
Ngân hàng Thế giới (WB): Nga vẫn đứng thứ 4 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới về GDP
Dự báo mới nhất về tình hình phát triển kinh tế toàn cầu và từng quốc gia trong năm 2024 của Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính Nga vẫn giữ vị trí thứ tư trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Chỉ số này được tính toán dựa trên sức mua tương đương (PPP) của đồng tiền quốc gia và đây là một điểm đáng chú ý.
Quan sát viên kinh tế Mikhail Belyaev của Trung tâm phân tích TASS mới đây đã đưa ra một số phân tích về việc tính toán GDP dựa trên PPP và lý do tại sao điều này lại quan trọng với Nga.
Cách đo lường nền kinh tế
Theo cách truyền thống mà cả WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường dùng, các quốc gia được xếp hạng dựa trên tỷ giá hối đoái danh nghĩa của những đơn vị tiền tệ quốc gia.
Tỷ giá này được hình thành trong quá trình giao dịch ngoại hối và chịu ảnh hưởng của các sự kiện kinh tế và chính trị thế giới.
Người bán và người mua tiền tệ trên sàn giao dịch là những công ty tham gia vào hoạt động ngoại thương, ngân hàng và các nhà đầu cơ tiền tệ, những người duy trì khối lượng giao dịch và cân bằng các biến động quá mức.
Cơ chế này về cơ bản hoạt động tốt và cũng phù hợp với những người trực tiếp tham gia vào các giao dịch xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, phương pháp nói trên không hoàn toàn phù hợp để so sánh phân tích nền kinh tế của các quốc gia khác nhau.
Xét cho cùng, phương pháp dựa trên giá cả thế giới, không phản ánh đầy đủ tỷ lệ giá cả trong nước, được hình thành trên cơ sở tình hình chung của nền kinh tế, hiệu quả, truyền thống của nền kinh tế và cuối cùng là các yếu tố trong nước khác.
Hơn nữa, tỷ giá danh nghĩa chủ yếu chỉ liên quan đến các mặt hàng được mua bán ở nước ngoài, mà đây chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia. Không phải tất cả hàng hóa sản xuất ra đều được mang đi xuất khẩu.
Ví dụ, rất ít ai mang những khối bê tông cốt thép hay các vật dụng nhỏ lẻ trong nước đi giao dịch quốc tế. Vì những lý do này, GDP tính theo tỷ giá danh nghĩa có thể chưa phản ánh đầy đủ quy mô thực tế của nền kinh tế.
Cần phải làm rõ rằng trong trường hợp các nền kinh tế phát triển, sự bóp méo không mạnh như trong trường hợp những nền kinh tế đang phát triển.
Để khắc phục nhược điểm này và theo đó có được bức tranh toàn cảnh hơn, các chuyên gia và nhà phân tích đã quyết định tính GDP theo sức mua tương đương.
Phương pháp tính toán này về mặt lý thuyết rất đơn giản và logic. Theo đó, sẽ lấy một rổ hàng hóa và dịch vụ tại một quốc gia và định giá chúng bằng đồng tiền của nước đó.
Sau đó, lấy đúng rổ hàng hóa đó với chất lượng tương tự ở một quốc gia khác và định giá bằng đồng tiền của nước này. Cuối cùng, chỉ cần lấy hai con số này chia cho nhau là sẽ ra được tỷ lệ sức mua tương đương.
Rõ ràng, rổ hàng hóa và dịch vụ dùng để tính toán càng đa dạng và toàn diện thì kết quả sẽ càng chính xác. Trước đây, khi công nghệ còn hạn chế, việc này gây ra một số khó khăn.
Ngày nay, với sự hỗ trợ của công nghệ máy tính hiện đại, việc tính toán có thể thực hiện một cách chi tiết và toàn diện.
Có thể thấy rằng các nước phát triển lâu năm ít chú trọng hơn đến cách tính này. Tuy nhiên, với sự vươn lên của các nền kinh tế đang phát triển trên trường quốc tế, tầm quan trọng của những tính toán theo PPP đã tăng lên đáng kể.
Một ví dụ dễ hiểu để minh họa cho PPP là “chỉ số Big Mac” – dựa trên giá của chiếc bánh burger nổi tiếng này, được tạp chí The Economist của Anh tính toán suốt 40 năm qua. Dù nghe có vẻ lạ, chỉ số này lại rất hợp lý.
Để làm ra chiếc bánh này cần có thịt, ngũ cốc, rau củ, cũng như chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng, lương nhân viên và nhiều thứ khác. Điều quan trọng nhất là chiếc bánh được sản xuất theo một công thức chuẩn trên toàn thế giới.
Do đó, chỉ cần so sánh giá một chiếc Big Mac ở hai quốc gia khác nhau là có thể hình dung sơ bộ về sức mua tương đương giữa hai đồng tiền.
Vị thế của kinh tế Nga trên bản đồ thế giới
Hãy cùng xem xét cụ thể hơn về vị trí thứ tư của Nga. Theo tính toán của WB, Nga kết thúc năm 2024 với GDP đạt 6.920 tỷ USD, tăng 5,8% về khối lượng hàng hóa và dịch vụ sản xuất so với năm 2023.
Các vị trí dẫn đầu thuộc về Trung Quốc (38.190 tỷ USD), Mỹ (29.180 tỷ USD) và Ấn Độ (16.190 tỷ USD). Thoạt nhìn, quy mô kinh tế của Nga có khoảng cách khá xa so với các nước dẫn đầu.
Tuy nhiên, nếu xét trên một góc độ khác là hiệu suất kinh tế so với quy mô dân số (vốn ít hơn Ấn Độ và Trung Quốc khoảng 10 lần), kết quả của kinh tế Nga rất đáng ghi nhận.
Tương tự, so với Mỹ (có dân số lớn hơn Nga khoảng 2,4 lần), khoảng cách về tổng quy mô kinh tế cũng được nhìn nhận ở một góc độ khác.
Ngoài ra, cần nhấn mạnh rằng Nga đã khẳng định được vị thế khá ổn định trong nhóm dẫn đầu. Thứ nhất, Nga đã duy trì được vị trí này trong năm thứ hai liên tiếp, điều này cho thấy sự ổn định. Thứ hai, và đây là một yếu tố quan trọng, các nền kinh tế cạnh tranh khác lại đang cho thấy những chỉ số tăng trưởng khiêm tốn hơn.
Bức tranh cạnh tranh giờ đây không chỉ còn là các nền kinh tế truyền thống ở châu Âu. Theo IMF, GDP (tính theo PPP) của Đức là 6.040 tỷ USD (vị trí thứ 6) nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế gần như bằng 0, nghĩa là chỉ số này đang chững lại.
Pháp (vị trí thứ 9) có GDP là 4.400 tỷ USD và tốc độ tăng trưởng dự báo dưới 1% – các chỉ số tương tự cũng được ghi nhận ở Anh (vị trí thứ 10).
Nhật Bản (với 6.400 tỷ USD, vị trí thứ 5) là quốc gia theo sát nhất, nhưng tốc độ tăng trưởng của nước này được dự báo chỉ đạt 1,1% trong kịch bản tốt nhất. Con số này được cho là chưa đủ để tạo ra một bước đột phá rõ rệt.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Indonesia cũng đang vươn lên mạnh mẽ, đứng ngay sau Đức với GDP (Gross Domestic Product) lần lượt là 4.700 tỷ USD và 4.600 tỷ USD. Các quốc gia này hiện cần thêm thời gian để có thể cạnh tranh cho những vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng.
Theo tính toán của Bộ Phát triển Kinh tế Nga, nền kinh tế nước này dự kiến vẫn sẽ tăng trưởng 2,4% ngay cả trong các điều kiện còn nhiều thách thức. Dự báo của Viện Nghiên cứu Quốc tế Vienna còn đưa ra con số lạc quan hơn là 2,5%.
Dù việc vươn lên các vị trí cao hơn vẫn còn là một nhiệm vụ không dễ, việc duy trì những kết quả đã đạt được là hoàn toàn có thể.
Niềm tin vào triển vọng của kinh tế Nga được củng cố bởi chương trình phát triển các ngành ưu tiên, việc mở rộng hợp tác với những nước đối tác, cũng như việc nới lỏng dần chính sách tiền tệ, được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho hoạt động kinh doanh.
Theo TTXVN
Bài viết liên quan

