Shopify cho phép hơn 7000 nhân viên làm việc online vĩnh viễn
Từ tháng 2/2021, công ty thương mại điện tử Shopify Inc đã thay thế đường dẫn địa chỉ công ty từ “Ottawa, Canada” thành “Internet, everywhere”. Thông cáo phát đi đã gây khó hiểu cho cả những thành viên công ty vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, sau gần hai năm hoạt động theo mô hình không cần văn phòng vật lý, Shopify từ một công ty công nghệ khiêm tốn đã thực sự trở thành ông lớn trong ngành thương mại điện tử toàn cầu.
Shopify và chiến lược nhân sự ảo.
Người sáng lập kiêm CEO của Shopify, Tobi Lütke được cho là người có xu hướng nhìn nhận các vấn đề tồn tại một cách khách quan với logic cứng rắn.
Vào tháng 5/2020, khi đại dịch còn chưa thực sự bùng phát mạnh ở châu Mỹ, Lütke đã đưa ra quyết định có vẻ hấp tấp là chấm dứt hợp đồng thuê các văn phòng ở Ottawa và 6 thành phố khác.
Vị thuyền trưởng tuyên bố rằng toàn bộ nhân viên gồm 7.000 người của công ty sẽ mãi mãi hoạt động trên không gian “ảo”. Lütke kết luận, Shopify hiện đã có mặt khắp nơi cùng với các nhân viên và khách hàng của mình trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật số.
Địa chỉ trụ sở công ty là “Internet, everywhere” (Internet, mọi nơi) có vẻ khá kỳ lạ nhưng kết quả kinh doanh, thị phần,…. sau gần hai năm thay đổi của Shopify đã chứng minh quyết định của Lütke là đúng đắn.
Mô hình kinh doanh của Shopify là phát triển và duy trì hoạt động các website bán hàng cho các đơn vị kinh doanh, một trong số đó là hai gã khổng lồ bán lẻ như Staples Inc. và Chipotle Mexican Grill Inc.
Các công ty quốc tế có mức độ phổ biến cực cao khác như hãng giày Allbirds Inc. và nhà sản xuất sản phẩm tẩy tế bào chết Figs cũng đã phát triển website bán hàng trên nền tảng này. “Kênh bán lẻ” của Kylie Jenner, Taylor Swift, Lady Gaga và những người nổi tiếng khác cũng đều do Shopify đảm nhận.
Từ một tên tuổi vô danh tới ông trùm thương mại điện tử.
Làm việc với các đối tác lớn song ảnh hưởng lớn nhất có thể thấy của Shopify là đối với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, những startup, doanh nhân chân ướt chân ráo tham gia kinh doanh, buôn bán.
Cũng giống như gì Zoom làm được vào thời kỳ đầu của đại dịch, Shopify tác động sâu sắc tới các chủ doanh nghiệp nhỏ. Nhiều người trong số họ thậm chí chưa bao giờ bán trực tuyến một sản phẩm nào cho tới khi tìm đến các dịch vụ hỗ trợ từ Shopify.
Vào thời điểm đó, Shopify vẫn còn là một công ty ít được biết đến với khoảng 1 triệu người bán, có nhiều khả năng bị nhầm lẫn với dịch vụ âm nhạc Spotify hơn là tên tuổi trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Tuy vậy, khi các doanh nghiệp ở khắp mọi nơi phải đóng cửa hàng loạt, Shopify đã trang bị cho người kinh doanh những công cụ để chuyển đổi trở thành cửa hàng trực tuyến tức thì.
Trong khi danh tiếng của Amazon bị ảnh hưởng bởi những cuộc điều tra của quốc hội Mỹ thì Shopify bất ngờ nổi lên nhanh chóng.
Vốn hóa thị trường của công ty từ 46 tỷ USD vào đầu năm 2020 đã tăng lên 177 tỷ USD ở thời điểm hiện tại. Tính đến năm 2020, doanh thu của Shopify đã tăng lên 2,9 tỷ USD, tăng 86% so với năm 2019.
Trong ngày Thứ Sáu đen năm ngoái, các thương gia trên Shopify đã mang về doanh số 6,3 tỷ USD, tăng tới 23% so với một năm trước đó.
Hiện nay, công ty là doanh nghiệp có giá trị nhất của Canada, chiếm 8,6% doanh số thương mại điện tử của Mỹ vào năm 2020 (sau Amazon 39% nhưng trước Walmart và Ebay).
“Cuộc nổi dậy” chống lại sức ảnh hưởng của Amazon.
CEO Shopify Tobi Lütke – người đã quyết định phát triển các công cụ cơ bản để xây dựng những trang web bán lẻ sau khi phải đóng cửa cửa hàng ván trượt tuyết trực tuyến của mình khi mới 24 tuổi. Hiện ông là người giàu thứ hai Canada, theo Bloomberg.
Trong giới công nghệ và bán lẻ, ông trở thành một nhân vật nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Người đàn ông 41 tuổi được miêu tả với dáng gầy, hói đầu và luôn đội mũ nhưng đó là một tỷ phú, một doanh nhân tài năng không ngại thử thách.
Theo một nghĩa nào đó, Lütke và các đồng nghiệp của ông đối lập với đội quân tư bản kỹ thuật của Jeff Bezos. Nói cách khác, Amazon có biệt danh là “cửa hàng trực tuyến bán mọi thứ”, thì Shopify lại muốn trở thành cửa hàng ở khắp mọi nơi.
Một vài năm trước, Lütke nhận thấy có lợi thế khi so sánh Shopify với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất thế giới trong thương mại điện tử. Ông nhận xét: “Amazon đang cố gắng xây dựng một đế chế và Shopify đang cố gắng vũ trang cho quân nổi dậy”.
Dĩ nhiên, rất khó để bảo vệ quan điểm khi vốn hóa thị trường còn quá nhỏ. Để giữ cho liên minh nổi dậy còn nguyên vẹn, Lütke phải làm cho Shopify trở nên hữu ích hơn đối với các nhà bán lẻ lớn nhất thế giới, đồng thời giúp các nhà bán lẻ nhỏ hơn đang vướng vào tình trạng thiếu hụt chuỗi cung ứng và lạm phát.
Không chỉ vậy, ông cũng phải đối mặt với các khó khăn tại quê nhà. Câu hỏi đặt ra là liệu Shopify có nên tham gia vào khía cạnh tốn nhiều công sức nhất của thương mại điện tử là vận chuyển hay không.
Thu hút hàng loạt các nhà bán lẻ bằng cách cung cấp cho họ một sân chơi, nền tảng kinh doanh trực tuyến đơn giản và chắc chắn hóa ra lại là một phần dễ dàng.
“Tôi có những điểm mù rất lớn chỉ vì, ý tôi là, tôi lớn lên như một kẻ mọt sách, suốt ngày lập trình và dành toàn bộ tuổi 20 của mình để xây dựng Shopify”, Lütke nói trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ ở Ottawa trước đây.
Thực tế, nhiều người tiếp xúc cho rằng Lütke là một người khá kỳ lạ vì khi trao đổi với ông, người ta như bước vào hành trình “nguy hiểm” với mê cung trí tuệ được xây dựng từ những cuốn sách quản lý và suy nghĩ rời rạc nhưng khác biệt.
Ông đã liên túc thử nghiệm lý thuyết trên chính công ty của mình, tránh những cuộc họp định kỳ không cần thiết, thậm chí thử nghiệm công cụ kết nối làm việc từ xa bằng cách cho tất cả nhân viên làm việc tại nhà 1 tháng từ năm 2017.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Thu Phương