Skip to main content

Thẻ: Nguyễn Phi Vân

Nguyễn Phi Vân: Bỏ cái tôi xuống để trở nên vĩ đại hơn

Nếu không có Covid-19, có lẽ rất khó để có một lịch hẹn với chị- người phụ nữ một tháng bay suốt 25 ngày. Vừa kịp chị ra mắt cuốn sách mới nhất, cũng là tác phẩm đầu tiên mà một người viết hợp tác với một AI – trí tuệ nhân tạo.

Điều chị “bỏ” đầu tiên trong cuộc đời?

Bỏ ego – cái tôi.

Cuộc đời mình nếu tạm gọi là thành công, thì chìa khoá cho điều đó, là bỏ đi cái tôi. Hồi còn trẻ, Phi Vân thấy mình đúng là “trẻ trâu”: điểm cao, thủ khoa đại học, trôi chảy tiếng Anh… những thành tựu quá nhỏ nhưng lại nghĩ là lớn, là ghê gớm. Vì thế mình khá kiêu ngạo, viển vông và ảo tưởng, không khác gì mấy với những bạn trẻ bây giờ.

Mình liên tục đưa ra những quyết định sai lầm, vì cái tôi, vì coi thường người khác, vì mình nghĩ mình thành công việc này cũng sẽ thành công tất cả. Và vì thế, mình tự đóng lại những cánh cửa ra những phương trời xa và rộng hơn.

Những người hướng dẫn – mentor – là những người có tầm nhìn và trí tuệ rất cao, họ chưa xuất hiện đâu mà đứng đâu đó trong bóng tối quan sát. Mentor sẽ không chấp nhận những đứa trẻ con viển vông, ảo tưởng tưởng mình giỏi, tưởng mình hay. Họ sẽ không bao giờ nhận lời để hướng dẫn bạn!

Phi Vân may mắn gặp những người thầy trên hành trình của mình, nói những lời như xát muối vào vết thương, ê mày chẳng là cái gì cả, mày chỉ như con ếch ngồi đáy giếng rồi coi trời bằng vung. Gặp được họ thật là cái phúc lớn trong đời.

Nên mình muốn chia sẻ để với tất cả mọi người là: cái tôi của bạn ngày hôm nay là gì không biết. Sự ngạo mạn của bạn là gì ngày hôm nay tôi không quan tâm. Nhưng nếu hôm nay bạn chịu bỏ cái tôi của mình xuống, thì chắc chắn bạn sẽ được hướng dẫn trở thành người vĩ đại hơn trong tương lai.

Chữ “bỏ” tiếp theo là chị bỏ việc ở Việt Nam để đi học ở Úc?

Thật ra đi du học, cái mình học trong trường đại học nó không có đáng gì hết. Các bạn đừng nghĩ trường này trường kia là khủng khiếp. Không phải, mình không học từ đó!

Mình học là học trải nghiệm phải tự lập, phải chịu trách nhiệm về bản thân, phải hội nhập với thế giới mới, phải xử lý những vấn đề mà trước đây bạn chưa từng xử lý. Ví dụ khi có người đến và nói: “Mày là người Việt Nam hả? Tao không ưa!”

Thì bạn xử lý làm sao?

Trải nghiệm này quý giá hàng vạn lần khi bạn đi du học. Mình thấy mọi người hay vin vào việc mình học trường gì, đọc cuốn sách gì… nhiều quá, mà quên mất cuộc đời sẽ dạy cho mình nhiều hơn. Nếu mình biết học!

Có một chữ bỏ mà chị thường ít nhắc đến trong các bài phỏng vấn của mình: Việc bỏ liên quan đến tình cảm?

Trong cuốn “Tôi đi tìm tôi”, Phi Vân có tâm sự với bạn đọc rằng mình đã ly dị chồng. Ở tuổi này mình ít nghĩ về tình yêu như một sự đam mê đôi lứa nữa.

Hạnh phúc là gì? Với mình là làm được những thứ mình muốn làm. Nghĩ được những thứ mình muốn nghĩ.

Nếu đó là lấy chồng, hãy lấy chồng. Nếu là sinh con, hãy sinh con. Nếu là sống một mình, hãy sống một mình. Không có một khuôn khổ nào cho sự hạnh phúc. Chuẩn xã hội là do con người đặt ra thôi. Làm gì có chuyện phải thế này phải thế kia mới là hạnh phúc?

Hãy sống cuộc đời mình mong muốn.

Thế chị có yêu nhiều trong cuộc sống của mình không? 

Ngày xưa mình yêu rất dữ rồi.

Ở thời điểm này, mình chọn một cách: Nếu bạn có thể cùng một người, ngồi xuống ngắm hoàng hôn mà không phải nói gì cả, thì đấy là người yêu của bạn!

Khi nhìn vào chị, chị đã “được” nhiều cái lắm rồi. Có gì chị còn chưa được cho bản thân mình?

Thực ra Phi Vân sống một cuộc đời rất là “extreme”, hoặc rất ồn ào hoặc rất yên tĩnh. Khi sống trong một cuộc sống ồn ào lại càng thèm sự yên tĩnh, để mình có thể trở ra.

Cách đây khoảng 7, 8 năm Phi Vân có ý định lui về nghỉ hưu và ở ẩn vài năm, chuẩn bị chỗ xong hết rồi, trên một vùng núi ở Chiangmai, Thái Lan.

Cơ sở vật chất xong hết, khi mình về Việt Nam gặp bạn bè, thì họ nói, “Làm sao mà bạn lại chỉ nghĩ cho bản thân mà không nghĩ rằng mình đã được quá nhiều rồi, đã đến lúc giúp người khác?!”

Đó là lý do Phi Vân vẫn ở đây, có cuộc trò chuyện này.

Viết cùng trí tuệ nhân tạo khác việc viết với một tác giả như thế nào?

Rất là khác, ở cảm xúc.

Phi Vân là người đầu tiên đặt vấn đề này ra ở Việt Nam. Khi bắt đầu thì vừa rất hứng thú, vừa rất là sợ. Không biết AI đó sẽ viết cái gì? Rồi cái AI viết ra có xài được không? Rất sợ và không hiểu chuyện gì có thể xảy ra.

Phi Vân nhớ một buổi chiều tháng 12 năm 2019, Phi Vân còn ngồi ở Mỹ, các bạn trẻ gửi cho mình cái link, “Chị xem “bạn” viết đây!”. Mình ngồi nhìn cái link rất lâu, không biết có nên bấm vào hay không. Hồi hộp đến như thế!

Rồi thấy AI viết – “bạn” cũng suy nghĩ dữ lắm, chứ không viết liên tục.

Mình cứ thế ngồi trước màn hình mình nhìn “bạn” viết, liên tục thốt lên: “Hở?” “Wow”, “Câu kệ cũng được ghê ta?” Đúng ngữ pháp, đúng giọng văn. “Viết giống mình ghê ta?”- vì trước đó “bạn” AI này đã được nạp vào hết những cuốn sách đã xuất bản của Phi Vân.

Nhớ lại lúc đó, Phi Vân vẫn còn cảm giác kinh ngạc, vì mình nghe chuyện này trên thế giới không thiếu. Mình cũng thấy những tác phẩm AI cộng tác với người rất nhiều rồi. Nhưng nhìn thấy trước mặt thì không tưởng tượng được.

Mọi người đừng nghĩ nó quá xa xôi. Nó ở ngay trước ngõ nhà mình. Nếu mình không bắt đầu từ hôm nay, thì có lẽ cũng… hơi muộn rồi.

Khi nhắc đến AI, nhiều người theo trường phái bi quan – rằng robot sẽ huỷ diệt thế giới và chúng ta không tránh được viễn cảnh này. Còn chị là theo trường phái tích cực?

Mình theo trường phái công bằng. Vì mình nói chuyện nhiều với các bạn làm core-tech, đọc sách rất nhiều về tech, nên mình biết rằng tất cả đều là do con người tạo ra. Những dòng code đó được viết ra bởi một ai đó ngồi sau máy tính.

Nếu những creator hiểu chuyện thì tốt cho nhân loại, nếu không hiểu thì sẽ vô cùng khủng khiếp. Nhưng nó nằm ngoài ra câu chuyện của tech. Nếu người có mục đích xấu, thì không có AI sẽ có những thứ khác, như virus, như vũ khí sinh học…

Vì thế Phi Vân không nghĩ về chuyện tốt, xấu, chỉ nghĩ là “Nó hay mà”. Chỉ là người sử dụng nó có thông thái không?

Có giả thuyết con người sẽ tiến hoá từ Homo Sapiens thành Homo Deus, nửa người nửa máy? Tác phẩm vừa rồi của chị chính là tổ hợp người-máy. Đó có phải sự lựa chọn duy nhất?

Đó là một sự lựa chọn, chứ không phải sự lựa chọn duy nhất.

Những người protech, những người thích cái mới, họ sẽ luôn đi tìm sự siêu việt, cho dù mình phải biến thành cyborg.

Câu chuyện Neural Link của Elon Musk là một ví dụ, nếu mở hệ thống đó ra thì sẽ có người muốn thử liền.

Nhưng cũng có những người nói là ghê quá ghê quá, cắm cái gì vào người là không tự nhiên rồi.

Sẽ có những người không biết nên nghĩ gì, cứ đứng đó chờ coi.

Những lựa chọn đó tuỳ thuộc vào con người, ai thấy hạnh phúc với điều gì nhất thì làm.

Vẫn là quay lại câu hỏi: Mình làm chuyện đó để làm gì? Ý định đằng sau một việc muốn làm, quan trọng hơn thực chất của việc làm đó!

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Nguyễn Phi Vân

6 hiểu lầm về người thành công trên con đường đi tìm chính mình

Rất nhiều bạn inbox than với tôi rằng cuộc sống và những lựa chọn hiện tại cứ ăn dần niềm vui và năng lượng hàng ngày trong bạn. Bạn cảm thấy bức bối, thấy nghẹt thở, thấy vật vã trong dòng xe cộ hàng ngày và những vụ đấu đá trong cơ quan…. Nhưng bạn không dám thay đổi, không dám làm khác đi, không dám tìm Ikigai của đời mình.

6 hiểu lầm về người thành công

Nỗi sợ hãi về một cái gì đó bất định, không an toàn, lạ lẫm nó cứ quấn lấy ta. Nhưng bạn ơi, chẳng có người thành công nào mà biết hết và hiểu hết con đường phía trước. Họ cũng như ta, cũng đi tìm, cũng dò dẫm, cũng mắc lỗi này nọ rồi mới thành công đó chứ. Đây là 6 suy nghĩ rất lầm về người thành công nè:

1. They have all the answers

Họ có câu trả lời cho mọi thứ: cái lầm thứ nhất này rất nặng. Chẳng ai trên đời biết hết 100% những gì mình đang dấn thân vào. Có ai thần thánh gì đâu mà biết. Có điều “As long as you keep searching, the answers come – Nếu cứ tìm, câu trả lời sẽ xuất hiện.” Người thành công không phải là người biết hết nhe. Họ chỉ đơn giản là biết cách tìm ra những gì mình tìm kiếm. Đừng ngồi đó chờ cho đến khi có hết lời giải rồi mới hành động. Chờ tới già luôn cũng chẳng dám làm gì. Học cách tìm lời giải trong khi hành động nhé.

2. They don’t need to make changes

Họ không cần thay đổi: cái lầm thứ 2 này là lầm to. Bản thân tôi làm bao nhiêu đó thứ, đi bao nhiêu đó nơi, tới giờ già từng này rồi mà vẫn phải học mỗi ngày. Nhất là mấy bạn startup đó. “To achieve the level of success that you want, you need to be prepared to pivot into a new industry or change your product’s unique selling proposition – Để đạt được thành công, bạn cần phải sẵn sàng chuyển sang ngành khác hoặc thay đổi hoàn toàn điểm khác biệt cơ bản của sản phẩm đang xây.” Lúc ta còn mơ mộng với những ý tưởng của mình thì khác. Lúc đụng trận với đời thật thì khác. Khi bạn hiểu ra rằng cái thiên hạ cần chẳng giống chút nào với cái mình có, bạn làm gì? Bạn bán cái mình có hay bán cái người ta cần?

3. Success can happen overnight

Thành công có thể đến sau 1 đêm: mấy người dạy làm giàu nhanh cũng hay thật. Chả hiểu họ nói gì mà nhiều người cứ lao vào như thiêu thân. Bạn chọn đại một ai đó đang thành công mà bạn ngưỡng mộ đi. Rồi bạn đọc thử hành trình của họ đi. Ai mà chẳng trải qua khó khăn, trầy trật lại thành công ngay được? Thôi quay lại, làm tốt từ những việc thật nhỏ đi nhé. Đừng nhảy cho cao mà té cho đau. Cứ phải bình tĩnh đi từng bước một. Rồi thành công tự nó sẽ đến.

4. Success will make all the problems go away

Thành công thì tự khắc các vấn đề nan giải sẽ biến mất: Problems don’t go away – Vấn đề không có cái nào tự biến mất đâu nhe. Đừng hoang tưởng. Chưa thành công có vấn đề của chưa thành công. Thành công có vấn đề của thành công. Người thành công không phải ít vấn đề hơn. Họ chỉ có cách tiếp cận và giải quyết vấn đề tốt hơn thôi bạn. “Don’t wish it was easier, wish you were better. Don’t wish for less problems, wish for more skills. Don’t wish for less challenge, wish for more wisdom – Đừng ước mọi thứ dễ hơn. Hãy ước mình giỏi hơn. Đừng ước ít vấn đề hơn. Hãy ước mình có nhiều kỹ năng hơn. Đừng ước ít thử thách hơn. Hãy ước bản thân hiểu biết hơn.”

5. People like you more after you are successful

Thành công sẽ làm người khác yêu mến ta hơn: Cái này là lầm super lớn nè. Thành công thì dễ bị người khác đố kỵ, dòm ngó, nói này nói kia. Thế thái nhân tình nó thế. Cho nên, có khi thành công còn mệt hơn nữa là khác. Chuyện người khác yêu mến mình bao nhiêu, thế nào, thật ra chẳng liên quan gì đến thành công. Mình sống làm sao, giúp đỡ mọi người thế nào mới quan trọng. Đừng có chăm chăm đạp lên người ta để thành công rồi quay lại hỏi sao người ta không thương mình dù mình đã thành công.

6. Success will make people happier

Thành công làm người ta hạnh phúc hơn: Lầm chết à nha! Money won’t make you happy – Tiền không làm con người ta hạnh phúc đâu. Tiền có thể mua được vài thứ thoả mãn nhất thời, nhất là vật chất. Nhưng things don’t make you happy – Vật chất chỉ thoả mãn cơn khát của bạn lúc đó thôi. Vài ngày sau là đâu lại vào đó. Bạn lại thấy thiếu thiếu gì đó mà chẳng biết thiếu gì. Hạnh phúc là cảm giác của những trải nghiệm sâu hơn, ví dụ như là giúp được cho ai đó chẳng hạn và nhìn thấy họ hạnh phúc hơn.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

Edit từ Chị Nguyễn Phi Vân

Đêm mê thực sự thì cần có sự nỗ lực phi thường chứ không chỉ là lời nói

“Mọi người nói rất nhiều về đam mê, và khuyên bạn hãy đi tìm đam mê đó của mình. Nhưng làm gì với đam mê đó để nó có thể nuôi sống bạn thì còn cả một hành trình dài và gập ghềnh phía trước”. Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ.

Có người vì không biết làm sao để sống sót qua cuộc hành trình nên bỏ cuộc. Có người vì chưa chuẩn bị cho hành trình nên bỏ cuộc. Cũng có người mơ mộng hão huyền quá nên thất bại và bỏ cuộc. Tôi cũng là một kẻ mơ mộng. Và tôi thà thành công khi thực hiện công việc mình đam mê hơn là thành công với thứ mà mình ghét cay ghét đắng. Nhưng những kẻ mơ mộng hỡi, ta cần phải có sự chuẩn bị để nuôi nấng và bảo bọc đam mê của mình. Chia sẻ với các bạn một số điều cần lưu ý nhé.

1. It takes more than just passion 

Cần nhiều điều kiện hơn, không chỉ có đam mê: có đam mê thì tốt rồi, vì đó là đòn bẩy để đưa bạn qua mọi khó khăn, gian nan sắp tới. Nhưng đam mê không thì không đủ. Vì bạn còn phải sống và làm việc quần quật để nuôi sống bản thân và cả đam mê. Bạn có sẵn sàng work hard – làm hết sức không? Ở đây không có chuyện thần tiên nhe. Đừng mơ mộng là ta bay bay giữa bầu trời với đam mê của mình.

Thực tế là ta phải lao vào cái hố sâu, làm ngày làm đêm không nghỉ, làm đến nỗi muốn kiệt sức và bỏ cuộc ấy. Hỏi bản thân xem bạn có sẵn sàng? Và không làm thì thôi. Nếu đã làm thì làm cho xuất sắc, làm giỏi đến nỗi ai cũng phải kinh ngạc, ghi nhận. Và ngoài chuyên môn còn biết làm nhiều chuyện nhỏ nhặt, chán ngắt khác cần thiết cho công việc của mình như hành chính giấy tờ chẳng hạn. Sao? Nghe xong bỏ chạy hay là nuôi dưỡng đam mê?

2. How can I make something better

Ta làm gì để một việc nào đó tốt hơn lên? Đã đam mê thì phải biết nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm không ngừng để giải quyết một vấn đề, làm cho một thứ gì đó trong ngành mà bạn đang theo đuổi tốt hơn lên. Và đó có phải là cách để bạn tự do sáng tạo, tự do thể hiện đam mê của mình?

Nếu bạn đam mê nấu ăn chẳng hạn, bạn sẽ làm gì để nhà hàng của mình đặc biệt hơn, hay hơn, ngon hơn những nhà hàng khác? Đó chính là tìm ra điểm khác biệt cơ bản cho business của bạn. Không có nó, và nếu ta chỉ làm cũng xoàng xoàng như người khác, thì chả bao giờ sống được lâu dài. Nói gì mà nuôi dưỡng đam mê.

3. Brainstorm options to monetize your passion

Suy nghĩ nhiều cách để có thể kiếm tiền từ đam mê của mình: xung quanh ngành mà bạn đam mê, có rất rất nhiều việc bạn có thể đóng góp vào ngành đó. Bạn thử bắt đầu làm bản đồ mind map và tìm ra một option nào đó liên quan xem nhé. Đây là vài câu hỏi để giúp bạn suy nghĩ:
– Tôi có nên bán sản phẩm gì đó liên quan trong một cửa hàng do tôi tự mở ra?
– Tôi có nên bắt đầu viết blog, làm kênh youtube, viết sách, làm phim gì đó để chia sẻ về đề tài mà tôi đam mê?
– Tôi có nên làm tư vấn về ngành mà tôi đam mê?
– Tôi có nên đầu tư vào một ý tưởng hay mô hình kinh doanh gì đó trong ngành mà tôi đam mê?
– Tôi có nên sáng tạo bằng công nghệ để giúp cho người trong ngành mà tôi đam mê làm việc dễ dàng hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn…?
– Tôi có nên làm gì đó để recycle được hay sửa và giữ được sản phẩm cũ cho người sử dụng trong ngành mà tôi đam mê?

4. Don’t be a perfectionist – Đừng chờ sự hoàn hảo rồi mới bắt đầu

Không có ai trên thế giới này mà hoàn hảo tất cả mọi kiến thức và kỹ năng trong ngành của họ cả. Họ chỉ giỏi, và học hỏi mỗi ngày để giỏi hơn thôi. Do đó, bạn cũng chẳng cần phải quá lo lắng khi bản thân chưa 100%. Cứ bắt tay vào làm và thử, nhưng phải biết hoàn thiện bản thân mỗi ngày bằng cách dành thời gian tự học.

5. Get outside of your comfort zone – Vượt ra khỏi vòng an toàn

Nếu muốn khởi nghiệp với ngành mà mình đam mê, bạn cần phải bước ra khỏi vòng an toàn. Có người cả đời sẽ chẳng bao giờ khởi nghiệp được. Có người sợ hãi không dám bước ra. Có người lúc này lúc khác. Tất cả qui về một chữ sợ. Sợ mất đi những gì mình đang có. Nếu không bước ra, không bắt đầu, không mất vài thứ mình đang có thì làm sao ta có được những điều mà ta mơ ước? Cái gì cũng muốn giữ mà vẫn muốn có thêm cái mới. Đó là chuyện viễn vông.

6. Have a lot of fun – Phải vui mới được

Bạn cộng tác dự án của tôi hay nhắc nhở mỗi khi tôi di công tác “Chị giữ gìn sức khoẻ và đừng làm việc nhiều quá nhé.” Tôi trả lời chị đâu có làm việc gì em. “I am just having a lot of fun, and pick up some business along the way – Chị chỉ ham chơi, ham vui, rồi trên hành trình đó làm thêm việc kinh doanh nữa.” Làm mà không vui thì chi bằng bạn đang giết dần giết mòn đam mê của mình? Rồi một ngày nào đó, bạn quên luôn cả lý do tại sao mình bắt đầu. Bạn chỉ muốn mọi thứ kết thúc. Và đó là bản án tử hình cho đam mê của chính ta.

7. Master your skills – Hoàn thiện kỹ năng

Làm gì thì làm, đừng ngạo mạn. Bạn có giỏi thì cũng chẳng bao giờ giỏi nhất. Và nếu muốn tiếp tục phát triển và cạnh tranh được với đời thì lúc nào cũng phải dành thời gian học để hoàn thiện kỹ năng của bản thân. Nếu không, một ngày nào đó bạn sẽ lạc hậu. Một ngày nào đó người khác sẽ vượt qua bạn. Còn bạn, và đam mê của mình, sẽ chỉ biết ngồi đó thất chí mà thôi.

8. Overcome obstacles – Vượt qua thử thách

Thử thách được sinh ra là để test bạn mà thôi, xem bạn có đủ can đảm, đủ niềm tin, đủ quyết tâm để thực hiện đam mê của mình. Mới thấy khó đã bỏ chạy là chicken nhe. Nhát như vậy thì đừng bao giờ nói chuyện đam mê. “Tôi không thất bại. Tôi chỉ tìm ra 1001 cách khác để thực hiện ý tưởng của mình.” Nhớ câu này không? Đó mới gọi là đam mê nhé. Không thì bỏ chạy từ đầu đi. Đừng thuyết giảng về đam mê của mình rồi chicken out – bỏ chạy giữa chừng nhe.

Trải qua một ngã rẽ Covid khốc liệt để tái sinh, tôi mong các bạn sẽ dành thời gian suy nghĩ về đam mê và hành trình tiếp theo của cá nhân mình. Tôi nghĩ rằng chỉ khi mỗi cá nhân theo đuổi đúng con đường mà mình hằng mơ ước, bạn mới có thể vui vẻ và hạnh phúc. Có bạn hỏi tôi, chị ơi mình làm cái dự án này rồi nữa chừng lỡ có gì đó xảy ra ngoài ý muốn và mình thất bại thì sao.

Tôi cười, chưa làm em đã sợ thất bại thì em đã thất bại ngay lúc này rồi, hỏi câu đó làm gì. Còn chuyện ta đã dấn thân mà vì tác động gì đó bên ngoài khiến ta không thành công, ta cũng đã học được một bài học lớn để quay về nghiên cứu, rút kinh nghiệm, tìm cách tốt hơn, và tiếp tục làm cho đến khi thành công vậy.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Chị Nguyễn Phi Vân

Nguyễn Phi Vân: Dân công sở kỹ năng rất “tệ”, yếu kém trong “Briefing” công việc

Nếu làm việc trong lĩnh vực kinh tế – tài chính, chắc hẳn chị em công sở sẽ không cảm thấy quá lạ lẫm khi nghe đến cái tên Nguyễn Phi Vân – chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhượng quyền tại Việt Nam.

Bà hiện là thành viên sáng lập và phát triển Công ty World Franchise Associates tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, đại diện cho gần 1000 thương hiệu quốc tế tại châu Á – Thái Bình Dương. Đồng thời, bà cũng là Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia.

Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp”, và “Con đường ngắn để bước ra thế giới”.

Trên trang cá nhân của mình, nữ chuyên gia thường có những bài viết, chia sẻ vô cùng bổ ích, xuất phát từ kinh nghiệm thực tế nhằm giúp những cá nhân trong môi trường công sở có thêm kiến thức cũng như kỹ năng để hoàn thành tốt công việc.

Đơn cử, mới đây, trên trang cá nhân của mình, Nguyễn Phi Vân đã có dịp chia sẻ những trăn trở về sự thiếu hụt và yếu kém trong kỹ năng “briefing” (tóm tắt nội dung công việc) của nhiều bạn trẻ Việt. Cụ thể, cô viết:

“Một trong những kỹ năng rất tệ của bạn trẻ Việt Nam khiến tôi nổi cơn hoài, là kỹ năng briefing – chia sẻ thông tin định hướng cho người khác thực hiện một công việc hay nhiệm vụ nào đó.

Khi cần ai đó làm gì cho mình, điều quan trọng nhất phải làm tốt là briefing thật rõ, thật kỹ, thật đầy đủ và chi tiết tại sao làm, làm thế nào và làm gì, những điều cần lưu ý là gì và tại sao. 

Trong rất nhiều lần trải nghiệm, tôi thường nhận được các kiểu briefing sơ sài, thiếu thông tin, đùa việc một cách vô trách nhiệm cho có cho xong, không hề bỏ chút thấu cảm vào để hiểu người khác cần gì, không hề bỏ chút tâm vào để hiểu người khác nhận thông tin như vậy thì có thực hiện công việc được hay không. Kết quả ngàn lần như một là vứt đi, trong khi hao phí bao nhiêu nguồn lực, nhân lực. Rảnh quá hả? Bày việc ép nhau làm chỉ để vứt đi?

Bạn nghĩ lại đi, khi ai đó briefing kiểu này, khiến bạn loay hoay, hoang mang không biết phải làm sao cho đúng thì bạn rơi vào cảm giác thế nào? Stress? Áp lực, hoảng hốt, mất tự tin? Out of nothing? Chẳng vì cái gì hết cả? Chi vậy? Thật vô tích sự khi bày biện ra sự vô hiệu quả không cần có. 

Tất cả, giải quyết đơn giản chỉ bằng cách “put yourself in other people’s shoes” – đặt chân mình vào giày người khác, hỏi bản thân mình brief vậy một người không phải là mình, chưa hiểu gì về đề tài hay dự án này, họ có hiểu và có thể triển khai tốt hay không. Tất cả sự vô hiệu quả, chỉ cần chút thấu cảm, chút kỹ năng nói hay viết rõ ràng, tự nhiên biến mất.

Cho nên, làm ơn đi, thứ nhất là luôn đặt mình vào vị trí người nhận. Thứ hai là dành thời gian suy nghĩ và briefing hiệu quả. Thêm 30 phút và rắc vào đó chút tâm, là bạn trở thành hero, cứu cả một mớ vô hiệu quả của cả tháng, cả tuần, cả đám emo – cảm xúc phóng đại tào lao vì cãi vã nhau của đội. Cuối cùng, bạn đi làm là để vui, để học, để thành công và phát triển, hay đi làm để xông pha vào những cuộc chiến vô tích sự cho hết một đời người?

Vậy đi nha. Bắt đầu từ hôm nay!”.

Ngay sau khi được chia sẻ, bài đăng của Nguyễn Phi Vân đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dùng mạng. Rất nhiều ý kiến đồng cảm đã được để lại bên dưới phần bình luận. Bên cạnh đó, có không ít lời cảm ơn được gửi đến nữ chuyên gia vì những kiến thức rất thiết thực và bổ ích này.

“Chuyện này cũng dễ mà các bạn trẻ cứ mắc hoài. Chỉ cần cẩn thận ghi lại, xem lại rồi sắp xếp lại mà vẫn cứ phải học hoài, học mãi 1 bài học. Bài học của chị rất bổ ích cho một tuần mới hứng khởi và hiệu suất”.

“Em cũng dị ứng với mấy lớp đào tạo kỹ năng toàn nói những câu truyền cảm xúc (dạng như NPL) rồi bao biện là truyền cảm hứng hay năng lượng mới tích cực làm việc được. Công việc dễ thì đâu phải mất thời gian vô tích sự, còn việc khó thì nó không chọn những người nửa nạc nửa mỡ như thế”.

“Em đồng ý! Ngoài ra thì theo em người take brief cũng cần có kỹ năng take brief, biết cách đặt câu hỏi để làm rõ những nhiệm vụ. Hai bên cùng phối hợp để tạo được hiệu quả tốt nhất”.

Thế giới ngày một phẳng hơn và cơ hội để tất cả chúng ta có thể “quảy gánh băng đồng vươn ra thế giới” ngày một rộng mở. Tuy nhiên, để có thể làm được điều đó, việc đầu tiên mà chị em công sở chúng ta cần làm đó chính là trang bị cho bản thân những kỹ năng làm việc cơ bản để có thể đủ điều kiện đứng vào đường đua.

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips 

Trí Thức Trẻ

Nhiều bạn trẻ Việt chỉ thích “im” khi làm việc – Quy tắc 7C

Nữ chuyên gia nhượng quyền cho rằng nếu muốn hội nhập vào môi trường công việc, bạn cần phải học cách giao tiếp, thậm chí phải giao tiếp thật hiệu quả.

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân hiện là thành viên sáng lập và phát triển của Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á, đồng thời cũng là Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền thương hiệu cho Chính phủ Malaysia…

Nguyễn Phi Vân từng phụ trách các thương hiệu quốc tế thuộc tập đoàn Unilever, Nestlé, Abbott, San Miguel, Mastercard, Johnson & Johnson, Gloria Jean’s… và cũng là tác giả của hàng loạt đầu sách bán chạy như: “Quảy gánh băng đồng ra thế giới”, “Nhượng quyền khởi nghiệp”, và “Con đường ngắn để bước ra thế giới”.

Đứng từ góc độ của người sử dụng nhân sự, chuyên gia cảm thấy kĩ năng làm việc của nhiều bạn trẻ hiện nay còn quá thụ động, khong linh hoạt trong các trường hợp cần thiết. Một trong số thái độ gây khó chịu nhất là chọn cách im lặng, không lên tiếng về những gì bản thân muốn thắc mắc.

Mở đầu câu chuyện, chuyên gia cho rằng mình đã gặp rất nhiều trường hợp như vậy: “Em làm ơn đi. Không nói, không chia sẻ, không giao tiếp với ai trong team, với chị thì ai biết em đang làm gì, làm đến đâu, gặp khó khăn gì, cần hỗ trợ ra sao, và có hoàn thành công việc được giao không”. Tôi thật không biết mình đã bao nhiêu lần phải đi năn nỉ các bạn trẻ Việt Nam như thế. Chả hiểu trường học dạy các bạn những gì.

Chat Facebook thì nhanh như điện, nhưng khi làm việc thì chỉ có một chiêu xài hoài – im. Ủa nếu im im không muốn hay cần nói gì với ai thì đừng đi làm việc.

Lên núi ở một mình đi cho nó lành. Còn nếu vẫn muốn hội nhập vào môi trường công việc, thì bạn cần giao tiếp. Không chỉ giao tiếp, mà là giao tiếp thật hiệu quả.”

Trong khi đó, điều cần thiết nhất mà xã hội cần thì các bạn lại yếu kém. Chuyên gia nhận định: “Ở thế kỷ 21 này, một trong top 10 kỹ năng quan trọng nhất để có thể hội nhập vào tương lai là communication – giao tiếp.

Tại sao à? Vì đây là thế kỷ của hợp tác, của làm việc nhóm – team work, của làm việc xuyên lục địa, của 4-5 đứa ngồi ở những quốc gia khác nhau cùng hợp tác thực hiện một dự án, của xu hướng làm việc free-lance, của chuyển động làm việc off-site không cần vào văn phòng mà có thể ngồi ở bất kỳ nơi nào trên thế giới mà họp online và giao tiếp qua các nền tảng quản trị công việc nhóm như Slack. Giờ, tôi chia sẻ với các bạn 7 điều cần làm để giao tiếp hiệu quả nhé.”

1. Clear – Rõ ràng: Giao tiếp thì qua nhiều hình thức lắm, họp, email, chat, hội nghị, báo cáo… Nhưng dù bạn nói gì và qua hình thức gì, điều quan trọng đầu tiên là người nghe phải hiểu bạn đang nói gì và với mục tiêu gì. Nếu không, nói chi cho tốn sức? Cho nên, nói ngắn gọn, trình bày vấn đề súc tích, mạch lạc, logic, dễ hiểu là tốt nhất.

Có nhiều bạn, gặp tôi trình bày hay viết cái email dài sòng sọc. Xong, tôi hỏi, “Ủa ý em là sao?”. Mất thời gian cả người nghe và người nói. Hơn nữa, trong thời đại thời gian trở thành xa xỉ này, học cách trình bày ngắn gọn, on-point đúng trọng tâm là hết sức cần thiết. Nếu không, bạn sẽ đánh mất sự chú ý của người nghe sau 2 phút.

2. Concise – ngắn gọn: Muốn người ta hiểu, đề nghị tập trung vào trọng tâm, đừng “chém gió” lung tung mà chẳng hiểu cuối cùng câu chuyện dẫn đến đâu. Nghe mà không biết dẫn dụ đến chuyện gì, người ta mệt lắm. Tự hỏi mình:

a. Những từ không cần thiết như “có vẻ như là”, “hình như”, “ý em là” bỏ bớt được không?

b. Có câu nào nói cũng như không nói không? Nếu có, thì bỏ luôn đi vì nó chẳng giúp ích gì cho người nghe.

3. Concrete – Cụ thể: Nói chuyện gì thì ra chuyện đó, đừng có chuyện nọ xọ chuyện kia. Và làm ơn, đừng có chung chung hoá vấn đề. Nếu bạn nói, nhiều người yêu cầu chuyện đó lắm, tôi hay hỏi, nhiều người là mấy người, cỡ 2 không?

Đừng cười, bệnh chung chung hoá ở Việt Nam nhiều lắm, và đó là cách đặt đầu bài sai, làm cho bạn đi giải quyết một vấn đề không có. Làm ơn sử dụng dữ liệu chính xác, cụ thể, đo lường được.

Tôi hay nhắc nhân viên mình, làm ơn làm việc chi tiết, cụ thể, rõ ràng, nói xong biết cần phải chính xác là đi làm gì, ai làm, bao lâu thì xong. Giao tiếp trong làm việc là gãy gọn chính xác, không phải tập làm văn. Nếu không, cả tổ chức đó nhào vô làm toàn những chuyện chẳng liên quan, không cụ thể, chẳng đo lường được thì đóng cửa sớm.

4. Correct – Chính xác: Không nói thì thôi, nếu đã nói ra, làm ơn double check, triple check cho nó đúng rồi hãy nói. Tự hỏi mình:

a. Từ chuyên môn bạn sử dụng vậy người ta có hiểu không? Nếu không thì giải thích kiểu layman term – nông dân chút thì nói sao cho người ta hiểu.

b. Kiểm tra từ ngữ sử dụng, lỗi ngữ pháp, chính tả chưa?

c. Tên người bạn gọi, gởi, chức danh, vv có chính xác không, đặc biệt là với người nước ngoài? Gọi sai tên, viết lẫn lộn là dễ gây mất cảm tình lắm nhé.

5. Coherent – Mạch lạc, chặt chẽ: Giao tiếp là phải logic. Nói cái gì trước, cái gì sau, mấy chuyện đó liên quan nhau sao, là cực quan trọng. Nếu không, ai biết bạn đang nói gì. “Ủa là sao, không hiểu”. Câu này tôi phải xài hoài, vì các bạn nói xong, lộn xộn chuyện nọ xọ chuyện kia. Có khi, nói một hồi người nói lạc luôn, không biết mình đang nói chuyện gì. Vậy ai hiểu?

6. Complete – Hoàn chỉnh: Thông tin bạn cung cấp, dữ liệu liên quan đến vấn đề, mục đích bạn giao tiếp, call to action – phản ứng hay hành động bạn mong muốn từ người nghe là gì, đầy đủ chưa? Nói đừng nói nửa câu.

Giao tiếp đừng bao giờ là ½ câu chuyện. Lỡ mất công nói rồi, suy nghĩ và nói giùm cho đầy đủ, để người ta nghe xong còn biết phải làm gì và thực hiện được nhanh chóng dựa vào dữ liệu đã được cung cấp đủ đầy. Ai, giờ nào, ngày nào, ở đâu, làm gì… Cung cấp đầy đủ thông tin thôi cũng là kỹ năng giúp công việc dễ dàng, hợp tác thành công đó bạn.

7. Courteous – Lịch sự: Làm gì làm, cuối cùng, nói mà người ta chịu nghe và nghe vô mới được. Không thì, gọi là đổ nước vào tai chớ chẳng phải giao tiếp. Cho nên, check lại mình, khi giao tiếp có thân thiện, đầu óc mở để lắng nghe không thành kiến, có thành thật, có tránh dùng từ ngữ nghe tiêu cực, hung hăng, có khả năng làm tổn thương ai đó? Bạn có góc nhìn của bạn, thế giới quan của bạn.

Nhưng bạn cũng phải học cáchthấu cảm người khác nữa thì mới gọi là giao tiếp.

Ngày nào ta cũng giao tiếp hết. Mà nếu kỹ năng này không có hay quá kém thì bạn cứ tưởng tượng đi, bạn sống sao với người thân, đồng nghiệp, sếp, khách hàng, và mọi người xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của mình? Cần kỹ năng này không? Cần đến cỡ nào? Bạn hiểu rồi đó.”

Tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

Theo Hà Anh | MarketingTrips

Theo Nguyễn Phi Vân