Skip to main content

Tác giả: Community

Chiến lược mở rộng thị trường mới của Starbucks Việt Nam

Sau hơn một thập kỷ hoạt động chủ yếu tại các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và TP HCM, Starbucks Việt Nam đã bắt đầu một sự chuyển dịch chiến lược đáng chú ý trong năm 2025.

Thương hiệu này đã chính thức tiến vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với việc khai trương hai cửa hàng đầu tiên tại Mỹ Tho (Tiền Giang) và Long Xuyên (An Giang).

Động thái này đánh dấu một bước đi mới, thăm dò một thị trường có quy mô dân số gần 20 triệu người với những đặc thù riêng về văn hóa và thói quen tiêu dùng.

Việc lựa chọn địa điểm cho thấy một sự tiếp cận có tính toán. Hai cửa hàng đầu tiên được đặt tại các vị trí trung tâm, một trong trung tâm thương mại và một trên trục đường chính, nơi có mật độ dân cư cao và hoạt động kinh tế dịch vụ năng động.

Có thể thấy đây không phải là một sự bành trướng ồ ạt mà là một bước đi có chọn lọc, nhắm vào các đô thị có dân số trẻ và mức độ tiếp nhận văn hóa tiêu dùng hiện đại ngày càng cao.

Để thích ứng với thị trường mới, Starbucks đã có những điều chỉnh trong cả sản phẩm và chiến lược tiếp cận. Thay vì chỉ áp dụng thực đơn toàn cầu, hãng đã đưa vào các thức uống quen thuộc với khẩu vị địa phương như cà phê sữa đá, cà phê muối, và cà phê dừa.

Mức giá khởi điểm cho các sản phẩm này được định ở mức 45.000 đồng, một con số được xem là có tính cạnh tranh hơn so với mặt bằng giá thông thường của thương hiệu. Ngoài ra, thực đơn còn bổ sung các loại trà trái cây nhiệt đới, một sự điều chỉnh phù hợp với điều kiện khí hậu của khu vực.

Song song với sản phẩm, các hoạt động tại cửa hàng trong tuần lễ khai trương cũng mang yếu tố bản địa. Các video đăng tải trên kênh truyền thông của Starbucks cho thấy họ tổ chức trò chơi lô tô và các buổi biểu diễn đờn ca tài tử, kết hợp với việc tặng các vật phẩm mang hình ảnh đặc trưng miền Tây. Điều này có thể được xem là nỗ lực nhằm tạo sự kết nối và giảm bớt khoảng cách với cộng đồng.

Lộ trình mở rộng được duy trì ở tốc độ chậm rãi. Dự kiến đến cuối năm, thương hiệu sẽ mở thêm 2-3 cửa hàng mới tại các đô thị trọng điểm khác như Cần Thơ, Rạch Giá (Kiên Giang) và Tân An (Long An), nâng tổng số lên khoảng 5 cửa hàng. Cách tiếp cận này cho thấy sự thận trọng, ưu tiên xây dựng nền tảng ở từng địa điểm thay vì phủ sóng nhanh chóng.

Dù vậy, bước đi này của Starbucks phải đối mặt với cả cơ hội và thách thức không nhỏ. Về cơ hội, việc là một trong những thương hiệu chuỗi quốc tế tiên phong có thể giúp Starbucks chiếm lợi thế người dẫn đầu trong phân khúc của mình, thu hút nhóm khách hàng trẻ và người có thu nhập khá đang tìm kiếm trải nghiệm mới.

Về thách thức, rào cản lớn nhất đến từ thói quen tiêu dùng cố hữu và yếu tố giá cả. Văn hóa cà phê phin và các quán cóc truyền thống có sức ảnh hưởng sâu rộng. Mức giá của Starbucks, dù đã có sự điều chỉnh, vẫn nằm ở phân khúc cao so với mặt bằng chi tiêu tại địa phương. Câu hỏi về khả năng duy trì sự quan tâm của khách hàng sau giai đoạn tò mò ban đầu và mức độ sẵn sàng chi trả thường xuyên vẫn còn bỏ ngỏ.

Bên cạnh đó, áp lực cạnh tranh là một yếu tố không thể bỏ qua. Các đối thủ trong nước như Highlands, Phúc Long, The Coffee House đã có sẵn độ phủ và sự am hiểu thị trường. Các chuỗi này hoàn toàn có khả năng điều chỉnh chiến lược để cạnh tranh trực tiếp.

Không loại trừ khả năng động thái của Starbucks sẽ thúc đẩy các thương hiệu quốc tế khác cân nhắc tiến vào khu vực này, khiến môi trường kinh doanh ngành F&B tại đây trở nên cạnh tranh hơn.

Có thể nói chiến lược tiến về miền Tây của Starbucks là một phép thử thị trường quan trọng. Kết quả của bước đi này sẽ cung cấp những dữ liệu giá trị, không chỉ cho riêng Starbucks mà còn cho các doanh nghiệp khác trong ngành bán lẻF&B, về khả năng dung hòa giữa một mô hình kinh doanh toàn cầu với các yếu tố văn hóa và kinh tế đặc thù của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Facebook tự ý lấy ảnh của người dùng để huấn luyện AI

Meta âm thầm thử nghiệm tính năng tạo ảnh gợi ý từ cuộn camera, gây lo ngại về quyền riêng tư dù khẳng định không dùng dữ liệu này để huấn luyện các mô hình AI.

Một số người dùng Facebook gần đây bất ngờ nhận được thông báo từ ứng dụng, trong đó nền tảng sử dụng ảnh trong cuộn camera, bao gồm cả những hình ảnh chưa từng được tải lên, để tạo ảnh ghép bằng AI.

Theo TechCrunch, thông báo này xuất hiện khi người dùng đăng tải một bài viết mới. Trong đó, Meta nêu rõ rằng mục đích của việc sử dụng dữ liệu ảnh nhằm tạo các gợi ý sáng tạo. Ngoài ra, thuật toán có thể ưu tiên lựa chọn ảnh từ cuộn camera và tải lên hệ thống đám mây các thông tin cần thiết như thời gian, địa điểm và chủ đề. Tuy nhiên, không phải tất cả người dùng đều thấy thông báo này.

Nội dung thông báo cũng khẳng định các dữ liệu ảnh sẽ không được dùng để phục vụ quảng cáo. Dù vậy, cách diễn đạt mơ hồ đã làm dấy lên lo ngại về việc Meta có thể đang âm thầm sử dụng ảnh cá nhân của người dùng để huấn luyện mô hình AI nội bộ.

Trước phản ứng từ cộng đồng, Meta đã phản hồi với The Verge rằng công ty “hiện không đào tạo các mô hình AI bằng những bức ảnh này”. Theo bà Maria Cubeta, Giám đốc Truyền thông của Meta, đây chỉ là thử nghiệm giới hạn với mục tiêu giúp người dùng chia sẻ nội dung dễ dàng hơn.

“Những đề xuất này chỉ xuất hiện nếu người dùng đồng ý, hoàn toàn riêng tư và có thể tắt bất kỳ lúc nào. Dữ liệu từ cuộn camera có thể giúp cải thiện các đề xuất nhưng không được sử dụng để cải thiện các mô hình AI trong thử nghiệm này”, bà Cubeta nhấn mạnh.

Tính năng thử nghiệm trên đã được triển khai âm thầm từ đầu năm 2025, theo một số người dùng. Thực tế, Facebook có trang Trợ giúp chính thức hướng dẫn cách bật hoặc tắt tính năng “ý tưởng sáng tạo với cuộn camera”.

Đối với những người đã đồng ý chia sẻ dữ liệu khi thông báo xuất hiện, họ có thể truy cập phần Cài đặt, chọn phần Tùy chọn và truy cập vào phần Gợi ý chia sẻ cuộn camera để tắt tính năng này.

Trong bối cảnh các công ty công nghệ lớn chạy đua phát triển AI, thử nghiệm mới của Meta cho thấy tham vọng kết hợp máy học với dữ liệu cá nhân. Song, điều này cũng đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về quyền riêng tư và minh bạch trong hoạt động thu thập dữ liệu người dùng.

Chiến lược mới của Starbucks nhằm kéo chân người dùng

Từng khiến khách quay lưng vì mất đi sự thân thuộc, Starbucks nay đồng loạt cải tạo 1.000 cửa hàng ở Mỹ, mang ghế êm, ổ điện, ly sứ và không gian thư giãn trở lại.

Sau nhiều năm chạy theo xu hướng đặt hàng nhanh, bỏ ghế bành, khóa ổ cắm điện và biến cửa hàng thành điểm lấy hàng di động, Starbucks đang đối mặt với làn sóng khách hàng rời bỏ. Người tiêu dùng chuyển sang các quán cà phê địa phương, chuỗi đối thủ mới nổi hoặc đơn giản là… tự pha ở nhà.

Giờ đây, gã khổng lồ cà phê Mỹ quyết định “quay đầu” với chiến dịch cải tạo 1.000 cửa hàng, tương đương 10% hệ thống tự vận hành tại Mỹ, trong năm tới. Mục tiêu là khôi phục không gian mang đậm bản sắc Starbucks, nơi khách hàng có thể thoải mái ngồi làm việc, gặp gỡ và thư giãn. Kế hoạch này sẽ được mở rộng đến toàn bộ chuỗi tại Mỹ trong vòng 3 năm tới.

“Chúng tôi muốn tạo không gian khiến khách hàng thật sự muốn bước vào, không chỉ là lấy rồi đi”, Mike Grams – Giám đốc Vận hành Starbucks chia sẻ trong buổi phỏng vấn với CNN tại một trong những cửa hàng được cải tạo đầu tiên ở Bridgehampton, New York. “Có lẽ những năm trước, chúng tôi đã đi hơi lạc hướng”.

Đưa khách hàng quay lại ghế ngồi

Cuộc cải tổ khởi đầu tại Hamptons – điểm nghỉ dưỡng xa hoa của giới thượng lưu như Bon Jovi, Jennifer Lopez hay Alec Baldwin. Starbucks đã nâng cấp 4 cửa hàng tại đây và dự kiến mở rộng sang New York trong quý tới.

Thiết kế mới không tạo ra cuộc cách mạng, nhưng mang đến cảm giác hiện đại và thoải mái. Tông gỗ sáng – tối xen kẽ, tường màu xanh rêu trầm, ánh sáng dịu nhẹ, cây xanh và hạt cà phê trang trí tạo nên một không gian ấm cúng. Khu pha chế espresso được mở rộng, bảng thực đơn chuyển sang màn hình điện tử.

Tại Bridgehampton, khách hàng thư giãn trên những ghế bành thấp, booth cam nổi bật hoặc bàn cao hai người. Một số ngồi làm việc với laptop bên bàn nhỏ.

Kế hoạch mới được triển khai trong bối cảnh doanh số tại các cửa hàng mở từ một năm trở lên đã giảm liên tục trong 5 quý gần nhất. Starbucks đang chịu sức ép từ các quán cà phê độc lập, các chuỗi mới như Blank Street, Blue Bottle hay những thương hiệu tập trung vào dịch vụ drive-thru (dịch vụ mà khách hàng có thể mua trực tiếp ngay trên xe) như Dutch Bros. Giá thành cao cũng khiến nhiều khách e ngại.

“Không phải cú lột xác ngoạn mục, nhưng có tác động tâm lý rõ rệt. Nó gửi đi thông điệp rằng: Bạn có thể ngồi lại và tận hưởng”, chuyên gia Joseph Pine, đồng sáng lập công ty tư vấn Strategic Horizons, nhận định. Ông từng chỉ trích Starbucks “biến mình thành hàng hóa đại trà” vì chạy theo đơn hàng di động.

Dù vậy, bài toán cân bằng giữa khách hàng ngồi tại chỗ và mua mang đi vẫn chưa được giải quyết. Dù có kệ riêng cho đơn hàng di động và khu vực chờ riêng, nhiều khách vẫn tụ lại quầy, chen chúc quanh những người đang thưởng thức cà phê tại bàn.

Starbucks cho biết sắp triển khai công nghệ sắp xếp đơn hàng thông minh hơn cùng mô hình nhân sự mới để giảm ùn tắc tại quầy.

Trở lại với di sản “nơi chốn thứ ba”

Chiến dịch tái thiết nằm trong chiến lược “Trở lại với Starbucks” (Back to Starbucks) của CEO Brian Niccol – người từng dẫn dắt cuộc lội ngược dòng tại Taco Bell và Chipotle.

Từ khi nhậm chức, ông đã đưa trở lại nhiều “đặc sản Starbucks” một thời: Hình vẽ tay bằng bút Sharpie trên cốc, quầy tự phục vụ sữa – đường, cắt giảm 30% thực đơn và chấm dứt chính sách cho phép sử dụng nhà vệ sinh tự do.

Starbucks giờ còn phục vụ cà phê refill miễn phí cho khách ngồi lại – đựng trong ly sứ, không phải ly giấy.

“Chiến lược ‘Back to Starbucks’ là đưa thương hiệu quay về với điều khiến chúng ta yêu mến ban đầu”, Grams nói. “Điều quan trọng là tạo cảm giác ấm cúng, dễ chịu trong mỗi quán cà phê”.

Starbucks muốn tái hiện hình ảnh “nơi chốn thứ ba” từng được Howard Schultz – cựu CEO huyền thoại – khởi xướng: Không phải nhà, cũng chẳng là chốn làm việc, mà là không gian xã hội để thư giãn, giao lưu và kết nối.

Tuy nhiên, tham vọng này từng bị xói mòn bởi sự trỗi dậy của đơn hàng di động và mô hình drive-thru.

“Starbucks cố gắng phục vụ cả khách muốn không gian bản địa lẫn khách ưu tiên tốc độ, và rồi đánh mất cả hai”, chuyên gia RJ Hottovy nhận định. “Khách hàng đang cần những không gian thứ ba như thế, và việc Starbucks nỗ lực giành lại điều đó là rất quan trọng”.

Dĩ nhiên, không có nghĩa mọi thứ sẽ giống y như 20 năm trước. Ví dụ, những chiếc ghế bành nhung tím biểu tượng một thời sẽ không tái xuất. Theo Starbucks, chất liệu vải ấy nhanh hỏng và khó vệ sinh, đã bị loại bỏ từ năm 2008.

“Tuy không chắc sẽ là màu tím, nhưng bạn sẽ thấy một phiên bản tương tự quay trở lại”, Meredith Sandland – Giám đốc phát triển không gian cà phê mới của Starbucks, hé lộ. Bà từng là giám đốc tại Taco Bell và gia nhập Starbucks vào tháng 2.

Mỗi cửa hàng sẽ có thiết kế khác nhau đôi chút, nhưng đều hướng đến ánh sáng đẹp hơn, màu sắc hài hòa, âm thanh dễ chịu và loạt cải tiến mới cho hơn 10.000 địa điểm thuộc sở hữu của Starbucks tại Mỹ. Ngoài ra, hãng còn có khoảng 7.000 cửa hàng nhượng quyền.

Starbucks cũng lên kế hoạch bố trí nhiều loại ghế ngồi khác nhau, từ chỗ làm việc cá nhân với laptop, đến khu họp nhóm hay góc đọc sách yên tĩnh.

“Với tôi, ‘nơi chốn thứ ba’ phải là nơi khiến người ta muốn dừng chân, thoải mái và gần gũi như đang bước vào một sảnh khách sạn hơn là một tiệm đồ ăn nhanh:, Sandland chia sẻ.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Znews

Lazada tuyên bố miễn phí vận chuyển không giới hạn cho người mua hàng trên toàn quốc kể từ ngày 2/7

Lazada và Shopee đồng loạt triển khai chính sách miễn phí vận chuyển toàn sàn trong bối cảnh cuộc đua thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng gay gắt.

Sàn thương mại điện tử Lazada mới đây tuyên bố sẽ triển khai ưu đãi miễn phí vận chuyển không giới hạn cho người mua hàng trên toàn quốc kể từ ngày 2/7. Theo đó, tất cả đơn hàng tiêu chuẩn có tổng trọng lượng dưới 15 kg từ nhà bán hàng thuộc hệ thống LazMall sẽ được tự động áp dụng ưu đãi và không đòi hỏi người mua phải thu thập hay nhập mã giảm giá.

Không còn là một công cụ tiếp thị theo mùa vụ, miễn phí vận chuyển đang được các sàn thương mại điện tử nâng cấp thành một phần mặc định trong trải nghiệm mua sắm. Thay vì treo khuyến mãi trong khung giờ giới hạn hay yêu cầu người dùng phải “săn” mã, các sàn thương mại điện tử đang dần loại bỏ các lớp điều kiện để hướng tới mô hình liền mạch hơn.

Từ ưu đãi đến dịch vụ bắt buộc

Một khảo sát do TGM Research thực hiện về thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam cho thấy yếu tố vận chuyển đang giữ vai trò ngày càng quan trọng trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng.

Cụ thể, có tới 46% người dùng ưu tiên các đơn hàng có phí giao hàng rẻ hoặc miễn phí, thậm chí còn cao hơn tỷ lệ quan tâm đến giá thành sản phẩm (45%). Con số này phần nào phản ánh xu hướng không chỉ nhìn vào giá niêm yết, mà còn cân nhắc tổng chi phí thực trả, trong đó phí vận chuyển là yếu tố dễ “đánh rơi” đơn hàng nhất của người tiêu dùng.

Báo cáo Digital Marketing 2024 của We Are Social tiếp tục củng cố nhận định này. Theo báo cáo, khi đứng trước lựa chọn giữa 2 loại ưu đãi, người tiêu dùng có xu hướng nghiêng về miễn phí vận chuyển nhiều hơn.

Cụ thể, 44,7% người dùng chọn freeship là ưu đãi yêu thích, trong khi chỉ 33,4% ưu tiên mã giảm giá sản phẩm. Điều này cho thấy, ngay cả khi giá hàng hóa không thay đổi, freeship vẫn mang lại cảm giác “có lời” rõ rệt hơn trong tâm lý người mua.

Các đơn vị nghiên cứu chỉ ra 3 lý do đứng sau xu hướng này. Thứ nhất, việc được miễn phí giao hàng khiến sản phẩm trở nên “đáng tiền” hơn trong cảm nhận của khách hàng, như thể họ đang nhận thêm một phần giá trị mà không phải trả thêm.

Thứ hai, freeship giúp đơn giản hóa hành vi mua sắm, loại bỏ thao tác tìm kiếm và áp mã giảm giá, vốn thường gây gián đoạn trải nghiệm.

Cuối cùng, với những sản phẩm giá trị thấp, phí vận chuyển chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí, nên việc được miễn phí giao hàng càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt khi không đi kèm các điều kiện phức tạp.

Trước Lazada, sàn thương mại điện tử Shopee cũng theo đuổi chiến lược này khi cho ra mắt chương trình “Phí ship 0 đồng mọi đơn” trên toàn sàn từ ngày 1/7.

Với chương trình này, người tiêu dùng Việt Nam, bất kể nông thôn hay thành thị, có thể tiếp cận các sản phẩm (dưới 15 kg) trên Shopee mà không lo phí vận chuyển.

Nền tảng này cũng coi phí vận chuyển là một trong những rào cản lớn đối với người mua. Khi không còn rào cản này, cơ hội kinh doanh và nhu cầu mua sắm trên sàn sẽ tăng trưởng đáng kể.

Khi người tiêu dùng ngày càng khó tính, sàn thương mại điện tử phải đầu tư dài hơi

Việc Lazada và Shopee cùng lúc triển khai chính sách miễn phí vận chuyển toàn sàn diễn ra trong bối cảnh người tiêu dùng Việt Nam đã ngày càng quen thuộc với hoạt động mua sắm trực tuyến. Sau nhiều năm tăng tốc, thương mại điện tử hiện không còn là một xu hướng mới nổi mà đã trở thành một phần trong thói quen tiêu dùng hàng ngày của số đông.

Sự chuyển dịch này khiến các yếu tố như giao hàng 0 đồng không còn được xem là ưu đãi “đặc biệt”, mà dần trở thành một tiêu chuẩn dịch vụ được người dùng kỳ vọng. Với các sàn thương mại điện tử, đây là áp lực buộc phải thích ứng, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh về giá đã chạm ngưỡng và chất lượng trải nghiệm mua hàng đang trở thành lợi thế khác biệt.

Bối cảnh thị trường cũng đang tạo điều kiện cho các nền tảng điều chỉnh chiến lược. Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Momentum Works, tổng giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) của thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2024 đạt 128,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn trung bình khu vực, đạt 16 tỷ USD (tăng 16%) và giữ vị trí thị trường lớn thứ 3, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.

Tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử hiện vẫn xoay quanh 3 nền tảng chính: Shopee, Lazada và TikTok Shop. Shopee đang dẫn đầu với khoảng 65% GMV (tương đương 10,4 tỷ USD), TikTok Shop chiếm 28% (4,5 tỷ USD), trong khi Lazada nắm khoảng 6% (1 tỷ USD).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Momentum Works, GMV không phản ánh đầy đủ hiệu quả kinh doanh của một nền tảng, mà cần đặt trong tương quan với các chỉ số khác như tần suất mua sắm, giá trị đơn hàng trung bình hay mức độ gắn bó của người dùng.

Mỗi nền tảng vì vậy cũng đang theo đuổi chiến lược riêng. Trong khi TikTok Shop tập trung mở rộng quy mô và khai thác hành vi tiêu dùng theo thời gian thực qua nội dung video, một số nền tảng như Lazada lại ưu tiên tăng trưởng bền vững, chú trọng vào nhóm khách hàng có nhu cầu ổn định, sản phẩm rõ nguồn gốc và trải nghiệm mua sắm đồng nhất – trong đó, miễn phí vận chuyển được tích hợp như một phần của dịch vụ cơ bản.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Znews

Người tiêu dùng Việt Nam chi 16 tỷ USD mua sắm online trong năm 2024

Thông tin được đề cập trong Báo cáo Thương mại điện tử Đông Nam Á lần 3 do công ty đầu tư mạo hiểm Momentum Works (Singapore) vừa công bố. So với năm 2023, tổng giá trị giao dịch đã tăng 15,9%.

Trong năm 2024, tổng giá trị giao dịch hàng hóa qua các nền tảng thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á đạt 128,4 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước.

Trong năm qua, thị trường Đông Nam Á xử lý trung bình 43,6 triệu đơn hàng thương mại điện tử mỗi ngày, gần tiệm cận với quy mô của thị trường Mỹ. Riêng 3 nền tảng Shopee, Lazada và TikTok Shop chiếm tới hơn 90% thị phần qua nền tảng.

Trong đó, Thái Lan (23,5 tỷ USD) và Malaysia (11,5 tỷ USD) nổi lên là 2 thị trường có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, lần lượt đạt 22% và 20%. Việt Nam (16 tỷ USD), Philippines (16 tỷ USD) và Singapore (4,9 tỷ USD) cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số.

Trong khi đó, Indonesia vẫn là thị trường thương mại điện tử lớn nhất khu vực, chiếm 44% thị phần với quy mô 56,5 tỷ USD. Nhưng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5% do quá trình sáp nhập giữa các nền tảng.

Tính riêng tại Việt Nam, thị trường thương mại điện tử đang là sân chơi của 3 nền tảng chính là Shopee, Lazada và TikTok Shop. Trong đó, Shopee đang thâu tóm 65% thị phần GMV (khoảng 10,4 tỷ USD), TikTok Shop nắm 28% (4,5 tỷ USD), Lazada là 6% (1 tỷ USD) còn Tiki là 1% (gần 200 triệu USD).

Theo Momentum Works, các kênh thương mại phi nền tảng như website thương hiệu (brand.com), nhà bán lẻ đa thương hiệu, mạng xã hội và các nền tảng như WhatsApp, góp phần bổ sung thêm khoảng 16,8 tỷ USD vào tổng quy mô thương mại điện tử khu vực.

Cũng theo báo cáo, nhiều thương hiệu tiêu dùng Trung Quốc đang quay trở lại Đông Nam Á với sản phẩm được cải tiến và chiến lược bản địa hóa kỹ lưỡng hơn, nhằm từng bước chiếm lĩnh các phân khúc quan trọng.

Momentum Works dự báo, nếu các doanh nghiệp tận dụng tốt trí tuệ nhân tạo trong khâu bán hàng, vận hành, hậu cần và chăm sóc khách hàng, thương mại điện tử Đông Nam Á có thể tạo thêm tới 131 tỷ USD giá trị giao dịch vào năm 2030.

Chủ tịch Masan trở lại danh sách tỷ phú thế giới với 1.1 tỷ USD

Sau thời gian ngắn rời danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang đã trở lại, nhờ đà tăng tích cực của cổ phiếu MSN.

Theo thống kê của Forbes, Chủ tịch Masan Group Nguyễn Đăng Quang đã quay trở lại danh sách tỷ phú thế giới. Trước đó, vào cuối tháng 3, tạp chí Mỹ đưa ông Quang ra khỏi danh sách sau khi tài sản của doanh nhân này giảm xuống dưới mốc 1 tỷ USD.

Hiện ông Quang sở hữu khối tài sản trị giá 1,1 tỷ USD, tăng 40 triệu USD trong 24 giờ qua.

Với quy mô tài sản này, ông Quang hiện là tỷ phú giàu thứ 2.947 thế giới và là tỷ phú giàu thứ 5 tại Việt Nam, sau Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Việc trở lại danh sách tỷ phú thế giới của Chủ tịch Masan có sự tác động rất lớn từ giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Kết phiên 26/6, cổ phiếu MSN tăng 2,4% và là cổ phiếu dẫn đầu nhóm bảo vệ VN-Index.

Nhìn rộng hơn, cổ phiếu MSN đã tăng gần 50% kể từ nhịp điều chỉnh xuống sát mốc 50.000 đồng/đơn vị vào đầu tháng 4 – giai đoạn toàn thị trường Việt Nam lao dốc vì cú sốc thuế quan từ Mỹ. Hiện, thị giá MSN tạm dừng ở mốc 72.000 đồng/đơn vị, cao nhất nửa năm qua.

Nhịp đi lên này cũng giúp vốn hóa thị trường của Masan tiến lên mốc 109.000 tỷ đồng.

Thực tế, những năm vừa qua cũng được xem là giai đoạn biến động với tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Chủ tịch Masan lần đầu ghi tên vào danh sách tỷ phú USD hồi 2018, từ đó đến nay khối tài sản của ông dao động trong khoảng 1-1,9 tỷ USD. Trong đó, mức cao nhất 1,9 tỷ USD được Forbes ghi nhận vào năm 2022.

Năm 2024, ông chủ tập đoàn Masan liên tục “biến mất” rồi trở lại danh sách của Forbes do những biến động của cổ phiếu MSN.

Theo Znews

Google bị yêu cầu thay đổi cách xếp hạng kết quả tìm kiếm và mở quyền truy cập dành cho đối thủ

Google được yêu cầu thay đổi cách xếp hạng kết quả tìm kiếm và mở quyền truy cập dành cho đối thủ, nhằm tăng minh bạch cũng như thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh.

Cơ quan Quản lý Cạnh tranh và Thị trường Anh (CMA) cho biết họ có thể buộc Google thay đổi cách xếp hạng kết quả tìm kiếm nhằm đảm bảo công bằng hơn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn dịch vụ phù hợp với nhu cầu.

Đây là lần đầu tiên CMA đề xuất sử dụng quyền hạn mở rộng nhằm giám sát các tập đoàn công nghệ lớn như Google. Trong thông báo ngày 25/6, CMA cho biết đang cân nhắc chỉ định Google vào danh sách doanh nghiệp có “địa vị thị trường chiến lược”. Nếu được xác nhận vào tháng 10, điều này sẽ mở đường cho các quy định can thiệp sâu hơn vào hoạt động của gã khổng lồ tìm kiếm.

Theo CMA, Google phải minh bạch hơn với các nhà xuất bản nội dung, đơn giản hóa việc truy cập cho dịch vụ tìm kiếm và hỗ trợ chuyển dữ liệu người dùng dễ dàng hơn.

Đáp lại, gã khổng lồ công nghệ cảnh báo việc áp đặt các quy định cứng rắn có thể làm chậm tốc độ đổi mới và ảnh hưởng đến người dùng tại Anh.

“Quy định cần phải cân xứng và dựa trên bằng chứng. Điều này rất quan trọng để CMA không trở thành rào cản với tăng trưởng kinh tế ở Vương quốc Anh”, ông Oliver Bethell, Giám đốc cấp cao phụ trách cạnh tranh của Google cho biết.

Trong khi đó, bà Sarah Cardell, Giám đốc điều hành CMA cho rằng dù Google đã mang lại nhiều lợi ích, thị phần hơn 90% trong lĩnh vực tìm kiếm tại Anh khiến sự can thiệp là cần thiết để thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới.

“Những biện pháp hợp lý này sẽ mang lại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng Anh nhiều quyền kiểm soát hơn với cách họ sử dụng dịch vụ của Google, đồng thời mở ra cơ hội đổi mới trong toàn bộ lĩnh vực công nghệ và nền kinh tế”, bà Cardell nhấn mạnh.

Hiện tại, Google là công cụ tìm kiếm chính của hàng triệu người dùng Anh và là nền tảng quảng cáo trực tuyến cho hơn 200.000 doanh nghiệp trong nước. Do đó, CMA đang hướng đến việc cân bằng lại quyền lực giữa các ông lớn công nghệ như Google, Apple, Meta và Microsoft mà không làm giảm động lực đầu tư hoặc phát triển.

Nvidia trở thành công ty lớn nhất thế giới với mức vốn hóa vượt 3.700 tỷ USD

Dù bị hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc, cổ phiếu Nvidia vẫn lập đỉnh mới nhờ kỳ vọng hãng tiếp tục hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng AI.

Chốt phiên giao dịch ngày 25/6 (giờ Mỹ), cổ phiếu hãng chip AI Nvidia đã tăng 4,3% lên 154,3 USD/cổ phiếu, đánh dấu mức cao kỷ lục mới và nâng vốn hóa thị trường của công ty lên 3.765 tỷ USD. Đà tăng này giúp Nvidia vượt Microsoft (3.650 tỷ USD), trở lại vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới.

Theo đó, tài sản của CEO Jensen Huang cũng tăng thêm 5,5 tỷ USD chỉ trong một ngày – mức tăng mạnh nhất thế giới trong phiên 25/6. Từ đầu năm đến nay, khối tài sản ròng của ông đã tăng hơn 20 tỷ USD, hiện đạt 134,5 tỷ USD, theo bảng xếp hạng của Forbes.

Giới phân tích nhận định Nvidia tiếp tục là cái tên hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng AI toàn cầu. “Chúng ta đang bước vào Làn sóng Vàng tiếp theo trong quá trình phổ cập AI tạo sinh, và Nvidia đang dẫn đầu chu kỳ tăng trưởng mới với nhu cầu vượt dự báo”, Ananda Baruah, chuyên gia phân tích tại Loop Capital, viết trong báo cáo gửi khách hàng.

Diễn biến tích cực của cổ phiếu Nvidia cũng phản ánh sự trở lại mạnh mẽ của xu hướng đầu tư vào AI trên phố Wall. Trong vài năm qua, cổ phiếu chip và các doanh nghiệp công nghệ liên quan AI đã ghi nhận mức tăng ấn tượng nhờ kỳ vọng vào tiềm năng vượt trội của lĩnh vực này. Trong một năm qua, Nvidia, Microsoft và Apple liên tục hoán đổi vị trí dẫn đầu về vốn hóa toàn cầu.

Hiện, Nvidia giữ vị thế thống lĩnh thị trường chip xử lý đồ họa (GPU) – nền tảng cho các mô hình ngôn ngữ lớn và ứng dụng AI. Tuy vậy, đà tăng phi mã của cổ phiếu hãng trong năm nay vẫn gây bất ngờ, đặc biệt trong bối cảnh khó tiếp cận thị trường Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Cụ thể, tính từ mức đáy ngày 4/4 – thời điểm thị trường chịu ảnh hưởng từ loạt tuyên bố áp thuế toàn cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump – cổ phiếu Nvidia đã phục hồi hơn 60%.

Cũng trong tháng 4, Nvidia bị cấm bán dòng chip H20 tại Trung Quốc, dù đây là sản phẩm đã được điều chỉnh để phù hợp với các quy định kiểm soát trước đó. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang lên kế hoạch bãi bỏ cơ chế cấp phép xuất khẩu. Nvidia cho biết các thay đổi này có thể khiến hãng mất khoảng 8 tỷ USD doanh thu và buộc phải xóa sổ lượng hàng tồn kho trị giá 4,5 tỷ USD.

Dù vậy, trong báo cáo tài chính quý I công bố tháng trước, Nvidia vẫn ghi nhận doanh thu tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ mảng trung tâm dữ liệu tăng mạnh 73%. Theo dữ liệu từ LSEG, doanh thu cả năm tài chính của Nvidia được dự báo tăng 53%, lên gần 200 tỷ USD.

Phát biểu tại Đại hội cổ đông thường niên ngày 26/6, ông Huang cho biết bên cạnh AI, lĩnh vực robot cũng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng mới của Nvidia trong thời gian tới.

Central Retail của Thái Lan chi 1.4 tỷ USD mở rộng tại Việt Nam

Việt Nam được Central Retail xác định là trọng tâm mở rộng với mạng lưới đại siêu thị và cửa hàng bán lẻ gia tăng mạnh từ nay đến năm 2027.

Central Retail, công ty bán lẻ thuộc tập đoàn Central Group của Thái Lan, cho biết sẽ tập trung mở rộng hệ thống cửa hàng tại Việt Nam trong ba năm tới. Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Thái Lan giảm sút.

Theo thông tin công bố ngày 24/6, Central Retail sẽ đầu tư từ 45 đến 47 tỷ baht (tương đương khoảng 1,38 đến 1,44 tỷ USD) cho hoạt động mở rộng đến năm 2027.

Tại Việt Nam, công ty dự kiến xây thêm từ 4 đến 6 trung tâm thương mại Go! và từ 12 đến 15 cửa hàng Mini go!. Hiện tại, Central Retail đang vận hành 42 trung tâm Go! và 13 cửa hàng Mini go! trên toàn quốc.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng với dân số khoảng 100 triệu người. Số dân đông kéo theo nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Ông Suthisarn Chirathivat, Tổng giám đốc Central Retail, cho biết: “Việt Nam là quốc gia rất năng động với dân số lớn, là thị trường mà chúng tôi cần theo dõi sát sao”. Tuy nhiên, ông cũng nhận định thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp. Vì vậy, đây chưa phải thời điểm thích hợp để phát triển các cửa hàng bách hóa cao cấp.

Mỗi trung tâm Go! có diện tích sàn khoảng 4.500 m². Trong đó, 70% sản phẩm là thực phẩm. Mini go! thường được đặt tại các thành phố nhỏ. Diện tích trung bình khoảng 1.700 m² và chủ yếu kinh doanh các mặt hàng phi thực phẩm.

Central Retail là doanh nghiệp bán lẻ lớn tại Thái Lan. Công ty hoạt động trong các lĩnh vực như siêu thị, cửa hàng bách hóa và các mô hình bán lẻ khác. Central Retail bắt đầu có mặt tại Việt Nam từ năm 2012. Doanh thu tại thị trường này đạt 49 tỷ baht trong năm 2024.

Theo thông tin từ công ty, Việt Nam đóng góp 22% vào tổng doanh thu của Central Retail trong ba tháng đầu năm 2025. Trong cùng kỳ, thị trường Thái Lan chiếm 73% doanh thu.

Tổng giám đốc cho biết Thái Lan và Việt Nam là hai thị trường trọng điểm trong giai đoạn ba năm tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận kinh tế Thái Lan đang gặp khó khăn. Sức mua trong nước giảm, gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của công ty.

Giới chức Thái Lan hiện dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt từ 1,3% đến 2,3%. Trước đó, mức dự báo là từ 2,3% đến 3,3%. Nguyên nhân là ngành du lịch phục hồi chậm và môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn. Một phần do tác động từ chính sách thuế mới của Mỹ.

Tâm lý tiêu dùng trong nước cũng giảm. Chỉ số niềm tin tiêu dùng, do Phòng Thương mại Thái Lan công bố, đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp. Tháng 5, chỉ số này ở mức 54,2 – thấp nhất trong 27 tháng qua.

Ông Suthisarn cho biết công ty sẽ đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi. Mục tiêu là điều chỉnh giá cả phù hợp với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng trung lưu.

Bên cạnh đó, công ty muốn tăng tính liên kết giữa các chuỗi cửa hàng tại Thái Lan. Ví dụ, chuỗi cửa hàng vật liệu xây dựng Thai Watsadu thường có diện tích lớn và lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Nguồn điện này có thể được sử dụng để cung cấp cho các cơ sở khác trong tập đoàn, như cửa hàng bách hóa Central.

Tại Thái Lan, Central Retail có kế hoạch mở thêm từ 12 đến 18 cửa hàng Go Wholesale trong ba năm tới. Hiện hệ thống này có 13 điểm bán. Go Wholesale chuyên cung cấp thực phẩm tươi sống cho khách hàng doanh nghiệp như nhà hàng và khách sạn.

Trong cùng giai đoạn, công ty dự kiến chỉ mở thêm một hoặc hai cửa hàng bách hóa mới. Thay vì mở rộng số lượng, công ty sẽ tập trung cải tạo và nâng cấp các cửa hàng hiện có.

Nguồn vốn đầu tư sẽ được lấy từ dòng tiền nội bộ và vay ngân hàng. Nếu chi phí vốn giảm về mức phù hợp, công ty có thể xem xét phát hành trái phiếu.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty hiện dao động từ 1,0% đến 1,1%. Central Retail đặt mục tiêu duy trì mức này trong suốt ba năm tới.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Đức Huy | Doanh nghiệp & Kinh doanh

Nhiều nhóm Facebook (Group) tại Việt Nam bất ngờ biến mất hoặc bị đổi tên

Ngày 24/6, nhiều hội nhóm Facebook lớn tại Việt Nam không còn hiển thị hoặc bị đổi tên thành “Group Title Pending”. Các nhóm này có số lượng thành viên từ hàng chục nghìn đến hàng trăm nghìn, hoạt động trong các lĩnh vực như mua bán, chia sẻ thông tin, cộng đồng địa phương và giải trí.

Nhiều quản trị viên nhận được thông báo từ Facebook về việc nhóm bị xem xét hoặc tạm đình chỉ do có nội dung vi phạm Tiêu chuẩn cộng đồng. Một số nhóm bị đổi tên tự động. Việc xử lý diễn ra đồng loạt, không có cảnh báo trước.

Một số nhóm đã dừng hoạt động. Một số quản trị viên gửi kháng nghị và được khôi phục lại nhóm.

Hiện, Facebook chưa công bố nguyên nhân.

Có các giả thuyết được đưa ra, bao gồm lỗi hệ thống, vi phạm chính sách hoặc khả năng bị tấn công. Các nhóm này có vai trò kết nối và được sử dụng vào mục đích kinh doanh. Việc gián đoạn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền truy cập và khai thác nền tảng của người dùng.

Công ty mẹ TikTok ra mắt Seedance 1.0: công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tạo video từ văn bản và hình ảnh

ByteDance – công ty mẹ của TikTok và Douyin, vừa chính thức giới thiệu Seedance 1.0, công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) có khả năng tạo video từ văn bản và hình ảnh. Đây được xem là bước tiến quan trọng của tập đoàn công nghệ Trung Quốc trong cuộc đua phát triển nền tảng sáng tạo nội dung ứng dụng AI.

Công ty mới đây đã công bố bài nghiên cứu chi tiết về Seedance 1.0. Theo đó, công cụ này được thiết kế để chuyển đổi các chỉ dẫn đơn giản thành video chất lượng cao mà không yêu cầu kịch bản chi tiết hay câu lệnh phức tạp. Công cụ này không chỉ xử lý từng cảnh quay đơn lẻ mà còn có khả năng kết hợp nhiều góc quay, chuyển cảnh mượt mà và đảm bảo tính nhất quán của nhân vật xuyên suốt video.

“Chúng tôi đã tìm ra cách tách biệt thông tin về không gian và thời gian trong video. Công nghệ này sử dụng một phương pháp đặc biệt để ‘mã hóa’ vị trí, giúp AI học cách tạo video từ cả chữ viết và hình ảnh trong cùng một mô hình. Nhờ đó, AI có thể tự động tạo ra những video có nhiều cảnh quay khác nhau một cách mượt mà”, ByteDance cho biết trong bài nghiên cứu.

ByteDance tự tin tuyên bố Seedance 1.0 vượt trội hơn các công cụ tạo video AI hiện có trên thị trường, đặc biệt ở khả năng bám sát ý tưởng người dùng, độ sắc nét hình ảnh và sự tự nhiên trong chuyển động của nhân vật.

Theo đánh giá từ Artificial Analysis – nền tảng chuyên phân tích và đánh giá hiệu suất của các mô hình AI, Seedance 1.0 đã vượt qua các công cụ AI tạo video khác như Veo 3 của Google, Kling 2.0 của Kuaishou hay Sora của OpenAI. Công cụ này cho thấy hiệu suất vượt trội trong cả nhiệm vụ biến văn bản thành video và biến hình ảnh thành video.

Công ty cũng tiết lộ Seedance 1.0 được huấn luyện trên kho dữ liệu video khổng lồ, thu thập từ các nguồn công khai và có giấy phép. Các video huấn luyện đã trải qua quá trình lọc kỹ lưỡng nhằm loại bỏ nội dung bạo lực hoặc nhạy cảm.

Nhiều ý kiến cho rằng nguồn dữ liệu chủ yếu đến từ TikTok và Douyin, hai nền tảng do chính ByteDance vận hành.

Quá trình đào tạo Seedance 1.0 được chia thành nhiều giai đoạn: ban đầu học từ dữ liệu hình ảnh và video phong phú, sau đó tiếp tục học sâu về kỹ thuật chuyển cảnh theo nhiều phong cách khác nhau.

Con người cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình huấn luyện, khi các kỹ sư chọn lọc những video chất lượng cao để mô hình học theo. Vòng lặp huấn luyện tiếp tục cho đến khi Seedance 1.0 có thể tự chọn ra kết quả tối ưu trong số nhiều video được tạo ra theo yêu cầu.

