Skip to main content

Thẻ: Now

Bị các ứng dụng thu phí quá cao, nhiều đơn vị F&B chọn cách “nghỉ chơi”

Với một đơn hàng, ứng dụng (app) của các hãng công nghệ lấy được cả tiền chia sẻ doanh thu từ các đơn vị F&B (những quán ăn và quán cafe) lẫn tiền chiết khấu từ vận đơn của shipper. Làn sóng rời bỏ hoặc bớt phụ thuộc vào app đang diễn ra.

Bị các ứng dụng thu phí quá cao, nhiều đơn vị F&B chọn cách "nghỉ chơi"
Bị các ứng dụng thu phí quá cao, nhiều đơn vị F&B chọn cách “nghỉ chơi”

Ông Ngô Văn Hà (quận Bình Thạnh, TP.HCM), kinh doanh hệ thống 10 cửa hàng, cho biết đã đề nghị giảm chiết khấu xuống 12 – 15%, bù lại sẽ tăng quảng cáo.

Tuy nhiên, nhiều app không chấp nhận, vẫn thu đủ 20 – 25%. “Đàm phán tốt, doanh nghiệp có thể được giảm mức chiết khấu. Tuy nhiên, những trường hợp được giảm không nhiều”, ông Hà than.

Cuộc vui ngắn ngủi vì app thu đậm.

Cho rằng app “ăn dày” và ít chia sẻ, nhiều cửa hàng, quán ăn chọn chia tay hoặc giảm làm ăn với app.

Vận hành hơn 20 chi nhánh quán đồ ăn xứ Quảng, anh Nguyễn Đỉnh (quận Tân Bình) từng kỳ vọng doanh số bùng nổ khi bán hàng online qua app và trực tiếp tại quán. Ban đầu, cứ một quán ăn ít nhất anh đăng ký 3-4 app giao đồ ăn như Baemin, GrabFood, GoFood, ShoppeFood…

Chiết khấu trên đơn hàng của các ứng dụng khác nhau tùy vị trí, quán ăn và thời gian hợp tác, trung bình là 25 – 27,5%. Phí này những năm trước chỉ ở mức khoảng 15 – 20%, sau đó tăng dần.

“Ban đầu có nhiều khách đặt khi app tăng khuyến mãi, sau đó từng bước đưa chủ quán vào thế phải khuyến mãi mạnh hơn mới có khách.

Mình phải chi tiền quảng cáo, ưu đãi 20 – 30% mới xuất hiện nổi bật trên gian hàng online của app. Càng phụ thuộc app, chi tiền khuyến mãi quá nhiều, doanh thu cao nhưng lợi nhuận giảm”, anh Đỉnh nói và cho biết đã gỡ bỏ gian hàng trên một số ứng dụng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 22-10, ông Trần Văn Trường, giám đốc Công ty hải sản Hoàng Gia, cho biết là đơn vị lâu năm và đơn hàng có giá trị lớn nên đã đàm phán để có được mức chiết khấu từ 5 – 10%. Tuy nhiên, gần đây nhiều app đòi tăng lên 15 – 20%, thậm chí 25%, nên đơn vị phải giảm giao hàng qua app.

“Kinh doanh khó khăn, lượng đơn hàng giảm 20 – 30% so với lúc tốt mọi năm, giờ lại “nuôi” thêm app với chiết khấu cao nữa thì thật sự khó sống”, ông Trường nói.

Ngoài việc lấy tiền chia sẻ doanh thu trên đơn hàng từ các quán ăn, dịch vụ giao hàng của hãng công nghệ còn “ăn” thêm chiết khấu trên đơn của shipper.

Theo đó, tương tự quán ăn, shipper cũng có mức chiết khấu với app từ 20 – 25%. Chẳng hạn, với một đơn hàng vận chuyển giá 16.000 đồng tài xế mất 1/4 số tiền cho hãng, chỉ giữ lại 12.000 đồng, chưa kể chi phí đổ xăng đang đắt đỏ.

Tự đầu tư để kéo khách về.

Dù khẳng định app là làn gió mới, việc “chơi” với ứng dụng giúp đơn vị dễ quảng bá thương hiệu, đỡ các chi phí tại chỗ như mặt bằng, phục vụ… nhưng ông Trường cho biết với xu hướng chiết khấu ngày càng tăng, đơn vị phải tự cứu mình.

Theo ông Trường, với 13 cửa hàng và đang dự tính mở thêm, mỗi ngày hệ thống có đến hàng trăm đơn hàng, việc chia 10 – 15% cho các app là số tiền lớn.

“Tôi đang chủ động xây dựng kênh bán hàng riêng, ưu đãi cho khách như miễn phí vận chuyển khi đặt hàng trực tiếp”, ông Trường nói.

