Skip to main content

Báo cáo xu hướng công nghệ 2024 của IBM: Ưu tiên AI+ trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo

14 Tháng Mười Hai, 2023

Trong báo cáo xu hướng công nghệ 2024 của IBM, IBM cho rằng doanh nghiệp đang chuyển từ “bổ sung AI vào quy trình hoạt động” (Plus AI) sang mô hình “AI là ưu tiên hàng đầu” (AI Plus).

Báo cáo xu hướng công nghệ 2024 của IBM
Báo cáo xu hướng công nghệ 2024 của IBM: Ưu tiên AI+ trong ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Theo báo cáo xu hướng công nghệ 2024 của IBM, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra lợi thế của AI và tìm cách ứng dụng vào hoạt động. 75% CEO tham gia khảo sát của IBM tin rằng AI giúp tăng sức cạnh tranh cho công ty, 43% cho biết đã tìm đến sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo khi cần đưa ra quyết định chiến lược. 36% sử dụng AI cho quá trình xây dựng phương án vận hành.

Tuy nhiên, khoảng 60% doanh nghiệp không ứng dụng AI một cách toàn diện vào hoạt động. Nói cách khác, những đơn vị này phát triển theo hướng xem AI là công cụ bổ sung, được thêm vào sau khi hệ thống đã hoàn thiện, còn gọi là Plus AI, hay +AI.

“Plus AI là mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bộ phận riêng lẻ hoặc quy trình có sẵn của công ty, do đó chỉ đem lại lợi ích trong ngắn hạn”, bà Phạm Thị Thu Diệp, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Công nghệ IBM Việt Nam, nhận định. “Để mở rộng quy mô và tận dụng hiệu quả AI, nhiều doanh nghiệp đang có xu hướng chuyển sang mô hình AI Plus”.

Với AI Plus (AI+), các doanh nghiệp xây dựng giải pháp AI trước khi hoàn thiện các bộ phận chuyên ngành, từ đó biến trí tuệ nhân tạo thành trung tâm phát triển, tạo ảnh hưởng tích cực tới mọi hoạt động và dịch vụ thiết yếu.

Theo IBM, các giải pháp AI+ cải thiện 40% năng suất nhân sự, giải quyết 90% vấn đề phát sinh từ bộ phận chăm sóc khách hàng, đồng thời xử lý 60% yêu cầu phát triển phần mềm nhờ khả năng tự động phân tích ứng dụng, tạo và chuyển đổi mã lập trình.

Từ kết quả này, IBM đánh giá việc chuyển sang mô hình AI+ đã là xu hướng công nghệ và sẽ tiếp tục mở rộng trong năm 2024.

Tuy nhiên, đại diện IBM cho rằng để hoàn thiện mô hình AI+, doanh nghiệp cần đáp ứng một số yêu cầu đặc biệt hơn so với mô hình cũ. Đầu tiên, họ phải trao quyền và cung cấp cho đội ngũ nghiên cứu AI các công cụ để đào tạo, điều chỉnh, triển khai mô hình máy học. Ngoài ra, các mô hình này cũng cần được thiết kế để hoạt động trên kiến trúc đa đám mây, tập trung thu thập, truy xuất nguồn dữ liệu riêng của doanh nghiệp.

Thứ hai, doanh nghiệp phải sớm xây dựng kho lưu trữ dữ liệu, được quản lý chặt chẽ nhưng vẫn cho phép AI truy cập để học hỏi và chia sẻ nội dung, phục vụ quá trình hoạt động. Cuối cùng, doanh nghiệp cần tạo quy trình cụ thể, khiến AI làm việc một cách có minh bạch, có trách nhiệm, từ đó tạo niềm tin từ tập thể nhân viên vào công cụ này.

“Mô hình AI Plus sẽ vận hành hiệu quả khi tuân thủ ba nguyên tắc cơ bản: AI được thiết kế, sử dụng với mục đích hỗ trợ trí tuệ của con người; đảm bảo dữ liệu và nguồn thông tin luôn thuộc quyền sở hữu của đơn vị chủ quản; nội dung đầu ra cung cấp bởi AI phải luôn minh bạch và có thể giải thích được”, Patel nói.

Năm nay, IBM đã giới thiệu Watsonx – nền tảng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ xây dựng, tinh chỉnh mô hình máy học, giúp đơn giản hóa việc phát triển công ty theo hướng AI Plus.

Bên cạnh xu hướng chuyển dịch từ +AI sang mô hình mới, IBM cho rằng năm 2024 sẽ xuất hiện thêm bốn xu hướng lớn khác trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ vào doanh nghiệp, gồm nhân lực có kinh nghiệm làm việc với AI sẽ thay thế người lao động phổ thông; tận dụng nguồn lợi từ kho dữ liệu lớn; ứng dụng AI để phân tích dữ liệu, tăng khả năng phản ứng của doanh nghiệp trước biến động bên ngoài; phát triển sản phẩm, dịch vụ theo hướng hệ sinh thái.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnExpress

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …