Skip to main content

Cuộc chiến sinh tồn trên thị trường giao đồ ăn Việt khi Grab và ShopeeFood trở nên quá lớn

20 Tháng Hai, 2024

Thị trường giao đồ ăn Việt Nam được chia làm hai với một bên là Grab, ShopeeFood và bên kia những người chơi còn lại.

Cuộc chiến sinh tồn trên thị trường giao đồ ăn Việt khi Grab và ShopeeFood trở nên quá lớn
Cuộc chiến sinh tồn trên thị trường giao đồ ăn Việt khi Grab và ShopeeFood trở nên quá lớn

Sau khi chứng kiến tăng trưởng theo cấp số nhân trong đại dịch, thị trường giao đồ ăn của Việt Nam đang bước vào giai đoạn xáo trộn trong bối cảnh kinh tế suy thoái, theo DealStreetAsia.

Baemin Việt Nam – liên doanh giữa Delivery Hero của Đức và Woowa Brothers của Hàn Quốc, rời thị trường vào tháng 11 năm ngoái, các chuyên gia dự đoán tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này sẽ đứng yên trong năm nay.

Cuộc chiến sinh tồn trên thị trường giao đồ ăn đang trở nên khốc liệt hơn với cuộc cạnh tranh dẫn đầu bởi Grab Food và ShopeeFood.

Theo ông Jianggan Li, Sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Momentum Works, các nền tảng giao đồ ăn đang tìm cách để tiếp tục tăng trưởng, bao gồm các giải pháp trợ giá, thương mại, quảng cáo cũng như dịch vụ tài chính, thanh toán số.

Chẳng hạn như Grab, tháng 11/2023, doanh nghiệp này cho biết đang phát triển một nền tảng giá rẻ dành riêng cho đối tượng khách hàng đau đầu về chi phí. Tại đó, người dùng có thể dễ dàng tìm được lựa chọn hợp lý.

Dịch vụ này sẽ được triển khai trên toàn khu vực Đông Nam Á vào đầu năm nay, trong đó cung cấp các tuỳ chọn để giảm phí giao hàng, danh sách cửa hàng có giá rẻ hoặc các chiến dịch khuến mãi hấp dẫn.

Người tiêu dùng cũng có thể sử dụng bộ lọc để tìm chi phí giao hàng hợp lý hay món ăn có giá phải chăng.

Trong khi đó, Gojek hợp tác với MoMo để đưa tính năng giao đồ ăn GoFood lên ví điện tử. Điều này đưa Gojek trở thành công ty đầu tiên tại Việt Nam cung cấp tính năng giao đồ ăn trên MoMo.

Hợp tác cho phép Gojek khai thác hệ sinh thái 30 triệu người dùng của MoMo cũng như mang tới cho người bán hàng trên GoFood tiếp cận được các cơ hội kiếm tiền và tiềm năng quảng cáo.

Gojek cũng hợp tác với ZaloPay, một trong những nền tảng thanh toán trực tuyến có thị phần lớn tại Việt Nam, để cho phép người dùng thanh toán khi sử dụng GoFood.

Tháng 5 năm ngoái, beFood chính thức bỏ phụ phí đơn hàng nhỏ, khuyến khích khách hàng lẻ đặt mua những mặt hàng có giá trị thấp. Theo đó, phụ phí giao đồ ăn trên nền tảng này đã giảm tới 50%, giúp Be trở thành một trong những người chơi có mức phí thấp nhất trên thị trường hiện tại.

“Mỗi chiến lược này đều khả thi. Tuy nhiên, cần có khả năng tổ chức tốt và thực thi hợp lý để khiến chúng thực sự hiệu quả”, CEO Momentum Work nói.

Trong khi đó, công ty nội địa là Loship được cho là đang ưu tiên dòng tiền. Năm ngoái, nền tảng này cắt giảm 50% lao động . Đồng thời, đóng băng mọi hoạt động marketing từ quý II. Nhà sáng lập Nguyễn Hoàng Trung nói với tờ VnExpress rằng bất kỳ hành động tăng giá nào cũng có thể đẩy khách hàng vào tay một nền tảng khác.

“Trong ba năm tới, giao đồ ăn và giao hàng vẫn sẽ là thị trường có sự cạnh tranh lớn. Các ứng dụng cũng sẽ cung cấp các dịch vụ bổ sung như ví điện tử của riêng họ để tăng sự thuận tiện cho người dùng”, Trung nói.

Việc Baemin Việt Nam rời thị trường là một phần trong kế hoạch của Delivery Hero, công ty đã thu hẹp quy mô hoạt động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm giúp các hoạt động để trở nên “tinh gọn và linh hoạt hơn”.

Gần đây, Delivery Hero được cho là đang cân nhắc việc bán một phần hoạt động kinh doanh ở châu Á. Công ty có trụ sở tại Berlin này có kế hoạch bán mảng kinh doanh thương hiệu Foodpanda tại Singapore, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines và Thái Lan.

Tháng 8/2023, Giám đốc điều hành Delivery Hero Niklas Oestberg nói với Reuters rằng thị trường châu Á nói chung vẫn tốt, “ngoại trừ Việt Nam, nơi công ty không nhìn thấy lợi nhuận trong dài hạn”.

CEO Momentum Works nhận định thị trường Việt Nam đã phát triển thành độc quyền giữa Grab và ShopeeFood, trong khi những đối thủ khác như Baemin và Gojek chiếm thị phần nhỏ.

Điều đáng nói là trong khi những ông lớn như Grab, ShopeeFood thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn để thu hút khách hàng thì Baemin lại không áp dụng chính sách như vậy.

Kết quả là Baemin nhanh chóng tụt lại phía sau trong cuộc đua thị phần, chỉ chiếm 5% thị trường giao đồ ăn Việt Nam vào năm 2023, so với GrabFood (47%) và ShopeeFood (45%), theo báo cáo do Momentum Works công bố.

Giám đốc tiếp thị của một nhà cung cấp B2B SaaS chia sẻ Baemin thua cuộc bất chấp sự hậu thuẫn từ hai gã khổng lồ giao đồ ăn và những nỗ lực marketing vì phần lớn khách hàng trong nước mong muốn nhận được nhiều ưu đãi và chi phí rẻ hơn.

Trong khi Grab, Shopee, Gojek, Be có hệ sinh thái đa dịch vụ thì Baemin chỉ cung cấp dịch vụ giao đồ ăn và giao hàng tạp hoá.

Thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam, vốn phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ bùng phát dịch COVID-19 và tiếp tục đà tăng trưởng ngay cả sau khi dịch bệnh kết thúc, đang chậm lại, đặc biệt khi người dân cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giao đồ ăn ở Đông Nam Á trong năm 2023, tăng gần 30% mặc dù hầu hết các công ty trong lĩnh vực này đều cắt giảm chi phí, theo Momentum Works.

Để so sánh, trong khu vực, chi tiêu của người dân cho giao đồ ăn chỉ tăng 5% so với cùng kỳ, đạt 17 tỷ USD vào năm 2023. Tăng trưởng được thúc đẩy bởi các thị trường như Việt Nam (27%), tiếp theo là Malaysia (9%). Thái Lan và Indonesia có mức tăng trưởng thấp ở mức một con số, trong khi kết quả kinh doanh tại Singapore vẫn không thay đổi.

Tính đến cuối năm ngoái, Grab ước tính chiếm 55% (9,4 tỷ USD) tổng giá trị giao đồ ăn của khu vực , tăng 6,8% so với năm trước. Foodpanda và Gojek lần lượt chiếm 15,8% (2,7 tỷ USD) và 10,5% (1,8 tỷ USD) tổng tổng giá trị, trong khi Shopee chiếm 8,8% (1,5 tỷ USD).

Các chuyên gia nói với DealStreetAsia rằng thị trường giao đồ ăn sẽ tiếp tục phát triển trong vài năm tới khi nền kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Việt Nam sẽ vẫn là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất khu vực trong giai đoạn 2023-2025, theo báo cáo do Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 11/2023. Báo cáo cho biết, kinh tế số Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 20% trong hai năm, ngang bằng với Philippines, tiếp theo là Thái Lan (17%), Indonesia (15%), Malaysia (14%) và Singapore (13%).

Hơn nữa, trong tương lai, việc hợp nhất sâu hơn có thể sắp xảy ra khi DeliveryHero mong muốn thoái vốn khỏi Foodpanda.

“Với nhu cầu F&B tăng mạnh, tỷ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và sự hợp nhất đang diễn ra, có rất nhiều cơ hội phát triển dành cho các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực. Trong khi tập trung vào năng lực cốt lõi của mình, những công ty dẫn đầu cũng cần để mắt đến những thay đổi tiềm năng của thị trường và những thách thức mới nổi”, CEO Momentum Works nhấn mạnh.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan