Sở dĩ như vậy do quảng cáo số ngày càng dễ dàng, lừa đảo trực tuyến cũng ngày càng nhiều, nên người tiêu dùng cũng bắt đầu nghi ngờ, đề phòng hơn.

Quảng cáo số “lên ngôi”

Cuối tháng 6 vừa qua, các tập đoàn hàng đầu thế giới như Puma, Coca- Cola, Unilever, P&G, Patagonia, the North Face, REI, Verizon, Starbucks, Pepsico… đồng lòng tham gia vào phong trào “Ngừng thù hận vì lợi nhuận”, cùng tẩy chay Facebook.

Một chiến dịch tẩy chay Facebook quy mô chưa từng có, với hơn 160 thương hiệu lớn tham gia, thổi bay 56 tỷ USD giá trị vốn hoá của Facebook chỉ trong một thời gian ngắn. Đáp lại động thái đó, mạng xã hội lớn nhất thế giới vẫn “bình chân như vại”.

Thế nhưng, Facebook biết rằng không đời nào các doanh nghiệp lại tẩy chay mình. Bởi trong thời đại số, khi con người dành thời gian trên mạng còn nhiều hơn thời gian ngoài đời thực, thì quảng cáo Facebook là chiếc cần câu cơm không thể thiếu.

Không chỉ có Facebook, những hình thức số của các loại hình quảng cáo truyền thống khác cũng tỏ ra vượt trội người tiền nhiệm. Ngày xưa là bảng quảng cáo ngoài trời, thì ngày nay là khung quảng cáo trên website.

Ngày xưa doanh nghiệp bỏ tiền ra mua xuất quảng cáo giờ vàng trên tivi, thì ngày nay họ bỏ tiền ra để tài trợ các video ca nhạc triệu view, hoặc các kênh có lượt theo dõi cao trên Youtube…

Ngoài lý do người tiêu dùng sử dụng mạng nhiều hơn, thì quảng cáo số có các ưu điểm tuyệt đối khác so với quảng cáo truyền thống như: có thể nhắm thẳng đến đối tượng mong muốn, đo lường hiệu quả, và có tỷ lệ chuyển đổi cao – không ai đang lái xe mà dừng lại gọi điện mua hàng trên bảng quảng cáo, nhưng mọi người có thể dừng một video trên Youtube để nhấp vào đường link quảng cáo.

Một nghiên cứu của eMarketer cho thấy: chi tiêu quảng cáo trực tuyến đã chính thức vượt qua quảng cáo truyền thống. Dự báo đến năm 2023, chi tiêu cho quảng cáo số sẽ chiếm 2/3 tổng chi tiêu cho truyền thống.

Vị thế quảng cáo truyền thống.

Một chiếc bảng quảng cáo ngoài trời, hay một mẩu quảng cáo trên tivi có thể không mang lại nhiều lượt tiếp cận và tỷ lệ chuyển đổi cao như quảng cáo số, nhưng chắc chắn giúp thương hiệu khẳng định vị thế của mình.

Bởi vì loại hình quảng cáo này không hề rẻ, các nhãn hàng còn phải cạnh tranh nhau để có được một vị trí quảng cáo đẹp. Thương hiệu nào xuất hiện trên bảng quảng cáo giữa một quảng trường lớn, hay giờ vàng trên tivi, đặc biệt trong trận chung kết World Cup thì chắc chắn đã tạo một ấn tượng “đại gia” trong tâm trí người tiêu dùng.

Chưa kể, do quảng cáo số ngày càng dễ dàng, lừa đảo trực tuyến cũng ngày càng nhiều, nên người tiêu dùng cũng bắt đầu nghi ngờ, đề phòng hơn với loại hình quảng cáo này.

Một cuộc khảo sát với hơn 1.000 người Mỹ của Clutch cho thấy, quảng cáo trực tuyến và mạng xã hội là những hình thức quảng cáo ít được tin tưởng nhất với khoảng 40%, và quảng cáo truyền thống là hình thức quảng cáo được tin tưởng nhất với 61%.

Lý do thứ hai giúp quảng cáo truyền thống vẫn còn chỗ đứng là do chúng vẫn cực kỳ hiệu quả trong nhiều trường hợp. Một biển quảng cáo ngoài trời rất khó giúp doanh nghiệp tăng doanh số trực tiếp, nhưng sẽ rất hiệu quả để tăng nhận thức về thương hiệu, đặc biệt nếu chúng được đặt ở vị trí vàng, hoặc có thiết kế đặc biệt.

20 giây quảng cáo xuất hiện trong trận chung kết World Cup của đài VTV có giá 800 triệu đồng. Nhưng nếu chỉ cần có 1 triệu người xem, thì mỗi lượt xem cũng chỉ 800 đồng.

Tele-sales vẫn là phương thức bán hàng hiệu quả nhất ở Việt Nam. Nhiều ứng dụng B2B 4.0 ở nước ngoài hoàn toàn tự động, khi về Việt Nam cũng phải nhập gia tuỳ tục mà xây thêm một đội “chăm sóc khách hàng”.

Hay đối với các nhà hàng ở địa phương, những hình thức còn thô sơ hơn như phát tờ rơi lại là phương thức quảng cáo hiệu quả nhất.

Tại sao không phải cả hai?

Còn nhớ năm 2015, Coca-cola đã gây cơn sốt trên mạng bằng một đoạn video có tên “chiếc bảng cảm xúc”. Chiếc bảng màu đỏ với những biểu tượng cảm xúc vui nhộn và thông điệp dễ thương – “Sáng sớm còn buồn ngủ hả, mình đã làm việc cả đêm đấy, nhưng được gặp các bạn thật vui”, “Anh bạn lịch lãm có thấy cô áo đỏ dễ thương kia không?

Nháy mắt nào!” – như đang tương tác với những người đang dừng đèn đỏ, khiến ai cũng phải bật cười.

Các bạn trẻ hiếu kỳ liền đến tận nơi để quay clip, chụp hình, và chia sẻ lên mạng xã hội.

Không chỉ còn là một điểm nhấn đột phá như năm 2015, ngày nay, việc kết hợp giữa quảng cáo truyền thống và quảng cáo số gần như là điều bắt buộc.

Từ chiến dịch đấu đá nhau bằng bảng quảng cáo của Ovaltine và Milo năm 2018, đến trào lưu “chui lọt khe, giảm giá trà sữa” đầu năm nay, đều đi theo công thức của Coca-cola: quảng cáo truyền thống + lan toả trên mạng.

Nếu không làm được các chiến dịch xuất sắc như trên, ít nhất các doanh nghiệp cũng cần phải đảm bảo hình ảnh của mình được phủ hết mọi kênh truyền thông.

Một sản phẩm được quảng cáo trên tivi vào giờ vàng, nhưng không tìm thấy thông tin trên google, hay không có đánh giá tốt trên trang thương mại điện tử, thì cũng khó bán được hàng.

Kết hợp đa kênh quảng cáo là xu hướng hiện nay. Với quảng cáo truyền thống và quảng cáo số, không có kênh nào tốt hơn kênh nào. Quan trọng là doanh nghiệp biết kết hợp chúng như thế nào để đạt được mục đích truyền thông cao nhất.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo enternews