Microsoft sẽ ra mắt ‘metaverse’ cho ứng dụng văn phòng vào năm 2022
Microsoft Corp đang thực hiện ý tưởng xây dựng một “siêu vũ trụ ảo” (metaverse) cho PowerPoint, Excel và các ứng dụng Office khác.
Theo Bloomberg, Microsoft đang điều chỉnh các sản phẩm phần mềm văn phòng đặc trưng để tạo ra một phiên bản metaverse, khái niệm được thúc đẩy bởi người đồng sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, hứa hẹn cho phép người dùng sống, làm việc và giải trí trong thế giới ảo được kết nối với nhau.
Sản phẩm metaverse đầu tiên của Microsoft sẽ là phiên bản chương trình hội nghị và trò chuyện Teams, hiện được thử nghiệm và sẽ có sẵn vào nửa đầu năm 2022. Khách hàng sẽ có thể chia sẻ các tệp và tính năng Office trong thế giới ảo.
“Dịch Covid-19 đã làm cho việc sử dụng công nghệ thương mại trở nên phổ biến hơn nhiều, mặc dù đôi khi những thứ đó có cảm giác giống như khoa học viễn tưởng”, Giám đốc điều hành Microsoft Satya Nadella nói trong buổi phỏng vấn với Bloomberg.
Ông Nadella cho biết, bản thân ông đã sử dụng công nghệ thực tế ảo để đến thăm khu Covid-19 tại một bệnh viện ở Vương quốc Anh, một nhà máy sản xuất của Toyota và thậm chí cả Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Các tính năng mới của Teams được công bố hôm 2.11 tại hội nghị Ignite của Microsoft. Nó sẽ cho phép các doanh nghiệp tạo ra không gian sống động, nơi nhân viên có thể gặp gỡ nhau.
Công nghệ này sử dụng phần mềm Microsoft ra mắt vào đầu năm nay có tên là Mesh, cho phép trải nghiệm thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường trên nhiều loại kính VR. Khách hàng thiếu thiết bị cần thiết để hiển thị hình ảnh 3D vẫn có thể trải nghiệm ở dạng 2D.
Nhận thức của công chúng về metaverse hiện còn nhiều hạn chế. Nhưng theo ông Nadella, việc ứng dụng kinh doanh đã bắt đầu có sẵn ngay lúc này.
Công ty tư vấn Accenture đã sử dụng phần mềm của Microsoft để tạo ra một “cặp song sinh kỹ thuật số” của trụ sở chính, nhằm điều hành các định hướng cho nhân viên mới trong thời gian dịch bệnh diễn ra. Phó chủ tịch Microsoft Jared Spataro cho biết Accenture đã tổ chức hơn 100 sự kiện như vậy, tiếp cận hơn 10.000 nhân viên.
Anheuser-Busch InBev cũng tạo ra các bản sao của hoạt động sản xuất bia và chuỗi cung ứng được đồng bộ hóa với cơ sở thực tế dựa trên thông tin cập nhật. Hệ thống cho phép các nhà sản xuất bia điều chỉnh theo điều kiện thay đổi, giúp người vận hành có thể duy trì và điều khiển các máy đóng gói.
Microsoft muốn bán nhiều phần mềm đám mây hơn cho phép khách hàng, từ các nhà bán lẻ đến các nhà sản xuất thực hiện công nghệ thực tế ảo này. “Ví dụ, bạn có thể trải nghiệm cửa hàng Best Buy trong metaverse”, ông Spataro nói.
Cũng trong sự kiện hôm 2.11, Microsoft đã công bố một sản phẩm nữa có tên Dynamics 365 Connected Spaces. Nó sẽ cho phép mọi người di chuyển, tương tác trong không gian bán lẻ và nhà máy.
Ông Nadella hy vọng Microsoft không chỉ dẫn đầu với các ứng dụng metaverse văn phòng, mà còn đưa nền tảng chơi game Xbox của họ tham gia vào tương lai.
Các ứng dụng metaverse của Microsoft sẽ hoạt động với kính VR Oculus của Meta Platforms, vốn trước đây do Facebook sản xuất. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ tầm nhìn của các công ty khác nhau về metaverse sẽ có thể kết nối với nhau như thế nào.
Giả sử, nếu Nadella và Zuckerberg muốn gặp nhau trong metaverse, họ sẽ phải chọn Microsoft Teams hay Meta Horizon Workrooms?
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen