Skip to main content

Thẻ: Sứ mệnh

Brand Mission: Sự khác biệt giữa sứ mệnh và mục đích thương hiệu

Việc tìm ra những đường lối cho thương hiệu từ những ngày đầu thành lập doanh nghiệp là công việc hết sức quan trọng. Doanh nghiệp cần xác định đúng sứ mệnh thương hiệu (Brand Mission) và mục đích thương hiệu (Brand Purpose) trước cả khi xây dựng chiến lược kinh doanh.

Sự khác biệt giữa mục đích và sứ mệnh của thương hiệu
Brand Mission: Sự khác biệt giữa mục đích và sứ mệnh của thương hiệu

Đối mặt với muôn vàn sự mơ hồ và bất ổn của thế giới đại dịch, các nhà lãnh đạo cấp cao của doanh nghiệp cần có một khung chiến lược mới cho sự phát triển trong tương lai.

Từ những quyết định về các chiến lược kinh doanh, sứ mệnh thương hiệu, mục đích của thương hiệu, nhiệm vụ của marketing đến các hoạt động bán hàng cụ thể.

Với những gì mà “thế giới mới” đang mang lại, sự thật là ngay cả những nhà lãnh đạo kinh doanh giàu kinh nghiệm nhất cũng tỏ ra ngần ngại khi phải lựa chọn những yếu tố cần ưu tiên hàng đầu và ý nghĩa đằng sau những sự ưu tiên đó.

Theo Giáo sư Felix Oberholzer-Gee tại Trường Kinh doanh Harvard, trong một thế giới mới với đầy sự bất ổn, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là cắt bỏ những sự phức tạp để có được những chiến lược tốt hơn và hiệu quả hơn, chiến lược hiệu quả là chiến lược đơn giản.

Hai trong số những ưu tiên chiến lược hàng đầu mà các doanh nghiệp cần xây dựng đó là “mục đích thương hiệu” (brand purpose) và “sứ mệnh thương hiệu” (brand mission), chúng là những thành phần nền tảng của bất cứ chiến lược thương hiệu nào của doanh nghiệp.

Trong khi hai thuật ngữ này vốn khác nhau về mục đích lẫn vai trò, không ít các doanh nghiệp không phân biệt được chúng.

1. Mục đích thương hiệu (brand purpose) và Sứ mệnh thương hiệu (brand mission) phải cùng hướng đến câu hỏi tại sao (why?).

Mục đích và Sứ mệnh về cơ bản là những cách tiếp cận khác nhau để xác định lý do tại sao một doanh nghiệp tồn tại.

Theo quan điểm này, mục đích là một ý tưởng rộng hơn và có ý nghĩa cao hơn về lý do tại sao sự tồn tại của một doanh nghiệp cần vượt ra khỏi khái niệm lợi nhuận đơn thuần, trong khi sứ mệnh thì hẹp hơn và thực tế hơn về lý do tại sao sự tồn tại của thương hiệu cần gắn liền với việc mang lại lợi ích cho các bên liên quan.

Các doanh nghiệp hoạt động có mục đích theo đó là những doanh nghiệp cam kết tạo ra các tác động tích cực cho xã hội và xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Hãy nhìn vào Unilever, với mục đích “Tạo nên một cuộc sống bền vững” hay Patagonia với mục đích là “Để cứu hành tinh của chúng ta”.

Ở khía cạnh khác, các doanh nghiệp được định hướng bởi sứ mệnh luôn tập trung vào việc mang lại những tác động hay sức ảnh hưởng đến khách hàng, nhân viên và cả cổ đông.

Với Google, sứ mệnh của công cụ tìm kiếm này là “Cung cấp một thế giới thông tin có thể truy cập được trên toàn cầu chỉ với một cú nhấp chuột”, hay sứ mệnh của Starbucks chính là “Truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần của nhân loại”.

Trong khi rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhầm lẫn về cách sử dụng thì hai thuật ngữ này nên được phân biệt để dễ dàng theo đuổi, là mục đích kinh doanh cao cả hay tập trung vào những sứ mệnh.

2. Mục đích thương hiệu và Sứ mệnh thương hiệu là những phần bổ sung của câu chuyện thương hiệu (brand story).

Sứ mệnh là thứ thúc đẩy thương hiệu, trong khi mục đích là lý do tại sao thương hiệu được thúc đẩy. Mục đích của thương hiệu giải thích tại sao để tồn tại doanh nghiệp cần thoát ra khỏi khái niệm tiền bạc hay lợi nhuận và sứ mệnh của nó sẽ mô tả những gì doanh nghiệp cần làm để hiện thực hoá mục đích của mình.

Có thể mục đích của thương hiệu của bạn là “Tạo dựng nên những niềm tin trong xã hội và giải quyết các vấn đề quan trọng…” nào đó, và bạn sẽ đạt được mục đích thông qua sứ mệnh “Giúp các tổ chức và cá nhân…nhận được nhiều giá trị thông qua những thứ mà họ đang tìm kiếm, bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ chất lượng…”

Trong bất cứ doanh nghiệp nào, mặc dù chúng đóng các vai trò khác nhau, cả mục đích và sứ mệnh đều là những khía cạnh quan trọng mang tính chiến lược.

McKinsey & Company có mục đích là “Giúp tạo ra những sự thay đổi tích cực và lâu dài trên thế giới”, thông qua sứ mệnh “Giúp khách hàng tạo ra những sự cải tiến khác biệt, lâu dài và đáng kể trong hiệu suất đồng thời xây dựng một doanh nghiệp có thể thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài.”

Trong khi Accenture thực hiện tốt mục đích của mình là “Mang đến những sự hứa hẹn về công nghệ và sự khéo léo của con người” thông qua sứ mệnh “Giải quyết những thách thức khó khăn nhất của khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ nổi trội về chiến lược, tư vấn, kỹ thuật số, công nghệ và vận hành.”

Bạn chỉ có thể mang lại những điều tốt đẹp hơn trên thế giới, với những mục đích cao cả hơn – nếu bạn có một sứ mệnh có khả năng giúp bạn hiện thực hóa mục đích. Đó là lý do tại sao mục đích và sứ mệnh của thương hiệu cần được liên kết một cách chặt chẽ trong các doanh nghiệp.

Thế giới cần nhiều hơn những doanh nghiệp được xây dựng và định hướng bởi cả yếu tố mục đích thương hiệu và sứ mệnh thương hiệu. Và hiển nhiên, nó cũng kéo theo những sự thay đổi tích cực cả cho các bên liên quan (khách hàng, nhân viên, cổ đông…) và cho xã hội nói chung.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Giang Nguyễn

Làm thế nào để tìm ra ‘sứ mệnh của đời mình’

Đây là một trăn trở mà rất nhiều các bạn trẻ, các bạn sinh viên thường đặt ra.

Thật ra ngay cả nhiều bạn bè đã là các doanh chủ hay đã trải nhiều kinh nghiệm sống, đôi khi nửa đùa nửa thật, cũng nói “làm gì có cái gọi là sứ mệnh trong đời. Kiếm tiền sống tốt cho mình và cho gia đình, không hại mình hại người, thế là đủ rồi”.

Cách đây 24 năm, ngày tôi tốt nghiệp đại học ra trường, chẳng được tiếp cận với thông tin gì, nhưng thế hệ tuổi trẻ ngày đó, cũng có 1 trăn trở tương tự: “Sống có lý tưởng nghĩa là gì? Có nên chọn cuộc đời dấn thân cho việc sống theo lý tưởng không, hay là chỉ cần sống tốt là đủ?”.

Thật ra, việc đi tìm kiếm lý tưởng hay sứ mệnh, là một mệnh đề lớn trong sự phát triển tư tưởng của loài người. Không phải đến khi các chuyên gia về phát triển bản thân hướng dẫn mới xuất hiện. Bản chất câu hỏi này nằm gọn trong 3 mệnh đề vĩnh hằng: “Tôi là ai? Tôi sinh ra để làm gì? Tôi sẽ đi về đâu”. Thật may mắn nếu trong đời này bạn tìm được đáp án.

Quay trở lại với câu hỏi dành cho các bạn trẻ. Làm thế nào để tìm ra sứ mệnh của cá nhân? Điều này thật ra giống như một trò chơi may rủi: có người ngay từ lúc trưởng thành đã tìm thấy sứ mệnh, có người cả đời không chạm đến hoặc tìm mãi mà không thấy.

Thực ra sứ mệnh, lý tưởng hay đam mê, nó là một thứ ánh sáng mà nếu bạn cứ mong đợi, tìm mọi cách đuổi theo nó, nó sẽ vẫn chạy trước bạn, không có cách nào bắt được. Bởi ánh sáng đó giống như ánh mặt trời, vốn ở rất xa, rất cao và “vô hình” trong mắt ta.

Cũng giống như ánh mặt trời. Chói lọi, ấm áp. Nếu bạn dùng tâm thức để cảm nhận một cách tĩnh lặng, bạn sẽ có thể cảm thấy dường như ánh sáng len lỏi vào từng tế bào. Hãy thử ngồi ở sân nhà, trên thảm cỏ, ngoài bờ biển hay ở quảng trường, bạn sẽ thấy điều tôi nói.

Đuổi theo, mong muốn tóm được sứ mệnh, sứ mệnh càng rời xa. Bình lặng, yên tĩnh cảm nhận, sứ mệnh sẽ lắng đọng ngay trong tâm thức.

Bởi vì sứ mệnh không phải là một thứ gì đó vĩ đại mà bạn phải gồng mình để trở thành. Sứ mệnh là điều khiến bạn thấy cuộc sống trở nên vui vẻ, hạnh phúc mỗi ngày, là điều khiến bạn có động lực rời giường ấm êm mỗi sáng.

Sứ mệnh có thể chỉ giản dị là đem lại nụ cười và niềm vui cho gia đình, bạn đời, cha mẹ, con cái. Sứ mệnh cũng có thể là việc làm ra nhiều tiền hơn để có một cuộc sống tốt hơn cho mình và người thân.

Chẳng sao cả. Miễn là mình thấy đủ.

Nhưng nếu những điều tôi vừa nói khiến bạn thấy “không đủ”, “không thấy vui”, nhất là khi nghĩ đến viễn cảnh có thật nhiều tiền, được sống sung sướng và “muốn gì được nấy”, bạn vẫn không thấy tim mình đập nhanh hơn, nụ cười rạng rỡ hơn, hào hứng làm việc hơn… thì bạn đã thuộc nhóm <10% nhân loại.

Vì sứ mệnh, lý tưởng của bạn lớn hơn so với bản thân đời sống của một cá nhân.

Trong trường hợp này, kinh nghiệm làm việc với hàng chục ngàn học viên, hàng ngàn chủ DN cho thấy, bạn đừng vội vã và trăn trở ngày đêm “tìm kiếm”.

Hãy chọn một công việc, hành động khiến bạn cảm thấy hào hứng mỗi sáng sớm và suy nghĩ không ngủ được mỗi đêm. Nên lưu ý “hành động/ công việc” chứ không phải là một “ý tưởng”.

Nhiều bạn trẻ chỉ miên man chìm đắm trong ý tưởng, vui sướng với ý tưởng mà không hành động. Điều này sẽ khiến bạn ngày càng đi xa khỏi ánh sáng dẫn đường.

Cá nhân tôi, trong gần 8 năm đầu đời sau khi tốt nghiệp đại học (1996), đến tận 2002, sau khi đã xây và vận hành công ty Thanhs 2 năm mới thực sự nhận ra công việc và hành động khiến mình vui thích và không thấy nhàm chán, không “sợ ngày Thứ 2 đầu tuần”.

Một mô hình rất phù hợp để ứng dụng cho bạn trong trường hợp này, là #ikigai. Công việc/hành động có thể khiến bạn đắm chìm niềm vui mỗi ngày một cách lâu dài, thường phải là sự giao thoa của tối thiểu 3 thành phần:

#No1

Sở trường, sở thích. VD như tôi là người thích đọc sách, chia sẻ kiến thức, thích viết, thích cafe, trà, thích suy ngẫm, thích đi bộ hơn chạy, thích leo núi hơn nhảy sóng… Vì thế công việc ban đầu “đàm phán chốt hợp đồng”, “thiết kế” ” và “quản trị mô hình KD” không phải là điều mình cảm thấy “happy” dù nó tạo ra tiền và là công việc phù hợp. Chỉ đến khi chọn làm “tư vấn” thì mới thấy “wow”.

#No2

Đem lại lợi ích, giá trị cho nhiều người. Điều này rất tuyệt vời. Nếu bạn đem lại giá trị cho càng nhiều người, niềm vui trong tim bạn càng lớn. Vì đây là một quy luật tồn tại của con người, loài người vốn có mối dây liên hệ với nhau mỏng nhẹ như tơ nhện, chỉ cần sóng rung động đúng tần số là ta sẽ cảm được.

Nhiều người nhận được giá trị, thì niềm vui trong lòng họ sẽ thông qua sợi tơ nhện mảnh mai kia tác động đến tâm thức của ta. Càng nhiều thì ta càng dễ cảm nhận được.

#No3

Tạo ra tiền để có thể thoả mãn nhu cầu, tái tạo năng lượng, giải quyết các vấn đề của bản thân và gia đình. Đừng coi thường điều này khi lựa chọn hành động. Vì đây là “tử huyệt” quyết định việc bạn sẽ gắn mình bền vững với hành động đã chọn hay không.

Nếu bạn đã tìm ra được công việc / hành động đáp ứng 3 điều trên. Xin chúc mừng bạn. Bạn đã đi đúng đường rồi, đừng ngần ngại đi tiếp.

Nếu bạn mới chỉ thấy 2/3 điều trên. Nhất là thành tố thứ 3 (tạo ra thu nhập đủ giải quyết nhu cầu cá nhân) – nếu không tạo ra, chắc chắn bạn sẽ phải từ bỏ dù say mê.

Lời khuyên của tôi là: Đừng bao giờ dấn thân quá lâu (trên 6tháng or 1 năm) vào công việc hay hành động không tạo ra thu nhập (trừ phi làm từ thiện hoặc nuông chiều sở thích).

Vậy thì điều quan trọng của bạn lúc này là tìm cho mình 1 Mentor (người dẫn dắt, hướng dẫn, có thể là sếp, thầy cô giáo, cha mẹ, chuyên gia cố vấn, người có kinh nghiệm tại công sở…) để cùng tìm ra công việc có thể dung hoà được 3 thành tố trên.

Trong trường hợp chỉ mới chọn được 1/3 thứ. Tôi khuyên bạn nên chọn tiêu chí số 2 “đem lại nhiều giá trị hơn cho nhiều người”, bạn sẽ sớm được tưởng thưởng bằng niềm vui, thành công, sự giúp đỡ và cả tiền bạc trong tương lai gần.

Điều thực sự không nên dấn thân: công việc chỉ thoả mãn thành tố 1 mà không thoả mãn 2 và/hoặc 3. Bạn sẽ “mất tất cả” nếu dấn thân vào con đường này.

Nếu chỉ được chọn 2/3 điều. Nên chọn 1 vs 3 hoặc 2 vs 3.

Chúc các bạn sớm tìm thấy công việc 3in1 và “sống trọn vẹn với niềm hạnh phúc tự thân mỗi ngày”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Đặng Thanh Vân – Gumac