Skip to main content

Google thay thế vị trí Giám đốc Quảng cáo mới

Google vừa thông báo bổ nhiệm vị trí Giám đốc Quảng cáo mới là bà Vidhya Srinivasan thay cho Jerry Dischler đã làm việc tại Google hơn 15 năm, sắp từ chức.

Bà Vidhya Srinivasan, Giám đốc Quảng cáo mới của Google
Bà Vidhya Srinivasan, Giám đốc Quảng cáo mới của Google

Theo đó, trong bối cảnh mới của AI, Google vừa thay thế vị trí giám đốc phụ trách quảng cáo mới. Bà Vidhya Srinivasan sẽ thay thế cho ông Dischler hiện đã làm việc 15 năm tại Google. Với vai trò mới, Bà Vidhya Srinivasan sẽ phụ trách việc theo dõi khoản doanh thu từ quảng cáo có giá trị hơn 200 tỷ USD của Google trên toàn cầu.

Dưới thời của Dischler, Google đã tập trung vào các cách nhắm mục tiêu và đo lường quảng cáo mới được thiết kế để mang lại hiệu quả cao hơn cho các nhà quảng cáo, người tiêu dùng đồng thời làm hài lòng các cơ quan quản lý.

Ông Prabhakar Raghavan, phó chủ tịch phụ trách kiến thức và thông tin của Google cho biết: “Sau hơn 15 năm kinh doanh quảng cáo của Google, Jerry Dischler đã quyết định thực hiện một thử thách mới”. “Hoạt động kinh doanh quảng cáo của chúng tôi đã giúp hàng triệu doanh nghiệp phát triển và chúng tôi biết ơn Jerry vì nhiều thành tựu của ông trong lĩnh vực này.”

Tân giám đốc Vidhya Srinivasan đã gia nhập Google vào năm 2019, tước đây, bà này phụ trách các sản phẩm và kỹ thuật cho các định dạng tìm kiếm, bản đồ và mua sắm của Google.

Với vai trò mới, bà sẽ phụ trách bao gồm cả các định dạng quảng cáo khác của Google như YouTube và Programmatic Ads.

Srinivasan cũng là người gần đây đã nghiên cứu các tính năng của AI tổng quát cho quảng cáo của Google bao gồm cả Performance Max, các công cụ đo lường quảng cáo và Google Analytics cũng là phạm vi nghiên cứu của bà.

Trước khi gia nhập Google, Srinivasan đã làm việc tại Amazon và IBM.

Google bổ nhiệm vị trí mới trong bối cảnh doanh thu quảng cáo đặc biệt là doanh thu của YouTube đang liên tục sụt giảm, sự cạnh tranh gay gắt của TikTok, sự thâm nhập ngày càng cao của AI (trí tuệ nhân tạo) và cả nhiều yêu cầu mới về quyền riêng tư từ các cơ quan quản lý.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Microsoft gia nhập hội đồng quản trị của OpenAI

Microsoft hiện là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI, công ty này vừa cho biết đã gia nhập vào hội đồng quản trị của OpenAI ngay sau khi Sam Altman quay về làm CEO.

Microsoft gia nhập hội đồng quản trị của OpenAI
Microsoft gia nhập hội đồng quản trị của OpenAI

Theo báo cáo, gã khổng lồ công nghệ Microsoft sẽ chiếm một “ghế quan sát không bỏ phiếu” trong hội đồng quản trị phi lợi nhuận của OpenAI, đơn vị hiện có chức năng kiểm soát OpenAI.

Quyết định được đưa ra ngay sau khi Sam Altman quay về làm CEO từ Microsoft.

Microsoft gia nhập hội đồng quản trị của OpenAI.

Như đã đề cập, Microsoft hiện đã tham gia hội đồng quản trị của OpenAI theo hình thức không có chức năng bỏ phiếu. Điều này có nghĩa là gã khổng lồ công nghệ có thể tham dự các cuộc họp hội đồng quản trị và có quyền truy cập vào hệ thống thông tin bí mật của OpenAI. Tuy nhiên, Microsoft không có quyền bỏ phiếu trong các quyết định của hội đồng quản trị.

Trong bản ghi nhớ, CEO Altman viết rằng “tôi chưa bao giờ cảm thấy vui mừng hơn về tương lai như bây giờ”.

CEO Microsoft Satya Nadella cũng đã nói chuyện với nhân viên của Microsoft và OpenAI về quyết định mới.

Sau khi Altman được phục hồi làm CEO OpenAI, CEO Microsoft Satya Nadella đã đề cập đến OpenAI cũng như các nhân viên của Microsoft trong một bài đăng trên mạng xã hội X (Twitter). CEO này cảm ơn tất cả họ vì công việc nghiên cứu về AI đồng thời cũng khen ngợi sự kiên cường và quyết tâm của đội nhóm.

Nói về cách các nhân viên của Microsoft vẫn tập trung bất chấp tất cả những gì xảy ra tại OpenAI, CEO Nadella nói thêm: “Tôi thấy rằng mọi người trên khắp Microsoft vẫn tập trung vào sứ mệnh chung với mục tiêu phục vụ khách hàng và đối tác, nỗ lực giúp đỡ bằng mọi cách.”

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Governance là gì? Phân biệt Governance và Management trong doanh nghiệp

Mặc dù cả Governance và Management trong tiếng Việt thường được sử dụng với ý nghĩa là Quản trị, trong thực tế đây lại là 2 khái niệm khác nhau trong bối cảnh quản trị và vận hành doanh nghiệp. Vậy thực chất Governance là gì? và nó khác với Management ra sao?

Governance là gì
Governance là gì? Phân biệt Governance và Management trong quản trị

Governance là gì?

Governance (thường mang nghĩa là Quản trị) là một khái niệm đa chiều, thường được sử dụng để mô tả cách một tổ chức, doanh nghiệp hoặc hệ thống được quản lý, kiểm soát và thực hiện các quyết định. Khái niệm này không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp mà còn có thể áp dụng cho các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức chính phủ, và các tổ chức khác.

Governance thường bao gồm cả các nguyên tắc, quy tắc, quy trình, và các cơ cấu tổ chức để đảm bảo rằng tổ chức hoạt động theo cách minh bạch, công bằng, và có trách nhiệm.

Governance  tập trung vào cách các quyết định được đưa ra và thực hiện, cũng như cách quyền lực và trách nhiệm được phân phối trong tổ chức.

Một số yếu tố quan trọng được bao hàm trong Governance bao gồm:

  1. Hội Đồng Quản Trị (Board of Directors: BOD): Là tổ chức chịu trách nhiệm cao nhất trong doanh nghiệp và có trách nhiệm quyết định chiến lược, giám sát quản lý điều hành, và đảm bảo rằng tổ chức tuân thủ các quy tắc và luật lệ.
  2. Chính Sách và Quy Trình: Bao gồm các quy tắc, nguyên tắc và quy trình được thiết lập với mục tiêu hướng dẫn các hành vi và quyết định trong tổ chức.
  3. Minh Bạch và Báo Cáo: Đảm bảo rằng các thông tin về hoạt động của tổ chức là minh bạch và có sẵn cho những người liên quan.
  4. Trách Nhiệm Xã Hội (Corporate Social Responsibility – CSR): Đôi khi, quản lý thông tin quản trị bao gồm cả các cam kết và hoạt động liên quan đến trách nhiệm xã hội và môi trường của tổ chức.

Trong bối cảnh quản trị nói chung, Governance đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự tin tưởng từ phía cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng và cả cộng đồng, cũng như giúp định hình văn hóa tổ chức và định hình hành vi của toàn bộ những nhân sự làm việc trong một tổ chức nhất định.

Phân biệt khái niệm Governance và Management trong bối cảnh vận hành và quản trị doanh nghiệp (và tổ chức).

Trong khi cả Governance (theo đúng nghĩa phải là quản lý thông tin và cơ cấu quản trị) và Management (Quản trị) là hai khái niệm quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp, và đôi khi chúng được sử dụng nhầm lẫn với nhau, về bản chất, chúng được sử dụng để mô tả các khía cạnh khác nhau của quá trình quản trị và vận hành doanh nghiệp.

Dưới đây là những sự khác biệt chính giữa Governance và Management:

  1. Mục Tiêu và Phạm Vi:
    • Governance: Mục tiêu chính của governance là xác định cách doanh nghiệp được quản lý và kiểm soát. Nó bao gồm các quy tắc, quy trình và cơ cấu quản lý để đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra có ý thức, công bằng và tuân thủ các tiêu chí đạo đức.
    • Management: Mục tiêu chính của management là thực hiện các nhiệm vụ và hoạch định vốn được xác định trong khuôn khổ của governance. Nó liên quan đến việc triển khai chiến lược, quản lý nhân sự, tài chính, sản xuất và các hoạt động hàng ngày khác của tổ chức (doanh nghiệp).
  2. Quyết Định và Thực Hiện:
    • Governance: Quản lý việc đặt ra các nguyên tắc và quy trình để đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra một cách chính xác và có tính minh bạch. Các quyết định quan trọng thường được đưa ra ở cấp cao nhất của tổ chức.
    • Management: Management mô tả quá trình thực hiện các quyết định đã được đưa ra bởi hệ thống governance. Nó liên quan đến việc tổ chức công việc, phân công nhiệm vụ, quản lý tài nguyên và đảm bảo rằng các mục tiêu kinh doanh được đạt được.
  3. Quyền Lực và Trách Nhiệm:
    • Governance: Liên quan đến quyền lực và trách nhiệm của các bên liên quan cao cấp nhất trong tổ chức, như Hội đồng quản trị (BOD) và cổ đông. Nó xác định cách các quyết định chiến lược và quản trị được thực hiện.
    • Management: Liên quan đến quyền lực và trách nhiệm của các nhà quản lý cấp thấp hơn trong tổ chức (ví dụ như quản lý cấp trung hay thậm chí là giám đốc điều hành). Nhiệm vụ của họ là thực hiện các chiến lược và quản lý các công việc hàng ngày của tổ chức.

Tóm lại, trong khi governance tập trung vào việc xây dựng “cấu trúc thượng tầng” cho việc quyết định và kiểm soát, management tập trung vào các “cơ sở hạ tầng” chịu trách nhiệm cho việc thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể được xác định bởi governance.

Governance cao hơn Management ở cấp độ quyền lực và quản trị.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Honda tham vọng muốn bán 4 triệu xe máy điện mỗi năm vào năm 2030

Honda Motor muốn bán 4 triệu xe máy điện mỗi năm vào năm 2030 và nhà sản xuất xe hai bánh này sẽ đầu tư 500 tỷ yên (3,3 tỷ USD) vào năm 2030 để nhanh chóng tung ra các mẫu xe mới.

Honda tham vọng muốn bán 4 triệu xe máy điện mỗi năm vào năm 2030
Honda tham vọng muốn bán 4 triệu xe máy điện mỗi năm vào năm 2030

Honda sẽ xây dựng các nhà máy chuyên dụng và giữ giá cả phải chăng để đáp ứng mục tiêu vừa công bố. Con số lần này cao hơn 500.000 chiếc so với mục tiêu công bố vào tháng 9 năm ngoái.

Mục tiêu mới tương đương với mức tăng gấp 30 lần so với 130.000 chiếc xe điện hai bánh được bán vào năm 2022. Honda đặt mục tiêu có khoảng 30 mẫu xe vào năm 2030.

Xe điện hai bánh đang được ưa chuộng ở Ấn Độ và Đông Nam Á, hai thị trường xe máy lớn, một phần nhờ vào sự hỗ trợ của các chính phủ khi hướng tới các tiêu chuẩn nhằm bảo vệ môi trường.

Ông Daiki Mihara, người đứng đầu bộ phận điện khí hóa xe máy của Honda, cho biết: “Chúng tôi đã nâng mục tiêu để đáp ứng nhu cầu này”.

Công ty đầu tư 100 tỷ yên trong giai đoạn 2021-2025 để nghiên cứu và phát triển, thiết kế linh kiện cho xe máy điện, đồng thời đầu tư thêm 400 tỷ yên cho đến năm 2030 để sản xuất các sản phẩm và linh kiện như bộ pin.

Khoản đầu tư này bao gồm ngân sách để xây dựng các nhà máy sản xuất mới dành riêng cho xe máy điện. Mỗi nhà máy sẽ nhận được khoản đầu tư khoảng 50 tỷ yên và có sản lượng hàng năm là 1 triệu xe và sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2027.

Theo ông Mihara, địa điểm của những nhà máy này được cho là ở Ấn Độ và Đông Nam Á, mặc dù chưa có quyết định cuối cùng nào được đưa ra.

Công ty hy vọng sẽ giảm một nửa giá sản phẩm của mình vào năm 2030 so với các mẫu hiện tại bằng cách giảm số lượng bộ phận, tối ưu hóa pin và tăng hiệu quả sản xuất thông qua việc sử dụng các mô-đun.

Ông Mihara cho biết: “Nhiều khách hàng của chúng tôi sống ở các nước đang phát triển và sử dụng xe máy để đi lại, vì vậy chúng tôi đang hướng tới một mức giá phù hợp với ngân sách nhất có thể”.

Hoạt động kinh doanh xe máy là trụ cột trong danh mục đầu tư của Honda, chiếm hơn 60% lợi nhuận hoạt động của Honda trong năm tài chính 2023.

Trong thời gian đầu, xe máy điện sẽ không mang lại lợi nhuận như xe máy truyền thống do số lượng sản xuất và đầu tư phát triển nhỏ hơn. Tuy nhiên, lãnh đạo Honda đặt mục tiêu đạt tỷ suất lợi nhuận hoạt động trên 5% cho phân khúc này vào năm 2030.

Honda phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong bối cảnh làn sóng điện khí hóa, khi các đối thủ địa phương và mới nổi bắt kịp xu hướng tại thị trường châu Á.

Ông Mihara cho biết công ty “tự tin rằng họ có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất và công ty khởi nghiệp khác” bằng cách phát triển một loạt mẫu mã đa dạng, bao gồm pin có thể thay thế và pin tích hợp, đồng thời tăng cường khả năng kết nối thông qua phần mềm được cập nhật thường xuyên.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Gã khổng lồ ngân hàng Goldman Sachs chấm dứt hợp tác thẻ tín dụng với Apple

Tờ Wall Street Journal ngày 28/11 dẫn từ các nguồn thạo tin cho biết Apple gần đây đã gửi một đề xuất đến ngân hàng Goldman Sachs để ngừng hợp đồng trong 12-15 tháng tới.

Gã khổng lồ ngân hàng Goldman Sachs chấm dứt hợp tác thẻ tín dụng với Apple
Gã khổng lồ ngân hàng Goldman Sachs chấm dứt hợp tác thẻ tín dụng với Apple

Tờ Wall Street Journal ngày 28/11 đưa tin Apple đã chấm dứt thỏa thuận hợp tác về thẻ tín dụng với tập đoàn Goldman Sachs Group.

Bài báo dẫn các nguồn thạo tin cho biết Apple gần đây đã gửi một đề xuất đến ngân hàng Goldman Sachs để ngừng hợp đồng trên trong 12-15 tháng tới.

Theo bài báo này, hợp đồng hợp tác giữa Apple và Goldman Sachs đã được gia hạn một năm trước đến hết năm 2029.

Khi được hỏi về thông tin nói trên, nhà sản xuất điện thoại thông minh iPhone cho biết: “Apple và Goldman Sachs đang tập trung vào việc cung cấp trải nghiệm tốt cho khách hàng để giúp họ có một đời sống tài chính lành mạnh. Thẻ tín dụng Apple Card đã được khách hàng đón nhận nhiệt tình, và chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới và đem đến cho khách hàng những công cụ và dịch vụ tốt nhất.” Trong khi đó, Goldman chưa có bình luận gì.

