Skip to main content

Kinh tế Nhật Bản suy giảm vì người dân ngại chi tiêu

17 Tháng Hai, 2024

Việc người dân hạn chế ăn ngoài, dừng mua quần áo và các dịch vụ không cần thiết khiến tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm trong nửa năm qua.

Hôm 15/2, số liệu chính thức cho thấy GDP quý IV/2023 của Nhật Bản giảm 0,1% so với quý trước đó. Đây là quý thứ hai liên tiếp quốc gia này tăng trưởng âm. Trên lý thuyết, họ đã rơi vào suy thoái. Nhật Bản cũng mất ngôi nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới về tay Đức.

Tiêu dùng cá nhân – đóng góp hơn nửa GDP – giảm 0,2% trong quý IV so với quý trước đó. Giới phân tích cho rằng đây là nguyên nhân chính khiến Nhật Bản suy thoái.

Advertisement

Risa Shinkawa – một chuyên viên làm đẹp 32 tuổi – không hy vọng sớm được tăng lương. Thậm chí, thu nhập của cô đang bị giảm. Ngành dịch vụ tại Nhật Bản đang đi xuống, nhất là với nhóm doanh nghiệp nhỏ đóng góp tới 70% lao động tại nước này.

Shinkawa buộc giảm chi các khoản không cần thiết, như không ăn trưa tại phố mua sắm cao cấp Ginza tại Tokyo. “Lương của tôi đang giảm. Vì thế, tôi phải dừng mua quần áo và ăn ngoài để tiết kiệm tiền”, Shinkawa cho biết.

Sự tằn tiện của Shinkawa và hàng triệu người khác phản ánh sự mong manh của nền kinh tế hàng đầu châu Á. Người tiêu dùng Nhật Bản, vốn đã quen với việc giá cả đứng yên suốt nhiều năm, đã gặp cú sốc khi đồng yen yếu kéo giá mọi thứ lên cao. Đồng tiền này đã mất giá gần 20% trong hai năm qua so với đôla Mỹ.

“Lạm phát cao nhưng chi tiêu không tăng tương ứng, cho thấy xu hướng tiêu dùng tại đây đang yếu đến mức nào”, Hideo Kumano – nhà kinh tế học tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life nhận xét.

Advertisement

Giới chức và các nhà phân tích chỉ ra việc giảm chi cho ăn ngoài là một trong những lý do khiến tiêu dùng sụt giảm. Bên cạnh đó, thời tiết ấm hơn dự kiến khiến doanh số quần áo mùa đông giảm sút. Nhu cầu dịch vụ từng bùng nổ hậu Covid-19 cũng hạ nhiệt dần.

Còn với bà Miho Ozaki (55 tuổi), sức ép lại đến từ giá xăng và điện tăng. “Chúng tôi đã chuyển sang dùng quạt sưởi chạy dầu và cố gắng không lái xe nhiều”, bà nói.

Thị trường chứng khoán Nhật Bản lại tăng vọt vài phiên qua, nhờ các tập đoàn lớn cải thiện quản trị và đồng yen yếu kéo lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu lên cao. Tuy nhiên, chính các công ty cũng lên tiếng cảnh báo về tiêu dùng yếu và tác động của lạm phát, thay vì vui mừng khi hưởng lợi từ đồng yen.

Tháng trước, đại gia bán lẻ Aeon cho biết người tiêu dùng đang dần nhạy cảm với giá cả. Công ty này nhận thấy người mua ngày càng “mệt mỏi khi đối mặt với giá cả tăng”, Giám đốc Chiến lược Motoyuki Shikata cho biết.

Advertisement

Mảng kinh doanh quần áo của Aeon cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết ấm hơn dự kiến, nhưng doanh nghiệp này vẫn ghi nhận mức lãi tăng trong quý cuối năm 2023.

Với Ryohin Keikaku, công ty sở hữu thương hiệu hàng tiêu dùng Muji, tăng giá là việc cần cân nhắc kỹ. Người tiêu dùng chấp nhận sản phẩm này đắt lên, nhưng lại không đồng ý với sản phẩm khác, Giám đốc Nobuo Domae cho biết trong buổi công bố báo cáo tài chính tháng trước.

Nhà kinh tế Kumano dự báo kinh tế Nhật Bản còn đối mặt với nhiều thách thức nữa. “GDP quý I/2024 có thể tiếp tục co lại, do ảnh hưởng từ các trận động đất hồi đầu năm”, ông nhận định.

Momoka Nakano (26 tuổi) thì không cảm thấy buồn khi phải giảm chi. Vì gần đây, cô đang nghỉ sinh. “Tôi sẽ ăn ở nhà để tiết kiệm tiền và sống lành mạnh”, cô nói.

Advertisement

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnExpress

Bài viết liên quan

Advertisement

Advertisement