Năm 2024, chỉ số GDP dự kiến tăng khoảng 7%. Năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các bộ ngành, địa phương phấn đấu đạt tăng trưởng GDP hai chữ số, dù chỉ tiêu Quốc hội đã giao chỉ trên 7% và mức Thủ tướng, Chính phủ đề ra trước đó chỉ trên 8%.
Tại hội nghị tổng kết ngày 28/12, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận 20 năm tới, Việt Nam phải tăng trưởng cao, phấn đấu từ 10% trở lên, để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, từ nay đến 2030 theo ông là giai đoạn quan trọng nhất để Việt Nam đạt mục tiêu này.
Thực tế, sau hơn ba thập kỷ đổi mới, phát triển, Việt Nam đã chuyển từ nước nghèo, tiến gần mức thu nhập trung bình cao. Việt Nam đang đặt mục tiêu thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào 2030 và nước phát triển có thu nhập cao vào 2045. Song, nền kinh tế chưa có một giai đoạn phát triển cao (trung bình 10% mỗi năm kéo dài trên 10 năm). Do vậy, giới chuyên môn cho rằng thách thức của Việt Nam là làm sao để có thể tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững, để dần bước vào nhóm các nước có thu nhập cao.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đạt được mục tiêu này, từng ngành, lĩnh vực và địa phương phải xác định mục tiêu đột phá, nắm bắt sự dịch chuyển toàn cầu về đầu tư, thương mại, tài chính để khai thác tối đa thời cơ mới. Đồng bằng sông Hồng – Đông Nam Bộ (chiếm hơn 60% GDP cả nước) và Hà Nội – TP HCM (chiếm 28% GDP cả nước) cũng phải tăng trưởng hai con số để là đầu tàu, dẫn dắt tăng trưởng của cả nước.
“Dư địa nguồn lực trong nền kinh tế còn nhiều, nhưng chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, nhất là tư nhân”, ông Dũng nói. Do vậy, ông cho rằng nhà điều hành cần tạo đột phá mạnh hơn nữa về cơ chế, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nguồn lực.
Việt Nam cũng cần phát triển mạnh lực lượng doanh nghiệp nội địa, doanh nghiệp dân tộc, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế. Việt Nam cần xây dựng những thể chế vượt trội để doanh nghiệp nhà nước khẳng định được vị trí, vai trò chủ đạo của nền kinh tế.
Đồng thời, theo ông Dũng, những nút thắt của nhiều dự án, cả Nhà nước và tư nhân, cần tháo gỡ để giải phóng nguồn lực bị ách tắc, từ đó, đóng góp cho tăng trưởng, sản xuất kinh doanh, thu ngân sách, tạo việc làm.
“Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới”, ông Dũng nói về năm 2024, năm Việt Nam đạt 15/15 chỉ tiêu được Quốc hội giao, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân được củng cố.
Thực tế, Việt Nam thuộc nhóm ít các nước tăng trưởng cao trong khu vực, thế giới và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Chẳng hạn, trong báo cáo công bố giữa tháng này, HSBC gọi Việt Nam là “ngôi sao tăng trưởng” Đông Nam Á, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực năm ngoái. Con số 7% cũng là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á (cùng với Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan).
Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu – vốn đang suy giảm, cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Một ví dụ được ông Dũng nhắc tới là việc Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVidia ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tháng 12. “Sự kiện này mang tính bước ngoặt lịch sử, đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á”, ông nói.
Năm sau, ông yêu cầu toàn ngành kế hoạch đầu tư – thống kê tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc đến hết 2025, đầu tư các tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, đường sắt đô thị, kết nối với Trung Quốc, các dự án năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo.
“Các đơn vị phải đồng hành, xác định khó khăn của doanh nghiệp cũng là vướng mắc của mình để tháo gỡ”, ông giao, thêm rằng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ giúp thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành làm tốt hơn nữa việc điều hành kế hoạch, điều phối kinh tế vĩ mô, xây dựng kịch bản tăng tốc. Việc này nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 cao hơn chỉ tiêu Trung ương và Quốc hội đã giao.
Với đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu tăng giải ngân, tiếp tục cắt giảm số dự án đầu tư công trung hạn 2026-2030 xuống dưới 3.000 dự án. “Đầu tư không dàn trải, manh mún, tập trung vốn cho các công trình chiến lược quốc gia”, ông nói, nhấn mạnh Việt Nam cần có hạ tầng để khai thác các không gian phát triển mới (ngầm, trên biển, vũ trụ).
Nhà điều hành sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các mô hình kinh tế mới, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp.
Theo VnExpress