Hồi tháng Tư, Apple đã cung cấp dịch vụ tài khoản tiền gửi lãi suất cao, với mức lãi suất phần trăm theo năm cao hơn mức lãi suất mà ngân hàng Goldman áp dụng với các tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng tiêu dùng số của “ông lớn” này là Marcus.

Trước đó trong năm nay, Apple đã cung cấp dịch vụ “mua trước trả tiền sau” tại Mỹ, thông qua chương trình tín dụng trả góp bằng thẻ Mastercard do ngân hàng Goldman phát hành. Trước đó, Apple và Goldman đã bắt đầu đưa ra dịch vụ thẻ tín dụng ảo vào năm 2019./.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nhà sản xuất iPhone Foxconn sẽ đầu tư thêm 1.54 tỷ USD vào Ấn Độ

Gã khổng lồ sản xuất chip Đài Loan Foxconn đang lên kế hoạch đầu tư thêm 1,54 tỉ USD vào Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Truyền thông phương Tây cho biết Foxconn đang muốn đa dạng hóa sản xuất bên ngoài Trung Quốc.

Nhà sản xuất iPhone Foxconn sẽ đầu tư thêm 1.54 tỷ USD vào Ấn Độ
Nhà sản xuất iPhone Foxconn sẽ đầu tư thêm 1.54 tỷ USD vào Ấn Độ

Theo hồ sơ gửi lên chính quyền Đài Loan vào cuối ngày 27.11, chi nhánh Foxconn ở Ấn Độ có kế hoạch chi khoảng 128 tỉ rupee, tức 1,54 tỉ USD, cho hoạt động kinh doanh sắp tới tại nước này.

Foxconn – còn được biết đến với tên chính thức là Hon Hai Precision Industry – là nhà sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới và lắp ráp thiết bị cho nhiều công ty, nổi bật nhất là iPhone của Apple. Foxconn cũng đã mở rộng hoạt động ở hơn 20 quốc gia.

Dù có mặt tại hơn 20 quốc gia nhưng phần lớn hoạt động của công ty diễn ra ở Trung Quốc. Đây là điều mà Foxconn đang muốn thay đổi sau khi hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi 3 năm áp dụng chính sách phòng chống Covid-19 nghiêm ngặt của Bắc Kinh.

Chủ tịch Foxconn Young Liu cho biết với quy mô thị trường tiềm năng Ấn Độ thì khoản đầu tư vài tỉ USD của công ty mới chỉ là bước khởi đầu.

Vào tháng Năm, Foxconn đã công bố mua một khu đất rộng lớn ở ngoại ô của trung tâm công nghệ Ấn Độ Bengaluru với giá 37 triệu USD. Hiện công ty đang điều hành khoảng 9 cơ sở sản xuất và có hơn 30 nhà máy ở Ấn Độ, đạt doanh thu khoảng 10 tỉ USD hàng năm.

Chủ tịch Foxconn cũng cho biết, công ty đang có kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất những linh kiện quan trọng cho thiết bị điện tử tiêu dùng và xe điện tại Ấn Độ để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

PhoGPT: Chatbot AI mới công bố của VinAI thuộc Vingroup

VinAI Research, Viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thuộc Vingroup vừa công bố ra mắt dự án chatbot AI có tên là PhoGPT dành cho người Việt.

PhoGPT là gì?

Theo giới thiệu từ TechinAsia, PhoGPT là mô hình dựa trên công nghệ chuyển đổi được đào tạo trước (GPT: Generative Pre-trained Transformer), kết hợp Triton và ALiBi để ngoại suy độ dài ngữ cảnh được phát triển bởi VinAI thuộc Vingroup (Tập đoàn Vingroup).

(GPT chính là công nghệ được sử dụng trong các chatbot AI như ChatGPT).

Bằng cách sử dụng thư viện llm-foundry của Mosaicml llm, VinAI đào tạo trước PhoGPT từ đầu trên kho văn bản tiếng Việt đào tạo trước 41GB. Kho dữ liệu đào tạo trước này bao gồm 1GB văn bản Wikipedia và một biến thể 40GB được loại bỏ trùng lặp của tập dữ liệu tin tức (phiên bản 21/05/2021).

Các nhà nghiên cứu VinAI tinh chỉnh PhoGPT sử dụng bộ dữ liệu bao gồm 150K cặp câu lệnh và phản hồi bằng tiếng Việt. Bộ dữ liệu này được xây dựng bằng cách ghép các nguồn sau:

(i) 67K cặp từ tập con tiếng Việt của Bactrian-X ;

(ii) 40K cặp ShareGPT không có mã và toán, dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt bằng VinAI Translate;

(iii) 40K lời nhắc bao gồm nhận thức về sự căm ghét, xúc phạm, độc hại và an toàn, phần lớn bao gồm cả những lời nhắc được dịch sang tiếng Việt; và

(iv) 1000 cặp để trả lời câu hỏi dựa trên ngữ cảnh, 500 để viết thơ, 500 cho viết luận, 500 cho sửa lỗi chính tả và 500 cho tóm tắt từng tài liệu.

Theo công bố, PhoGPT chỉ thua ChatGPT trong hầu hết các trường hợp, còn lại cao hơn các LLMA khác.

Tuy nhiên, nhà phát triển cho biết PhoGPT có những hạn chế nhất định. Ví dụ, nó không giỏi trong các nhiệm vụ liên quan đến lý luận, mã hóa hoặc toán học.

PhoGPT đôi khi có thể tạo ra lời nói có hại, căm thù, phản hồi thiên vị hoặc trả lời các câu hỏi không an toàn. Doanh nghiệp khuyến cáo người dùng nên thận trọng khi tương tác với PhoGPT vì nó có thể tạo ra những kết quả đầu ra không chính xác.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

ESG là gì? Tại sao doanh nghiệp cần đầu tư vào ESG

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu về một trong những thuật ngữ hiện đang được sử dụng rất phổ biến trong phạm vi phát triển doanh nghiệp lẫn đầu tư đó là ESG (Environmental, Social, và Corporate Governance): ESG là gì? Tại sao doanh nghiệp cần đầu tư vào ESG? Đầu tư ESG là gì? Các điều kiện cụ thể để đạt được tiêu chuẩn ESG (Tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị)? và nhiều nội dung khác.

ESG là gì? Tại sao doanh nghiệp cần đầu tư vào ESG
ESG là gì? Tại sao doanh nghiệp cần đầu tư vào ESG

ESG là gì?

ESG là từ viết tắt của Environmental (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị), khái niệm đề cập đến một bộ tiêu chuẩn thực thi chủ yếu được áp dụng trong phạm vi doanh nghiệp hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và có trách nhiệm với xã hội.

Dù là ở khía cạnh phát triển doanh nghiệp hay đầu tư, chỉ số ESG cũng tương tự như CSR, được xem là nền tảng để xây dựng nên một doanh nghiệp bền vững.

Mục tiêu của ESG là nắm bắt các cơ hội và rủi ro phi tài chính vốn có liên quan đến các hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp.

Trong khi tiêu chí môi trường (E – Environmental) xem xét cách một doanh nghiệp bảo vệ môi trường, ví dụ như các chính sách của doanh nghiệp nhằm giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu. Tiêu chí xã hội (S – Social) kiểm tra cách doanh nghiệp xây dựng và phát triển mối quan hệ với nhân viên, nhà cung cấp, khách hàng và cộng đồng nói chung.

Cuối cùng, tiêu chí quản trị (G – Governance) liên quan đến các nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp, cách doanh nghiệp trả lương cho các vị trí cấp cao (ví dụ như CEO), kiểm toán, kiểm soát nội bộ và quyền lợi của cổ đông.

Doanh nghiệp ESG là gì?

Doanh nghiệp ESG hay tổ chức ESG đơn giản là các doanh nghiệp cam kết thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn ESG trong tổ chức của họ. Cam kết này thường phải gắn liền với các chính sách rõ ràng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với xã hội (bao gồm cả với nhân viên và đối tác) đồng thời có mô hình quàn trị (có các nhà lãnh đạo) luôn đề cao tính minh bạch và sẵn sàng chịu trách nhiệm. Mô hình quản trị này cũng phải có khả năng hỗ trợ trực tiếp các tiêu chuẩn trước đó về môi trường và trách nhiệm xã hội.

Phân biệt tiêu chuẩn ESG với tính bền vững (Sustainability) và CSR.

Về tổng thể cả ESG, tính bền vữngCSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) là 3 tiêu chuẩn hay quy tắc vận hành doanh nghiệp phổ biến nhất hiện nay không chỉ trên toàn cầu mà còn cả tại Việt Nam.

Trong khi tất cả các tiêu chuẩn này đều hướng tới một mục tiêu chung đó là giúp doanh nghiệp kiểm soát sự tác động (trong cách vận hành của doanh nghiệp) đến các vấn đề môi trường và kinh tế, chúng cũng có những điểm khác nhau.

  • ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) – Environmental, Social, and Governance:
  1. Môi trường (Environmental): Tập trung vào tác động của doanh nghiệp đối với môi trường. Điều này bao gồm quản lý rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên tự nhiên và các vấn đề khác liên quan đến môi trường.
  2. Xã hội (Social): Tập trung vào các vấn đề liên quan đến nhân quyền, lao động, quản lý chuỗi cung ứng, và ảnh hưởng đối với cộng đồng. Điều này bao gồm các cam kết về đa dạng, công bằng xã hội và quyền người lao động.
  3. Quản trị (Governance): Liên quan đến cách doanh nghiệp được quản lý và điều hành. Nó bao gồm các khía cạnh như cấu trúc quản trị, chuẩn mực đạo đức, quản lý rủi ro, và quy trình kiểm soát.
  1. Phạm vi (Scope): CSR thường tập trung hơn, tập trung chủ yếu vào các hoạt động xã hội và môi trường mà doanh nghiệp thực hiện nhằm góp phần vào phát triển xã hội.
  2. Chiến lược (Strategy): CSR thường đặt nặng vào việc doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xã hội như tài trợ cộng đồng, giáo dục, và các chương trình từ thiện.
  • Tính Bền Vững:
  1. Đối tượng: Tính bền vững có thể bao gồm cả ESG và CSR, nhưng nó mở rộng hơn để bao gồm cả khía cạnh kinh doanh dài hạn và ổn định, không chỉ là vấn đề ngắn hạn hoặc các chiến lược xã hội.
  2. Chủ thể: Tính bền vững thường đặt nặng vào việc xem xét tác động của doanh nghiệp đối với tất cả các bên liên quan, bao gồm cả nhà đầu tư, khách hàng, nhân viên, và cộng đồng.

Tóm lại, ESG và CSR có một số điểm chung, nhưng ESG thường mở rộng nhiều hơn về khía cạnh quản trị doanh nghiệp và tác động xã hội, trong khi tính bền vững có thể bao gồm cả hai khái niệm này và thêm vào đó các yếu tố hướng tới mục tiêu dài hạn và ổn định.

Tại sao ESG lại quan trọng với doanh nghiệp và các tổ chức trong thế giới ngày nay?

Về tổng thể, thế giới của chúng ta ngày nay đang phải đối mặt với một số thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính (linear economy) sang nền kinh tế tuần hoàn (circular economy), gia tăng bất bình đẳng, cân bằng nhu cầu kinh tế với nhu cầu xã hội.

Để giải quyết các thách thức này, các doanh nghiệp cần một bộ tiêu chuẩn làm kim chỉ nam hoạt động, đóng vai trò định hướng cho mọi chiến lược hay quyết định, khái niệm ESG cùng với đó là các tiêu chuẩn cụ thể được ra rời từ đây.

Ngày nay, từ các nhà đầu tư, cơ quan quản lý đến người tiêu dùng và nhân viên đang ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp không chỉ phải là người quản lý tốt nguồn vốn mà còn cả với tài nguyên tự nhiên và xã hội, đồng thời phải có sẵn các mô hình quản trị cần thiết để hỗ trợ cho quá trình này.

Cũng từ khía cạnh này, nhiều nhà đầu tư đã tìm cách kết hợp các yếu tố ESG vào quá trình ra quyết định đầu tư của họ, điều này càng khiến cho ESG ngày càng trở nên quan trọng hơn.

Thấu hiểu khái niệm ESG.

  • Ở khía cạnh đầu tư, ESG được sử dụng để sàng lọc các khoản đầu tư dựa trên chính sách phát triển và ưu tiên của doanh nghiệp. Liệu nó có hướng đến việc bảo vệ môi trường hay có trách nhiệm với xã hội hay không.
  • Thực hành các tiêu chuẩn ESG cũng có nghĩa là doanh nghiệp đang nói KHÔNG với các hoạt động phi đạo đức và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

ESG hoạt động như thế nào.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư đã bắt đầu thể hiện sự quan tâm của họ đến việc đặt tiền của họ vào những nơi (doanh nghiệp) có giá trị.

Để có thể nhận được các khoản đầu tư, các doanh nghiệp buộc phải xây dựng và thực thi các tiêu chuẩn hay nguyên tắc ESG gắn liền với yếu tố môi trường, xã hội và quản trị.

Đầu tư ESG đôi khi được gọi là đầu tư bền vững, đầu tư có trách nhiệm, đầu tư tác động hoặc đầu tư có trách nhiệm với xã hội (SRI). Để đánh giá liệu một doanh nghiệp nào đó có đang xây dựng và phát triển dựa trên tiêu chí ESG hay không, các nhà đầu tư hay tổ chức sẽ xem xét đến nhiều hành vi và chính sách của chính doanh nghiệp đó.

ESG: Môi trường, xã hội và quản trị.

Các nhà đầu tư ESG muốn đảm bảo rằng các doanh nghiệp mà họ đầu tư hay rót vốn vào là những doanh nghiệp ưu tiên cho vấn đề môi trường, có trách nhiệm với các bên liên quan như nhân viên và khách hàng, và được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo có trách nhiệm.

Các vấn đề về môi trường trong tiêu chuẩn ESG.

Các vấn đề về môi trường có thể bao gồm các chính sách liên quan đến việc chống biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng xanh, giảm lượng chất thải, giảm mức ô nhiễm, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và không ảnh hưởng đến động vật.

Những cân nhắc về ESG cũng có thể giúp đánh giá mọi rủi ro về môi trường mà một doanh nghiệp có thể gặp phải và cách doanh nghiệp quản lý những rủi ro đó.

Những cân nhắc này có thể bao gồm việc giảm phát thải khí nhà kính (Net Zero) trực tiếp và gián tiếp, quản lý chất thải độc hại và tuân thủ các quy định về môi trường.

Các vấn đề về xã hội trong tiêu chuẩn ESG.

Các khía cạnh hay vấn đề xã hội có trong bộ tiêu chuẩn ESG xem xét đến mối quan hệ của doanh nghiệp với các bên liên quan bên trong và bên ngoài doanh nghiệp như khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư hay cộng đồng.

Liệu doanh nghiệp có đang dành tặng một phần trăm lợi nhuận nào đó cho cộng đồng địa phương hay không? Điều kiện nơi làm việc của doanh nghiệp có phản ánh sự quan tâm cao đến sức khỏe và sự an toàn của nhân viên hay không? Doanh nghiệp có đang lợi dụng khách hàng của mình một cách phi đạo đức hay không?

Hay liệu doanh nghiệp có đang ưu tiên cho sự đa dạng, hòa nhập, tập trung vào cộng đồng, công bằng xã hội và đạo đức doanh nghiệp, bên cạnh việc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc, giới tính và tình dục hay không?

Các vấn đề về quản trị trong tiêu chuẩn ESG.

Như đã đề cập ở trên, trong khái niệm ESG, các tiêu chuẩn quản trị (Governance) được xây dựng nhằm mục tiêu đảm bảo doanh nghiệp sử dụng các phương pháp kế toán chính xác và minh bạch, lựa chọn các nhà lãnh đạo sẵn sàng chịu trách nhiệm trước các cổ đông và hơn thế nữa.

Các nhà đầu tư ESG có thể yêu cầu doanh nghiệp đảm bảo rằng doanh nghiệp phải có các biện pháp cụ thể nhằm tránh xung đột lợi ích trong việc lựa chọn các thành viên hội đồng quản trị và giám đốc điều hành cấp cao, không sử dụng các khoản tiền bất hợp pháp.

Ưu điểm của các khoản đầu tư ESG.

Theo các phân tích từ chuyên gia, ngoài giá trị xã hội, tiêu chí ESG có thể giúp các nhà đầu tư tránh được những rắc rối xảy ra khi các doanh nghiệp hoạt động theo cách rủi ro hoặc phi đạo đức, thứ cuối cùng sẽ khiến các nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về hậu quả của nó.
Khi các hoạt động kinh doanh quan tâm đến ESG ngày càng gia tăng, các tổ chức đầu tư đang ngày càng theo dõi hiệu quả hoạt động của họ. Các công ty dịch vụ tài chính như JPMorgan Chase (JPM), Wells Fargo (WFC) và Goldman Sachs (GS) đã công bố các báo cáo thường niên xem xét kỹ lưỡng các phương pháp tiếp cận ESG và kết quả kinh doanh cuối cùng.

Giá trị cuối cùng của việc đầu tư vào ESG sẽ phụ thuộc vào việc họ có khuyến khích các doanh nghiệp thúc đẩy sự thay đổi thực sự vì lợi ích chung hay không hay chỉ đơn thuần là để làm đẹp các báo cáo và “qua mặt” người tiêu dùng.

Đầu tư ESG khác với đầu tư bền vững như thế nào?

ESG và tính bền vững trên thực tế có liên quan rất chặt chẽ với nhau. Đầu tư ESG sàng lọc các doanh nghiệp dựa trên các tiêu chí liên quan đến hoạt động thân thiện với xã hội, thân thiện với môi trường và quản trị doanh nghiệp minh bạch. Kết quả của quá trình này có thể dẫn đến cái gọi là tính bền vững (Sustainability).

ESG có ý nghĩa gì đối với một doanh nghiệp?

Việc áp dụng các nguyên tắc hay tiêu chuẩn ESG có nghĩa là các chiến lược của doanh nghiệp giờ đây sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính là môi trường, xã hội và quản trị.

Điều này có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tích cực thực hiện các biện pháp nhằm mục tiêu giảm ô nhiễm, lượng CO2 thải ra khí quyển và giảm chất thải. Điều đó cũng có nghĩa là doanh nghiệp sẽ ưu tiên xây dựng một lực lượng lao động đa dạng, hòa nhập và bình đẳng.

Kết luận.

Trên đây là tất cả các thông tin mà MarketingTrips đã giải đáp đến bạn cho câu hỏi ESG là gì, hay tại sao doanh nghiệp lại cần đầu tư vào ESG trong bối cảnh kinh doanh ngày nay.

Đầu tư hay tuân thủ các tiêu chuẩn ESG có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tập trung vào các nguyên tắc quản trị theo hướng bảo vệ môi trường, có trách nhiệm với cộng đồng rộng lớn và hơn thế nữa.

Ngày nay, các nhà đầu tư ngày càng mong muốn điều chỉnh danh mục đầu tư của họ hướng tới các doanh nghiệp và nhà cung cấp ưu tiên cho ESG, chính điều này đã biến ESG thành một từ khoá rất đáng để xem xét và tìm hiểu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Gói có trả phí để trải nghiệm Facebook không có quảng cáo có thể vi phạm quy định của châu Âu

Việc người dùng Facebook phải trả phí từ 10,9 USD mỗi tháng cho Meta để không phải xem quảng cáo có thể vấp phải một số quy định bảo vệ người tiêu dùng của châu Âu.

Meta (công ty mẹ của Facebook) mới đây giới thiệu gói thuê bao không quảng cáo trên nền tảng này cho người dùng tại châu Âu. Đổi lại, chủ tài khoản có quyền cấp phép sử dụng dữ liệu thu thập được cho các quảng cáo nhắm mục tiêu để sử dụng mạng xã hội Facebook mà không phải xem các nội dung được tài trợ. Giá khởi điểm hằng tháng là 10,9 USD (9,99 euro) cho phiên bản web và 14,2 USD đối với người dùng Android hoặc iOS.

Tuy nhiên dịch vụ trả phí này đang đối mặt với thách thức về mặt luật pháp. Theo Reuters, Trung tâm Quyền kỹ thuật số châu Âu (NOYB) đã đưa đơn kiện lên chính quyền Áo, cho rằng gói thuê bao chẳng khác nào thu phí người dùng để bảo vệ quyền riêng tư, do đó mâu thuẫn với bản chất sự đồng ý của người dùng theo quy định bởi luật pháp Liên minh châu Âu (EU).

Felix Mikolasch, luật sư chuyên về bảo vệ dữ liệu tại NOYB bày tỏ sự không đồng tình của nhóm với quan điểm từ Meta về “sự đồng ý”. Ông nói: “Luật pháp EU yêu cầu sự đồng ý là ý chí tự do thực sự của người dùng.

Ngược lại với luật này, Meta tính ‘phí riêng tư’ lên tới 250 euro mỗi năm cho người nào muốn thực thi quyền cơ bản về bảo vệ dữ liệu cá nhân”. Đơn khiếu nại được nộp lên Cơ quan Bảo vệ dữ liệu của Áo không chỉ thách thức khái niệm về khoản phí mà còn cả số tiền không hề nhỏ phải trả mỗi năm.

NOYB công khai chỉ trích khoản phí này là “khó chấp nhận nổi”, đồng thời dẫn báo cáo nghiên cứu cho thấy 99% người dùng không muốn trả “phí riêng tư”. Tổ chức này cũng cảnh báo về những hậu quả tiềm ẩn nếu Meta được quyền thu khoản tiền trên thì nhiều doanh nghiệp, đối thủ khác cũng sẽ sớm “theo chân” của Mark Zuckerberg.

“Giả sử một chiếc điện thoại trung bình cài đặt 35 ứng dụng thì việc giữ máy ở chế độ bảo vệ quyền riêng tư có thể tiêu tốn của người dùng tới 9.657 USD một năm”, NOYB nêu quan điểm. Số tiền này tương ứng 233,6 triệu đồng.

Đáp lại, Meta lên tiếng khẳng định mô hình phí thuê bao (Subscription model) của mình phù hợp với các quy định của châu Âu, đồng thời mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn.

Người phát ngôn của Meta cho rằng mức phí họ đưa ra tương thích với cơ cấu giá của các dịch vụ tương tự ở lục địa già, không quên nhấn mạnh sự cân bằng giữa việc tuân thủ quy định và sở thích của người dùng.

NOYB, tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng với việc đâm đơn kiện vi phạm quyền riêng tư chống lại hàng loạt doanh nghiệp công nghệ lớn (trong đó có cả Google lẫn Meta), đang thúc giục cơ quan bảo vệ quyền riêng tư của Áo sớm có hành động chống lại kế hoạch của Meta và áp dụng phạt. Đơn kiện dự kiến sẽ được chuyển sang cơ quan có thẩm quyền tại Ireland, nơi đặt trụ sở Meta khu vực châu Âu.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

AI (trí tuệ nhân tạo) hiện có thể đảm nhận đến 46% công việc của kế toán

Các nghiên cứu mới đây cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) mà cụ thể là trí tuệ nhân tạo tổng hợp (Generative AI) hiện có thể đảm nhận tới 46% công việc của nhân viên kế toán.

AI (trí tuệ nhân tạo) hiện có thể đảm nhận đến 46% công việc của kế toán
AI (trí tuệ nhân tạo) hiện có thể đảm nhận đến 46% công việc của kế toán

Khi AI tổng hợp (tổng quát) tiếp tục lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu, mối lo ngại về khả năng công nghệ này có thể thay thế việc làm của nhiều người và lĩnh vực khác nhau cũng ngày càng tăng.

Mặc dù ở thời điểm hiện tại, AI chắc chắn là chưa thể thay thế con người, tuy nhiên việc công nghệ này phá vỡ các mô hình việc làm truyền thống hoặc thậm chí là thay thế con người ở nhiều nhiệm vụ khác nhau là khó tránh khỏi.

Các ngành nghề dựa trên dữ liệu, chẳng hạn như phân tích tài chính cơ bản hoặc các lĩnh vực nghiên cứu cụ thể, có nguy cơ bị tự động hóa cao hơn vì AI có thể xử lý và phân tích dữ liệu nhanh hơn đáng kể so với con người.

Một nghiên cứu gần đây của Pearson, một công ty giáo dục và xuất bản đa quốc gia của Anh, cho thấy rằng AI tổng quát có khả năng thay thế cao hơn đối với các công việc lặp đi lặp lại so với các công việc yêu cẩu khả năng sáng tạo và chuyên môn cao khi công nghệ này ngày càng ăn sâu vào nền kinh tế toàn cầu.

Ví dụ, hơn 30% nhiệm vụ ở một số vị trí nhân viên văn phòng nhất định ở Ấn Độ có thể được tự động hóa, trong khi chưa đến 1% các công việc yêu cầu về thể chất hay lao động chân tay có thể được tự động hóa.

Dựa trên số liệu, 5 công việc có khả năng bị AI thay thế cao nhất là:

1. Nhân viên kiểm toán và ghi sổ – 46%.
2. Nhân viên xử lý văn bản và các công việc liên quan – 40%
3. Thư ký hành chính và các vai trò liên quan – 38%
4. Nhân viên bán hàng tại quầy hàng và chợ – 30%
5. Kế toán – 28%

Trong khi đó, ông Mike Howells, Chủ tịch của Pearson Workforce Skills, nhấn mạnh rằng cần có một sự hợp tác nhằm thúc đẩy cả khả năng của con người lẫn máy móc. Ông kêu gọi người lao động nói chung cần tận dụng AI để hợp lý hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại và tập trung vào các công việc đòi hỏi những kỹ năng đặc biệt của con người như sáng tạo, giao tiếp và lãnh đạo.

Ông này khẳng định: “Người lao động và người sử dụng lao động nên xem xét cách họ có thể thúc đẩy làn sóng thay đổi này bằng cách sử dụng những gì tốt nhất của AI và những kỹ năng tốt nhất của con người”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer