là đúng hay sai? Nhảy việc thời điểm nào thì sẽ phù hợp?

Đến hẹn lại lên, không ít bàn dân công sở lại cảm thấy “đau đầu” với bài toán muôn thuở: Nên nhảy việc cuối năm hay không? Nóng vội dẫn đến những quyết định cảm tính đôi khi sẽ dẫn đến sai lầm.

Nhưng trì hoãn và cứ mải đắn đo thì cơ hội sẽ chẳng đợi chờ. Vậy thời điểm nào và khi nào mới thích hợp để nhảy việc?

Thời gian nhảy việc phù hợp 

Các chuyên gia về tuyển dụng và nhân sự trên thế giới cho rằng ở bất cứ quốc gia nào và thị trường lao động nào, các doanh nghiệp hầu như đều ít nhiều gặp biến động về nhân sự thời điểm đầu năm hoặc sau kỳ nghỉ Tết dài.

Thực tế nếu xét về góc độ thời gian, có lẽ đây là lúc khá phù hợp nếu bạn đang có dự định nhảy việc bởi một vài lý do như:

Một là, bạn đã trải qua một kỳ nghỉ Tết đủ dài để refresh bản thân và đang rất sẵn sàng cho một nơi làm việc mới với những đồng nghiệp mới.

Hai là, nếu nghỉ vào giữa năm hoặc cuối năm, bạn rất khó để nhận được khoản thưởng Tết một cách trọn vẹn. Do đó, đầu năm mới sẽ là thời điểm thích hợp nhất đi kèm với tâm lý “năm mới sẽ dễ dàng để bắt đầu một điều gì đó mới mẻ một cách thuận lợi hơn”.

Ba là, đầu năm là thời điểm các công ty tuyển dụng sôi nổi, việc làm cũng nhiều hơn đồng nghĩa với việc cơ hội để bạn lựa chọn công ty phù hợp nhất với nguyện vọng của bản thân cũng rộng mở hơn.

Tuy nhiên, nếu không phải vì khoản thưởng Tết hấp dẫn thì cuối năm cũng có thể xem là thời điểm đáng xem xét nếu bạn đã có một offer tốt hơn từ nơi làm mới. Bởi lẽ đây là thời điểm là “tỷ lệ chọi” thấp nhất trong năm khi nhu cầu tuyển dụng vẫn có nhưng hồ sơ thì lại rất hiếm hoi.

Trong khi đó, việc bạn chuyển công ty vào những tháng cuối năm cũng sẽ giúp bạn hoàn thành 2 tháng thử việc trong năm cũ và sẽ thuận lợi cho việc tính thưởng Tết đủ tháng làm việc chính thức/năm ở công ty mới.

Quyết đoán nhảy việc vì “nước đã tràn ly” 

Thời gian chỉ là vấn đề cần cân nhắc khi bạn có một khoản thưởng đủ lớn và thực sự vẫn chưa tìm được một nơi làm việc mới đủ sức hấp dẫn. Ở câu chuyện của cảm xúc có lẽ sẽ có nhiều việc đáng bàn.

Nghỉ việc không phải là chuyện nhỏ, đặc biệt là khi bạn đã qua tuổi 30 hoặc đã có gia đình với nhiều mối lo về kinh tế.

Nhưng nếu ngay lúc này, dù có đang ở thời điểm nào đi chăng nữa, dù bạn đã có thâm niên với công ty đi chăng nữa nhưng vẫn cảm thấy không có tiếng nói chung với quản lý và đồng nghiệp trong công việc, không cảm thấy bản thân được ghi nhận và những nỗ lực của bạn dường như không có nhiều giá trị đối với nơi làm việc ấy.

Hãy chấp nhận sự thật và dũng cảm tìm một nơi làm việc mới.

Đặt câu hỏi: “Tương lai của mình 2-3 năm nữa tại nơi này sẽ như thế nào?” Nếu không thể thăng tiến về cấp bậc thì mức độ thăng tiến về chuyên môn, kỹ năng và mối quan hệ của bạn có đi lên hay vẫn đi ngang?

Việc đi làm chỉ trở nên có động lực khi bạn được học hỏi những điều mới mẻ, các vấn đề về lương bổng được đáp ứng ở mức xứng đáng.

