
Dự thảo Luật Quảng cáo: Nghề quảng cáo không thể là vùng trắng đạo đức
Tại phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo sáng 10.5, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đã thẳng thắn chỉ ra một thực trạng đáng lo ngại: Nhiều hoa hậu, ca sĩ, diễn viên – những người “được xã hội chú ý” – vẫn hồn nhiên quảng cáo sản phẩm mà bản thân họ không hiểu, thậm chí chưa từng dùng qua.
Đây không còn là câu chuyện riêng của một vài cá nhân mà đang trở thành một “vùng trắng đạo đức” trong ngành công nghiệp quảng cáo.
Người nổi tiếng có quyền hợp tác thương mại, nhưng khi họ dùng danh tiếng để đại diện cho một sản phẩm, đó không chỉ là một hợp đồng, mà là một tuyên bố, một lời bảo chứng gián tiếp gửi đến hàng triệu người tiêu dùng.
Và khi lời bảo chứng ấy dựa trên vẻ đẹp hình thức hơn là hiểu biết, trải nghiệm hay kiểm chứng thì rủi ro là toàn xã hội phải trả giá.
Chúng ta đã chứng kiến không ít vụ việc người nổi tiếng quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng sai công dụng, thổi phồng hiệu quả điều trị bệnh, hay tung hô những sản phẩm mập mờ nguồn gốc.
Sau mỗi “sự cố”, người tiêu dùng lại gánh hậu quả vì lỡ tin tưởng vào danh xưng hoa hậu, nghệ sĩ, hay vài triệu lượt theo dõi trên mạng xã hội. Còn người nổi tiếng, phần lớn chỉ “xin lỗi”, rồi tiếp tục nhận hợp đồng mới.
Vì vậy, việc dự thảo Luật Quảng cáo lần này quy định người có ảnh hưởng muốn quảng bá sản phẩm thì phải hiểu rõ, đã sử dụng, hoặc có chuyên môn liên quan là hoàn toàn cần thiết.
Thực tế, nhiều quốc gia đã triển khai hiệu quả các cơ chế kiểm soát người có ảnh hưởng (KOL). Tại Hàn Quốc và một số nước châu Âu, nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, họ phải bồi thường thiệt hại và có thể bị cấm hoạt động thương mại trong thời gian dài.
Những quy định đó không khiến ngành quảng cáo suy giảm mà ngược lại, nó khiến nghề quảng cáo trở nên chuyên nghiệp, đáng tin và công bằng hơn.
Dĩ nhiên không phải mọi người có ảnh hưởng (KOLs) đều cẩu thả hay vô trách nhiệm. Nhiều người đã từ chối quảng bá sản phẩm không rõ ràng, chỉ nhận những hợp tác mà họ đã trải nghiệm hoặc tìm hiểu kỹ lưỡng.
Nhưng đáng tiếc, chính sự dễ dãi của một bộ phận khác, cộng với việc pháp luật chưa đủ sức răn đe, đã khiến thị trường trở nên lộn xộn và thiếu chuẩn mực.
Quảng cáo là một nghề, và như mọi nghề nghiệp khác, nó cần chuẩn mực đạo đức. Khi hình ảnh trở thành hàng hóa thì chính người sở hữu hình ảnh đó phải hiểu rằng: Họ không thể vô can trước những gì mình truyền tải. Một lời giới thiệu thiếu trách nhiệm có thể dẫn đến hậu quả với sức khỏe cộng đồng, niềm tin thị trường và thậm chí là an toàn tính mạng.
Việc luật hóa trách nhiệm của người có ảnh hưởng trong hoạt động quảng cáo không phải để hạn chế tự do cá nhân mà là để đảm bảo rằng: Mọi tiếng nói có tầm ảnh hưởng đều đi kèm với nghĩa vụ công dân.
Một xã hội văn minh không thể để thị trường quảng cáo là nơi “nói gì cũng được, nhận gì cũng xong”. Đã đến lúc, nghề quảng cáo phải bước ra khỏi “vùng trắng đạo đức”.
Theo Báo Lao Động
Bài viết liên quan