Hiện tại, Seedance 1.0 giới hạn độ dài video tối đa 5 giây (so với 8 giây của Veo 3). Tuy nhiên, ưu điểm nổi bật là tốc độ xử lý nhanh chóng: chỉ mất 41 giây để tạo ra một đoạn video độ phân giải Full HD. Một điểm trừ của Seedance 1.0 là chưa hỗ trợ tạo âm thanh tự động lồng ghép như đối thủ từ Google.

ByteDance dự kiến sớm phát hành công cụ này cho cả người dùng phổ thông lẫn các nhà sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu sản xuất video quảng cáo hoặc nội dung ngắn trên mạng xã hội.

Trước Seedance 1.0, ByteDance từng phát triển các công cụ AI tạo video như OmniHuman, Goku và Jimeng AI. Tuy nhiên, Seedance 1.0 là sản phẩm đầu tiên mà hãng tự tin tuyên bố có thể vượt trội các đối thủ về khả năng sáng tạo video bằng AI.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam: Chỉ 2% hàng hoá thương mại điện tử là hợp pháp

Bộ Công Thương nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ có nhiều biện pháp để siết tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các sàn thương mại điện tử.

Tại toạ đàm chiều 11/6 do báo Thanh Niên tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam – ông Nguyễn Ngọc Dũng, đưa thông tin nếu kiểm tra gắt, chỉ 2% hàng hoá trên sàn thương mại điện tử là hợp pháp.

Đây là một con số gây sốc với thị trường kinh doanh online. Ông Dũng cho biết con số trên được các chủ tịch, giám đốc sàn nói với hiệp hội khi Bộ Công Thương kiểm tra gắt gao.

“Như vậy là hầu như ai cũng đi bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Ở trên thị trường hiện nay giá những chiếc đồng hồ Rolex, Patek Philppe… đâu đó được bán khoảng 30 triệu đồng/cái. Đây là hàng Hong Kong và được bảo hành bảo trì chu đáo. Muốn mua một cái đồng hồ đó đến chỗ cửa hàng phân phối chính thức 4 lần cũng không có. Nó cho thấy, thực trạng hàng giả đi sâu vào đời sống từ lâu”, ông Dũng nêu thực trạng.

Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho biết thêm rằng nếu doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chỉ cần bán online 5 ngày là thị trường có hàng giả ngay. Trong khi đi kiện tụng mất cả năm chưa xong.

Trước yêu cầu bình luận về những con số này, tại họp báo chiều 19/6, lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh thương mại điện tử chỉ là một phương thức mua bán và “hàng hoá vẫn phải là hàng thật, vẫn phải lưu thông, có kho bãi và phải được kiểm tra chất lượng”.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý về vai trò của các sàn thương mại điện tử. Ông nói: “Môi trường điện tử có đặc thù là tốc độ lan tỏa rất nhanh, vì vậy vai trò của các chủ sàn là vô cùng quan trọng. Họ phải có trách nhiệm phối hợp ngay với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm, gỡ bỏ sản phẩm, thậm chí “trục xuất” các gian hàng khỏi sàn và ngăn chặn họ quay lại dưới hình thức khác”.

Tại họp báo, ông Hoàng Ninh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cung cấp thêm thông tin cho biết trong nửa đầu năm, Cục đã yêu cầu gỡ bỏ hơn 33.000 sản phẩm vi phạm và xử lý hơn 11.000 gian hàng vi phạm trên thương mại điện tử.

“Hiện chúng tôi đang xây dựng Luật Thương mại điện tử, và các chính sách cốt lõi của luật đã được Thường trực Chính phủ thông qua vào ngày 18/6 vừa qua. Luật này sẽ có nhiều quy định mới để bảo vệ người tiêu dùng.

Trong đó có định danh người bán, giúp truy xuất nguồn gốc, ngăn chặn tình trạng người bán vi phạm rồi mở shop mới. Tăng cường trách nhiệm của sàn thương mại điện tử, yêu cầu các sàn phải có vai trò và trách nhiệm lớn hơn trong việc giám sát, lọc và xử lý vi phạm.

Quản lý các nền tảng xuyên biên giới, yêu cầu các nền tảng này phải có pháp nhân hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam để chịu trách nhiệm trước pháp luật và người tiêu dùng”, ông nói.

Theo lãnh đạo Cục, trong thời gian tới, họ sẽ thực hiện 4 nhóm giải pháp chính. Gồm: Hoàn thiện thể chế: Xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử; Áp dụng công nghệ: Sử dụng AI, blockchain để truy xuất nguồn gốc và tự động rà soát vi phạm.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân: Giúp người dân phân biệt hàng giả, hàng thật. Không có người mua sẽ không có người bán.

Cuối cùng, tăng cường hợp tác quốc tế và liên ngành: Phối hợp với các bộ, ngành như Công an, Quốc phòng, Khoa học Công nghệ để chặn hàng giả từ gốc, từ khâu sản xuất và phân phối.

Ông Hoàng Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, chia sẻ tại họp báo rằng Thủ tương Chính phủ đã phê duyệt Đề án 319 về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai và xây dựng các đề án mới cho giai đoạn tiếp theo để bao quát và phù hợp hơn với tình hình thực tế”, ông nói.

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh

MWG (Thế giới di động) úp mở về sàn thương mại điện tử mới

Ngày 15/5/2025, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) đã chính thức ra mắt sàn thương mại điện tử MWG Shop, đánh dấu sự trở lại sau 7 năm kể từ khi thất bại với dự án Vuivui.com đầy tham vọng.

Hiện, MWG Shop đã tích hợp vào ứng dụng chăm sóc khách hàng Quà Tặng VIP của MWG. Các chuỗi của MWG bao gồm Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh, TopZone, AVAKids cũng đã có mặt trên nền tảng này.

Thực tế, kế hoạch trở lại sân chơi TMĐT đã được ông Nguyễn Đức Tài “tiết lộ”. Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, khi cổ đông đặt câu hỏi về khả năng cạnh tranh của MWG so với các sàn TMĐT, ông Tài cho biết Công ty đang có sàn TMĐT mang tên là V.I.P.

Sang kỳ Đại hội 2025, ông Tài tiếp tục chia sẻ MWG sắp có một dự án lớn mới, và sự ra mắt sàn TMĐT được cho là tham vọng mới của MWG.

Chia sẻ về trang TMĐT của mình, ông Tài cho biết với các sàn truyền thống, thì khi khách hàng muốn đổi trả sản phẩm tương đối “vất vả” vì phải qua bên thứ ba. Còn với sàn TMĐT V.I.P, ví dụ khách hàng đặt trái sầu riêng mà không thấy ngon thì chính cửa hàng trong hệ sinh thái MWG sẽ sẵn sàng hoàn trả toàn bộ tiền trái sầu riêng mà không cần lấy lại sản phẩm.

Điểm khác biệt giữa V.I.P và sàn truyền thống còn nằm ở việc giao hàng. “Bình thường, khi có ai đó alo cho bạn để giao hàng, mặc dù bạn đang ở công ty, họ hối nếu không lấy hàng luôn sẽ trả về kho. Thế Giới Di Động muốn tách mình ra khỏi TMĐT bình thường đó”, ông lấy ví dụ.

Doanh thu TMĐT tăng gấp 6 lần sau 10 năm

TMĐT Việt Nam vẫn đang là thị trường màu mỡ. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam, doanh thu sau 10 năm đã tăng gấp 6 lần từ 4,07 tỷ (năm 2015) lên hơn 25 tỷ USD, tỷ trọng cũng nhảy vọt từ 3% lên gần 10% tổng doanh thu bán lẻ cả nước.

Trong chia sẻ lần đầu ra mắt sàn Vuivui.com, ông Tài cũng tự tin với dư địa thị trường lớn, TMĐT sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh để đóng góp cho Công ty.

Báo cáo “E-Economy SEA 2024” mới công bố của Google, Temasek, Bain & Company cho thấy, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang đứng thứ 3 trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thailand và Việt Nam).

Báo cáo cũng đưa ra dự báo quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 63 tỷ USD, tương đương mức tăng gần gấp 3 lần so với hiện tại, và sẽ vươn lên đứng thứ 2 khu vực vào năm 2030.

Tiềm năng là vậy, ngược lại thị trường này cũng vô cùng khắc nghiệt. Trong cuộc chiến chưa bao giờ nguội giữa những “ông trùm” Lazada, Shopee…, không ít trang TMĐT tại Việt Nam đã đóng cửa sau một thời gian hoạt động.

Cuộc chiến khốc liệt đào thải không ít “đại gia” trong ngoài nước

Trước Vuivui.com, năm 2015 đã có hàng loạt tên tuổi như Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn… chia tay thị trường vì không thể chịu nổi áp lực cạnh tranh. Tháng 8/2016, Website Lingo.vn đình đám một thời cũng dừng cuộc chơi với khoản lỗ 150 tỷ đồng, chưa kể đến những doanh nghiệp nhỏ đến đi lặng lẽ không ai hay biết.

Không chỉ doanh nghiệp nội, thậm chí thương hiệu TMĐT nước ngoài cũng phải nhượng lại do thua lỗ, đơn cử có Rocket Internet – chủ sở hữu Zalora Việt Nam đã bán lại sàn này cho Central Group (Thái Lan) vào tháng 4/2016, Lazada tại Đông Nam Á cũng chịu chung số phận khi phải bán lại phần lớn cổ phần cho hãng Alibaba của Trung Quốc với giá 1 tỷ USD.

Năm 2018, Vuivui.com tuyên bố đóng cửa, khép lại tham vọng số 1 thị trường TMĐT của Thế giới Di động. Nguyên nhân theo nhiều ý kiến rằng Vuivui.com gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh, sẵn sàng chi mạnh tay cho khuyến mãi và quảng cáo.

Mới nhất, với sự trỗi dậy của Tiktok Shop, Tiki – sàn TMĐT đình đám một thời – gần như đã “biến mất” khỏi thị trường.

Lần trở lại của “đại gia” bán lẻ này còn diễn ra trong bối cảnh TMĐT bước vào “vùng trũng” khi thị trường chứng khiến sự thay đổi chóng vánh của hành vi mua sắm, giá cả và khuyến mãi không còn là điều kiện then chốt quyết định hành vi mua sắm.

Bước vào “vùng trũng” với những chính sách mới siết chặt, tăng trưởng 2025 dự báo chỉ còn 21,5%

Ghi nhận, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, TMĐT Việt Nam hiện đang cho thấy dấu hiệu phát triển chậm lại. Nếu trong giai đoạn 2022-2023, doanh thu tăng 53%, thì đến năm 2023-2024, mức tăng giảm xuống còn 37,36%. Dự báo đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục thu hẹp, chỉ còn 21,5%.

Một trong những yếu tố khác khiến thu hẹp đà tăng nóng còn liên quan đến các chính sách mới. Cụ thể, các sàn TMĐT phải khấu trừ, nộp thuế thay cho người bán từ ngày 1/7, theo Nghị định 117/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều này buộc cả nền tảng lẫn nhà bán hàng phải điều chỉnh chiến lược giá. Các sàn có thể tăng phí bán hàng để bù đắp chi phí thu thuế, trong khi đó nhà bán hàng cũng khó tránh khỏi việc điều chỉnh giá sản phẩm nhằm duy trì lợi nhuận. Hệ quả là giá hàng hóa có xu hướng tăng, kéo theo nguy cơ suy giảm sức mua do người tiêu dùng cần thắt chặt chi tiêu.

Trước đó ngày 18/2, Quyết định 1/2025/QĐ-TTg đã chính thức có hiệu lực, bãi bỏ toàn bộ Quyết định 78/2010/QĐ-TTg về mức miễn thuế đối với hàng nhập khẩu gửi qua chuyển phát nhanh. Chính sách mới này áp dụng thuế VAT đối với mọi mặt hàng nhập khẩu dưới 1 triệu đồng qua hình thức chuyển phát nhanh.

Theo các chuyên gia, TMĐT không còn là cuộc đua mà ai tham gia trước chắc chắn giành chiến thắng. Trước những biến động liên tục của thị trường, “cuộc chơi” không còn nằm ở việc cạnh tranh về giá mà ở các chiến lược dài hạn liên tục thích nghi với nhu cầu thị trường. Trong đó, các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh yếu tố công nghệ trong việc phát triển TMĐT nhằm tăng trải nghiệm khách hàng.

Theo Markettimes.

Khả năng kéo traffic cho website từ Google Search đang giảm dần vì AI

Tính năng Overview của Google và các công cụ tìm kiếm AI đang làm giảm lưu lượng truy cập (web traffic) tới các trang web lớn.

Google Search nhiều năm qua đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các trang web thu hút người dùng. Công cụ Semrush thống kê 20% lượng truy cập vào các trang web hàng đầu là từ Google Search. Vai trò của nó còn thể hiện rõ hơn qua một số trang nhất định, như chiếm 63% lượt truy cập vào Wikipedia và 58% vào Tripadvisor.

Tuy nhiên, theo Similarweb, tìm kiếm bằng AI đang thay thế 10% lượng truy cập từ các công cụ tìm kiếm truyền thống. ChatGPT, Perplexity và Gemini hiện được nhiều người sử dụng thay cho Google Search, trên cả thiết bị di động và máy tính để bàn. Apple đã giúp người dùng dễ dàng tiếp cận ChatGPT trên iPhone thông qua nút Action và các widget. Trong khi đó, Google cũng dần thay thế Assistant bằng Gemini trên Android.

Bản thân Google cũng triển khai tính năng tổng hợp nội dung bằng AI thông qua tính năng Overview xuất hiện ở đầu trang kết quả. Thay vì hiển thị ngay một loạt đường link dẫn đến trang web chứa từ khóa của người dùng, AI Overview cung cấp bản tóm tắt nhanh, từ đó giảm lưu lượng truy cập đến các website.

Dữ liệu từ Similarweb tháng 3 cho thấy, với các truy vấn có tóm tắt Overview, chỉ 23% đi tiếp vào trang web có chứa nội dung. Còn với tìm kiếm không có Overview, tỷ lệ click (CTR) đạt 36%.

AI tạo sinh được cho là đang ảnh hưởng mạnh đến các trang từ tin tức, giải trí, giáo dục đến kinh doanh. Theo Barron’s, website tin tức Business Insider đã phải giảm 21% nhân viên trong tháng 5 vì “truy cập giảm ngoài tầm kiểm soát”. Lưu lượng vào Netflix cũng giảm 23% tháng trước.

Hồi tháng 2, công ty công nghệ giáo dục Mỹ Chegg kiện Google lên tòa án liên bang, cho rằng việc AI tóm tắt kết quả tìm kiếm đã gây tổn hại đến pageview và doanh thu của họ. Trong đơn, Chegg gửi kèm ảnh chụp màn hình bản Overview chứa nội dung từ website của họ nhưng không ghi nguồn, trong khi trang của Chegg xuất hiện ở vị trí thấp hơn trong kết quả tìm kiếm.

Khi đó, người phát ngôn của Google tuyên bố sẽ chống lại cáo buộc của Chegg: “Mỗi ngày, Google điều hướng hàng tỷ lượt nhấp chuột đến các trang web trên Internet, tính năng AI Overview giúp phân luồng lưu lượng truy cập đến nhiều trang web hơn”.

Luật Quảng cáo sửa đổi: Người có sức ảnh hưởng (Influencer) không được quảng cáo nếu chưa dùng hoặc hiểu rõ sản phẩm

Luật Quảng cáo sửa đổi được thông qua ngày 16/6 có một số điểm mới. Chẳng hạn, quy định tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động quảng cáo sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Cơ quan và người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý. Nếu quyết định sai gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Về quảng cáo trên mạng, luật định nghĩa là quảng cáo bao gồm hoạt động trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến và nền tảng số có kết nối Internet.

Quảng cáo trên mạng phải có dấu hiệu nhận diện rõ ràng bằng chữ số, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh hoặc âm thanh để phân biệt với nội dung không phải quảng cáo.

Đối với quảng cáo không cố định, phải có biểu tượng hoặc tính năng dễ nhận biết cho phép người dùng tắt quảng cáo, báo cáo nội dung vi phạm hoặc từ chối nội dung không phù hợp.

Đối với quảng cáo có chứa đường dẫn, nội dung được dẫn đến phải tuân thủ quy định pháp luật. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo và người phát hành quảng cáo phải có giải pháp kiểm tra, giám sát nội dung được dẫn đến.

Ngoài ra, theo quy định mới, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo gồm người nổi tiếng, chuyên gia và người sử dụng mạng xã hội có lượng theo dõi lớn. Họ có trách nhiệm xác minh độ tin cậy của người thuê quảng cáo và kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ.

Nếu chưa sử dụng hoặc chưa hiểu rõ về sản phẩm, hàng hóa hoặc dịch vụ, người chuyển tải không được thực hiện quảng cáo. Ngoài ra, họ phải thông báo rõ ràng về việc đang quảng cáo trước và trong khi phát nội dung.

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có quyền yêu cầu được cung cấp thông tin trung thực, đầy đủ và chính xác về sản phẩm, dịch vụ, tổ chức hoặc cá nhân thuê quảng cáo. Họ cũng có quyền yêu cầu tài liệu chứng minh điều kiện quảng cáo.

Người chuyển tải phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chịu trách nhiệm với nội dung mình quảng bá.

Cá nhân, tổ chức thực hiện quảng cáo phải kê khai và nộp thuế khi có doanh thu phát sinh từ hoạt động này. Khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu, họ phải cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo.

Luật quy định việc sử dụng tiếng Việt trong sản phẩm quảng cáo phải bảo đảm sự trong sáng, rõ ràng, dễ hiểu và phản ánh đúng nội dung cần truyền tải.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói rằng người nổi tiếng, người có ảnh hưởng tham gia quảng cáo là hoạt động thương mại phổ biến trong cơ chế thị trường. Hoạt động này có tác động tích cực tới sản xuất, kinh doanh và khuyến khích sáng tạo.

Do đó, dự thảo Luật đã bổ sung nghĩa vụ để quản lý chặt chẽ hơn. Vì vậy, đề nghị không hạn chế hoạt động quảng cáo đối với nhóm đối tượng này.

Về quảng cáo trên mạng, có ý kiến đề nghị xem xét tính khả thi của quy định cấm quảng cáo trên nền tảng vi phạm pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng pháp luật hiện hành đã quy định nội dung này và đang được thực thi. Mục tiêu là khắc phục tình trạng mất an toàn thương hiệu khi quảng cáo gắn với nội dung không phù hợp hoặc tin giả.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ quy định như trong dự thảo để tăng trách nhiệm của các bên tham gia quảng cáo trên mạng và hướng đến phát triển bền vững ngành quảng cáo và nội dung số.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các chủ thể tham gia quảng cáo phải có trách nhiệm cung cấp thông tin khi được yêu cầu. Trong đó có cả người chuyển tải sản phẩm quảng cáo.

Về trách nhiệm liên đới, việc quảng cáo một sản phẩm có sự tham gia của nhiều chủ thể. Mỗi chủ thể phải thực hiện đúng nghĩa vụ. Nếu xảy ra vi phạm thì sẽ bị xử lý tương ứng với tính chất, mức độ sai phạm.

Theo VTV

Meta đầu tư gần 15 tỷ USD vào Scale AI và mời Founder của startup này về làm việc cho Meta

Meta xác nhận là sẽ rót gần 15 tỷ USD vào Scale AI, thương vụ lớn nhất lịch sử công ty nhằm tăng tốc tham vọng chinh phục trí tuệ nhân tạo tổng quát (AGI).

Trong bước đi chiến lược được xem là canh bạc lớn nhất từ trước đến nay, Meta sắp hoàn tất khoản đầu tư gần 15 tỷ USD vào Scale AI – một trong những startup dữ liệu huấn luyện AI hàng đầu hiện nay. Theo The Information, Meta sẽ nắm giữ 49% cổ phần của Scale nếu thương vụ thành công.

Song song với khoản tiền đầu tư tương đương 390 nghìn tỷ VNĐ, Mark Zuckerberg đang trực tiếp chiêu mộ một nhóm khoảng 50 chuyên gia để thúc đẩy tham vọng lớn nhất của Meta: đạt được trí tuệ nhân tạo tổng quát (Artificial General Intelligence – AGI). CEO Scale AI, Alexandr Wang, cũng sẽ gia nhập đội ngũ này ngay khi thỏa thuận chính thức khép lại.

AGI vẫn đang được coi là mục tiêu tối thượng của ngành AI hiện nay, biến nó trở thành mục tiêu đáng theo đuổi của mọi ông lớn công nghệ. Trên lý thuyết, AGI là hệ thống trí tuệ có thể suy nghĩ, học hỏi và phản ứng như (hoặc hơn) con người.

Trong khi Microsoft, Amazon, Google đã sớm hợp tác với các startup như OpenAI hay Anthropic, Meta đã phần nào hụt hơi, đến mức phải hoãn tung mô hình AI có bí danh “Behemoth” vì lo ngại chưa đủ sức cạnh tranh. Khoản đầu tư vào Scale AI chính là nước cờ để Meta lấy lại thế trận.

Lại nói về Scale AI, tên tuổi đứng sau kho dữ liệu huấn luyện của hàng loạt ông lớn. Các báo cáo dự kiến Scale AI sẽ cán mốc doanh thu 2 tỷ USD vào năm 2025, tăng hơn gấp đôi so với năm trước. Startup này cũng đang chuẩn bị một đợt chào mua cổ phần cho nhân viên và nhà đầu tư sớm với mức định giá 25 tỷ USD.

Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, Scale đang mở rộng tầm ảnh hưởng sang chính phủ, với hàng loạt thỏa thuận lớn như hợp đồng 5 năm với Qatar để tự động hóa các dịch vụ công, và hợp tác trị giá hàng triệu USD với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho chương trình AI dành cho quân đội.

Trong cuộc đua AGI đầy khốc liệt, Meta đang đặt cược lớn vào hai trụ cột cốt lõi, là dữ liệu và con người. Và Scale AI, với vị thế là nhà cung cấp dữ liệu huấn luyện hàng đầu thế giới, chính là mảnh ghép Meta cần để không bị tụt lại trong cuộc chơi mang tính cách mạng này.

Quảng cáo sáng tạo trong ngành game chiếm 53% tổng chi tiêu quảng cáo

Các ứng dụng ngoài lĩnh vực game (non-game) có ngân sách cao ghi nhận mức tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trung bình đạt 2.365 biến thể mỗi quý, vượt 80% so với tốc độ tăng trưởng của ngành game…

AppsFlyer vừa công bố báo cáo thực trạng tối ưu hóa sáng tạo năm 2025 (State of creative optimization 2025), phân tích chuyên sâu các xu hướng sáng tạo trong quảng cáo di động, đồng thời nêu bật vai trò của yếu tố cảm xúc trong việc nâng cao hiệu quả chiến dịch. Báo cáo dựa trên dữ liệu từ 1,1 triệu video quảng cáo từ 1.300 ứng dụng cả game và non-game.

Ngoài ra, báo cáo cho thấy quảng cáo sáng tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng; tuy nhiên, các nhà tiếp thị đang ngày càng đa dạng hóa chiến lược sáng tạo.

Trong ngành game, top 2% mẫu quảng cáo sáng tạo vẫn chiếm 53% tổng chi tiêu quảng cáo, trong khi con số này ở mảng non-game chỉ còn 43%. Khoảng cách 10% này phản ánh xu hướng mở rộng thử nghiệm sáng tạo nhằm giảm sự nhàm chán của người xem quảng cáo và phân hóa nội dung theo từng nhóm người dùng cụ thể.

Đáng chú ý, tốc độ sản xuất sáng tạo đang tăng mạnh, đặc biệt ở ngoài lĩnh vực game. Các ứng dụng non-game có ngân sách cao ghi nhận mức tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trung bình đạt 2.365 biến thể mỗi quý và vượt 80% so với tốc độ tăng trưởng của ngành game.

Tuy vậy, các ứng dụng game hàng đầu vẫn dẫn đầu về số lượng với 2.743 biến thể mỗi quý. Trong khi đó, nhóm game tầm trung có sự sụt giảm số lượng sản xuất so với năm ngoái trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Ông Adam Smart, Giám đốc sản phẩm Game tại AppsFlyer, cho biết có sự chuyển dịch rõ rệt trong chiến lược sáng tạo. Các nhà tiếp thị không chỉ mở rộng quy mô mà còn tăng cường tính đa dạng nội dung.

Ở mảng game, các nhà quảng cáo chi tiêu lớn (trên 7 triệu USD mỗi quý) tạo ra gần gấp ba lần số lượng quảng cáo sáng tạo so với nhóm chi 4-7 triệu USD. Trong khi đó, ở lĩnh vực non-game, mức tăng trưởng phân bổ đồng đều hơn giữa các nhóm ngân sách, cho thấy mở rộng sáng tạo giờ đây không còn là đặc quyền của những “ông lớn” mà đã trở thành yêu cầu chiến lược cho mọi nhà quảng cáo.

Báo cáo AppsFlyer cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá hiệu quả quảng cáo một cách toàn diện, thay vì chỉ dựa vào các chỉ số tương tác hay lượt cài đặt ban đầu.

Đơn cử trong lĩnh vực game, quảng cáo có sự góp mặt của ca sĩ giúp tăng tới 50% tỷ lệ giữ chân người dùng sau 7 ngày, cao hơn hẳn so với quảng cáo có diễn viên điện ảnh, dù ngân sách đầu tư cho nhóm ca sĩ chỉ bằng khoảng 10% so với diễn viên điện ảnh. Điều này cho thấy lựa chọn yếu tố sáng tạo không chỉ cần thu hút sự chú ý ban đầu, mà còn phải tạo được ảnh hưởng lâu dài đến hành vi người dùng.

Một số xu hướng báo cáo State of creative optimization 2025:

  • Người nổi tiếng trong lĩnh vực truyền hình và âm nhạc mang lại hiệu quả cao hơn so với diễn viên điện ảnh, nhưng ít được quan tâm hơn.
  • Câu chuyện cảm xúc mang lại hiệu quả cao nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức.
  • Nội dung review và đánh giá do người dùng tạo ra có hiệu quả hơn so với hình thức nội dung testimonials (khách hàng chứng thực).
  • Với các ứng dụng tài chính và xã hội, định dạng nội dung hướng dẫn và đánh giá ứng dụng cho thấy hiệu quả vượt trội hơn so với nội dung testimonial ở hầu hết các chỉ số đánh giá chính.
  • Cơ chế phần thưởng tức thì cho thấy hiệu quả trong mảng tài chính, trong khi nội dung hướng đến người dùng đạt hiệu quả cao hơn ở ứng dụng hẹn hò.
  • Trong lĩnh vực GenAI, định dạng so sánh kiểu “trước – sau” thu hút sự chú ý nhưng tỉ lệ giữ chân người dùng thấp.
  • Với ứng dụng xã hội, định dạng storytelling có tính hiệu quả cao, song lại ít được đầu tư.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnEconomy

Apple xóa hơn 9.000 ứng dụng từ Việt Nam trong năm 2024

Apple công bố Báo cáo minh bạch App Store 2024, cho thấy trong năm qua, nền tảng đã gỡ bỏ hơn 82.000 ứng dụng vi phạm chính sách hoặc do yêu cầu từ các chính phủ.

Trong số đó, Trung Quốc và Mỹ có nhiều ứng dụng bị gỡ nhất, với số lượng lần lượt là 12.900 và 11.400. Việt Nam đứng thứ 3 trong danh sách với 9.664 ứng dụng bị xóa năm qua. Đây là con số lớn nhất tại Việt Nam trong ba năm Apple ra báo cáo. Trước đó, có 5.064 ứng dụng bị xóa vào 2023 và 8.462 vào 2022, ngược với xu hướng giảm của các thị trường còn lại.

Những ứng dụng bị ảnh hưởng phần lớn do vi phạm Thỏa thuận cấp phép dành cho nhà phát triển. Trong đó, nguyên nhân phổ biến là vi phạm hướng dẫn thiết kế tác động đến trải nghiệm người dùng và vi phạm thỏa thuận do gian lận.

Theo Thỏa thuận cấp phép chương trình nhà phát triển Apple (Apple Developer Program License Agreement – DPLA), các ứng dụng có thể bị gỡ khỏi App Store nếu không tuân theo nguyên tắc như: gian lận hoặc thao túng đánh giá, xếp hạng; xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; phân phối trái phép phần mềm của Apple; chứa nội dung không phù hợp như bạo lực, khiêu dâm; sử dụng sai mục đích công cụ, dịch vụ Apple; không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng, hoặc vi phạm pháp luật hiện hành, đặc biệt là về quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu người dùng. Đây là những căn cứ pháp lý để Apple xử lý triệt để hành vi làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái App Store.

Với các nhà phát triển từ Việt Nam, lỗi liên quan đến thiết kế đã giảm, trong khi lý do gian lận tăng mạnh lên hơn 8.747 ứng dụng. Việt Nam cũng đứng đầu thế giới về số ứng dụng bị xóa bởi nguyên nhân này, cao hơn Trung Quốc (7.003) và Pakistan (4.270).

Theo quy định, Apple cấm nhà phát triển thực hiện hành vi gian lận, cạnh tranh không lành mạnh, như đánh giá giả, đặt tên ứng dụng dễ gây nhầm lẫn, chiếm dụng tên ứng dụng, hay lừa dối người dùng về giá, tính năng. Hành vi làm gián đoạn hoạt động của App Store, TestFlight, Xcode Cloud… cũng bị coi là vi phạm. Xếp theo thể loại, các ứng dụng của nhà phát triển Việt bị xóa nhiều nhất là Tiện tích (2.615), Games (2.388) và Giải trí (1.318).

Apple không đưa ra nguyên nhân khiến số lượng tăng mạnh. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, điều này do thị trường làm ứng dụng ở Việt Nam đang tăng trưởng nóng, dẫn đến việc tạo ra số lượng ứng dụng lớn, nhưng cũng có nhiều sản phẩm chất lượng kém. “Những nước có nhiều ứng dụng bị xóa nhất thường có ngành công nghiệp phần mềm mạnh, như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ”, một chuyên gia cho hay. “Những đợt thanh lọc như vậy sẽ giúp nhà phát triển nghiêm túc hơn với sản phẩm của họ”.

Theo thống kê tháng 4 của công ty phân tích Sensor Tower, Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu trong nền kinh tế ứng dụng toàn cầu, đứng top 3 thế giới về số lượt tải với hơn 5,6 tỷ lượt. Ước tính hơn 1.000 nhà phát hành và hơn 100.000 người Việt đang làm trong lĩnh vực này.

Đây là năm thứ ba Apple đưa ra báo cáo minh bạch về kho ứng dụng của mình, sau vụ kiện năm 2019. Khi đó, các nhà phát triển cáo buộc Apple lấy hoa hồng 30% quá cao, khiến họ không còn lợi nhuận. Vụ kiện được dàn xếp năm 2021, trong đó Apple phải chi 100 triệu USD hỗ trợ nhà phát triển nhỏ, đồng thời cung cấp thống kê hàng năm liên quan đến kho ứng dụng.

So với 2023, báo cáo mới cho thấy số ứng dụng bị xóa đã giảm mạnh từ 116.117 xuống 82.509. App Store hiện có hơn 1,96 triệu ứng dụng với hơn 51,7 triệu nhà phát triển đăng ký. Trung bình mỗi tuần, kho thu hút 813 triệu lượt truy cập, 839 triệu lượt tải app. Năm qua, họ nhận hơn 7,77 triệu lượt gửi app lên duyệt và đã từ chối 1,9 triệu lần.

Theo VnExpress

Gã khổng lồ ngành FMCG P&G sắp sa thải 7000 nhân viên

P&G sa thải 7.000 nhân sự và thu hẹp danh mục sản phẩm để thích ứng với nhu cầu tiêu dùng yếu và chi phí tăng do căng thẳng thương mại.

Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) vừa công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 7.000 nhân sự, tương đương 6% tổng lực lượng lao động toàn cầu trong vòng 2 năm tới. Đây là một phần trong nỗ lực tái cấu trúc nhằm thích ứng với nhu cầu tiêu dùng biến động do lo ngại về chính sách thuế quan.

Phát biểu tại hội nghị của Deutsche Bank tổ chức ở Paris, Pháp, các lãnh đạo P&G cho biết tập đoàn sẽ rút khỏi một số ngành hàng, thương hiệu và dòng sản phẩm tại các thị trường nhất định. Một số thương hiệu có thể bị bán lại.

Tính đến ngày 30/6/2024, P&G có khoảng 108.000 nhân viên. Việc cắt giảm nhân sự sẽ ảnh hưởng đến khoảng 15% lực lượng lao động không thuộc khối sản xuất.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh P&G và nhiều nhà sản xuất hàng tiêu dùng khác đối mặt với chi phí gia tăng do chiến tranh thương mại và nhu cầu tiêu dùng yếu đi. Tháng 4 vừa qua, P&G cho biết sẽ tăng giá một số sản phẩm và sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp cần thiết để ứng phó với tác động từ các chính sách thuế của Mỹ.

Tại sự kiện ngày 5/6, Giám đốc tài chính Andre Schulten và Giám đốc vận hành Shailesh Jejurikar thừa nhận bối cảnh địa chính trị hiện nay rất khó lường, trong khi người tiêu dùng đang phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn.

“Đây không phải chiến lược mới, mà là sự tăng tốc có chủ đích trong định hướng hiện tại nhằm mở rộng lợi thế cạnh tranh của P&G thông qua năng suất, để vượt lên trong môi trường ngày càng khắc nghiệt”, ban lãnh đạo công ty cho biết.

P&G cho biết việc tái cấu trúc sẽ giúp đơn giản hóa bộ máy tổ chức bằng cách mở rộng phạm vi công việc, tinh gọn quy mô đội nhóm. Các điều chỉnh danh mục sản phẩm cũng sẽ hỗ trợ công ty tối ưu chuỗi cung ứng, giảm chi phí vận hành.

Samsung muốn đầu tư vào Perplexity AI nhằm giảm phụ thuộc vào Google Search

Samsung đang đàm phán một thỏa thuận lớn để đầu tư vào Perplexity AI và đưa công nghệ tìm kiếm AI của công ty khởi nghiệp này lên các thiết bị của mình. Thông tin từ các nguồn tin thân cận cho biết 2 công ty đang thảo luận về việc cài sẵn ứng dụng và trợ lý của Perplexity trên các sản phẩm Samsung sắp ra mắt, đồng thời tích hợp tính năng tìm kiếm thông minh vào trình duyệt web của Samsung.

Một trong những phương án được bàn luận là việc đưa công nghệ của Perplexity vào trợ lý ảo Bixby của Samsung.

Theo các nguồn tin, nhà sản xuất của Hàn Quốc có kế hoạch công bố sự tích hợp này trong năm nay, với mục tiêu đưa tính năng AI của Perplexity trở thành trợ lý mặc định trên dòng điện thoại Galaxy S26, dự kiến ra mắt vào giữa năm 2026. Tuy nhiên, công nghệ chi tiết vẫn chưa được xác nhận và có thể thay đổi trong thời gian tới.

Cùng với đó, Samsung được cho sẽ tham gia vòng gọi vốn mới của Perplexity, dự kiến huy động 500 triệu USD với mức định giá lên đến 14 tỷ USD. Động thái này sẽ giúp gã khổng lồ Hàn Quốc giảm sự phụ thuộc vào Google và mở ra cơ hội hợp tác với các công ty AI khác. Đối với Perplexity, đây sẽ là mối quan hệ đối tác quan trọng nhất trong trong mảng di động, sau thỏa thuận thành công với Motorola.

Đại diện của Samsung và Perplexity đều từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Cả 2 bên đã bắt đầu đàm phán từ đầu năm nay và mới đây đã gặp nhau tại Hàn Quốc để tiến gần hơn tới một thỏa thuận chính thức.

Ngoài ra, Samsung và Perplexity còn thảo luận về việc phát triển một hệ điều hành tích hợp AI để tận dụng sức mạnh công nghệ. Mới đây, Apple cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác với Perplexity khi tìm kiếm lựa chọn thay thế cho Google Search và ChatGPT trong Siri.

Eddy Cue, Phó Chủ tịch cấp cao của Apple chia sẻ trong một phiên tòa chống độc quyền của Google rằng Apple khá ấn tượng với Perplexity và đã bắt đầu thảo luận nội bộ về việc này. Tuy nhiên, việc Perplexity hợp tác với Samsung có thể khiến Táo khuyết gặp khó khăn trong việc thương lượng.

Chuỗi trà sữa 14 năm tuổi Hot&Cold tuyên bố đóng cửa

Chuỗi trà sữa Hot&Cold với 14 năm tuổi và là thanh xuân của nhiều thế hệ 8x – 9x tại TP.HCM, lúc hoàng kim từng có 80 chi nhánh từ Đà Nẵng trở vào, vừa thông báo trên Fanpage FB sẽ đóng cửa vào 30/6/2025.

Vào tối 31/5, trên Fanpage FB, chuỗi trà sữa Hot&Cold đã thông báo về việc sẽ đóng toàn bộ chuỗi cửa hàng của mình tại TP.HCM vào 30/6/2025.

Thông báo có đoạn: “Lời chia tay bao giờ cũng nghẹn ngào, khó nói…  Nhưng hôm nay, chúng mình phải nói lời tạm biệt. Suốt 14 năm qua, đây là bức thư khó viết nhất mà Hot&Cold từng gửi đến các bạn.

Hôm nay, bằng tất cả sự trân trọng, tụi mình xin phép được thông báo: Hot&Cold sẽ ngừng hoạt động, chính thức khép lại hành trình vào ngày 30/06/2025.

Nếu một ngày nào đó, bạn vô tình nhớ đến tụi mình, hãy kể cho ai đó nghe rằng: Hot&Cold từng là thương hiệu trà sữa tự chọn đầu tiên tại Việt Nam, thành lập từ năm 2011 – với sứ mệnh mang đến những ly trà sữa ngon nhất, giá tốt nhất, topping bao la nhất, như trong câu slogan quen thuộc ‘Topping bao la – Trà ta đậm vị’.

Từ một cửa hàng nhỏ, tụi mình đã phát triển lên hơn 65 chi nhánh trên toàn quốc, có lúc chạm mốc hơn 80 địa điểm – phủ sóng từ TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, Mỹ Tho, Bến Tre… đến Đà Nẵng.

Tụi mình đã phục vụ hàng tỷ ly trà sữa và trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ khách hàng.

Từ ngày 30/06/2025, toàn bộ hệ thống Hot&Cold sẽ chính thức đóng cửa. Từ hôm đó, sẽ không còn tiếng ‘Hot&Cold xin chào’ nữa – mà chỉ còn lời thì thầm sau cùng: ‘Hot&Cold xin tạm biệt’.

Hot&Cold cảm ơn bạn, cảm ơn tuổi trẻ, cảm ơn vì đã từng có Hot&Cold trong tim. Hot&Cold xin tạm biệt.”.

Hòa vào cơn sốt trà sữa lan khắp Việt Nam cách đây hơn 10 năm, thương hiệu Hot&Cold đã ra đời vào 2011, với cửa hàng đầu tiên nằm ở 100 Trần Hưng Đạo, quận 1, TP. HCM.

Những năm sau này, với chiến lược nhượng quyền, họ đã đi khá nhanh. Năm 2021, Hot&Cold có 30 cửa hàng, đến năm 2023 có khoảng 50 cửa hàng và trong thời hoàng kim của mình, họ có tới 80 cửa hàng kéo dài từ miềnTây tới Đà Nẵng. Hiện tại, trên website, Hot&Cold cho biết mình còn 11 cửa hàng ở TP.HCM.

Có 2 nguyên nhân khiến Hot&Cold phải kết thúc như thế này. Đầu tiên là về thị trường, phong trào uống trà sữa đã lắng xuống trong vài năm gần đây cộng với Covid-19 cùng tình trạng ảm đạm của nền kinh tế Việt Nam kéo dài; khiến nhu cầu tiêu dùng ngày càng giảm, trà sữa là thứ đầu tiên mà nhiều người tiêu dùng cắt bỏ để tiết kiệm chi phí.

Thứ hai là tệp khách hàng trung thành của Hot&Cold gồm thế hệ 8x-9x đã lớn tuổi, không còn muốn uống trà sữa hằng ngày do điều đó không tốt cho sức khoẻ. Trong khi, tệp khách hàng chính của các chuỗi trà sữa bây giờ là GenZ và Anpha, quen uống trà sữa với sữa tươi nhạt vị trà như Gong Cha hay Bobapop, hơn là trà sữa kiểu Việt Nam đậm vị trà kết hợp với bột sữa như của Hot&Cold hay chuỗi Hoa Hướng Dương.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh

Chân dung những ông chủ thực sự đang sở hữu VNG (Công ty mẹ của Zalo)

CTCP VNG (VNG Corporation – UPCoM: VNZ) sở hữu hệ sinh thái trải dài trong nhiều lĩnh vực, bao gồm: game trực tuyến (VinaGame, ZingPlay), nền tảng kết nối (Zalo, Zing, Baomoi,…), thanh toán điện tử (ZaloPay), điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.

Hiện tại, VNG Corporation có 4 cổ đông sở hữu cổ phần lớn nhất gồm: VNG Limited (49%), CTCP Công Nghệ BigV (17,84%), ông Lê Hồng Minh (8,85%) và ông Vương Quang Khải (4,99%); còn lại là cổ đông nhỏ lẻ.

Ai đứng sau VNG Limited – công ty chi phối VNG Corporation?

VNG Limited có trụ sở tại đảo Cayman, thuộc lãnh thổ hải ngoại của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Đây là công ty đã nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vào tháng 8/2023, nhưng sau đó đã rút lại.

Tuy nhiên, thương vụ này cũng đã hé lộ các pháp nhân kiểm soát “kỳ lân công nghệ” của Việt Nam, bao gồm: hai nhà sáng lập Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải; hai “gã khổng lồ” từ Trung Quốc là Tencent của tỷ phú Mã Hóa Đằng và Ant Group của tỷ phú Jack Ma; cùng với GIC, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore.

VNG: Bóng dáng tập đoàn Trung Quốc đứng sau 'cha đẻ' của Zalo, ai đang chi phối doanh nghiệp?
Hai công ty Trung Quốc là Tencent và Ant Group hưởng phần lớn lợi ích kinh tế từ VNG Limited

Theo đó, VNG Limited phát hành hai loại cổ phiếu: hạng A (nắm giữ lợi ích kinh tế) và hạng B (không có lợi ích kinh tế). Tuy nhiên, 1 cổ phiếu hạng B có quyền biểu quyết tương đương với 10 cổ phiếu hạng A.

Ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải không có lợi ích kinh tế tại VNG Limited do không sở hữu cổ phiếu hạng A. Lợi ích kinh tế thuộc về Tencent (65,2 triệu cổ phiếu), GIC (15,3 triệu cổ phiếu), Seletar Investment Pte Ltd (9,4 triệu cổ phiếu), Ant Group (7,8 triệu cổ phiếu) và các cổ đông khác.

Tuy nhiên, ông Minh và ông Khải nắm giữ tổng cộng 14,3 triệu cổ phiếu hạng B, tương ứng với 51% quyền biểu quyết, và vẫn là những người có tiếng nói trọng yếu trong các quyết sách quan trọng của doanh nghiệp.

VNG: Bóng dáng tập đoàn Trung Quốc đứng sau 'cha đẻ' của Zalo, ai đang chi phối doanh nghiệp?
Tỷ lệ biểu quyết tại VNG Limited – công ty chi phối VNG Corporation

VNG hưởng lợi từ Tencent và Ant Group?

Tencent do tỷ phú Mã Hóa Đằng sáng lập, đây là nhà sản xuất trò chơi điện tử lớn nhất thế giới và điều hành nền tảng nhắn tin WeChat. Doanh thu trong 3 tháng đầu năm 2024 của công ty ước đạt 22,04 tỷ USD.

Trong khi đó, VNG là đơn vị phát hành các trò chơi trực tuyến tại Việt Nam và Đông Nam Á, với các tựa game nổi tiếng như PUBG Mobile, Võ Lâm Truyền Kỳ, Liên Minh Huyền Thoại… Mảng này được ví như “gà đẻ trứng vàng” của VNG, nhiều trò chơi nổi tiếng được phát hành đến từ nhà phát triển Tencent Games.

Ngoài ra, VNG cũng sở hữu ứng dụng nhắn tin số 1 Việt Nam là Zalo. Tính đến tháng 6/2024, Zalo có 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng và 1,9 tỷ tin nhắn được gửi đi mỗi ngày.

Ant Group là công ty tài chính liên kết của Tập đoàn Alibaba, có trụ sở tại Hàng Châu, Trung Quốc, chuyên về xử lý thanh toán, cho vay tiêu dùng, phân phối sản phẩm bảo hiểm và nhiều lĩnh vực khác. Cả Ant Group và Alibaba đều do tỷ phú Jack Ma sáng lập.

Trong lĩnh vực thanh toán điện tử, VNG đang phát triển ZaloPay. Tuy nhiên, trái ngược với mảng game, ZaloPay đã lỗ khoảng 4.760 tỷ đồng sau 8 năm hoạt động, trở thành nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh của VNG suy giảm.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Người Quan Sát

Cụm từ khiến sữa Milo bị cho là quảng cáo lừa khách hàng

Đoàn kiểm tra liên ngành Đồng Nai cho rằng Công ty Nestlé Việt Nam dùng cụm từ “được chứng minh giúp trẻ” để quảng cáo sữa lúa mạch Milo là không chính xác, không đầy đủ theo kết luận đề tài của Viện Dinh dưỡng.

Chi tiết này được thể hiện trong báo cáo của Sở Y tế Đồng Nai gửi Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, ngày 20/5 về tiến độ xử lý thông tin quảng cáo liên quan sữa lúa mạch Milo. 10 ngày sau, đại diện Sở Y tế Đồng Nai cho biết đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra bởi “có dấu hiệu lừa dối khách hàng trong quảng cáo (ads) thực phẩm”.

“Cụm từ ‘được chứng minh giúp trẻ’ trên nhãn của bao bì sản phẩm và các phương tiện thông tin trích dẫn không chính xác, không đầy đủ theo kết luận đề tài của Viện Dinh dưỡng”, báo cáo của Sở Y tế nêu. Do đó, trong cuộc họp liên ngành hôm 23/5, đoàn kiểm tra thống nhất kết luận trên.

Liên quan diễn biến mới này, ngày 30/5 Nestlé Việt Nam phát thông cáo khẳng định luôn tuân thủ các quy định liên quan đến chất lượng và an toàn thực phẩm, đồng thời sữa Milo đáp ứng yêu cầu về chất lượng và nhu cầu dinh dưỡng của người Việt.

“Các thông tin liên quan đến đề tài nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng thể hiện trên bao bì đã được thực hiện theo các trình tự và quy trình cần thiết, phù hợp với quy định của Việt Nam”, thông cáo nêu, đồng thời cho biết công ty tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng về vấn đề này và tôn trọng hướng dẫn về việc diễn giải thông tin trên bao bì sản phẩm.

Vụ việc bắt đầu từ giữa tháng 5, Cục An toàn Thực phẩm yêu cầu địa phương xác minh thông tin Công ty Nestlé Việt Nam gắn mác Viện Dinh dưỡng trên bao bì sữa Milo, sau phản ánh “có dấu hiệu vi phạm”.

Lãnh đạo Viện Dinh dưỡng cho biết từng phối hợp với Nestlé thực hiện đề tài nghiên cứu về hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp sử dụng sữa lúa mạch Milo đối với tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tiểu học ở Ninh Bình. Đề tài được triển khai từ tháng 6/2022 đến 3/2023 trên 576 học sinh, theo phương pháp thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng. Đề tài đã được nghiệm thu kết quả ở cấp cơ sở.

Theo đó, sản phẩm “không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau ba tháng nghiên cứu”. Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sữa Milo cũng “không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực”. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sữa Milo cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng.

Công ty Nestlé đã sử dụng các thông tin từ kết quả nghiên cứu này để truyền thông sữa Milo và in tên Viện Dinh dưỡng lên bao bì sản phẩm. Sau phản ánh trên, lãnh đạo Viện Dinh dưỡng yêu cầu Nestlé rà soát các nội dung truyền thông, quảng cáo sản phẩm, gỡ bỏ thông tin liên quan đến Viện nếu vi phạm các quy định.

Phía Nestlé cho rằng sữa Milo không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo và trường hợp bị cấm quảng cáo. Do đó, việc “truyền thông kết quả nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng thực hiện là tuân thủ các quy định liên quan”.

Từ yêu cầu xác minh của Cục An toàn Thực phẩm, các sở Y tế và Văn hóa Thể thao Du lịch Đồng Nai tiến hành kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, quảng cáo tại Công ty Nestlé Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP Biên Hòa, ngày 15/5. Lực lượng chức năng ghi nhận tại thời điểm kiểm tra công ty có giấy chứng nhận đầu tư, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận FSSC 22000; chủ cơ sở và nhân viên tham gia sản xuất được khám sức khỏe, tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm.

Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, chỉ tiêu chất lượng – hiện chưa có kết quả kiểm nghiệm.

Tại thời điểm làm việc, đại diện Nestlé Việt Nam cho biết hai sản phẩm Thức uống lúa mạch Nestlé Milo sữa 3 trong 1 và Thức uống lúa mạch Nestlé Milo không liên quan đến việc sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng. Công ty xác nhận chỉ sử dụng thông tin Viện Dinh dưỡng trên nhãn Sữa lúa mạch Milo.

Hiện Nestlé Việt Nam đã ngừng tất cả quảng cáo có tên của Viện Dinh dưỡng, đồng thời lên kế hoạch thay đổi bao bì sản phẩm để đưa ra thị trường, dự tính vào tháng 9.

Theo VnExpress

Quảng cáo sữa Milo của Nestle’ bị cho là lừa dối người tiêu dùng

Liên quan thông tin quảng cáo trên sản phẩm sữa lúa mạch Nestle’ Milo, Sở Y tế Đồng Nai nhận định có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, nên kiến nghị chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra.

Ngày 29-5, Sở Y tế Đồng Nai có văn bản gửi Cục An toàn thực phẩm và UBND tỉnh Đồng Nai về việc báo cáo tiến độ kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin về quảng cáo sản phẩm “thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo” của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.

Theo đó ngày 21-5, Sở Y tế Đồng Nai có văn bản báo cáo UBND tỉnh về việc tiến độ kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin về quảng cáo sản phẩm “thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo” của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.

Đến ngày 28-5, Sở Y tế phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức cuộc họp thống nhất xử lý các nội dung về kiểm tra an toàn thực phẩm tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam.

Tại buổi làm việc này, qua kiểm tra, rà soát hồ sơ tài liệu liên quan, đại diện Sở Y tế và đoàn kiểm tra thống nhất: “Xác định vụ việc có dấu hiệu về lừa dối người tiêu dùng, khách hàng, nên kiến nghị Sở Y tế có văn bản chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan cảnh sát điều tra”.

Ngày 29-5, Sở Y tế đã có văn bản chuyển hồ sơ vụ việc và bàn giao toàn bộ tài liệu liên quan cho cơ quan cảnh sát điều tra, để xác minh làm rõ và xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Như tin đã đưa, trước đó thực hiện công văn của Cục An toàn thực phẩm về việc phối hợp xử lý thông tin, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã mời các bên liên quan họp thống nhất xử lý thông tin về quảng cáo sản phẩm.

Ngày 15-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Phòng an toàn vệ sinh thực phẩm, Thanh tra sở phối hợp với Thanh tra và Phòng quản lý báo chí xuất bản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai) làm việc với đại diện Công ty TNHH Nestlé Việt Nam (phường An Bình, thành phố Biên Hòa).

Tại thời điểm làm việc, công ty trình bày hai sản phẩm “thực phẩm bổ sung thức uống lúa mạch Nestlé Milo sữa 3 trong 1” (bản tự công bố sản phẩm ngày 27-12-2021), và “thực phẩm bổ sung thức uống lúa mạch Nestlé Milo” (bản tự công bố sản phẩm ngày 10-8-2022) theo công văn của Cục An toàn thực phẩm không liên quan đến việc sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng ghi trên nhãn sản phẩm.

Nestlé Việt Nam xác nhận chỉ sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng ghi trên nhãn sản phẩm “thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo”, các sản phẩm khác của công ty không sử dụng thông tin của Viện Dinh dưỡng.

Ngoài ra, công ty cung cấp văn bản xác nhận từ Viện Dinh dưỡng (ngày 25-1-2024) liên quan nghiên cứu đánh giá hiệu quả của sản phẩm kết hợp giáo dục thể chất đối với học sinh tiểu học, nhất trí với nội dung: sản phẩm giúp cải thiện các tố chất thể lực sau 3 tháng sử dụng.

Trong thời gian chờ hướng dẫn, Nestlé Việt Nam đã chủ động ngừng toàn bộ quảng cáo liên quan Viện Dinh dưỡng trên truyền hình, nền tảng số, mạng xã hội, bảng quảng cáo…

Đồng thời công ty yêu cầu các đối tác dừng đăng tải nội dung liên quan và lên kế hoạch thay đổi bao bì, dự kiến ra mắt vào tháng 9-2025.

Ngày 22-4, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đồng Nai về việc phối hợp xử lý thông tin liên quan đến quảng cáo sản phẩm sữa lúa mạch Nestlé Milo.

Tiếp đó ngày 23-5, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai có công văn giao các sở, ngành liên quan khẩn trương phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra việc Công ty TNHH Nestlé Milo quảng cáo đối với sản phẩm “thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch”.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Hãng xe “an toàn nhất thế giới” Volvo thông báo sắp sa thải hàng ngàn nhân viên

Hãng ôtô Thụy Điển Volvo vừa tuyên bố sẽ cắt giảm khoảng 3.000 vị trí lao động như một phần trong chiến lược tái cấu trúc toàn diện trị giá 18 tỷ SEK (1,9 tỷ USD).

Trong thông báo phát đi hôm 27/5, Volvo Cars cho biết phần lớn vị trí bị cắt giảm thuộc khối văn phòng tại Thụy Điển, chiếm khoảng 15% tổng lực lượng lao động hành chính toàn cầu.

Ngoài ra, hãng sẽ chấm dứt hợp đồng với khoảng 1.000 chuyên gia tư vấn, đồng thời cắt giảm thêm hơn 1.200 nhân viên ở Thụy Điển và phần còn lại tại các thị trường quốc tế, theo CNBC.

Quyết định cắt giảm được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Tổng giám đốc điều hành Håkan Samuelsson, người từng dẫn dắt Volvo trong giai đoạn 2012-2022, quay trở lại nắm quyền và công bố kế hoạch tiết kiệm chi phí quy mô lớn.

“Việc cắt giảm lần này sẽ ảnh hưởng đến hầu hết bộ phận khối văn phòng, bao gồm nghiên cứu – phát triển (R&D), truyền thông, nhân sự… Nói ngắn gọn, là toàn bộ hệ thống”, ông Samuelsson chia sẻ với Reuters hôm 23/5. “Tôi tin rằng đây sẽ là điều tích cực, giúp tiết kiệm chi phí và tạo cơ hội để nhân sự còn lại đảm nhiệm những vai trò lớn hơn”.

“Ngành công nghiệp ôtô đang trải qua một giai đoạn đầy thách thức. Chúng tôi cần cải thiện dòng tiền, giảm chi phí và đồng thời tiếp tục phát triển năng lực con người để thực hiện các mục tiêu dài hạn”, ông cho biết thêm.

Theo thông báo chính thức, đợt tinh giản này sẽ khiến Volvo Cars tốn khoảng 1,5 tỷ SEK (160 triệu USD) chi phí tái cơ cấu một lần. Dự kiến cấu trúc tổ chức mới sẽ được hoàn tất vào mùa thu năm nay.

Hiện Volvo đang gặp khó khăn khi thị trường xe điện toàn cầu tăng trưởng chậm lại, đặc biệt tại Trung Quốc và châu Âu – hai thị trường trọng điểm của hãng.

Thêm vào đó, căng thẳng thương mại Mỹ – châu Âu đang đẩy ngành ôtô vào tình thế khó lường.

Hiện tại, châu Âu đang phải đối mặt với mức thuế 25% từ Mỹ đối với xe hơi, thép và nhôm, chưa kể mức thuế “đáp trả” 10% áp dụng lên nhiều mặt hàng khác. Với phần lớn dây chuyền sản xuất đặt tại châu Âu và Trung Quốc, Volvo đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với nhiều đối thủ châu Âu khác nếu các hàng rào thuế quan được thực thi.

Hãng thậm chí thừa nhận khả năng “không thể xuất khẩu” một số dòng xe giá rẻ sang thị trường Mỹ trong tương lai gần.

Ngay sau khi công bố kế hoạch tái cấu trúc hồi cuối tháng 4, Volvo Cars đã rút lại dự báo tài chính cho giai đoạn 2025-2026, viện dẫn tâm lý người tiêu dùng suy yếu và thị trường toàn cầu nhiều biến động. Dù vậy, một số chuyên gia vẫn lạc quan với định hướng mới của hãng.

Chuyên gia phân tích Hampus Engellau từ ngân hàng Handelsbanken cho rằng quy mô cắt giảm nằm trong kỳ vọng và kế hoạch tinh giản bộ máy là điều tích cực trong dài hạn.

Cổ phiếu Volvo Cars đã tăng 3,6% vào chiều ngày 26/5 (giờ châu Âu), phần lớn trước khi thông tin cắt giảm nhân sự được công bố chính thức. Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2025 đến nay, giá cổ phiếu vẫn giảm tới 24%.

Copy Trading với Forex: Cách kiếm tiền thụ động mà không cần giao dịch

Copy trading – nghe thì có vẻ giống như một trò gian lận nho nhỏ trong thế giới giao dịch. Nhưng thật ra, đây lại là cách thông minh để nhiều người mới bước chân vào thị trường Forex có thể kiếm lời mà không cần biết cách phân tích kỹ thuật hay căng mắt theo dõi biểu đồ mỗi ngày. Họ để người khác làm thay phần đó.

Ngày nay, công cụ hỗ trợ copy trading ngày càng hiện đại, đặc biệt khi bạn có thể tải mt5 cho pc và tiếp cận ngay hàng loạt chiến lược của những trader chuyên nghiệp trên toàn thế giới.

Copy trading là gì?

Nói đơn giản, copy trading là việc sao chép tự động giao dịch từ một người khác – thường là trader có kinh nghiệm. Khi người đó vào lệnh, hệ thống sẽ tự động mở cùng lệnh đó trong tài khoản của bạn với tỷ lệ tương ứng. Bạn không cần làm gì thêm.

Ví dụ, nếu trader chuyên nghiệp A mua cặp EUR/USD, tài khoản của bạn cũng sẽ mua cặp đó. Khi họ chốt lời, bạn cũng có lời. Khi họ lỗ – bạn cũng thế.

Ưu điểm của copy trading

1. Không cần kinh nghiệm

Không ai sinh ra đã biết giao dịch. Nhưng copy trading cho phép bạn bắt đầu hành trình đầu tư mà không phải học hết thuật ngữ hay chiến lược ngay từ đầu. Rất lý tưởng cho người bận rộn hoặc mới bắt đầu.

2. Tận dụng kiến thức của chuyên gia

Chọn đúng trader để theo dõi cũng giống như bạn “thuê” một nhà quản lý quỹ cá nhân. Họ có kinh nghiệm, hiểu thị trường, và quan trọng là có lịch sử giao dịch rõ ràng.

3. Kiểm soát vẫn nằm trong tay bạn

Không giống một số quỹ ủy thác, copy trading cho phép bạn dừng theo dõi, thay đổi người sao chép hoặc điều chỉnh số tiền đầu tư bất kỳ lúc nào. Bạn có quyền chủ động.

4. Đa dạng hóa chiến lược

Bạn không nhất thiết chỉ theo một người. Bạn có thể chia vốn, copy nhiều trader với phong cách khác nhau – từ day trading, swing cho đến scalping. Điều này giúp phân tán rủi ro hiệu quả.

Rủi ro cần hiểu rõ

Không có hình thức đầu tư nào “không rủi ro”, và copy trading cũng vậy. Đây là vài điều cần cân nhắc:

Hiệu suất quá khứ không đảm bảo tương lai

Một trader có thể thắng lớn trong 3 tháng gần nhất, nhưng thị trường luôn thay đổi. Đừng chỉ nhìn vào con số lợi nhuận – hãy xem cả thời gian giữ lệnh, số lần lệnh thua, tỷ lệ rủi ro/lợi nhuận…

Tâm lý phụ thuộc

Khi quen với việc “người khác giao dịch dùm”, nhiều người mất động lực học hỏi và phát triển kỹ năng cá nhân. Điều này có thể khiến bạn bị động khi tình huống thay đổi.

Chọn sai người

Nếu không nghiên cứu kỹ mà chỉ chọn theo cảm tính, bạn dễ rơi vào tình huống “thua theo người khác”. Vì vậy, hãy tìm hiểu kỹ hồ sơ, phong cách, mức drawdown và minh bạch của trader trước khi copy.

Làm sao để bắt đầu copy trading?

1. Cài đặt nền tảng giao dịch phù hợp

Copy trading hiện đại thường tích hợp với các nền tảng như MT5 – cho phép theo dõi tài khoản theo thời gian thực, dễ sử dụng, và hoạt động ổn định. Hãy tải MT5 cho PC để bắt đầu dễ dàng từ laptop hoặc máy bàn.

2. Chọn trader để theo dõi

Nhiều nền tảng cho phép bạn duyệt qua danh sách các trader đang được copy nhiều nhất, cùng với dữ liệu hiệu suất chi tiết. Hãy ưu tiên những người có lịch sử lâu dài, phong cách nhất quán và mức drawdown hợp lý.

3. Thiết lập mức đầu tư và quản lý rủi ro

Bạn không cần copy 100% vốn. Hãy chọn tỷ lệ phù hợp – ví dụ chỉ dùng 20% tài khoản cho copy trading và giữ phần còn lại để tự giao dịch hoặc đầu tư dài hạn.

4. Theo dõi và đánh giá định kỳ

Copy không có nghĩa là “quên”. Bạn nên kiểm tra hiệu suất ít nhất mỗi tuần hoặc mỗi tháng để đảm bảo mọi thứ diễn ra đúng như kỳ vọng. Nếu cần, thay đổi chiến lược hoặc chuyển sang trader khác.

Dành cho người mới: copy trading có phù hợp?

Thật ra, copy trading không chỉ dành cho người mới. Nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng dùng nó như một phần trong chiến lược tổng thể để đa dạng hóa danh mục. Nhưng nếu bạn mới vào nghề, nó là cơ hội để:

  • Làm quen với hành vi thị trường
  • Trải nghiệm cảm xúc khi có lệnh lãi/lỗ thật
  • Quan sát chiến lược chuyên nghiệp thực thi trong thời gian thực
  • Tự xây dựng tư duy giao dịch

Một góc nhìn khác: Học từ người khác

Nhiều người cho rằng copy trading khiến bạn “lười suy nghĩ”. Nhưng thật ra, nếu biết tận dụng, đây là kênh học tập cực kỳ hiệu quả. Quan sát cách các trader quản lý lệnh, đặt dừng lỗ, vào và thoát lệnh… là cách học sát thực tế nhất. Chỉ cần bạn có tư duy học hỏi thay vì phó mặc.

Lời kết – Tự động nhưng không thụ động

Copy trading là công cụ mạnh, nhưng giống mọi công cụ khác, cách bạn dùng mới là điều quan trọng. Đừng coi đây là “lối tắt làm giàu”, mà hãy nhìn nó như một phần chiến lược thông minh, giúp bạn vừa kiếm tiền, vừa học hỏi, vừa kiểm soát rủi ro.

Và nếu bạn muốn bắt đầu với công cụ mạnh mẽ, dễ dùng, khả năng tuỳ chỉnh linh hoạt, đừng quên tải MT5 cho PC — vì một nền tảng tốt luôn là điểm khởi đầu đáng tin cậy cho mọi hành trình đầu tư, dù bạn là người mới hay đã có kinh nghiệm.

Chuỗi cà phê đặc sản lớn nhất Việt Nam gọi vốn 3 triệu USD ở Pre-Series A

Với 14 cửa hàng ở TP.HCM, Every Half đang là chuỗi cà phê đặc sản lớn nhất Việt Nam. Hai quỹ đầu tư tham gia vòng gọi vốn này là Openspace Ventures và Consumer Partners. Cặp đôi này cũng là cũng đã đầu tư vào chuỗi ở vòng gọi vốn Hạt giống.

Hôm nay ngày 23/5, Every Half đã công bố về vòng gọi vốn Pre-Series A của mình.

Theo đó, chuỗi cà phê  này đã nhận 3 triệu USD ở Pre-Series từ 2 quỹ đầu tư Openspace Ventures và Consumer Partners. Đây cũng là 2 quỹ đã đầu tư vào vòng gọi vốn Hạt giống của Every Half với số tiền không được tiết lộ, nhưng nhiều khả năng sẽ nhỏ hơn con số ở vòng Pre-Series.

Every Half được Sáng lập bởi Trần Lê Minh Trúc vào năm 2021. Trước khi khởi hành với Every Half, Minh Trúc từng có 10 năm kinh nghiệm trong ngành pha chế, thu mua và đánh giá chất lượng cà phê. Vậy nên, anh đã có thời gian cộng tác với The Coffee House và quen biết với Founder – Nguyễn Hải Ninh hay Giám đốc Marketing – Võ Duy Phú ở thời điểm đó.

Những quán cà phê đầu tiên của Every Half được tích hợp trong chuỗi MVillage, dự án khởi nghiệp mới của Nguyễn Hải Ninh sau khi rời The Coffee House. Cũng có thông tin rằng, Nguyễn Hải Ninh chính là một trong những ‘Nhà đầu tư thiên thần’ cho Every Half.

Đến năm 2023, Võ Duy Phú mới chính thức gia nhập Every Half với vai tròĐồng sáng lập kiêm CEO và Minh Trúc chuyển sang làm COO, tập trung vào thứ mà anh giỏi nhất – phát triển chuỗi cung ứng và sản phẩm cà phê cho chuỗi. Năm 2024, sau sự gia nhập của nhân tố lãnh đạo mới có rất nhiều kinh nghiệm trong phát triển chuỗi cộng với tiền đầu tư ở vòng Hạt giống, Every Half đã tăng tốc mở cửa hàng rất nhanh.

Đến nay, chuỗi đã mở được 14 cửa hàng tại TP.HCM, một phần vẫn tích hợp với các tổ hợp khách sạn MVillage và một phần nằm độc lập ngoài phố.  

Hiện tại, trên thị trường có vài chuỗi cà phê đặc sản cao cấp như Rang Rang, Runam… Cuối năm 2023, Every Half lúc đó có 4 cửa hàng còn Rang Rang có 9. Nhưng tại thời điểm này, quy mô của Rang Rang thu hẹp lại chỉ còn 4.

Runam cũng có 14 cửa hàng nhưng nhìn vào thiết kế cửa hàng hay cơ cấu sản phẩm, thì chuỗi Runam giống một nhà hàng cao cấp bán cà phê hơn là chuỗi cà phê cao cấp đơn thuần. Vậy nên, có thể xem có thể xem Every Half là chuỗi cà phê đặc sản lớn nhất Việt Nam.

Còn sở dĩ, chúng ta không kể tên Starbucks trong chuỗi cao cấp hay chuỗi đặc sản bởi một vài lý do sau. Có thể, giá bán các thức uống cà phê của Starbucks cao ngang ngửa Rang Rang, Runam hay Every Half; nhưng nếu so giá và dung tích, thì Starbucks rẻ hơn vì dung tích mỗi món cà phê của họ luôn lớn gấp đôi hoặc gấp ba đồng nghiệp. Hơn nữa, Starbucks cũng không dùng cà phê đặc sản để pha cà phê trên toàn chuỗi.

Nếu so sánh chính xác, thì những quầy chuyên pha chế Cà phê đặc sản trong các quán Starbucks Reserve mới giống mô hình của Rang Rang hay Every Half. 

“Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có ý định mở rộng thị trường ra Hà Nội hay các tỉnh thành khác mà muốn ưu tiên làm tốt ở TP.HCM. Chúng tôi cũng không ra những mục tiêu cụ thể như ‘mở bao nhiêu cửa hàng trong năm 2025’, mà sẽ nhìn vào mức độ đón nhận của người dùng và thị trường bởi các sản phẩm của chuỗi cũng hơi mới, để quyết định mở nhanh hay chậm.

Sắp tới, chúng tôi sẽ chính thức khai trương cửa hàng thứ 14 của mình tại Thảo Điền, quận 2. Cửa hàng này còn kết hợp thêm mô hình xưởng rang mở để khách hàng có thấy tất cả các bước trong quy trình rang xay đóng gói thành phẩm của Every Half. Đồng thời, cửa hàng này cũng đang hướng tới mục tiêu Net Zero”, ông Võ Duy Phú – CEO của Every Half chia sẻ với chúng tôi.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh

Việt Nam sẽ cấm Telegram do có nhiều dấu hiệu vi phạm

Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng thực hiện nghĩa vụ ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.

Cục Viễn thông – Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 21/5 gửi văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông triển khai biện pháp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam theo yêu cầu của cơ quan công an. Kết quả cũng như giải pháp thực hiện phải được báo cáo bằng văn bản về Cục trước ngày 2/6.

Theo thông tin cung cấp từ các đơn vị chức năng của Bộ Công an, có 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số các kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam. Nhiều hội, nhóm trong đó có hàng chục nghìn người tham gia, được tạo lập để tán phát tài liệu chống phá. Bên cạnh đó, thời gian qua, xảy ra nhiều vụ lừa đảo trên Telegram với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, hơn 13.000 nạn nhân được ghi nhận, dữ liệu của 23 triệu người dân bị rao bán.

Việc lợi dụng hoạt động viễn thông để thực hiện hành vi chống phá, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự xã hội là hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 9, Luật Viễn thông. Khi đó, doanh nghiệp viễn thông có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch vụ.

Theo quy định tại Nghị định 147/2024 của Chính phủ về quản lý Internet, Telegram phải tuân thủ các quy định pháp luật khi cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng Việt Nam.

Ứng dụng này có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, loại bỏ, ngăn chặn thông tin vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp không hợp tác, cơ quan chức năng sẽ xử lý, triển khai biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hành vi vi phạm.

Kể từ ngày 1/1, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet phải thực hiện thủ tục thông báo, Cục Viễn thông cho biết đã nhiều lần có văn bản nhưng Telegram không chấp hành quy định.

Telegram chưa đưa ra bình luận về việc này. Chiều 23/5, ứng dụng vẫn có thể tìm và tải về từ các kho ứng dụng, đồng thời vẫn có thể sử dụng bình thường tại Việt Nam.

Cục cho biết, trên thế giới Telegram bị Tổ chức cảnh sát quốc tế (Interpol) đánh giá “kém hợp tác nhất” với các cơ quan chức năng. Hiện có ít nhất đã có 8 nước (Tây Ban Nha, Pakistan, Na Uy, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Thái Lan, Indonesia) có động thái hạn chế hoặc ngăn chặn vì thiếu hợp tác từ phía Telegram. Nước Nga, nơi Telegram thành lập, cũng từng chặn ứng dụng vào năm 2018 do bị các tổ chức khủng bố sử dụng để liên lạc với nhau. Trong khi đó, Telegram không phối hợp với Cơ quan an ninh Liên bang Nga để xử lý các sự việc liên quan.

Theo VnExpress

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

VNG có Tổng Giám đốc mới

Phó Tổng Giám đốc VNG kiêm Tổng Giám đốc VNGGames giữ chức Tổng Giám đốc VNG từ ngày 20/5.

Công ty cổ phần VNG (Mã: VNZ) vừa công bố bổ nhiệm ông Kelly Yin Hon Wong (quốc tịch Canada) làm Tổng Giám đốc từ ngày 20/5. Thời hạn bổ nhiệm là 5 năm.

Trước khi ngồi vào “ghế nóng”, ông Wong đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc VNG kiêm Tổng Giám đốc VNGGames. Vào tháng 9 năm ngoái, ông còn giữ chức quyền Tổng Giám đốc VNG.

Ông Wong sinh năm 1977, trình độ là cử nhân thương mại. Trước khi gia nhập VNG, ông đã có gần 20 năm kinh nghiệm làm việc ở nhiều mảng kinh doanh khác nhau ở Việt Nam với các vị trí cấp cao như: Phó Tổng Giám đốc KIDO, Chủ tịch điều hành của Red Wok Investment (RWI), Giám đốc điều hành Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC).

Về tình hình kinh doanh quý đầu năm nay, VNG ghi nhận 2.232 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế gần 15 tỷ đồng, quý I/2024 lỗ hơn 31 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ của công ty.

Về chi tiết cơ cấu doanh thu, trò chơi trực tuyến vẫn là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất (62%) với 1.390 tỷ đồng, giảm 19% so với quý I/2024. Nguồn thu còn lại từ quảng cáo trực tuyến, các dịch vụ giá trị gia tăng trên internet, nhạc chờ và bản quyền bài hát.

VNG cho biết trong quý đầu năm, công ty đã phát hành 4 tựa game. Tổng bookings đạt 1.666 tỷ đồng, trong đó 20% từ thị trường quốc tế. Trong quý II, công ty dự kiến phát hành LineAge 2M ở khu vực Đông Nam Á, game này được kỳ vọng tạo ra đòn bẩy tăng trưởng mới cho VNGGames.

Trong báo cáo thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT VNG Lê Hồng Minh đánh giá, ba năm qua là giai đoạn “thực sự thử thách” bởi thị trường game toàn cầu tăng trưởng chậm lại và sự thận trọng trong chi tiêu quảng cáo tại Việt Nam.

Song, người đứng đầu VNG cũng khẳng định chính trong thử thách, năm 2024 đã cho thấy công ty đang đi đúng hướng. “Mảng game tiếp tục đứng vững, đồng thời xây dựng được những mối quan hệ hợp tác dài hạn giá trị với Riot Games, Roblox hay NCSOFT. Chúng tôi tiếp tục đầu tư cho hệ sinh thái game toàn cầu.

Dodo Pizza: Thương hiệu pizza đến từ Nga đóng cửa loạt cửa hàng

Tối 16/5, trên Fanpage FB của mình, Dodo Pizza – thương hiệu đến từ Nga thông báo về việc sẽ đóng hết toàn bộ 4 cửa hàng tại TP.HCM vào 26/5 và chỉ giữ lại duy nhất cửa hàng ở Đồng Xoài – Bình Phước.

Gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2021, đến tháng 5/2023, Dodo Pizza có  4 cửa hàng tại TP. HCM và mới mở thêm 1 cửa hàng ở Đồng Xoài – Bình Phước cuối 2024. Nhìn vào tiến trình phát triển này, thông tin Dodo Pizza Việt Nam thông báo về việc đóng hết 4 cửa hàng của mình tại TP.HCM vào 26/5 tới, có lẽ không bất ngờ với nhiều người.

Vào tháng 5/2023, trong lần đến Việt Nam để thúc đẩy mô hình nhượng quyền của Dodo Pizza, ông Fyodor Ovchinnikov – Nhà sáng lập thương hiệu này, đã có nhiều chia sẻ đáng chú ý với báo giới. Doanh nhân người Nga này bắt đầu khởi nghiệp pizza vào năm 2011 và đặt trụ sở chính của Dodo tại Moscow.  

Lúc đó, Dodo Pizza có 935 cửa hàng (bao gồm các cửa hàng nhượng quyền) tại 17 quốc gia trên khắp thế giới, với tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm là 53%. Ông Fyodor Ovchinnikov cũng lên kế hoạch mở thêm 1.000 cửa hàng tại châu Âu, châu Phi và châu Á trong vòng 5 năm tới, trong đó có Việt Nam.

Phần mình, Dodo Pizza Việt Nam đặt mục tiêu mở 150 cửa hàng, cụ thể trong 3 năm tới (pv – đến 2026) sẽ có 30 cửa hàng tại TP.HCM và 20 tại Hà Nội. “Chúng tôi quan tâm đến việc mở rộng chuỗi nhưng cũng chú trọng đến chất lượng”, ông Nguyễn Hòa Ngọc – CEO Dodo Pizza Việt Nam chia sẻ.

Ngoài pizza thì, chuỗi thương hiệu đến từ Nga còn nổi tiếng với việc đầu tư rất nhiều vào hệ thống công nghệ và họ tự định vị mình là DN ‘công nghệ thực phẩm – foodtech’ thay vì là chuỗi bán pizza đơn thuần.  

Nền tảng Dodo IS kết hợp phần mềm ứng dụng quản lý nhà hàng và công nghệ lưu trữ đám mây. Hệ thống có khoảng 200 kỹ thuật viên giám sát gần như 24/24 và có thể cung cấp tức thì các thông tin như dòng tiền, hàng tồn kho, hay dịch vụ tại tất cả các điểm bán trên thế giới. Khách hàng thậm chí có thể xem chiếc pizza của mình đang được chế biến như thế nào nhờ vào hệ thống camera giám sát bếp.

Cho đến thời điểm này, thương hiệu Dodo vẫn tăng trưởng liên tục trên toàn cầu, trừ Việt Nam. Website của Dodo cho thấy, chuỗi này đang có 1.381 cửa hàng ở 27 quốc gia (bao gồm cả nhượng quyền), doanh thu bán hàng đạt 1 tỷ USD vào năm 2024 – tăng 28% so với 2023.

Tại Việt Nam, thị trường F&B cạnh tranh vô cùng khốc liệt, mảng pizza cũng không ngoại lệ.

Vì pizza không phải là món ăn bản địa nên Dodo không phải giành giật khách hàng với các tiểu thương hoặc nhiều DN địa phương. Tuy nhiên, họ lại phải đối đầu với không ít thương hiệu pizza toàn cầu khác – trong đó có vài ông lớn xuất hiện ở Việt Nam từ rất lâu, có nguồn lực và thương hiệu mạnh hơn Dodo.

Chúng ta có thể kể ra đây 1 loạt gương mặt thân quen ở thị trường pizza Việt Nam như: The Pizza Company, Pizza Inn, Pizza Hut, Domino’s Pizza,  Pepperonis, Pizza Al Fresco’s, Pizza 4P’s, Cowboy Jack’s…

Những dấu hiệu AI đang thay thế nhân sự Gen Z

Các công việc marketing, viết lách, lên ý tưởng hay dạy học dần được thực hiện bởi “chuyên gia AI”, làm giảm cơ hội việc làm cho Gen Z.

Trong khi một số nhà nghiên cứu và chuyên gia công nghệ quả quyết rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ, giúp con người tăng khả năng sáng tạo, vẫn có thực tế không thể phủ nhận rằng AI đang ảnh hưởng trực tiếp tới việc làm của các nhân viên bình thường. Đối với Gen Z, lực lượng mới gia nhập thị trường lao động, những công việc đơn giản, ít kỹ năng dành cho họ cũng dần bị AI thay thế.

Các chuyên gia người Mỹ cũng phân tích, khảo sát, chỉ ra những dấu hiệu cho thấy AI đang âm thầm thay thế một số công việc của lao động trẻ.

Marketing đang bị tự động hóa

Hiện nhiều chuyên gia marketing đang sử dụng công cụ AI để hỗ trợ các công việc như viết nội dung, thiết kế đồ họa cho mạng xã hội hay lên lịch đăng bài. Những lao động làm việc toàn thời gian hầu hết đang làm cho các công ty có đủ tài chính để giữ chân họ hoặc họ có đủ chuyên môn, được đánh giá cao trong một ngành hoặc lĩnh vực cụ thể ngay cả khi đối mặt với AI.

Tuy nhiên, với những lao động Gen Z, đặc biệt với sinh viên mới ra trường, những cơ hội để làm các công việc từ đơn giản nhất như: nhập liệu, phân tích, lên lịch, soạn thảo văn bản dần mất đi.

AI hiện có thể làm tốt những nhiệm vụ đó, giúp các công ty tối ưu nhân sự, tiết kiệm ngân sách.

Công việc ngắn hạn đang bị thay thế

Gen Z có xu hướng nhảy việc và đôi khi làm các công việc part-time để tăng thu nhập. Nhưng từ khi có sự xuất hiện của AI, chính họ là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những thay đổi này.

Các chức năng thanh toán tự động, nhận yêu cầu của khách dần được hỗ trợ bởi AI khiến nhân viên cửa hàng và thu ngân mất đi cơ hội việc làm. Tự động hóa trong ngành dịch vụ là một trong những dấu hiệu chứng tỏ AI đang âm thầm thay thế lao động Gen Z.

Gia sư AI cướp việc làm thêm của Gen Z

Trong khi các nền tảng học tập do AI hỗ trợ và các công cụ giáo dục trực tuyến mang lại nhiều cơ hội tiếp cận hơn cho mọi người, chúng cũng lấy đi công việc gia sư mà những người lao động Gen Z thường đảm nhận.

Ngay cả các hệ thống chấm điểm tự động trong các lớp học trực tiếp cũng đang loại bỏ nhu cầu tuyển trợ giảng, quản trị viên.

Phỏng vấn AI

Sự xuất hiện của các công cụ phỏng vấn do AI hỗ trợ dấy lên nhiều lo ngại cho những người lao động trẻ tuổi, đặc biệt khi chúng được thiết kế để loại bỏ ứng viên mà không có bất kỳ tương tác cá nhân nào.

Khi AI đóng vai trò nhà phỏng vấn, lao động Gen Z không có cơ hội trò chuyện với nhà tuyển dụng của công ty, đặt câu hỏi về vai trò hoặc thể hiện các kỹ năng quan trọng như nhận thức xã hội, sự hiểu biết và cách giao tiếp.

Các công việc cấp thấp đang biến mất

Theo Business Insider, công nghệ về cơ bản đang bỏ lại Gen Z phía sau, đặc biệt khi ngày càng có nhiều vị trí cấp thấp bị loại bỏ và những vị trí còn lại yêu cầu ứng viên phải có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm làm việc nhiều năm.

Việc nhiều công ty và nhà tuyển dụng đang tìm cách cắt giảm chi phí trong bối cảnh kinh tế hiện tại, không có gì ngạc nhiên khi họ chuyển sang tự động hóa và dùng AI để làm điều đó. Họ không chỉ cắt giảm chi phí đào tạo cho những nhân viên Gen Z mà còn có thể loại bỏ hoàn toàn tiền lương bằng cách tự động hóa hoàn toàn các nhiệm vụ của họ bằng AI.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Báo cáo từ AppsFlyer: Dùng ngôi sao ca nhạc để quảng cáo thường mang lại hiệu quả cao hơn so với diễn viên điện ảnh

Các doanh nghiệp toàn cầu đã chi tiêu cho quảng cáo di động lên tới 2,4 tỷ USD từ quý I/2024 đến quý I/2025. Người nổi tiếng trong lĩnh vực truyền hình và âm nhạc mang lại hiệu quả cao hơn so với diễn viên điện ảnh, nhưng ít được quan tâm hơn.

AppsFlyer vừa công bố Báo cáo Thực trạng tối ưu hóa Sáng tạo năm 2025 (State of Creative Optimization 2025) phối hợp với Meta và Dentsu, phân tích chuyên sâu các xu hướng sáng tạo trong quảng cáo di động, đồng thời nêu bật vai trò của yếu tố cảm xúc trong việc nâng cao hiệu quả chiến dịch.

Dựa trên dữ liệu từ 1,1 triệu video quảng cáo từ 1.300 ứng dụng cả Game và Non-Game, báo cáo cho thấy rằng nhìn chung quảng cáo sáng tạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, các nhà tiếp thị đang ngày càng đa dạng hóa chiến lược sáng tạo.

Trong ngành Game, top 2% mẫu quảng cáo sáng tạo vẫn chiếm 53% tổng chi tiêu quảng cáo, trong khi con số này ở mảng Non-Game chỉ còn 43%. Khoảng cách 10% này phản ánh xu hướng mở rộng thử nghiệm sáng tạo nhằm giảm sự nhàm chán của người xem quảng cáo và phân hóa nội dung theo từng nhóm người dùng cụ thể.