Bạn biết mỗi ngày sẽ phải làm gì, mình tạo ra được những giá trị gì và hạnh phúc vì sau mỗi giai đoạn nhìn lại sẽ thấy bản thân giỏi giang, trưởng thành hơn.

Nếu một công ty không tạo cho bạn cơ hội để làm được những điều đó, để phát triển bản thân thì rõ ràng ra đi để tìm một cơ hội mới là điều nên làm.

Cuối cùng, lương bổng cũng chính là yếu tố rất quan trọng. Bạn đã làm ở một công ty đủ lâu nhưng không nhận lại được mức thù lao xứng đáng? Bạn đã nhiều lần đề xuất nhưng vẫn chỉ ở “diện xem xét” hoặc mức tăng quả thật không làm bạn hài lòng?

Có quá nhiều vấn đề về văn hóa doanh nghiệp khiến bạn cảm thấy không thể hòa nhập? Vậy thì việc nấn ná ở lại không có nhiều ý nghĩa dù là ở thời điểm nào.

Hãy nhớ rằng, chỉ nên hành động khi đã có định hướng

Bạn có thể chờ đầu năm mới nhảy việc. Bạn cũng có thể nhảy việc vào một tháng rất lưng chừng như tháng 6, tháng 7, thậm chí là tháng 9, tháng 10. Thế nhưng, điều mà bạn rất cần phải có ngay thời điểm phát sinh suy nghĩ nghỉ việc là: Mình sẽ làm gì tiếp theo?

Hãy tìm hiểu trước về vị trí mới và công ty mới để tìm một công việc phù hợp. Thậm chí, nếu bạn là type người theo “chủ nghĩa an toàn” thì hãy chắc chắn đã tìm được một công việc mới rồi mới quyết định nghỉ việc tại công ty cũ.

Bạn có thể đi làm ngay sau khi nghỉ, cũng có thể dành ra một khoảng thời gian để tận hưởng, nghỉ ngơi hoặc thực hiện những dự án cá nhân. Dù thế nào cũng cần phải có định hướng cụ thể cho tương lai rồi mới nghỉ việc.

Bởi xét cho cùng, nhảy việc là để tìm một nơi mới thích hợp hơn, tìm những đồng nghiệp mới phù hợp hơn, một mức lương mới khiến bạn hài lòng hơn và một cuộc sống mới giúp bạn “dễ thở” hơn.

Mong bạn dù là ở thời điểm nào và ra đi trong trạng thái cảm xúc ra sao thì vẫn sẽ tìm được niềm vui, sự tận hưởng ở nơi làm việc mới và không hối tiếc về quyết định của mình. Đó mới là thời điểm nhảy việc lý tưởng nhất.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Theo HR Insider

4 lý do “chính đáng” người nghỉ việc thường dùng và tác dụng phụ đi kèm

Bạn muốn xin nghỉ việc và đang tìm một cái cớ “thích đáng” để việc ra đi trở nên nhẹ nhàng hơn? Cùng tìm hiểu về những lý do mà chúng ta vẫn thường dùng để trả lời cấp trên khi được hỏi “Tại sao bạn lại quyết định nghỉ việc?” qua bài viết sau đây nhé.

Đối diện với cấp trên để xin nghỉ việc trong thời gian sắp tới vốn không hề dễ dàng, đặc biệt là những bạn đang được cấp trên yêu quý và tin tưởng.

Nhưng quyết định thì không thể thay đổi, vậy làm sao để bạn có thể mở lời với cấp trên và “ra đi” trong êm đềm đây?

Vì hoàn cảnh gia đình

Gia đình là lý do chính đáng nhất dù cấp trên muốn hay không vẫn phải duyệt đơn xin thôi việc đúng hạn mà chẳng thể níu kéo. Mà lý do càng “lâm ly bi đát” thì cấp trên, đồng nghiệp sẽ càng dễ mủi lòng hơn.

Giả sử, trong thời gian công ty lao dốc, rất cần người sẵn lòng ở lại nhưng bạn lại chẳng thể vì gia đình có chuyện thì chắc chắn chẳng ai có thể trách bạn được. Vì làm sao có thể giận một người vì hoàn cảnh gia đình, không được lựa chọn hay đoán trước được đúng không nào?

