Skip to main content

Humanized Marketing là gì? Các bước thực hiện Humanized Marketing

16 Tháng Tám, 2022

Cùng tìm hiểu các lý thuyết về thuật ngữ Humanized Marketing như: Humanized Marketing là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và hơn thế nữa.

Humanized Marketing là gì
Humanized Marketing là gì? Nó ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp

Bên cạnh các hoạt động cá nhân hoá tiếp thị (Personalized Marketing), một chiến lược khác có thể giúp doanh nghiệp khác biệt hoá so với đối thủ đó là Humanized Marketing hay còn được gọi là tiếp thị nhân bản.

Trong những năm trở lại đây, tiếp thị kỹ thuật số hay Digital Marketing là từ khoá chính của hầu hết mọi doanh nghiệp ở mọi quy mô.

Với những thế mạnh hiện có, Digital Marketing giúp thương hiệu thu thập dữ liệu một cách khá để dàng để từ đó có thể cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng khi tương tác với thương hiệu của họ.

Tuy nhiên, khi phương thức Marketing này không còn quá xa lạ, các doanh nghiệp hay thương hiệu phải tìm kiếm những cách thức mới để nuôi dưỡng mối quan hệ và xây dựng niềm tin giữa họ với khách hàng.

Humanized Marketing hay tiếp thị nhân bản chính là từ khoá mà các doanh nghiệp có thể tham khảo.

Humanized Marketing là gì?

Để có thể hiểu thuật ngữ Humanized Marketing hay phương thức marketing tập trung vào yếu tố con người, chúng ta cần xem xét đến khái niệm Personalized marketing hay cá nhân hoá tiếp thị.

Personalized Marketing cho phép các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu thu thập được của từng người tiêu dùng để cung cấp những thông điệp riêng biệt (cá nhân hoá) phù hợp với các giá trị cá nhân của họ.

Các marketer sẽ sử dụng dữ liệu này để tối ưu các nội dung marketing, chẳng hạn như việc đưa tên của một người dùng nào đó vào tiêu đề email, gửi quà tặng sinh nhật hoặc hiển thị các quảng cáo tương tự với các quảng cáo mà họ đã từng tương tác trước đó.

Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian nhất định, khi phải liên tục nhận được những nội dung kiểu như là tự động và thiếu cảm xúc, liệu người dùng có còn cảm hứng tương tác với thương hiệu?

Humanized Marketing có thể được xem là một bước tiến mới của Personalized Marketing khi vừa sử dụng các điểm dữ liệu thu thập được vừa xem xét đến các yếu tố nội dung và cảm xúc từ các tương tác của họ.

Khi này, các hệ thống quản lý mối quan hệ với khách hàng (CRM) đóng vai trò nền tảng trong việc làm sáng tỏ các mục tiêu, thách thức và nhu cầu của khách hàng.

Với những thông tin có được, người làm marketing có thể tiếp cận khách hàng ở góc nhìn “con người”, cung cấp tất cả các giải pháp gắn liền với hành trình của khách hàng hay chu kỳ sống của sản phẩm.

Về mặt tổng thể, Humanized Marketing là 1 phần nhỏ của ngành marketing, bạn có thể xem marketing là gì để có những góc nhìn toàn diện nhất về ngành.

Nhân bản hóa doanh nghiệp và thương hiệu.

Người tiêu dùng đang quan tâm đến các trải nghiệm của họ khi tương tác với thương hiệu hơn bao giờ hết. Bằng cách ứng dụng Humanized Marketing, doanh nghiệp đang thể hiện với khách hàng rằng họ quan tâm đến cảm xúc của khách hàng và sẽ luôn tìm đủ mọi cách để tương tác với khách hàng ở cấp độ con người.

Nhân bản hóa thương hiệu và cải thiện trải nghiệm của khách hàng với thương hiệu ở cấp độ con người chính là những gì mà Humanized Marketing hướng tới.

Các bước cơ bản để đưa Humanized Marketing vào doanh nghiệp là gì?

Để áp dụng Humanized Marketing, bước đầu tiên là xem xét cách doanh nghiệp của bạn quan tâm đến dữ liệu của người tiêu dùng. Doanh nghiệp đang thu thập dữ liệu như thế nào, cần thu thập những gì và tại sao?

Khi các yếu tố về quyền riêng tư dữ liệu đang là một thách thức với các doanh nghiệp, bạn nên giúp khách hàng của mình giảm bớt các lo lắng bằng cách minh bạch hoá các dữ liệu được thu thập, sử dụng dữ liệu một cách có đạo đức và hơn thế nữa.

Ngoài ra, để khách hàng không cảm thấy bị quá tải hay làm phiền, bạn có thể khảo sát và cho khách hàng các lựa chọn về tần suất hay cách họ nhận nội dung quảng cáo.

Bước thứ hai cần xem xét đến là phản hồi của khách hàng. Lần cuối cùng doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn gửi bản khảo sát về mức độ hài lòng của khách hàng là khi nào?

Nếu bạn chưa từng làm điều này (hoặc đã lâu chưa làm) và cứ thế “dội” thông tin về phía họ thì đã đến lúc bạn nên dừng lại để tìm cách hiểu họ nhiều hơn.

Người tiêu dùng muốn biết rằng các thương hiệu đang chú ý đến nhu cầu và ý kiến của họ, sẵn sàng tiếp nhận quan điểm của họ và từ đó sẵn sàng thực hiện các thay đổi để cung cấp các giải pháp tốt hơn.

Bước thứ ba khi áp dụng Humanized Marketing là tối ưu hoá các thông điệp truyền thông.

Kể từ khi COVID-19 diễn ra, về cơ bản, các hành vi hay nhu cầu tiếp nhận thông tin của khách hàng cũng đã thay đổi.

Đã đến lúc bạn cần làm mới những gì đã có trước đó, từ các nội dung trên website, nội dung quảng cáo Facebook đến các nội dung email mà bạn từng gửi đến họ.

Bạn cũng có thể tự hỏi liệu khách hàng có đang cảm thấy hài lòng với những thông điệp mà họ nhận được, hay nhu cầu về nội dung của họ đã thay đổi như thế nào sau từng khoảnh khắc (thời điểm) quan trọng.

Để có tối ưu hoá các thông điệp cho khách hàng, nhiệm vụ đầu tiên của bạn không phải là xây dựng nội dung mà là lắng nghe xem họ đang suy nghĩ gì.

Bước thứ tư cần xem xét là đánh giá lại các phương tiện truyền thông mạng xã hội (Social Media).

Khi mạng xã hội là nơi mà người dùng chọn làm điểm đến để tìm kiếm, khám phá, tìm hiểu và tương tác với thương hiệu, doanh nghiệp không thể nhân bản hoá các hoạt động marketing mà bỏ qua các nền tảng này.

Hãy để các nền tảng mạng xã hội thể hiện lý do tại sao khách hàng nên chọn kết nối với thương hiệu của bạn và những ý nghĩa nhân văn mà thương hiệu của bạn có thể mang đến cho họ và cộng đồng là gì.

Bước cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là quan tâm đến các giá trị và hạnh phúc của nhân viên.

Nhân viên chỉ có thể mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng khi họ cũng đang trải nghiệm những cảm xúc tích cực từ chính nơi họ đang làm việc.

Khách hàng hài lòng theo đó sẽ thúc đẩy tinh thần và động lực làm việc của nhân viên, và như là một vòng xoáy liên tục, chính điều này sẽ thúc đẩy hiệu suất kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Dù cho là bạn đang nhân bản hoá các hoạt động marketing hay bất cứ hoạt động nào khác trong doanh nghiệp, bạn không thể “nhân bản” trong khi chính những người thực thi nó đã không có tính “nhân bản”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

7 xu hướng Digital Marketing nổi bật trong năm 2025

22 Tháng Mười Hai, 2024
Trong khi Digital marketing được dự báo tiếp tục là một kênh quan trọng để các thương hiệu và doa…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …