Skip to main content

Gen Z chủ động thất nghiệp và không có áp lực phải đi làm lại ngay vì không chịu gánh nặng tài chính

8 Tháng Mười Một, 2024

“Tiền lương cũng cần thiết nhưng không phải thứ quan trọng nhất”, chàng trai 25 tuổi quê Thạch Thất, Hà Nội nói.

Khi Tuấn Anh dự định nghỉ việc, bạn bè, người thân đều khuyên tìm chỗ làm mới trước. Anh vẫn quyết định nộp đơn vì thấy không cần thiết phải tốn thêm thời gian với một công việc đã hết hứng thú và độc hại.

Ngày còn đi làm, Tuấn Anh liên tục nhận việc từ sáng đến đêm. Không ít lần anh phải xin nghỉ vào cuối tuần để được ngủ nhưng bị sếp từ chối. Ba năm đi làm nhưng lương không tăng, thứ Tuấn Anh nhận được là mắc nhiều bệnh về tiêu hóa, xương khớp.

“Mong muốn duy nhất của tôi là tìm một chỗ làm cân bằng được công việc và đời sống cá nhân”, Tuấn Anh nói.

Ngọc Minh, 27 tuổi ở quận Tân Bình, TP HCM cũng đang trong giai đoạn “chủ động thất nghiệp”, không có ý định tìm việc mới. Gia đình có điều kiện kinh tế, bố mẹ sẵn sàng chu cấp khiến Minh càng thêm thoải mái. Với cô, đi làm là cơ hội thể hiện năng lực, được ghi nhận và mở rộng kiến thức. Nếu không được thỏa mãn những yêu cầu đó, Minh sẵn sàng nghỉ việc.

Ba tháng trước cô nghỉ việc ở một công ty truyền thông bởi bất đồng quan điểm với cấp trên. Theo lời cô, sếp cũ khá bảo thủ, ngó lơ những góp ý, thường xuyên dọa đuổi việc, trừ lương cấp dưới. Nhưng khi cả nhóm đạt thành tích cao cũng không có một lời khen.

“Ông ấy coi nỗ lực của tôi là điều hiển nhiên trong khi tôi chỉ cần một lời ghi nhận”, Minh nói. Ba tháng qua cô nhận nhiều lời mời làm việc nhưng đều từ chối vì “nghỉ ngơi chưa đủ”.

Theo Báo cáo lương thưởng năm 2023 của công ty dịch vụ nhân sự thuê ngoài Talentnet có trụ sở ở Việt Nam, nhóm lao động trẻ đang có xu hướng tự nghỉ việc dù chưa tìm được công việc mới. Mục đích chính của họ là muốn có khoảng thời gian không làm việc để học hỏi thêm kỹ năng, sẵn sàng cho các thử thách mới hoặc để lấy lại cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Dễ dàng nghỉ việc dường như là đặc điểm của lao động Gen Z. Nghiên cứu của Talennet ghi nhận thâm niên trung bình của nhóm nhân sự này với một công ty khoảng 1,7 năm. Khảo sát cuối năm 2023 của công ty Anphabe cho kết quả tương tự với khoảng 2,2 năm, thấp hơn khá nhiều so với mức 4,3 năm của thế hệ trước.

Khảo sát của một trang thông tin việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 85% người lao động muốn chuyển việc. Nhóm tuổi 18-24 dẫn đầu với tỷ lệ hơn 96%, 89% trong độ tuổi 25-34.

Theo PGS.TS Đỗ Minh Cương, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, người trẻ ngày nay có nhiều cơ hội phát triển nên thay vì tìm một công việc ổn định đến khi về hưu như thế hệ trước, Gen Z có thể làm freelancer, khởi nghiệp hoặc kiếm tiền trên các nền tảng mạng xã hội.

Thế hệ này cũng không chịu gánh nặng tài chính khi được bố mẹ chu cấp, dù đã trưởng thành. Đây là lý do khiến quyết định “chủ động thất nghiệp” dễ dàng hơn.

Giải thích việc nhiều lao động trẻ hưởng ứng xu hướng tự nghỉ việc, bà Lương Thị Hương, giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ D’ANSHIN, giảng viên đào tạo nội bộ của Tập đoàn Panasonic tại Việt Nam, nói có nhiều lý do.

Đầu tiên, Gen Z có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm bởi môi trường sống phong phú hơn các thế hệ trước. Họ giỏi và năng động nên muốn tìm người lãnh đạo đủ bản lĩnh, hỗ trợ nhân viên phát triển theo lộ trình thăng tiến. Họ cũng muốn được thể hiện năng lực, mong có quyền tự quyết và lãnh đạo.

Tuy nhiên thế hệ này cũng rất mong manh, họ hy vọng được cấp trên thấu hiểu, yêu thương, biết truyền động lực, cảm hứng và ghi nhận công sức qua lời ngợi khen ngợi, ghi nhận thay vì áp đặt.

“Ai cũng có quyền thất nghiệp chủ động nhưng lao động trẻ nghỉ việc quá lâu dễ nảy sinh cảm giác chán chường, khó thích nghi với môi trường mới”, bà Hương cảnh báo. Việc này cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất và “chảy máu chất xám” của doanh nghiệp.

Báo cáo về tình hình lao động, việc làm quý III/2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy cả nước có khoảng 1,4 triệu thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 10,7%), tăng 75.300 người so với quý trước. Trong khi đó rất nhiều doanh nghiệp cần lao động nhưng không tuyển dụng được, theo Cục Việc làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

Bà Lương Thị Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh cách quản lý của lãnh đạo doanh nghiệp. Theo bà, các lãnh đạo ngày nay phải chấp nhận sự khác biệt của nhân sự trẻ, biết tận dụng điểm mạnh, khắc phục những mặt hạn chế bằng cách lắng nghe, thấu hiểu, đồng cảm và dẫn dắt thay vì ra lệnh. “Khi người quản lý hiểu nhân sự muốn gì, trao cho họ cái họ đang cần thì việc người lao động trẻ gắn bó và tận tụy với công ty là chắc chắn”, bà Hương nói.

Anh Thanh Duy, 40 tuổi, trưởng phòng marketing của một tập đoàn ở Hà Nội từng gặp vấn đề khi nhiều nhân sự trẻ bất ngờ nghỉ việc. Để tránh ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc, người đàn ông này tìm đến khóa học quản lý. Anh cũng dành thời gian chia sẻ với nhân viên để hiểu hơn về gia cảnh và nguyện vọng của từng người.

Qua các lần trao đổi, người trưởng phòng 40 tuổi dần thay đổi. Anh thử trao quyền cho nhân viên trẻ bằng việc để họ quản lý đội nhóm nhỏ, liên tục tuyên dương các cá nhân có thành tích tốt. “Chỉ những thay đổi nhỏ nhưng hiện tại tôi đã lập đội nhân sự Gen Z khá mạnh. Họ đoàn kết trong công việc, không ngại xông pha và cống hiến”, anh Duy nói.

Với Tuấn Anh, dù thất nghiệp hai tháng, sống dựa vào trợ cấp của bố mẹ nhưng anh khẳng định chỉ đi làm khi tìm được công việc yêu thích.

“Tôi không sốc nổi khi nghỉ việc, tôi thích đi làm nhưng không muốn chúng chiếm dụng toàn bộ thời gian nghỉ ngơi”, chàng trai 25 tuổi nói.

Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh

Bài viết liên quan