Skip to main content

Một chuỗi buffet nổi tiếng thuộc Golden Gate Capital phá sản vì hiểu sai mô hình kinh doanh

6 Tháng Năm, 2024

Cái tên Red Lobster vốn chẳng xa lạ gì với người Mỹ khi chuỗi nhà hàng buffet với 719 chi nhánh trên toàn thế giới và khoảng 55.000 lao động này nổi tiếng với truyền thống lịch sử lâu đời từ năm 1968. Điều đặc biệt là thương hiệu này thường xuyên khuyến mãi chương trình ăn tôm hùm thả ga trong khoảng 6 tuần, khiến mọi người đổ xô đến thưởng thức.

Tuy nhiên vào giữa tháng 4/2024, chuỗi nhà hàng Red Lobster này đã phải xem xét nộp đơn xin bảo hộ phá sản mà một phần nguyên nhân đến từ việc nhà hàng này thực hiện chiến dịch marketing “Tôm hùm bất tận”, nghĩa là kéo dài chương trình ăn tôm hùm thả ga mãi mãi thay vì 6 tuần như trước đây.

Trên thực tế vào năm 2003, chuỗi buffet này cũng đã thực hiện một chương trình tương tự nhưng là với sản phẩm cua tuyết. Chỉ với giá 20 USD, thực khách có thể ăn thả ga món sang chảnh này và Red Lobster tự tin thương hiệu sẽ bùng nổ vì thu hút nhiều thực khách.

Thế nhưng do quá nhiều thực khách “kém văn minh” xuất hiện mà hãng đã lỗ tổng cộng 3,3 triệu USD trong 7 tuần, tạo nên làn sóng bán tháo 405,9 triệu USD cổ phiếu chỉ trong 1 phiên giao dịch, khiến CEO Edna Morris khi đó phải từ chức.

Lần này, lịch sử lại lặp lại với món tôm hùm, nhưng tờ Business Insider (BI) cho hay câu chuyện còn phức tạp hơn thế khi liên quan đến cả mảng bất động sản (BĐS).

Phá sản vì tôm hùm và McDonald’s

Red Lobster thông báo khoản lỗ 11 triệu USD trong quý III/2023 và 12,5 triệu USD trong quý IV. Nhiều chuyên gia nhận định việc để thực khách ăn tôm thả ga đã tạo điều kiện cho những khách hàng kém văn minh đổ xô về đây khiến Red Lobster lỗ lớn.

Tuy nhiên theo BI, câu chuyện còn phức tạp hơn thế nhiều khi liên quan đến khả năng định vị thương hiệu kém và dàn lãnh đạo không ổn định.

“Chiến dịch ăn tôm hùm thả ga mãi mãi chỉ là giọt nước tràn ly cho sự tuyệt vọng của Red Lobster”, giám đốc Jonathan Maze của tạp chí Restaurant Business Magazine nhận định.

Red Lobster mở cửa lần đầu tiên tại Lakeland, Florida vào năm 1968 và được tập đoàn thực phẩm General Mills mua lại vào năm 1970.

Năm 1995, General Mills tách chuỗi này cùng với phần còn lại của mảng kinh doanh nhà hàng, bao gồm Olive Garden và LongHorn Steakhouse, để tạo nên thương hiệu mới mang tên Darden Restaurants.

Thế nhưng vào năm 2014, trong bối cảnh doanh thu sụt giảm và áp lực từ các nhà đầu tư, Darden đã phải bán Red Lobster với giá 2,1 tỷ USD cho Golden Gate Capital, một công ty cổ phần tư nhân ở San Francisco.

Tuy nhiên điều trớ trêu hơn là Golden Gate không có đủ tiền mặt để thực hiện thương vụ và đã phải thế chấp và sau này là bán các bất động sản của Red Lobster nhằm hoàn tất hợp đồng.

Đây được coi là một trong những bước “đi vào lòng đất” của Golden Gate khi không hiểu được giá trị thực sự từ chuỗi buffet có 719 chi nhánh khắp thế giới này nằm ở đâu.

Nhiều chuyên gia cho rằng kinh doanh chuỗi nhà hàng trên thực tế là đầu cơ BĐS và bất cứ thương hiệu nào không hiểu được bài học thành công của McDonald’s đều dễ phá sản. Lợi nhuận từ mảng kinh doanh ẩm thực phụ thuộc quá nhiều và thị hiếu khách hàng, biên lợi nhuận không ổn định và chi phí vận hành quá cao.

Bởi vậy, việc gom đất mở nhà hàng để đẩy giá BĐS lên là chiến lược giúp McDonald’s thành công suốt nhiều năm nay.

Bài viết liên quan