Ông Hà Bình Kha, chủ nhà hàng Hai Châu (quận Gò Vấp), cũng cho hay đang tìm cách kéo khách về bằng cách tăng giá 10% nếu đặt qua app, giảm giá bán khi mua tại cửa hàng, miễn phí giao hàng…

Nhiều quán ăn, nhà hàng đang tìm cách “giải phóng” mình khỏi các app. Thay vì trả 25% chiết khấu, họ dùng số tiền này để quảng bá, khuyến mãi tại chỗ…

Đủ kiểu thu phí, app vẫn lỗ?

Với một đơn hàng, app công nghệ thu lời từ nhiều bên nhưng nhiều ứng dụng công nghệ vẫn kêu khó, gặp lỗ.

Mới nhất là ứng dụng đến từ Hàn Quốc Baemin, sau hơn ba năm hoạt động tại Việt Nam đến nay phải thu hẹp quy mô, thậm chí tính rời thị trường. Loship thì đối diện phản ứng của nhiều chủ quán ăn, cửa hàng vì giam tiền hàng, hoàn trả chậm…

Theo các app, áp lực to lớn cho thị trường giao thức ăn tới từ nhà đầu tư, trong khi khách hàng lại quen được khuyến mãi.

“Việc “vung tiền” chiếm thị trường, cạnh tranh với đối thủ khiến các ứng dụng giao hàng lâm vào thế khó.

Dân thắt lưng buộc bụng, các app cũng phải cắt giảm khuyến mãi do khó khăn, ngay bản thân doanh nghiệp vẫn lỗ” – đại diện một đơn vị giao hàng lý giải và cho biết tại các thị trường phát triển như Mỹ hay Hàn Quốc, hiện nhiều ứng dụng dẫn đầu cũng lỗ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện một app giao thức ăn cho hay phải liên tục “bơm tiền” đầu tư công nghệ và vận hành hệ thống. Nhưng sau thời gian kỳ vọng bùng nổ, thực tế sức mua giảm mạnh, doanh thu sụt giảm rất mạnh từ đầu năm nay.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, tổng giám đốc Công ty Liên kết thương mại toàn cầu, nhận định khi chiếm được thị phần, doanh nghiệp công nghệ luôn tìm cách thu tiền, nhất là với các nhà hàng, quán ăn bị lệ thuộc vào app.

Theo các chuyên gia, hiện giá xăng dầu, vật giá tăng cao là áp lực cho cả app, tài xế và khách hàng. Tuy nhiên, các app cần san sẻ, cân đối lợi nhuận ở mức vừa phải để hỗ trợ tài xế và khách hàng, chuẩn bị cho hành trình lâu dài.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Báo Tuổi Trẻ

Now sắp đổi tên thành ShopeeFood với những tham vọng mới

Việc Now đổi tên thành ShopeeFood là một động thái tất yếu khi Sea đang nắm giữ đến 82% cổ phần của Foody.

Now, một trong ứng dụng giao đồ ăn phổ biến nhất tại Việt Nam, cho biết sẽ đổi tên thành ShopeeFood kể từ ngày 18/8/2021. Động thái này rõ ràng cho thấy Sea đang có tham vọng đồng nhất về mặt thương hiệu các dịch vụ mà nó đang triển khai tại Việt Nam.

Sea thâu tóm 82% của Foody Corporation vào cuối tháng 9/2017 trong một thương vụ trị giá 64 triệu USD. Trước đó, Sea cũng tham gia vòng đầu tư Series B của Foody vào tháng 7/2015 với số vốn không được công bố.

Foody được ông Đặng Hoàng Minh sáng lập  vào năm 2012 trong vai trò một dịch vụ đăng tải thông tin nhà hàng và gợi ý ăn uống.

Đến năm 2015, Foody chuyển đổi thành một nền tảng giao dịch cho các dịch vụ giao đồ ăn và đặt chỗ nhà hàng sau khi nhận được vốn đầu tư từ Garena and Tiger Global Management.

Cùng năm, Foody ra mắt dịch vụ theo yêu cầu DeliveryNow, hiện đổi tên thành Now.

Đến nay, Foody đang cung cấp các dịch vụ giao đồ ăn Now, dịch vụ đặt bàn TableNow và phần mềm quản lý bán hàng NowPOS.

Đầu năm nay, ShopeeFood cũng âm thầm triển khai ở Indonesia. Hồi tháng 6, Shopee cũng thực hiện tuyển dụng nhiều tài xế giao đồ ăn ở Malaysia. Điều này đồng nghĩa với việc ShopeeFood cũng đang rục rịch vận hành ở quốc gia này.

Ngoài Now, ví điện tử AirPay cũng chính thức đổi tên thành ShopeePay vào đầu tháng 6 năm nay.

Báo cáo thường niên của Sea cho thấy Sea có 30% cổ phần CTCP AirPay vào năm 2018. Đến năm 2019, con số giảm xuống còn 18%. Báo cáo thường niên mới nhất của Sea vào năm 2020 không nhắc đến thông tin này.

Thời điểm đó, đại diện của Shopee nói rằng việc đổi tên AirPay bằng ShopeePay không chỉ mang ý nghĩa về mặt nhận diện thương hiệu mà còn nhằm xây dựng hệ sinh thái tích hợp, góp phần phát triển hệ thống thanh toán số tại Việt Nam và trong khu vực.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Ứng dụng giao đồ ăn và OTT phổ biến nhờ đại dịch

Theo báo cáo “Ứng dụng di động 2021” của Appota phát hành, người Việt đang có xu hướng tải và sử dụng nhiều ứng dụng di động hơn sau đại dịch. Trong đó, sôi động nhất là các ứng dụng giao đồ ăn và OTT với tốc độ tăng trưởng chóng mặt.

Ứng dụng giao đồ ăn và OTT phổ biến nhờ đại dịch

Ứng dụng giao đồ ăn trở thành khái niệm quen thuộc.

Trước khi đại dịch bùng phát, dịch vụ giao đồ ăn qua ứng dụng thứ 3 là một khái niệm chưa phổ biến với người Việt.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi trong năm 2020 lượng người sử dụng dịch vụ này thường xuyên đã đạt đến 80% trong khi năm 2016 chỉ có 20% lượng người sử dụng theo như khảo sát.

Điều đặc biệt đó là sự xuất hiện dày đặc của các ứng dụng đặt đồ ăn trên smartphone đã khiến cách sử dụng dịch vụ này có sự thay đổi.

Cụ thể, trong khảo sát năm 2020 của QandMe, tỷ lệ đặt đồ ăn qua bên ứng dụng thứ 3 đã đạt 82% so với năm 2018 chỉ là 58%.

Hình thức gọi điện trực tiếp để đặt hàng đã không còn phổ biến khi sụt giảm từ 71% xuống còn 23%.

Thị trường giao đồ ăn cũng trở nên sôi động với sự cạnh tranh của nhiều đối thủ lớn như: Now.vn, LoShip, BaeMin…đến cả 2 ông lớn mảng đặt xe trực tuyến như Grab, Go-jek năm 2020 cũng mở rộng mảng dịch vụ sang giao nhận đồ ăn với tiện ích GrabFood và Go-Food.

Chính vì quy mô thị trường tại Việt Nam rất bé nên lĩnh vực giao thức ăn nhanh được xem là một thị trường “nóng” nhiều sức hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ngoài ra, đơn vị giao hàng nào nhanh nhất, nhiều khuyến mãi nhất và nhiều thực đơn phong phú nhất ắt sẽ thắng trong cuộc đua giành thị phần này.

OTT “xu hướng mới” không thể tránh khỏi.

OTT là viết tắt của Over The Top, đây là thuật ngữ dùng để chỉ việc tận dụng không gian rộng lớn Internet nhằm cung cấp cho người dùng các nội dung như hình ảnh, âm thanh, tin nhắn, gọi điện.

Hiện nay, xem phim và các nội dung VOD đã trở thành một hình thức giải trí phổ biến trong thời kì dịch bệnh.

Tại Việt Nam, OTT đã phát triển nhanh chóng và trở thành 1 xu hướng mới trong giai đoạn giãn cách xã hội, theo đó tỷ lệ xem OTT trên smartphone chiếm tới 67%, 86% người dùng sẵn sàng xem quảng cáo để đổi lại các nội dung miễn phí, 35% tỷ lệ chuyển đổi quảng cáo mua hàng trên các nền tảng OTT tại Việt Nam.

Nhờ sự phổ biến và nở rộ trong năm 2020, các ứng dụng OTT ngày càng thu hút thêm người dùng mới, với phần lớn tập người dùng đang ưa chuộng các nền tảng OTT miễn phí nhưng có chứa quảng cáo khiến đây dần trở thành một kênh quảng cáo đầy tiềm năng cho các nhà phát triển thương hiệu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn | MarketingTrips 

Thị trường giao đồ ăn: Nhanh chưa chắc đã thắng

Không phải tốc độ lúc nào cũng là điểm vượt trội, điều khách hàng quan tâm thật sự là dịch vụ nào có mã khuyến mãi nhiều nhất thay vì là tốc độ giao hàng.

Thị trường giao thức ăn trực tuyến tại Việt Nam đang được đánh giá là tăng trưởng mạnh mẽ và ngày càng có nhiều doanh nghiệp “nhảy” vào lĩnh vực này.

Đáng chú ý, cuộc chiến chiếm lĩnh thị phần giữa các ứng dụng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, thậm chí ngày càng khốc liệt hơn khi Baemin đang tăng tốc bám sát “kẻ dẫn đầu” GrabFood.

Năm 2020, Việt Nam ghi nhận tăng trưởng mạnh về giao hàng thực phẩm trực tuyến do Covid-19 (1.140.397 lượt thảo luận).

Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng suốt năm 2021, đồng thời được dự báo tăng trưởng sẽ đạt giá trị hơn 38 triệu USD và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Cụ thể, dịch Covid-19 đã giúp dịch vụ giao thức ăn tăng trưởng cực thịnh.

Trong đó, GrabFood là thương hiệu dẫn đầu thị trường khi chiếm đến 33,38% thị phần thảo luận, theo sau là Now với 23,16% lượng thảo luận trên social, thứ 3 là Baemin với 21,95%.

Tháng 05/2020, Baemin đạt lượng thảo luận tương đương GrabFood ở cùng thời điểm khi thương hiệu này bắt đầu đẩy mạnh hoạt động truyền thông.

Kênh Fanpage vẫn đang là nơi đem lại các thảo luận nhiều nhất cho các thương hiệu (55,48%), tiếp theo đó là ở các nhóm chuyên về review thức ăn, quán ăn (22,9%).

Theo phân tích từ Reputa – Social Listening Platform, lý do chính yếu làm khách hàng hài lòng với dịch vụ là “Chương trình ưu đãi, khuyến mãi” (chiếm đến 84%).

Không phải tốc độ lúc nào cũng là điểm vượt trội, điều khách hàng quan tâm thật sự là dịch vụ nào có mã khuyến mãi nhiều nhất thay vì là tốc độ giao hàng (yếu tố chỉ chiếm 2%).

Ngoài ra, thời điểm bữa tối là lúc khách hàng sử dụng dịch vụ nhiều nhất, nhiều thương hiệu đã tận dụng tốt điểm này để thu hút lượng đơn hàng.

Theo nghiên cứu, Promotion (gồm Chương trình khuyến mãi, giảm giá; Chương trình quảng bá marketing) là mối quan tâm hàng đầu của Khách hàng, trong đó Baemin dẫn đầu thị trường với các nội dung “Khao khủng, Khuyến mãi, Freeship” và chiến dịch truyền thông đặc sắc, gắn với Trấn Thành, bộ nhận diện thương hiệu “mèo béo” bắt mắt và loạt content marketing “bắt trend”.

NowFood và GrabFood dẫn đầu về thị phần thảo luận dịch vụ giao hàng, đặc biệt các đánh giá về sự chuyên nghiệp của shipper, tốc độ giao hàng mang tính tích cực.

GoFood có tỷ trọng thảo luận cao về Trải nghiệm app khi thương hiệu này mới thay đổi app; đứng sau đó là Loship với đa dạng dịch vụ được tích hợp như Lo-supply, Lozat, Lomec.

Thừa hưởng lợi thế về hệ sinh thái lớn mạnh bao gồm Grabbike và ví Moca, GrabFood dễ dàng chinh phục Khách hàng khi có mạng lưới tài xế đông đảo, hệ thống nhà hàng, quán ăn liên kết khá đa dạng và ứng dụng Grab có trải nghiệm tiện dụng.

Trong năm 2020, GrabFood giảm dần các hoạt động “Giảm giá”, nhưng vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động quảng cáo, truyền thông với các thông điệp ý nghĩa được độc giả đón nhận tích cực, với 69,11% bàn về mã giảm giá và 16,29% chia sẻ và thảo luận về các thông điệp truyền thông của GrabFood.

Với thời đại 4.0, người tiêu dùng đang tìm kiếm các sản phẩm/dịch vụ giúp đời sống họ thuận tiện hơn.

Và đang có nhu cầu khẩn thiết về các giải pháp tiện lợi để có thể giúp đơn giản hóa cuộc sống của họ, với lối sống bận rộn và khả năng kết nối ngày càng tăng đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng/sử dụng dịch vụ của họ.

Báo cáo cho thấy những doanh nghiệp đang tồn tại trên thị trường đều có sự khác biệt để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tuy nhiên để tăng tính cạnh tranh, các doanh nghiệp phải cân đo đong đếm chọn các yếu tố chính để làm thoả mãn nhu cầu người dùng.

So với khu vực, quy mô thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam hiện rất nhỏ.

Cho nên việc mở rộng thị trường giao thức ăn nhanh tại Việt Nam không chỉ đem lại thuận lợi cho thương hiệu mà còn tạo cơ hội cho nhiều nhà hàng, quán ăn nhỏ, thậm chí là các gia đình có sở trường nấu ăn mà không có điều kiện mở mặt bằng, tạo nên thị trường thức ăn phong phú, hấp dẫn thực khách không chỉ địa phương mà cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips