
Nấm độc núp bóng review, phá hoại thị trường – Bài 1: Những ‘ông vua’, ‘bà chúa’ không ngai trên mạng
Dưới danh nghĩa “trải nghiệm cá nhân”, nhiều người nổi tiếng như “ông vua”, “bà chúa” trên mạng xã hội, tự cho mình quyền xét xử thị trường thay pháp luật.
Bài 1: Những “ông vua”, “bà chúa” không ngai trên cõi mạng
Dưới danh nghĩa “trải nghiệm cá nhân”, nhiều người nổi tiếng như “ông vua”, “bà chúa” trên mạng xã hội, tự cho mình quyền xét xử thị trường thay pháp luật.
Nhân danh người tiêu dùng, tự cho mình quyền phán xét
“Ở đâu ra cái kiểu cứ sơ hở ra là đòi kiện người tiêu dùng là sao? Bỏ tiền ra mua bây giờ là không được chê phải không?…”, – chiêu trò nhân danh người tiêu dùng quen thuộc, được kênh TikToker “Cùng học chăm da” thường xuyên sử dụng, để công kích các nhãn hàng khác.
Ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, kênh TikTok “Cùng học chăm da” hiện có hơn 200 nghìn lượt theo dõi và hơn 4,5 triệu lượt thích. Kênh gắn cho mình slogan “review chỉ mang tính tham khảo cá nhân” và chuyên giới thiệu, tiếp thị liên kết các sản phẩm là mỹ phẩm.
Tuy nhiên, quá trình sáng tạo nội dung, kênh “Cùng học chăm da” như “ông vua”, “bà chúa”, tự cho mình quyền ngồi trên pháp luật, khi thường xuyên nhân danh người tiêu dùng để bới móc, công kích các nhãn hàng khác, trong khi lại hết lời khen ngợi các dòng sản phẩm do mình giới thiệu, tiếp thị liên kết.
Ngoài dẫn chứng nói trên, ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương cho thấy, ngày 17/4/2025, kênh “Cùng học chăm da” đã nhân danh người tiêu dùng để công kích thương hiệu Anh Loan, dẫn dắt người tiêu dùng theo hướng tiêu cực, gây hoang mang dư luận.
Tiếp đó, ngày 22/4/2025, kênh này đã đăng tải video công kích một người bán hàng khác là Phương Sena, với nhiều ngôn từ phản cảm. Hoạt động của đối tượng này cũng khá tinh vi, khi viết/nói tắt tên Phương thành “P. Sena” và che mặt người bị công kích để tránh trách nhiệm pháp lý.
Ngày 28/5/2025, nhân danh người tiêu dùng đăng tải video công kích sản phẩm NMN của Thingo Group; ngày 1/5/2025 đăng tải video công kích, đặt dấu hỏi về chất lượng sản phẩm được phân phối bởi một Tiktoker tên Nhi.
Liên quan tới hoạt động tiếp thị liên kết, sáng tạo nội dung của “Cùng học chăm da”, vừa qua Báo Công Thương cũng nhận được phản ánh của một nhãn hàng, về việc bị Tiktoker này đăng tải liên tiếp nhiều video có thông tin không đúng sự thật, vu khống, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Đơn này cũng được nhãn hàng gửi tới các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, trong đơn gửi tới Báo Công Thương, ông Lê Văn Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hân Korea cho biết, người quản lý, đăng tải các video và trực tiếp xuất hiện trong các video trên kênh “Cùng học chăm da” là Mai Văn Đông, sinh năm 1995, quê quán tại huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội.
“Từ ngày 17/4/2025 đến 21/4/2024, ông Mai Văn Đông đã liên tục đăng tải 4 video trên kênh TikTok “Cùng học chăm da”, trong đó có nhiều phát ngôn sai sự thật, vu khống, đe doạ vợ tôi và xúc phạm uy tín của Công ty TNHH Thương mại Hân Korea”, ông Lê Văn Khánh phản ánh.
Vẫn theo phản ánh, Tiktoker “Cùng học chăm da” đã vu khống Công ty TNHH Thương mại Hân Korea nhập hàng lậu, không có hoá đơn chứng từ; bịa đặt thu lợi hàng trăm tỷ đồng từ kinh doanh hàng nhập lậu; doạ vợ tôi có thể bị bắt giữ (sử dụng cụm từ “đeo lắc bạc”); vu khống công ty tôi đứng sau các chiến dịch truyền thông công kích người nổi tiếng.
“Sau khi các clip trên được đăng tải, nhiều khách hàng phản ánh với tôi qua điện thoại, tin nhắn…, cho biết họ đã xem các video trên kênh TikTok trên và thấy hoang mang, lo sợ về những sản phẩm của công ty tôi, về uy tín của cá nhân tôi. Nhiều bạn bè thân thiết, người thân dòng họ cũng đã gọi điện, nhắn tin cho tôi về sự việc trên và thể hiện quan điểm “yêu cầu, khuyên răn” tôi cần “bán hàng chất lượng” hơn vì họ nghĩ rằng thông tin về tôi tại các clip là đúng, họ mất niềm tin về tôi”, ông Lê Văn Khánh chia sẻ.
Những hành vi tưởng chừng chỉ là đánh giá cá nhân ấy, trên thực tế đã chạm tới nhiều ranh giới pháp lý. Trao đổi với phóng viên Báo công Thương, Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Người tiêu dùng có quyền khen – quyền chê, đó là quyền được pháp luật bảo vệ. Nhưng nếu nhân danh người tiêu dùng để công kích nhãn hàng, kêu gọi tẩy chay, đồng thời lại giới thiệu, quảng bá sản phẩm cùng loại do chính mình bán hoặc hưởng lợi, thì hành vi ấy không còn là trải nghiệm cá nhân, mà là một dạng cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm pháp luật.
Bán hàng phá giá, lũng đoạn thị trường
Một cái tên khác trong giới review, giới thiệu sản phẩm núp dưới cái bóng trải nghiệm cá nhân có sức ảnh hưởng, “quyền lực mềm” không khác gì “ông vua”, “bà chúa” trên mạng là “chiến thần” Võ Hà Linh.
Cuối tháng 3/2025, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) cho biết nhận được nhiều đơn thư phản ánh từ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ về việc một số KOL, KOC kinh doanh trực tuyến có dấu hiệu bất hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
![]() |
Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (Vicopro) cho biết nhận được nhiều đơn thư phản ánh từ người tiêu dùng và các nhà bán lẻ về việc một số KOL, KOC kinh doanh trực tuyến có dấu hiệu bất hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, trong đó có “chiến thần” Võ Hà Linh. |
Vicopro cũng cho biết đã tiếp nhận nhiều đơn thư phản ánh về việc Võ Hà Linh có dấu hiệu bán hàng với giá thấp hơn đáng kể so với thị trường, ảnh hưởng đến hệ thống bán lẻ truyền thống. Đặc biệt, trước phiên livestream bán hàng ngày 15/3/2025 trên Facebook cá nhân, cô đã kêu gọi người tiêu dùng mua hàng số lượng lớn với lý do sàn thương mại điện tử sắp tăng phí vào đầu tháng Tư.
Trước những phản ánh trên, Vicopro đã gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng như Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để kiểm tra, xác minh và xử lý nếu phát hiện sai phạm. Hội cũng kêu gọi các cơ quan báo chí vào cuộc để cung cấp thông tin chính xác, giúp người tiêu dùng có cái nhìn khách quan về vụ việc.
Sau đó, trên trang cá nhân chính thức có tick xanh của Võ Hà Linh, team Hà Linh Official đã lên tiếng, khẳng định cam kết minh bạch trong các hoạt động livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và luôn đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu.
Trong một diễn biến khác có liên qua, sau khi Báo Công Thương thực hiện lấy ý kiến khảo sát, tiếp nhận thông tin phản ánh từ người tiêu dùng trên cả nước về các trường hợp cụ thể là những người có sức ảnh hưởng (có thể là y bác sĩ, KOL, Tiktoker)… tham gia quảng bá hàng hóa, sản phẩm sai sự thật, thổi phồng các công dụng, rất nhiều bạn đọc đã gửi thông tin phản ánh về những dấu hiệu “mập mờ” trong việc quảng cáo, bán sản phẩm của Tiktoker Võ Hà Linh.
Bạn đọc Nguyễn Thị Yến Nhi (trú tại Đồng Nai) đã từng mua kem Bibala mà Tiktoker Võ Hà Linh bán trong phiên livestream. Yến Nhi cho rằng, Tiktoker này quảng cáo sản phẩm “thần thánh”, giá đắt nhưng hiệu quả không như mong đợi. “Nó như kem trộn vậy đó, mùi kinh khủng dùng châm chít không hiệu quả, tình trạng da mặt còn tệ hơn lúc chưa dùng. Tôi thấy rất nhiều người Pr cho kem này bên tiktok chứ không riêng Võ Hà Linh”, bạn đọc Yến Nhi thông tin.
Bạn đọc Trần Tú Anh thì bày tỏ nghi vấn: “Các phiên livestream siêu giảm giá của KOL này có các sản phẩm bán giá thấp hơn thị trường rất nhiều, thậm chí còn rẻ hơn cả giá nhập đại lý. Nhưng chất lượng sản phẩm lại có nhiều vấn đề như hàng cận date…chất lượng kém hơn so với sản phẩm bán với giá thường ngày”.
Từ những dẫn chứng trên có thể thấy, việc một số cá nhân lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân để bán hàng phá giá, lũng đoạn giá trị sản phẩm và dẫn dắt tâm lý tiêu dùng đang trở thành một thực tế đáng báo động. Không dừng lại ở câu chuyện cạnh tranh thiếu lành mạnh, những hành vi này còn đặt ra dấu hỏi lớn về việc đội lốt review để hợp thức hóa quảng cáo trá hình, thao túng thị trường và thách thức các ranh giới pháp lý hiện hành.
Theo Báo Công Thương.
Bài viết liên quan