Đáng chú ý, tốc độ sản xuất sáng tạo đang tăng mạnh, đặc biệt ở ngoài lĩnh vực Game.

Các ứng dụng Non-Game chi ngân sách  cao cho hoạt động này, ghi nhận mức tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, trung bình đạt 2.365 biến thể mỗi quý – vượt 80% so với tốc độ tăng trưởng của ngành Game.

Tuy vậy, các ứng dụng Game hàng đầu vẫn dẫn đầu về số lượng với 2.743 biến thể mỗi quý. Trong khi đó, nhóm Game tầm trung có sự sụt giảm số lượng sản xuất so với năm ngoái – điều này có thể khiến họ gặp bất lợi trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Ông Adam Smart, Giám đốc Sản phẩm mảng Game tại AppsFlyer, chia sẻ: “Chúng tôi đang chứng kiến sự chuyển dịch rõ rệt trong chiến lược sáng tạo. Các nhà tiếp thị không chỉ mở rộng quy mô mà còn tăng cường tính đa dạng nội dung.

Ở mảng Game, các nhà quảng cáo chi tiêu lớn (trên 7 triệu USD mỗi quý) tạo ra gần gấp ba lần số lượng quảng cáo sáng tạo so với nhóm chi 4-7 triệu USD. Trong khi đó, ở lĩnh vực Non-Game, mức tăng trưởng phân bổ đồng đều hơn giữa các nhóm ngân sách, cho thấy mở rộng sáng tạo giờ đây không còn là đặc quyền của những ‘ông lớn’, mà đã trở thành yêu cầu chiến lược cho mọi nhà quảng cáo”.

Báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá hiệu quả quảng cáo một cách toàn diện, thay vì chỉ dựa vào các chỉ số tương tác hay lượt cài đặt ban đầu. Nếu người dùng không duy trì sự gắn bó, chiến dịch quảng cáo sáng tạo có thể chưa thực sự đạt kỳ vọng.

Đơn cử trong lĩnh vực game, quảng cáo có sự góp mặt của ca sĩ giúp tăng tới 50% tỷ lệ giữ chân người dùng sau 7 ngày, cao hơn hẳn so với quảng cáo có diễn viên điện ảnh – dù ngân sách đầu tư cho nhóm ca sĩ chỉ bằng khoảng 10% so với diễn viên điện ảnh. Điều này cho thấy lựa chọn yếu tố sáng tạo không chỉ cần thu hút sự chú ý ban đầu, mà còn phải tạo được ảnh hưởng lâu dài đến hành vi người dùng.

Những phát hiện chính từ báo cáo năm nay

Thứ nhất, người nổi tiếng trong lĩnh vực truyền hình và âm nhạc mang lại hiệu quả cao hơn so với diễn viên điện ảnh, nhưng ít được quan tâm hơn. Trong mảng Game, nhân vật truyền hình tạo ra IPM (lượt cài đặt trên 1.000 lần hiển thị) cao gấp đôi diễn viên điện ảnh. Tuy vậy, hơn 80% ngân sách dành cho người nổi tiếng vẫn đang dồn vào các diễn viên điện ảnh.

Ngoài ra, nội dung có influencer cũng cho thấy khả năng giữ chân người dùng vượt trội, đạt tỷ lệ lên tới 28% sau ngày thứ 7 (Retention Day 7), so với mức 19% của nhóm sử dụng diễn viên điện ảnh.

Thứ hai, câu chuyện cảm xúc mang lại hiệu quả cao nhưng vẫn chưa được khai thác đúng mức. Trong mảng game di động đơn giản (game hyper-casual), các kịch bản kể lại hành trình “từ thất bại đến thành công” giúp tăng chỉ số IPM hơn 78% so với các câu chuyện thành công thuần túy. Tuy nhiên, nội dung này chỉ nhận được chưa đến 60% ngân sách so với các câu chuyện truyền thống trên mạng xã hội và công cụ tìm kiếm.

Tương tự, trong các dòng game phổ thông (game casual) và có độ khó vừa (mid-core), yếu tố thử thách và cạnh tranh tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tỷ lệ giữ chân người dùng, dù ngân sách đầu tư vẫn còn hạn chế.

Thứ ba, nội dung review và đánh giá do người dùng tạo ra có hiệu quả hơn so với hình thức nội dung testimonials (khách hàng chứng thực). Trong các lĩnh vực như Tài chính, Mạng xã hội và GenAI, định dạng nội dung mang tính giáo dục và đánh giá mang lại IPM cao cũng như tỷ lệ giữ chân vượt trội, dù ngân sách đầu tư thấp hơn đáng kể.

Thứ tư, với các ứng dụng Tài chính và Xã hội, định dạng nội dung hướng dẫn và đánh giá ứng dụng cho thấy hiệu quả vượt trội hơn so với nội dung testimonial ở hầu hết các chỉ số đánh giá chính. Với ứng dụng xã hội, nội dung do người dùng tạo ra mang lại IPM cao hơn 45% và tỷ lệ giữ chân người dùng sau ngày 7 cao hơn 17%, dù ngân sách đầu tư thấp hơn đáng kể.  

Trong lĩnh vực Tài chính, nội dung định dạng hướng dẫn mang lại tỷ lệ giữ chân cao hơn 37%, khẳng định vai trò của những nội dung rõ ràng, dễ tiếp cận trong việc xây dựng lòng tin và tạo ra tác động bền vững.

Thứ 5, cơ chế phần thưởng tức thì cho thấy hiệu quả trong mảng Tài chính, trong khi nội dung hướng đến người dùng đạt hiệu quả cao hơn ở ứng dụng Hẹn hò.

Quảng cáo về tài chính hứa hẹn lợi ích tức thì giúp tăng 17% tỷ lệ giữ chân sau ngày 7 thông qua DPS (cổ tức trên mỗi cổ phiếu). Ở mảng ứng dụng Hẹn hò, các nội dung sáng tạo đề cập đến mối quan hệ lâu dài mang lại hiệu quả cao hơn 15% so với các quảng cáo (ads) mang tính chất giải trí thông thường, dù ngân sách đầu tư thấp hơn.

Thứ 6, trong lĩnh vực GenAI, định dạng so sánh kiểu “trước – sau” thu hút sự chú ý nhưng tỷ lệ giữ chân người dùng thấp. Các mẫu kiểu “trước – sau” có IPM 3,68, chiếm 40% ngân sách nhưng có tỷ lệ giữ chân sau ngày 7 thấp nhất.

Nội dung testimonial do người dùng tạo ra giúp cải thiện tỷ lệ giữ chân đến 36%, cho thấy vai trò quan trọng của những chiến lược sáng tạo tập trung vào giá trị dài hạn thay vì chỉ dừng ở lượt cài đặt ban đầu. 

Thứ 7, với ứng dụng xã hội, định dạng storytelling (kể chuyện) có tính hiệu quả cao, song lại ít được đầu tư. Câu chuyện có nút thắt cảm xúc chỉ chiếm 6% ngân sách trên mạng xã hội và nền tảng tìm kiếm, nhưng đạt tỷ lệ giữ chân sau ngày 7 cao nhất (8,4%). Cơ chế Hiệu ứng lan truyền (social proof) cũng cho thấy tiềm năng khi dung hòa hiệu quả giữa việc thu hút lượt cài đặt và duy trì gắn bó, đặc biệt nếu được lồng ghép vào các xu hướng thịnh hành.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh Nghiệp & Kinh doanh

YouTube giới thiệu Peak Points: Định dạng quảng cáo mới dựa trên AI Gemini

YouTube sẽ dùng AI Gemini của Google để phân tích và xác định khoảnh khắc có lượng người xem tương tác cao nhất nhằm đề xuất đặt quảng cáo ngay sau đó.

Trong sự kiện Upfront ngày mới đây, YouTube đã chính thức giới thiệu định dạng quảng cáo mới có tên gọi Peak Points.

Cụ thể, nền tảng video này sẽ dùng AI Gemini của Google để phân tích các video và xác định những khoảnh khắc có lượng người xem tương tác cao nhất hoặc có tác động cảm xúc mạnh mẽ nhất. Sau đó, hệ thống sẽ đề xuất đặt quảng cáo ngay sau những khoảnh khắc đó.

Mục đích của Peak Points nhằm mang lại lợi ích cho các nhà quảng cáo bằng cách sử dụng chiến thuật thu hút sự chú ý của người dùng ngay khi đang tập trung cao độ vào nội dung.

Nói cách khác, cách tiếp cận này tương tự chiến lược nhắm mục tiêu (targeting) dựa trên cảm xúc, thuật ngữ ám chỉ việc đặt quảng cáo phù hợp với cảm xúc mà video gợi lên. Người xem khi trải qua các trạng thái cảm xúc mãnh liệt sẽ dẫn đến khả năng ghi nhớ quảng cáo tốt hơn.

Tuy nhiên, người xem có thể sẽ cảm thấy khó chịu với gián đoạn này, đặc biệt là khi đang đắm chìm sâu vào mạch cảm xúc của video và muốn quảng cáo kết thúc nhanh chóng để tiếp tục xem.

Ngoài Peak Points, YouTube còn công bố một định dạng quảng cáo khác hứa hẹn hấp dẫn hơn với người dùng. Theo đó, nền tảng này đã ra mắt một nguồn cấp dữ liệu sản phẩm có thể mua sắm, nơi người dùng có thể duyệt và mua các mặt hàng trong khi xem quảng cáo.

Trên thực tế, không có gì ngạc nhiên khi YouTube muốn mọi người xem nhiều quảng cáo hơn, bởi đó là cách giúp YouTube kiếm được rất nhiều tiền.

Từ khi triển khai gói Premium vào 2018, YouTube nhận nhiều phản hồi tiêu cực từ người dùng miễn phí về việc phân phối nội dung được tài trợ. Trên các diễn đàn như Quora, Reddit, nhiều chủ tài khoản cho biết họ nhìn thấy nhiều quảng cáo hơn hẳn kể từ khi YouTube có dịch vụ trả phí.

Dược phẩm Nhất Nhất bị phạt vì đưa thông tin quảng cáo gây nhầm lẫn cho khách hàng

Công ty TNHH Nhất Nhất bị phạt 200 triệu đồng vì đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về một số sản phẩm.

Thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị này vừa ban hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất.

Theo đó, cơ quan này đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh đối với Công ty TNHH Nhất Nhất (quận Thanh Xuân, Hà Nội) số tiền 200 triệu đồng.

Do doanh nghiệp đưa thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về sản phẩm sữa rửa mặt Lenka, nước ngậm răng miệng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất, dung dịch xịt họng Nhất Nhất Kid… nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác vi phạm quy định của Luật Cạnh tranh.

Cơ quan chức năng cho biết trong quá trình điều tra, Công ty TNHH Nhất Nhất đã tích cực phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, đồng thời có hành vi ngăn chặn, làm giảm bớt hậu quả của vi phạm.

Ngoài ra, Công ty TNHH Nhất Nhất đã cải chính công khai thông tin gây nhầm lẫn cho khách hàng về các sản phẩm trên trang thông tin điện tử của Công ty TNHH Nhất Nhất, trang mạng xã hội Youtube, Facebook.

Trước đó, hồi tháng 5/2016, Công ty TNHH Nhất Nhất đã bị Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì quảng cáo thuốc hoạt huyết Nhất Nhất không đúng với nội dung đã đăng ký.

Trên website chính thức, Công ty TNHH Nhất Nhất cho biết doanh nghiệp được thành lập năm 2006, là đơn vị phân phối của Công ty TNHH Dược Phẩm Nhất Nhất (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An).

Theo Cổng thông tin Quốc gia về doanh nghiệp, Công ty TNHH Nhất Nhất do ông Lê Đức Lộc (sinh năm 1959) giữ chức vụ Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Hiện, doanh nghiệp có vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Huyền và bà Nguyễn Thị Thủy góp mỗi người 50% vốn.

Doanh nghiệp này đang phân phối gần 30 sản phẩm là thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hóa mỹ phẩm và thiết bị y tế. Trong đó, có một số sản phẩm nổi bật như thuốc hoạt huyết Nhất Nhất, đại tràng Nhất Nhất, dạ dày Nhất Nhất…

Theo Báo Dân Trí

Nestlé Việt Nam bị yêu cầu gỡ bỏ các nội dung quảng cáo sữa không đúng

Sau khi Viện Dinh dưỡng có văn bản đề nghị Công ty TNHH Nestlé Việt Nam gỡ bỏ các nội dung quảng cáo không đúng, liên quan đến sản phẩm sữa lúa  mạch Nestlé Milo đóng hộp uống liền, đơn vị này đã lên tiếng phản hồi.

Công ty cho biết, các sản phẩm của Nestlé đều đảm bảo tuân thủ đúng theo các quy định liên quan về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Trong năm 2022 – 2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Công ty TNHH Nestlé Việt Nam để triển khai đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nghiên cứu hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với việc sử dụng sản phẩm Nestlé Milo đối với tình trạng dinh dưỡng, sức mạnh thể chất và trí lực của trẻ em tại Việt Nam.

Nghiên cứu được thực hiện theo Quyết định số 1016/QĐ-VDD năm 2022 của Viện Dinh dưỡng về việc phê duyệt đề tài khoa học công nghệ cấp cơ sở và “Chứng nhận chấp thuận của Hội đồng Đạo đức trong Nghiên cứu y sinh” số 545/VDD-QLKH.

Nghiên cứu đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ cấp cơ sở vào năm 2023 theo Quyết định số 400/QĐ – VDD do viện trưởng ký sau khi hoàn tất nghiệm vụ khoa học công nghệ cấp cơ sở theo Quyết định số 486/QĐ – VDD.

Theo công ty, một trong những nội dung chính của nghiên cứu là đánh giá việc sử dụng sản phẩm Nestlé Milo kết hợp với chương trình thể chất theo giáo án góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng, sức mạnh thể chất và trí lực cho trẻ em sau ba tháng tham gia, đặc biệt là trẻ có yếu tố nguy cơ khó khăn về khả năng phát triển vận động.

“Kết quả nghiên cứu của Nestlé Milo và Viện Dinh dưỡng là dữ liệu khoa học được kiểm định nghiêm ngặt, khách quan, tuân thủ các yêu cầu của nghiên cứu khoa học. Với mong muốn đem lại thông tin chính xác và khách quan đến người tiêu dùng, các kết quả nghiên cứu đã được Nestlé Milo xem xét để truyền thông đến công chúng”, công ty nêu.

Nestlé cho rằng việc truyền thông kết quả nghiên cứu do Viện Dinh dưỡng thực hiện là tuân thủ các quy định liên quan.

Lý do công ty này đưa ra là vì “quy định về việc các nội dung có liên quan đến công dụng của sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo không thuộc trường hợp phải đăng ký nội dung quảng cáo theo quy định tại Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP và cũng không thuộc trường hợp bị cấm quảng cáo theo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo”.

Trước đó, ngày 21/4, Viện Dinh dưỡng gửi văn bản yêu cầu Nestlé Việt Nam kiểm tra hoạt động quảng cáo và loại bỏ nội dung vi phạm.

TS. BS Nguyễn Hồng Trường, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng chia sẻ trên Công an nhân dân rằng, Viện từng hợp tác nghiên cứu với Nestlé Việt Nam từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023 tại hai trường tiểu học ở Ninh Bình.

Nghiên cứu đánh giá giáo dục thể chất kết hợp sử dụng sữa Milo, kết quả cho thấy cải thiện tố chất thể lực (sức bền, độ dẻo, sức nhanh), nhưng không ảnh hưởng đáng kể đến dinh dưỡng hay trí lực của trẻ sau ba tháng. Viện không đồng ý sử dụng tên mình cho mục đích quảng cáo.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Nấm độc núp bóng review để phá hoại thị trường – Bài 2: Doanh nghiệp chân chính bị tàn sát bởi review bẩn

Không ít doanh nghiệp chân chính bị thiệt hại nặng nề vì những thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng từ những “nấm độc” núp bóng review.

Bịa đặt Laura Coffee có chất gây ung thư

Trong bài “Những ‘ông vua’, ‘bà chúa’ không ngai trên mạng” đăng tải ngày 3/5/2025, Báo Công Thương đã đề cập tới hiện tượng nhiều người dùng mạng xã hội núp dưới danh nghĩa người tiêu dùng review sản phẩm trá hình.

Hoạt động này được nhiều đối tượng xây dựng kịch bản bài bản, có tổ chức, không chỉ nhằm mục đích quảng cáo, thao túng thị trường, mà còn sử dụng như một công cụ để triệt hạ những doanh nghiệp đối thủ, hoặc những doanh nghiệp không quen biết, không có mối quan hệ hợp tác.

Một trong những nạn nhân của loại nấm độc núp bóng review này là thương hiệu Laura Coffee do ca sĩ Nhật Kim Anh làm đại diện. Đây cũng là một trong những vụ việc nổi cộm được Báo Công Thương phản ánh hồi tháng 10/2024, với mục tiêu làm rõ sự thật, bảo vệ doanh nghiệp chân chính khỏi những “đòn đánh dưới thắt lưng” đầy nham hiểm của nấm độc review.

Cụ thể, khoảng cuối tháng 10/2024, Báo Công Thương nhận được phản ánh từ đại diện thương hiệu Laura Coffee, về việc trên một số nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin không đúng sự thật về thương hiệu.

Thông tin này được cho bắt nguồn từ tài khoản TikTok có tên “CEO Vương Long” (ID: ceovuonglong) với hơn 105 nghìn lượt theo dõi và hơn 2,1 triệu lượt thích. Trong video đăng tải vào ngày 19/10/2024, “CEO Vương Long” đã mở đầu bằng nhận định, khuyến cáo quy chụp, tấn công trực diện vào thương hiệu Laura Coffee: “Ai đang up clip về cà phê đông trùng hạ thảo thì nên gỡ bài liền. Bởi vì đây là sản phẩm không tốt cho người tiêu dùng”!?.

Dẫn chứng cho nhận định nói trên, “CEO Vương Long” nhập nhèm thông tin liên quan tới chất tạo ngọt 951 – Aspartame. Cụ thể, “CEO Vương Long” cho rằng chất này đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh cáo có chất gây ung thư.

Chỉ sau một ngày đăng tải, video này đã đặt 3,8 triệu lượt người xem, hàng trăm nghìn lượt tương tác, chia sẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và danh dự doanh nghiệp (trước thời điểm bị gỡ đạt gần 7 triệu lượt xem).

Sự thật 77 nghìn view, tin bịa đặt 7 triệu

Nữ ca sĩ Nhật Kim Anh thời điểm đó đã lên tiếng khẳng định, Aspartame là chất tạo ngọt được sử dụng phổ biến trong ngành công nghiệp thực phẩm, chỉ cần một lượng rất nhỏ là đủ độ ngọt nhưng có lượng calo rất thấp. Aspartame được các tổ chức y tế lớn trên thế giới, bao gồm FDA và WHO, công nhận là an toàn cho sức khỏe khi sử dụng đúng liều lượng.

Quyết tâm làm rõ sự thật, phóng viên Báo Công Thương đã tiếp cận các chuyên gia thực phẩm đầu ngành và đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế để kiểm chứng thông tin.

“Việc sử dụng phụ gia thực phẩm phải tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm và Thông tư số 17/2023/TT-BYT ngày 25/9/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành”, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm, tại thông tư của Bộ Y tế và tiêu chuẩn mới nhất của CODEX, vẫn đang cho phép sử dụng Aspartame (INS 951) làm phụ gia thực phẩm với chức năng là chất tạo ngọt, chất điều vị.

Như vậy là chất Aspartame không phải chất gây ung thư và được phép sử dụng trong thực phẩm, thông tin TikTok “CEO Vương Long” đăng tải là hoàn toàn sai sự thật. Dù vậy, những thông tin này vẫn tiếp tục lan truyền, tiếp cận hàng triệu người, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề.

Còn đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật là TikTok “CEO Vương Long” sau đó gỡ clip và đăng tải thông tin xin lỗi doanh nghiệp, muốn được rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, lời xin lỗi của “CEO Vương Long” lại lấp lửng, không trực diện và lượng tương tác rất thấp, chỉ đạt hơn 77.000 lượt xem, bằng khoảng 1% so với video chứa thông tin sai sự thật là gần 7 triệu lượt (số liệu cuối tháng 10/2024).

Nhiều doanh nghiệp đang bị tấn công bởi review bẩn

Không chỉ thương hiệu Laura Coffee, hiện nhiều doanh nghiệp cũng đang bị các nấm độc review, núp dưới danh nghĩa người tiêu dùng tấn công bằng những thông tin chưa kiểm chứng, chưa có kết luận của cơ quan chức năng.

Trước khi đi vào chi tiết từng vụ việc, chúng ta cần phải hiểu rõ khái niệm “người tiêu dùng” được quy định tại Điều 3, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Luật sư Vũ Văn Biên, Đoàn Luật sự tỉnh Hải Dương dẫn quy định tại Điều 4, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023, cho biết: Một trong các quyền của người tiêu dùng là khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật.

“Đối chiếu theo quy định của luật, người tiêu dùng có quyền lên tiếng công khai, bao gồm việc đăng tải ý kiến, phản ánh trên mạng xã hội, nếu có đầy đủ cơ sở cho thấy nhãn hàng/doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng. Thông tin đăng tải bảo đảm trung thực, đúng sự thật, không xúc phạm cá nhân/doanh nghiệp và người đăng tải phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin đã đăng tải”, Luật sư Vũ Văn Biên phân tích.

Quy định là vậy, song thực tế đang xuất hiện không ít đối tượng làm tiếp thị liên kết, thậm chí trực tiếp kinh doanh, cố tình khoác áo người tiêu dùng, núp bóng review để “đánh dưới thắt lưng” doanh nghiệp. Những đối tượng này chủ động mua sản phẩm của doanh nghiệp khác, rồi vạch lá tìm sâu, bới lỗi từng chi tiết, không phải để bảo vệ cộng đồng mà để tấn công, triệt hạ đối thủ.

Một trong những cái tên được Báo Công Thương đề cập trong kỳ trước là TikToker “Cùng học chăm da”, được quản lý bởi ông Mai Văn Đông, sinh năm 1995, quê quán tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.

Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, tại phần trưng bày trên TikTok, ông Mai Văn Đông đang làm tiếp thị liên kết/kinh doanh 248 sản phẩm là mỹ phẩm. Tuy nhiên, quá trình sáng tạo nội dung, ông này đã khoác trên mình chiếc áo người tiêu dùng để công kích nhiều nhãn hàng khác.

Cụ thể, ngày 22/4/2025, kênh này đã đăng tải video công kích một người bán hàng khác là Phương Sena, với nhiều ngôn từ phản cảm. Video tới thời điểm hiện tại đạt hơn 526 nghìn lượt xem, hơn 10.000 lượt thích và gần 2.000 bình luận, trong đó có nhiều bình luận tiêu cực về các sản phẩm do Phương Sena kinh doanh, phân phối.

Đáng chú ý, từ ngày 17/4/2025 đến 21/4/2025, ông Mai Văn Đông đã liên tục đăng tải 4 video trên kênh TikTok “Cùng học chăm da”, trong đó có nhiều phát ngôn sai sự thật, vu khống hoạt động của Công ty TNHH Thương mại Hân Korea. Ông Lê Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hân Korea cho biết, đã trình báo sự việc lên cơ quan công an và Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong một video khác, trước việc nhãn hàng/doanh nghiệp có đơn đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ những thông tin sai sự thật ông Mai Văn Đông đăng tải, ông này tiếp tục khoác trên mình chiếc áo của người tiêu dùng để công kích doanh nghiệp.

Ở đâu ra cái kiểu cứ sơ hở ra là đòi kiện người tiêu dùng là sao? Bỏ tiền ra mua bây giờ là không được chê phải không?…”, ông Mai Văn Đông nói trong video được đăng tải vào ngày 2/5/2025.

Dưới phần bình luận, khi một người dùng mạng xã hội yêu cầu: “Anh ơi check var Lan Vát đi. Hàng nhập Korea đó” – tức mong muốn ông Mai Văn Đông đăng tải, chia sẻ thông tin về các sản phẩm là mỹ phẩm một người có nickname Lan Vát kinh doanh, phân phối. Khi này, ông Mai Văn Đông đáp lại: “Check rồi, uy tín nhé”.

Trái ngược lại với thông tin được ông Mai Văn Đông chia sẻ, vừa qua, Báo Công Thương lại nhận được không ít phản ánh của bạn đọc, liên quan tới hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm của Lan Vát. Điều này cho thấy, những thông tin ông Mai Văn Đông chia sẻ là thiếu khách quan, không trung thực, mang tính định hướng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh và Luật An ninh mạng

Cuối tháng 3/2025, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) cho biết nhận được nhiều đơn thư phản ánh từ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ về việc một số KOL, KOC kinh doanh trực tuyến có dấu hiệu bất hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.

Vicopro cũng cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh về việc Võ Hà Linh có dấu hiệu bán hàng với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, trước phiên livestream bán hàng ngày 15/3/2025 trên Facebook cá nhân, cô đã kêu gọi người tiêu dùng mua hàng số lượng lớn với lý do sàn thương mại điện tử sắp tăng phí vào đầu tháng Tư.

Trước những phản ánh trên, Vicopro đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng như Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kiểm tra, xác minh và xử lý nếu phát hiện sai phạm. Hội cũng kêu gọi các cơ quan báo chí vào cuộc để cung cấp thông tin chính xác, giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan về vụ việc.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vũ Văn Biên khẳng định, các hành vi nêu trên là hành vi có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, xúc phạm uy tín doanh nghiệp khác, được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, Luật Dân sự và Luật Hình sự.

Trong đó, khoản 3, Điều 45, Luật Cạnh tranh quy định, hành vi cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị nghiêm cấm.

Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… cũng là một trong những điều cấm, được quy định tại điểm D, khoản 1, Điều 8, Luật An ninh mạng.

Đề nghị các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, xác minh, làm rõ các hành vi cố tình núp bóng người tiêu dùng để vu khống, triệt hạ doanh nghiệp; xử lý nghiêm nhằm ngăn chặn sai phạm lộng hành, tránh nguy cơ thách thức pháp luật và đi ngược chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Theo Báo Công Thương

5 Cách Kiếm Tiền Khi Thị Trường Crypto Đi Xuống Trong 2025

Thị trường tiền điện tử luôn biến động mạnh mẽ và không phải lúc nào cũng trong xu hướng tăng. Tuy nhiên, ngay cả khi thị trường đi xuống, vẫn có rất nhiều cách để nhà đầu tư tận dụng cơ hội và tạo ra lợi nhuận. Dưới đây là 5 cách giúp bạn kiếm tiền trong thời kỳ thị trường downtrend, cùng với lý do tại sao việc tìm kiếm những đồng coin tiềm năng 2025 là một bước đi thông minh ngay từ bây giờ.

Tập Trung Nghiên Cứu và Tìm Kiếm Các Đồng Coin Tiềm Năng Cho Tương Lai

Khi thị trường giảm sâu chính là thời điểm tốt để “đi săn” các dự án có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong tương lai khi thị trường crypto phục hồi. Thay vì bị cuốn vào cảm xúc tiêu cực, bạn có thể tận dụng thời gian để nghiên cứu, đánh giá kỹ các nền tảng blockchain, đội ngũ phát triển, và các đồng coin có tiềm năng bùng nổ trong năm 2025.

Giao Dịch Spot & Margin Theo Xu Hướng Giảm (Short-Selling)

Short-selling là chiến lược phổ biến trong thị trường tài chính truyền thống và đã được áp dụng hiệu quả trong crypto. Khi bạn dự đoán giá của một đồng coin sẽ giảm, bạn có thể thực hiện lệnh bán trước rồi mua lại với giá thấp hơn để hưởng chênh lệch. Tuy nhiên, hình thức này đòi hỏi kiến thức phân tích kỹ thuật vững vàng và quản lý rủi ro chặt chẽ. Bạn cũng có thể giao dịch Margin với đòn bẩy cực thấp, chúng tôi khuyến khích đòn bẫy 3x trở xuống sẽ đảm bảo bạn không cháy tài khoản, đừng quên đặt lệnh Stop Loss khi giao dịch Margin.

Staking và Farming

Dù giá trị tài sản giảm, staking và yield farming vẫn mang lại thu nhập thụ động. Một số nền tảng DeFi và sàn giao dịch lớn như Binance cho phép người dùng khóa tài sản để nhận phần thưởng, giúp duy trì dòng tiền ổn định trong giai đoạn thị trường suy giảm. Hiện tại, ngoài USDT và USDT có tỷ suất staking tốt nhất thì các đồng coin như ETH, SOL hay các đồng coin sàn như BNB, MNT hay OKX sẽ đem lại rất nhiều lợi ích như Launchpool, Launchpad, Airdrop, Token Splash. Làm nhiệm vụ tặng coin.

Tận Dụng Bot Giao Dịch Tự Động

Các bot giao dịch ngày càng phổ biến và được thiết kế để phản ứng nhanh với biến động thị trường. Nếu được cài đặt đúng, bot có thể giúp bạn tận dụng các sóng ngắn để kiếm lời, kể cả khi thị trường tổng thể đang đi xuống.  Đừng quên quản lý vốn chặt chẽ và chỉ giao dịch với số tiền bạn có thể mất. Đây là hướng dẫn sử dụng bot giao dịch để bạn tham khảo.

Tham Gia Chương Trình Airdrop và Nhiệm Vụ Cộng Đồng

Khi thị trường lạnh, nhiều dự án sẽ phát hành airdrop hoặc tổ chức các hoạt động cộng đồng để giữ chân người dùng. Đây là cơ hội tốt để tích lũy tài sản miễn phí. Hãy theo dõi các dự án uy tín và tham gia sớ. Bạn có thể theo dõi các dự án airdrop trong thời gian này từ các sàn giao dịch phi tập trung như Uniswap, Pancake Swap hoặc sàn tập trung như Binance, OKX, Bybit, MEXC.

Shopee chính thức thu phí duy trì tài khoản kể từ hôm nay 16/5

Theo thông báo được đăng tải trên trang Trung tâm trợ giúp ShopeePay, từ ngày 16/5/2025, ShopeePay, ví điện tử thuộc hệ sinh thái Shopee, sẽ chính thức áp dụng chính sách thu phí duy trì tài khoản không hoạt động, với mức tối đa 5.000 đồng/tháng, bao gồm thuế GTGT.

Chính sách này nhắm đến các tài khoản không phát sinh giao dịch chủ động thành công nào trong 24 tháng liên tiếp, tính đến ngày 15 của tháng thu phí. Chỉ các tài khoản có số dư ví lớn hơn 0 đồng mới bị thu phí và việc khấu trừ sẽ được thực hiện tự động từ ví ShopeePay, không ảnh hưởng đến tài khoản ngân hàng liên kết.

ShopeePay định nghĩa “giao dịch chủ động” bao gồm các hành động như: nạp tiền vào ví, chuyển tiền, rút tiền, thanh toán đơn hàng Shopee/ShopeeFood, thanh toán hóa đơn dịch vụ, sử dụng ví ShopeePay hoặc ngân hàng liên kết để thanh toán tại các đối tác (như BE, Xanh SM, Apple, Google…), quét mã QR, gửi lì xì…

Ví dụ, phí duy trì của tháng 5/2025 sẽ áp dụng với những tài khoản không có giao dịch chủ động nào từ 16/5/2023 đến 15/5/2025.

Thời điểm bắt đầu thu phí hàng tháng sẽ rơi vào trước ngày 26. Nếu tài khoản tiếp tục không phát sinh giao dịch chủ động trong 6 tháng liên tiếp, ShopeePay sẽ tiến hành đóng tài khoản và chấm dứt cung cấp dịch vụ.

Việc áp dụng chính sách thu phí này được ShopeePay cho biết là nhằm đảm bảo chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa hệ thống vận hành. Chính sách sẽ có hiệu lực liên tục cho đến khi có thông báo thay thế hoặc điều chỉnh khác.

Thị trường ví điện tử tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi như MoMo, ZaloPay, ShopeePay, VNPay, Viettel Money hay VNPAY.

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2024, cả nước có 50 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, trong đó 48 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt là 58 triệu, với hơn 34 triệu ví đang hoạt động, chiếm khoảng 59% tổng số ví đã kích hoạt. MoMo hiện là ví có thị phần lớn nhất với hơn 30 triệu người dùng, theo sau là ZaloPay và ShopeePay.

Nhu cầu sử dụng ví điện tử tăng nhanh nhờ xu hướng thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở các thành phố lớn và trong các giao dịch mua sắm trực tuyến, gọi xe, giao đồ ăn, thanh toán hóa đơn.

Thị trường này được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng khi tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng ngày càng cao, trong khi tỷ lệ thanh toán không tiền mặt vẫn chưa đạt kỳ vọng. Cạnh tranh giữa các ví ngày càng quyết liệt, buộc các đơn vị phải liên tục tung ưu đãi, mở rộng hệ sinh thái và đồng thời kiểm soát chặt chi phí vận hành.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Người Đưa Tin

Xu hướng “nằm thẳng”: Khi người trẻ chọn nằm yên và từ chối làm việc quá sức

Trước tình trạng thất nghiệp gia tăng và chi phí sinh hoạt leo thang, nhiều thanh niên Trung Quốc đang quay lưng với văn hóa làm việc cật lực, lựa chọn lối sống buông xuôi với hai trào lưu “Tang Ping” (nằm yên) và “Bai Lan” (mặc kệ cho thối rữa, hay thờ ơ với thời cuộc).

Nếu phương Tây đang chứng kiến xu hướng “quiet quitting” (nghỉ việc trong im lặng), thì tại Trung Quốc, phong trào Bai Lan cho thấy thái độ buông xuôi trước những kỳ vọng xã hội và áp lực công việc khắc nghiệt. Người trẻ chọn “nằm yên”, từ chối làm việc quá sức, chỉ lao động ở mức tối thiểu để sống qua ngày.

Theo truyền thông Trung Quốc, có nhiều nguyên nhân khiến những phong trào này lan rộng: Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ từng chạm mốc kỷ lục 21,3% vào giữa năm 2023.

Trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi chậm, nhiều người mất niềm tin vào việc cố gắng vươn lên; Văn hóa làm việc 996, với thời gian làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần khiến giới văn phòng kiệt sức, nhưng thu nhập vẫn không đủ để mua nhà, kết hôn hay cải thiện chất lượng sống; Chi phí sinh hoạt đắt đỏ, với giá nhà và sinh hoạt leo thang khiến ổn định tài chính trở nên xa vời với thế hệ trẻ; Thiếu cơ hội thăng tiến khi nhiều người tin rằng xuất thân vẫn là yếu tố quyết định thành công, khiến họ cảm thấy bị mắc kẹt trong hệ thống.

Với nhiều người, Bai Lan và Tang Ping không chỉ là lối sống mà còn là một hình thức phản kháng im lặng trước kỳ vọng xã hội đặt nặng năng suất mà không mang lại giá trị tương xứng.

Chính phủ Trung Quốc coi Bai Lan và Tang Ping là mối đe dọa với tăng trưởng kinh tế và trật tự xã hội. Để ứng phó, Bắc Kinh đã triển khai hàng loạt biện pháp như: Tuyên truyền thúc đẩy tinh thần làm việc, tạo việc làm và cải cách giáo dục, khuyến khích thanh niên cống hiến…

Tuy nhiên, nhiều người trẻ cho rằng các chính sách hiện tại chưa chạm đến gốc rễ vấn đề, đó là sự mất niềm tin vào hệ thống và cảm giác bị bỏ lại phía sau.

Phong trào Bai Lan không chỉ là phản ứng với kinh tế khó khăn, mà còn phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong nhận thức của giới trẻ về công việc, thành công và hạnh phúc cá nhân. Những giá trị truyền thống như lập gia đình, làm việc ổn định, sở hữu nhà cửa đang dần bị thay thế bởi lối sống tối giản, ít kỳ vọng.

Các nền tảng mạng xã hội như Weibo hay Douyin góp phần lan tỏa tư tưởng này, kết nối cộng đồng những người cùng quan điểm “buông bỏ”. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo nếu xu hướng này tiếp diễn, nền kinh tế Trung Quốc có thể đối mặt với nguy cơ suy giảm năng suất và gia tăng bất bình đẳng thu nhập trong dài hạn.

Dù gần đây có dấu hiệu phục hồi, thị trường lao động Trung Quốc vẫn còn nhiều thách thức. Trong năm 2024, nước này đã tạo thêm hơn 12,5 triệu việc làm tại đô thị, đạt mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ thất nghiệp thành thị được khảo sát ở mức 5,1%, giảm nhẹ so với năm trước. Tuy vậy, xu hướng dân số giảm và tỷ lệ kết hôn thấp, với số lượng đăng ký kết hôn trong năm 2024 giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1980, cho thấy những vấn đề sâu xa hơn đang âm thầm tích tụ.

Trong khi đó, số liệu từ Hội đồng Đào tạo lại Nhân viên Hong Kong cho biết 36,1% thanh niên tại Đặc khu Hành chính Hong Kong – những người không đi học cũng không có việc làm – nói rằng họ không có kế hoạch tìm kiếm công việc nào cả.

Ngày càng nhiều sinh viên tốt nghiệp lựa chọn trì hoãn việc gia nhập thị trường lao động, thay vào đó theo học các chương trình sau đại học. Nhìn bề ngoài, điều này có vẻ như họ đang đầu tư thêm vào kỹ năng và bằng cấp, nhưng lại là cách để một số người tránh né những áp lực từ thị trường việc làm thêm vài năm nữa.

Theo trang Chinadailyasia, tại Nhật Bản, chỉ có 30% thanh niên tin rằng việc leo lên nấc thang sự nghiệp là điều quan trọng, theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Nhật Bản. Thay vào đó, nhiều người trẻ chọn ưu tiên công việc có ý nghĩa và cảm thấy vui vẻ khi làm việc.

Ở Singapore, có tới 17.000 thanh niên từ 15-24 tuổi thuộc nhóm NEET – không học, không làm, cũng không tham gia đào tạo nghề.

Một khảo sát gần đây của tổ chức tư vấn MWYO giúp lý giải nguyên nhân đằng sau hiện tượng này. Đối với giới trẻ Hong Kong (Trung Quốc), cân bằng cuộc sống và công việc mới là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn công việc lý tưởng, vượt xa triển vọng nghề nghiệp.

Cụ thể, yếu tố cân bằng công việc và cuộc sống đạt số điểm trung bình 8,26/10 – cao nhất trong tất cả các tiêu chí. Sự thay đổi trong thứ tự ưu tiên này phản ánh xu hướng ngày càng tăng ở thế hệ trẻ: họ tìm kiếm sự viên mãn cá nhân hơn là tham vọng thăng tiến.

Tranh luận về việc giới trẻ có thật sự “nằm yên” hay không là một vấn đề phức tạp, không có lời giải đơn giản. Một mặt, có dấu hiệu cho thấy họ thiếu động lực; mặt khác, các số liệu cũng chỉ ra rằng họ chỉ đang thay đổi thứ tự ưu tiên, hướng tới cuộc sống cân bằng và sự phát triển cá nhân.

Để đối mặt với thách thức này, cần một cách tiếp cận toàn diện: cung cấp định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, mở rộng cơ hội thực tập, và tăng cường hợp tác giữa chính phủ, các trường đại học và doanh nghiệp.

Netflix thử nghiệm chế độ video ngắn cạnh tranh TikTok và YouTube

Động thái thử nghiệm tính năng mới cho thấy gã khổng lồ phát phim trực tuyến Netflix đang tìm cách đổi mới giao diện để giữ chân người xem trước các đối thủ cạnh tranh ngày càng mạnh.

Theo thông tin từ Netflix, nền tảng phát trực tuyến phim này đang triển khai thử nghiệm một tính năng mới trên ứng dụng di động, cho phép người dùng xem các đoạn video ngắn ở định dạng dọc.

Giao diện này lấy cảm hứng rõ rệt từ cách trình bày nội dung của các nền tảng mạng xã hội như TikTok hay YouTube Shorts, nơi người dùng có thể lướt qua các video bằng thao tác vuốt đơn giản. Mục tiêu của Netflix là tăng khả năng khám phá nội dung, rút ngắn khoảng thời gian tìm kiếm và khuyến khích người dùng tương tác nhiều hơn với nền tảng.

Giao diện mới sẽ hiển thị các đoạn trích ngắn từ phim và chương trình truyền hình có trên nền tảng, kèm theo các nút chức năng cho phép người dùng phát nội dung đầy đủ, thêm vào danh sách yêu thích hoặc chia sẻ. Các nút điều khiển được đặt gọn ở góc phải phía dưới màn hình, tương tự như cách TikTok thiết kế giao diện người dùng.

Cùng với việc thay đổi giao diện trên di động, Netflix cũng đang cải tiến trải nghiệm trên ứng dụng dành cho TV. Giao diện mới giúp người xem truy cập thông tin về phim nhanh hơn, như xếp hạng, giải thưởng hay độ phổ biến, đồng thời đưa các nút “Tìm kiếm” và “Danh sách của tôi” lên đầu màn hình chính. Mục tiêu là giảm thao tác và cải thiện quá trình duyệt nội dung.

Ngoài ra, một tính năng mới đang được triển khai thử nghiệm trên iOS là tìm kiếm bằng ngôn ngữ tự nhiên có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo. Thay vì phải gõ từ khóa chính xác, người dùng có thể nhập câu hỏi như “Tôi muốn xem phim tâm lý nhẹ nhàng” để được gợi ý nội dung phù hợp.

Các bước thay đổi này diễn ra khi thị trường nội dung trực tuyến ngày càng cạnh tranh, đặc biệt khi người dùng trẻ tuổi dành nhiều thời gian cho nội dung ngắn trên các nền tảng như TikTok, YouTube Shorts và Instagram Reels. Netflix chưa công bố thời điểm cụ thể triển khai rộng rãi các tính năng này, nhưng việc thử nghiệm đang được thực hiện tại một số thị trường được chọn.