Skip to main content

Thẻ: Signal

Hãy thay đổi tính năng bảo mật này trên WhatsApp, Signal và Telegram

Chuyên gia an ninh mạng Zak Doffman đã chia sẻ các mẹo của mình cho người dùng để bảo vệ dữ liệu của họ tốt hơn trên WhatsApp, Signal và cả Telegram.

Sau khi WhatsApp công bố cập nhật chính sách chia sẻ dữ liệu với Facebook, hàng triệu người dùng đã chuyển sang các ứng dụng nhắn tin khác.

Hai ứng dụng được yêu thích nhất là Telegram và Signal, dường như đã mang lại sự riêng tư cao hơn. Tuy nhiên, không có ứng dụng nào trong số ba cái tên đó là hoàn toàn đáng tin cậy, trừ khi bạn thay đổi các cài đặt bảo mật nhất định để bảo vệ thông tin của mình tốt hơn.

Chuyên gia an ninh mạng Zak Doffman tuyên bố rằng Telegram và Signal hứa hẹn nhiều quyền riêng tư hơn các nền tảng truyền thống khác. Tuy nhiên, cũng giống như WhatsApp, chúng có các cài đặt quan trọng không được cài mặc định trước và điều đó phải được sửa đổi từ bây giờ.

Giờ đây, các nền tảng này đang trở nên phổ biến, chuyên gia này đã chia sẻ các đề xuất của mình để cấu hình thiết bị sao cho dữ liệu của chúng ta ít bị truy cập hơn.

WhatsApp

Trong ứng dụng này, tin nhắn được mã hóa đầu cuối và chỉ người dùng mới có quyền truy cập vào nội dung. Tuy nhiên, Doffman nói rằng “vấn đề là siêu dữ liệu: ai, khi nào và ở đâu liên quan đến tin nhắn của bạn, cũng như danh bạ và thông tin về thiết bị của bạn.”

“WhatsApp vẫn có thể được sử dụng. Tuy nhiên, bạn cần phải thay đổi cấu hình cơ bản này để giữ an toàn”.

  • Tránh nội dung độc hại mà bạn nhận được, chẳng hạn như các liên kết và tệp đính kèm không xác định.
  • Tắt tùy chọn tự động lưu hình ảnh đã nhận vào thư viện điện thoại.
  • Sử dụng bảo mật 2 lớp ‘two-step verification’ để ngăn tin tặc chiếm đoạt tài khoản của bạn bằng cách lừa dối.
  • Tắt các bản sao lưu. Trong khi các tin nhắn được bảo vệ khi chúng được gửi đi, “nếu bạn sử dụng tùy chọn WhatsApp để sao lưu lịch sử trò chuyện của mình lên đám mây của Apple hoặc Google, thì những bản sao đó không được bảo vệ bằng mã hóa đầu cuối đó.

Telegram

Như trong WhatsApp và Signal, khi bạn truy cập Telegram lần đầu tiên trên một thiết bị, bạn phải nhập số điện thoại. Sau đó, họ yêu cầu bạn viết tin nhắn xác nhận được gửi bằng SMS. Vấn đề là nếu ai đó đánh cắp mã đó “họ có thể chiếm đoạt tài khoản của bạn và truy cập nội dung của bạn”, Doffman chỉ ra trong một bài báo khác của Forbes.

Để an toàn trên Telegram, nhà phân tích khuyến nghị những thay đổi sau:

  • Kích hoạt ‘xác minh hai bước’ (2FA). Vào cài đặt, nhập phần ‘quyền riêng tư và bảo mật’, thêm mật khẩu và thế là xong!
  • Thay đổi cài đặt quyền riêng tư của bạn. Trong phần ‘quyền riêng tư’, hãy chọn rằng chỉ những người liên hệ của bạn mới có thể liên lạc với bạn và không ai khác.
  • Sử dụng ‘mã khóa’. Nếu những người khác ngoài bạn có quyền truy cập vào thiết bị của bạn, điều quan trọng là phải bảo vệ các cuộc trò chuyện của bạn.
  • Định kỳ xem lại các phiên hoạt động trong tài khoản của bạn. Bằng cách này, bạn có thể đảm bảo rằng không có ai đã nhập từ thiết bị khác.
  • Trò chuyện bí mật và mã hóa đầu cuối. Telegram cung cấp ‘cuộc trò chuyện bí mật’, cung cấp mã hóa từ thiết bị này sang thiết bị khác, nhưng nó không hoạt động cho các nhóm. Để bắt đầu một cuộc trò chuyện bí mật, hãy chuyển đến cuộc trò chuyện bình thường với liên hệ của bạn, nhấp vào ba dấu chấm trên Android hoặc ‘thêm’ trên iOS và chọn ‘bắt đầu trò chuyện bí mật’.
  • Kích hoạt trình tự hủy. Một điểm hấp dẫn khác của ứng dụng này là nó có tùy chọn hủy tin nhắn ngay sau khi được xem.

Signal

Ứng dụng này ít nhiều có những ưu điểm và hạn chế giống như Telegram, với sự khác biệt mà chính Elon Musk đã khuyến nghị sử dụng Signal. Tất nhiên, ứng dụng này không phải là không có rủi ro và bạn cũng nên sửa đổi một số cài đặt:

  • Kích hoạt ‘khóa đăng ký’. Điều này sẽ ngăn người khác có quyền truy cập vào lịch sử trò chuyện của bạn trong trường hợp tài khoản của bạn bị đánh cắp hoặc bị xâm nhập.
  • Đặt ‘khóa màn hình’ bằng bảo mật sinh trắc học hoặc mật mã.
  • Tắt bản xem trước. Bằng cách này, các thông báo sẽ không xuất hiện trên màn hình chính của thiết bị.
  • Tắt ảnh chụp màn hình bên ngoài ứng dụng.
  • Đặt nó làm ứng dụng nhắn tin SMS mặc định của bạn. Doffman đã chia sẻ thủ thuật này cho người dùng Android, vì làm như vậy, tin nhắn sẽ được mã hóa và an toàn hơn, không giống như cách thông thường.

Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng “có một vấn đề lớn hơn nhiều”, đề cập đến kế hoạch tích hợp WhatsApp với Messenger và Instagram của Facebook.

Ông giải thích trong cùng một bài đăng: “Ý tưởng là tạo ra một gã khổng lồ nhắn tin có khả năng tương tác tuyệt vời để tập hợp tất cả khách hàng của mình. Điều đó sẽ “nghiêm trọng hơn nhiều” đối với quyền riêng tư của người dùng so với bản cập nhật gần đây.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Cathy Nhung | MarketingTrips 

Cuộc đối đầu ‘đi hơi xa’ giữa Trump và Big Tech

Mối đe dọa đến cơ hội trở lại Nhà Trắng của Donald Trump năm 2024 có thể không chỉ đến từ thủ đô Washington, nơi quy trình luận tội ông đang diễn ra, mà còn đến từ Thung lũng Silicon, nơi các công ty công nghệ đã “vô hiệu hóa cỗ máy truyền thông” của tổng thống sắp mãn nhiệm này.

Trump hiện không còn sở hữu bất kỳ tài khoản Twitter hay Facebook nào bởi hai công ty mạng xã hội này xóa tài khoản của ông khỏi nền tảng của họ, sau khi vụ bạo động, châm ngòi bởi một bộ phận cử tri ủng hộ Trump nổ ra tại tòa nhà quốc hội Mỹ tuần trước.

Trong khi đó, Apple, Google và Amazon cũng có những động thái nhằm “trừng phạt” Parler, một đối thủ của Twitter, nền tảng được sử dụng bởi những người ủng hộ Trump thuộc phe cánh hữu.

Những động thái trên đã khởi xướng một cuộc tranh luận kịch liệt về sự cân bằng giữa một bên là quyền của các công ty công nghệ trong việc loại bỏ những người dùng vi phạm chính sách nội dung của họ và một bên là quyền tự do ngôn luận của người dân.

Nhóm phản đối Trump ủng hộ quyết định loại bỏ tài khoản của ông trên các nền tảng mạng xã hội, điều họ cho rằng nên được làm từ rất lâu.

Nhưng nhiều người khác cũng lo ngại rằng những động thái trên phản ảnh một sự thật rằng các công ty tư nhân đóng góp vai trò rất lớn trong quá trình xây dựng nên sức mạnh chính trị của một cá nhân.

“Chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu mong muốn của nhiều người trong việc khóa vĩnh viễn các tài khoản của ông Trump”, theo Kate Ruane, luật sư cấp cao tại Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ.

“Nhưng mọi người cũng nên quan tâm tới việc các công ty như Facebook và Twitter sử dụng quyền lực chưa được kiểm chứng để gỡ bỏ người dùng trên các nền tảng của họ – những công cụ đã trở thành một phần không thể thiếu trong việc truyền đi tiếng nói của hàng tỷ người trên thế giới, đặc biệt là khi các diễn biến chính trị lại khiến những quyết định như vậy trở nên dễ dàng hơn”.

Trong nhiều năm, các công ty mạng xã hội phải chịu không ít áp lực phải hành động nhắm vào Trump.

Nhiều thành viên cánh tả cho rằng Trump sử dụng các nền tảng mạng xã hội để châm ngòi bạo lực, cổ động các thuyết âm mưu và tuyên truyền các thông tin thất thiệt, trong đó bao gồm thông tin không có căn cứ rằng đảng Dân chủ đã “ăn cắp” chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử tổng thống.

Nhưng phải đến tuần vừa rồi, khi cuộc bạo loạn nổ ra ở tòa nhà quốc hội Mỹ, khởi xướng bởi những người ủng hộ Trump, và việc đích thân ông cũng lên mạng để cổ súy người tham gia, các công ty mạng xã hội mới cùng lúc gỡ bỏ tài khoản của ông.

Đầu tiên, Facebook cho biết công ty này sẽ gỡ bỏ tài khoản của Trump trong một khoảng thời gian chưa xác định.

Sau đó, Twitter, mạng xã hội ưa thích của Trump để phát đi những thông điệp trực tiếp tới 88 triệu người theo dõi, thông báo cấm ông tham gia mạng xã hội này vĩnh viễn, đồng thời cũng không cho phép ông đăng bài qua những tài khoản có liên quan, như tài khoản Twitter của Nhà Trắng.

YouTube, TikTok, Pinterest và Snap cũng ban hành những hạn chế đối với Trump.

Lần đầu tiên, các tập đoàn công nghệ có những động thái nhằm “bịt miệng” các ứng dụng và diễn dàn người ủng hộ Trump sử dụng.

Amazon cho biết công ty sẽ chấm dứt cung cấp dịch vụ máy chủ đối với Parler, buộc mạng xã hội này phải tạm dừng hoạt động cho tới khi tìm được nhà cung cấp mới. Trước đó, Apple và Google cũng đã cho gỡ ứng dụng Parler ra khỏi kho ứng dụng.

“Giống như mọi nền tảng mạng xã hội, những dịch vụ trên đều có các điều khoản sử dụng, với mục tiêu ngăn chặn những hành động bạo lực và thù ghét”, theo Matt Rivitz, đến từ Sleeping Giants, tổ chức hoạt động vì sự tự do mạng xã hội.

Một cựu quan chức cấp cao của Twitter cho biết công ty tin rằng họ “vô cùng kiên nhẫn” đối với Tổng thống Trump.

Nhưng họ buộc phải có những động thái nhằm kìm hãm vị tổng thống này, trong bối cảnh lo ngại về tình hình bạo lực leo thang sẽ lại nổ ra một lần nữa trong lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden vào ngày 20/1.

“Những cảnh báo trong thông báo đó là điều mà ai cũng có thể nhận thấy… Nhiều thách thức hơn có thể sẽ ập tới. Và nếu như họ không làm gì cả, họ sẽ nhận về những lời chỉ trích”.

Ông Trump và các đồng minh thân tín nhất đã phản ứng lại một cách vô cùng tức giận. Nhà Trắng cho rằng Twitter đã “cấu kết” với đảng Dân chủ và phe cánh tả để “bịt miệng” Trump.

Tuy nhiên, đối với nhiều người khác, những hành động như hiện tại của các công ty công nghệ và mạng xã hội diễn ra quá chậm trễ.

Robert Rich, một giáo sư chính sách công tại Berkeley, cựu bộ trưởng lao động Mỹ dưới thời tổng thống Bill Clinton, cho biết: “Các nền tảng mạng xã hội thực chất đã hành động muộn 4 năm. Họ để những lời lừa dối, các thuyết âm mưu và sự thù địch có cơ hội cắm rễ sâu. Những ‘di sản’ đó sẽ gắn với chúng ta trong nhiều năm tới”.

Thế nhưng, một vài người lại cho rằng các công ty công nghệ chỉ đơn thuần hành động vì mục đích riêng, khi tìm cách gỡ bỏ những chỉ trích đến từ đảng Dân chủ, và các quy định pháp luật dưới thời Joe Biden.

Biden trước đó kêu gọi bãi bỏ Điều luật 230 – điều luật trong bộ luật của Mỹ nhằm bảo vệ các công ty mạng xã hội khỏi các vụ kiện liên quan tới nội dung được đăng tải trên nền tảng của họ.

Chính quyền của ông cũng sẽ thực hiện các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Facebook và Google, trong khi các thành viên quốc hội tiếp tục thúc dục thắt chặt các điều luật bảo mật liên bang.

Marco Rubio, một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa, chia sẻ với Fox News hôm 10/1 rằng “điều đó là vụ lợi. Lý do tại sao các công ty công nghệ làm điều đó là vì đảng Dân chủ sẽ lên nắm quyền và họ coi đây là những hành động né tránh những quy định pháp luật sẽ được thông qua, gây bất lợi cho họ”.

Cho dù thế nào đi chăng nữa, những vụ việc diễn ra tuần trước gia tăng áp lực lên chính quyền Biden phải hành động sớm hơn nhằm thắt chặt sự kiểm soát lên các công ty công nghệ lớn.

Trong khi đó, Trump chắc chắn sẽ có ít hơn các kênh giao tiếp với những người ủng hộ ông cũng như thế giới. Ông đã tính đến khả năng xây dựng một nền tảng mạng xã hội riêng, nhưng điều đó cũng khó có thể tránh khỏi sự quay lưng đến từ các nhà cung cấp dịch vụ máy chủ.

Nhiều người đang tò mò liệu Facebook có quyết định cấm Trump vĩnh viễn hay không. “Nếu như họ không làm thế, và khi ông ấy quay trở lại, Facebook sẽ trở thành ‘Twitter mới’, là công cụ đăng bài hàng đầu của ông ấy”, theo Angelo Carusone, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Media Matters.

Nhưng ông cũng bổ sung thêm rằng: “Quyền lực chính trị của ông ấy sẽ bị ảnh hưởng vì các lệnh cấm sẽ giới hạn tiếng nói đối lập của Trump. Không nghi ngờ gì nữa, hành trình phía trước của ông ấy sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo NDH

Lượt tải Signal và Telegram tăng vọt sau khi WhatsApp dính ‘bê bối’ về dữ liệu

Sự gia tăng này diễn ra sau khi WhatsApp cập nhật thỏa thuận điều khoản dịch vụ về việc sẽ chia sẻ dữ liệu với công ty mẹ Facebook.

Lượt tải xuống các ứng dụng nhắn tin tập trung vào quyền riêng tư Signal và Telegram đã tăng lên khi người dùng tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho WhatsApp do Facebook sở hữu vì lo ngại về những thay đổi đối với chính sách bảo mật của dịch vụ.

Cụ thể, theo Sensor Tower, Signal đã chứng kiến mức khoảng 7,5 triệu lượt cài đặt trên toàn cầu thông qua Apple App Store và cửa hàng Google Play từ ngày 6 tháng 1 đến ngày 10 tháng 1.

Con số đó gấp 43 lần so với tuần trước. Đây là số lượt cài đặt theo tuần hoặc thậm chí hàng tháng cao nhất cho Signal trong lịch sử ứng dụng.

Trong khi đó, Telegram đạt mức 5,6 triệu lượt tải xuống trên toàn cầu từ thứ Tư đến Chủ nhật, theo Apptopia.

Signal tuyên bố có “mã hóa end-to-end hiện đại” như một phần của dịch vụ của mình, giúp ngăn không cho những người không phải là người nhận dự định đọc tin nhắn.

Lượt tải xuống của hai ứng dụng này tăng đột biến sau khi WhatsApp phát hành bản cập nhật cho chính sách quyền riêng tư của mình vào ngày 4 tháng 1.

Kể từ năm 2016, WhatsApp đã chia sẻ một số dữ liệu nhất định với Facebook. Nhưng người dùng trước đây đã có cơ hội chọn không tham gia điều này.

Nhưng bắt đầu từ ngày 8 tháng 2, người dùng sẽ được nhắc trong ứng dụng buộc phải chấp nhận các điều khoản cập nhật để tiếp tục sử dụng WhatsApp.

Người dùng ở Châu Âu và Vương quốc Anh sẽ thấy một thông báo khác do các quy tắc bảo vệ dữ liệu trong các khu vực pháp lý đó. Tuy nhiên, tin nhắn WhatsApp được mã hóa, có nghĩa là Facebook sẽ không thể xem nội dung của chúng.

Nhưng WhatsApp thu thập rất nhiều dữ liệu khác có thể được chia sẻ với công ty mẹ của nó. Dữ liệu này bao gồm thông tin đăng ký tài khoản như số điện thoại của bạn, dữ liệu giao dịch, thông tin liên quan đến dịch vụ, thông tin về cách bạn tương tác với những người khác, bao gồm cả các doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ và thông tin thiết bị di động.

Trong một tuyên bố ngày 11.1, WhatsApp cho biết bản cập nhật này không ảnh hưởng đến quyền riêng tư của các tin nhắn được gửi cho bạn bè và gia đình.

Ứng dụng này làm rõ rằng bản cập nhật sẽ bao gồm “những thay đổi liên quan đến việc nhắn tin cho một doanh nghiệp trên WhatsApp, là tùy chọn và cung cấp thêm tính minh bạch về cách chúng tôi thu thập và sử dụng dữ liệu”.

WhatsApp cho biết dữ liệu được chia sẻ với Facebook được sử dụng để giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy an toàn và bảo mật và tinh chỉnh các dịch vụ bằng cách đưa ra đề xuất hoặc cá nhân hóa các tính năng và nội dung.

Điều này cũng có thể bao gồm sự tích hợp giữa các sản phẩm mang thương hiệu Facebook và WhatsApp.

Sau thông báo này, Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk đã kêu gọi những người theo dõi Twitter của mình vào tuần trước là “hãy sử dụng Signal”.

Cũng trong tuần trước, Signal đã báo cáo rằng mã xác minh được gửi tới người dùng qua tin nhắn văn bản để bắt đầu sử dụng ứng dụng đã bị trì hoãn vì nhu cầu cao.

Signal cho biết họ đã thêm các máy chủ bổ sung để xử lý làn sóng người dùng mới. Signal cho biết trong một tweet: “Chúng tôi tiếp tục chứng kiến mức lưu lượng truy cập và tăng dung lượng khi ngày càng có nhiều người chấp nhận mức độ họ không thích các điều khoản mới của Facebook”. “Nếu gần đây bạn không thể tạo nhóm mới, vui lòng thử lại. Các máy chủ mới đã sẵn sàng phục vụ bạn ”.

Theo Ông Adam Blacker, phó chủ tịch phụ trách thông tin chi tiết của Apptopia, mặc dù có sự gia tăng về lượt tải xuống Signal và Telegram, nhưng WhatsApp không hề suy giảm.

“Nó quá ăn sâu. Tôi đoán là có một số lượng rất nhỏ những người sử dụng WhatsApp hàng ngày gần đây đang xóa nó ”.

“Ngay cả những người đang tải xuống và sử dụng Signal hoặc Telegram sẽ tiếp tục sử dụng WhatsApp vì đó là nơi hầu hết bạn bè và gia đình của họ đang ở.

Họ có thể bắt đầu nói chuyện với một số người nhất định trên Signal nhưng vẫn trò chuyện với mẹ của họ trên WhatsApp”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Ứng dụng nhắn tin của người giàu nhất thế giới

Sau khi đóng tài khoản Facebook, giờ đây Elon Musk bỏ cả WhatsApp và chuyển sang Signal, một ứng dụng nhắn tin có tính bảo mật cao hơn.

Hôm 7/1, nhà sáng lập Tesla công khai chỉ trích Facebook trong việc thay đổi chính sách về quyền riêng tư trên WhatsApp và kêu gọi mọi người chuyển sang dùng Signal. Bài viết này đã được CEO Twitter Jack Dorsey đăng lại.

Không lâu sau đó, Signal thông báo họ đang làm việc tích cực để giải quyết tình trạng gia tăng đột ngột số lượng người dùng đăng ký mới, động thái cho thấy lời kêu gọi của Elon Musk đã có ảnh hưởng nhất định.

Đây không phải là lần đầu tiên CEO Tesla lời qua tiếng lại với Facebook về vấn đề quyền riêng tư. Năm 2018, Musk không chỉ xóa Facebook cá nhân mà còn đóng trang của các công ty Tesla và SpaceX.

Cả 2 ứng dụng nhắn tin WhatsApp và Signal đều từng có những vấn đề về bảo mật. Tuy nhiên, nền tảng thuộc sở hữu của Facebook công khai thu thập thông tin cá nhân của người dùng để chia sẻ với tập đoàn mẹ, trong khi Signal lại phản đối việc này, thậm chí cho phép nhắn tin ẩn danh.

Signal là ứng dụng mã nguồn mở được cung cấp miễn phí bởi tổ chức phi lợi nhuận Signal Foundation. Nền tảng này có tính bảo mật chặt chẽ, được những người đề cao về quyền riêng tư như Edward Snowden tin tưởng sử dụng trong nhiều năm qua.

Signal sử dụng số điện thoại để định danh và mã hóa đầu cuối mọi thông tin nhằm bảo mật khi liên lạc. Theo công bố của đơn vị phát triển, họ không lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào của người dùng trên máy chủ.

Chức năng chính của Signal là gửi tin nhắn văn bản, video, âm thanh và hình ảnh được bảo vệ bằng mã hóa đầu cuối. Người dùng cũng có thể sử dụng Signal để thực hiện các cuộc gọi thoại và video, một với một hoặc nhiều người.

Ngoài ra, Signal còn hỗ trợ đặt mật khẩu truy cập ứng dụng, không hiển thị nội dung trong thông báo tin nhắn đến trên màn hình, tự động xóa tin nhắn.

Với sự xác nhận của Musk và Dorsey, sẽ có thêm nhiều người dùng “dọn nhà” từ các ứng dụng khác (như WhatsApp) sang nền tảng này.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo Zing