Nhưng bạn tuyệt đối đừng quên rằng “chơi dao thì có ngày đứt tay” nhé! Những lý do “quá đáng” có thể khiến bạn gánh những hậu quả nặng nề đấy!

Hãy thử tưởng tượng một ngày, sếp và đồng nghiệp phát hiện bạn, người đang “phải chăm ba ung thư ở nhà” lại đang làm việc tại công ty đối thủ thì mọi chuyện sẽ đáng sợ thế nào. Lúc này, bạn sẽ không bao giờ có thể lấy lại được lòng tin của mọi người được nữa đâu!

Muốn làm trái nghành

Đây cũng là một lý do được nhiều bạn dùng để xin nghỉ việc. Cấp trên không thể và cũng không muốn níu kéo một người quyết định rẽ hướng sự nghiệp. Thậm chí, nhiều cấp trên còn sẵn sàng tư vấn, giúp đỡ cho nhân viên của mình định hướng, cách để theo đuổi đam mê trong lĩnh vực mới.

Nhưng tương tự lý do trên, sẽ thật “muối mặt” nếu một ai đó ở công ty cũ bắt gặp bạn làm việc trong cùng một lĩnh vực.

Lúc này, bạn không chỉ đánh mất một người cấp trên tốt mà còn đánh mất cả danh dự của bản thân nữa đấy! Vì thế, đừng bao giờ đem sự nghiệp của bản thân ra để làm một cái cớ cho những tình huống này nhé!

Bạn đã tìm được cơ hội làm việc tốt hơn

Sự thật luôn trần trụi và dễ làm mít lòng nhau. Tuy nhiên, nếu thật sự bạn đã tìm được cơ hội việc làm tốt hơn công việc hiện tại, bạn đừng ngại bày tỏ sự thật với cấp trên của mình. Bởi cấp trên nào cũng rất mong muốn nhân viên của mình trưởng thành, tiến bộ và có bến đỗ như ý.

Hãy dùng thái độ lịch thiệp và mạnh dạn nói rằng mình đã tìm được công ty mới có đãi ngộ cùng mức lương cao hơn, công việc cũng có cơ hội để bạn thể hiện bản thân và thăng tiến.

Tuy nhiên, lý do này sẽ khiến bạn bị làm phiền bởi đồng nghiệp sẽ hỏi han rất nhiều về công việc mới đấy! Thậm chí, sẽ có trường hợp tỏ ra ganh ghét hoặc có người còn muốn bạn làm trung gian để giới thiệu họ vào làm cùng.

Vì thế, hãy thận trọng trong việc chia sẻ thông tin về chặng đường mới của mình để tránh những điều không hay ho gì diễn ra nhé!

Bạn cảm thấy bản thân không phù hợp với công việc

Nếu bạn gặp nhiều trở ngại trong công việc hiện tại, bạn gây rắc rối cho các đồng nghiệp khi làm việc nhóm, bạn hãy đưa ra lý do rằng bản thân không phù hợp với công việc hiện tại.

Nên thành thật rằng mình chưa có được nhiều chuyên môn để hoàn thành tốt công việc. Bạn hy vọng bản thân sẽ tìm được một công việc mới phù hợp với sở trường và năng lực. Đừng quên gửi lời cảm ơn đến sếp và đồng nghiệp đã nhiệt tình giúp đỡ trong thời gian qua và xin lỗi nếu bạn làm ảnh hưởng đến họ.

Cách xin nghỉ việc này tuyệt nhiên không gây ra tác dụng phụ, nhưng nó khiến bạn tự ti về chính bản thân mình. Bạn sẽ cảm thấy bế tắc khi không biết đâu mới là công việc thích hợp. Do đó, cần bình tĩnh và chấp nhận để học hỏi nhiều hơn, không nên bỏ cuộc vì bất cứ lý do gì.

Trên đây, là các lý do xin nghỉ việc thuyết phục nhất cùng ưu và nhược điểm của nó. Hy vọng bạn có thể tìm được một công việc tốt hơn và giữ được hòa khí với cấp trên cũng như đồng nghiệp cũ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Tham khảo: HR Insider