Vũ trụ ảo Metaverse: Điều gì thực – Điều gì cường điệu và nó đang hướng tới đâu?
Trong khi Vũ trụ ảo Metaverse là một trong những từ khoá HOT nhất thế giới công nghệ hiện nay, vẫn có nhiều những nhận định chưa đúng đắn về thuật ngữ này.
Đối với hầu hết những ai từng là một phần của kỹ nguyên công nghệ dot-com, vào năm 2022, họ cũng có thể là một phần của vũ trụ ảo Metaverse, một xu hướng công nghệ được xem là “tương lai của thế giới internet”.
Vào năm 1993, khi World Wide Web (WWW) bắt đầu được áp dụng rộng rãi, có nhiều người tự hỏi rằng, “Thực chất thì nó là gì? Đâu là thực, đâu là thứ được cường điệu và chúng ta đang hướng tới đâu?”
Theo cách tiếp cận tương tự, Metaverse đang được định nghĩa theo cách mà nó được nhìn nhận và hiểu trong suốt quá trình hình thành. Trái với những gì nhiều người tin tưởng, nó không chỉ là những công nghệ thực tế ảo (VR) hay Avatar (Hình ảnh đại diện kỹ thuật số).
Metaverse là một địa điểm (Place), một hệ sinh thái (Ecosystem) và trên hết nó là một “thế giới internet hoàn toàn mới”.
Vũ trụ ảo Metaverse là thế giới phi tập trung (Decentralized).
Hiện tại, Metaverse được tạo thành từ một nhóm các hệ sinh thái. Không giống như World Wide Web, hiện không có bất kỳ cổng truy cập tiêu chuẩn hóa (standardized gateways) nào (chẳng hạn như Google Chrome hoặc DuckDuckGo) giúp Metazens (các công dân của vũ trụ ảo Metaverse) có thể di chuyển một cách liền mạch từ thế giới này sang thế giới khác.
Nhiều người suy đoán rằng Meta (Facebook) đang nỗ lực để sở hữu cổng truy cập (gateway), và họ đang tỏ ra bị thất thế trong cuộc chiến này.
Tuy nhiên, vốn dĩ họ có suy đoán đó là bởi vì phần lớn động lực cho sự phát triển của Metaverse đang diễn ra trong nền tảng phi tập trung (decentralized) của blockchain.
Một trong những nguyên tắc cơ bản được đặt ra bởi nhiều người sáng lập của các nền tảng Metaverse là nó sẽ được điều hành bởi một tổ chức tự trị phi tập trung (DAO – Decentralized Autonomous Organization).
Theo Cointelegraph, “DAO là một thực thể (entity) không có cơ quan điều hành trung tâm. Các quyết định được đưa ra từ dưới lên (bottom-up driven), được điều hành bởi một cộng đồng được tổ chức xung quanh một bộ quy tắc cụ thể được thực thi dựa trên công nghệ blockchain.”
Theo góc nhìn này, hãy coi đó là một phiên bản dân chủ của thế giới Internet, nơi được sở hữu và quản lý bởi các thành viên trong cộng đồng.
Các bạn cứ hình dung như thế này, thay vì với thế giới tập trung, các thành viên trong quốc hội sẽ đại diện bỏ phiếu để bầu ra các thành viên trong chính phủ (chẳng hạn như Thủ tướng Chính phủ), với thế giới phi tập trung (DAO), người bầu ra Thủ tướng Chính phủ sẽ là toàn dân, tức quyền khi này sẽ được phân chia đều cho tất cả mọi người.
Decentraland và Sandbox hiện là những nền tảng phi tập trung nổi bật nhất trong không gian vũ trụ ảo Metaverse.
Hiểu đơn giản, Decentraland hay Sandbox là những thế giới được phát triển dựa trên công nghệ chuỗi khối Ethereum (Ethereum blockchain) được kiểm soát bởi những người chơi cá nhân, những người có quyền bỏ phiếu để thay đổi các chính sách hay xác định cách thế giới đó hoạt động.
Theo nhiều nhận định, Decentraland là một nền dân chủ hơn là một vũ trụ ảo phi tập trung khi người dùng hiện đang bị ràng buộc nhiều thứ với hệ sinh thái riêng của họ.
Decentraland vs The Sandbox.
Nếu bạn là người dùng của Decentraland, tất cả những thứ mà bạn sở hữu như hình đại diện (Avatar), bất động sản hay các tài sản kỹ thuật số khác (NFT) không được hỗ trợ chuyển sang các nền tảng khác.
Điều này trái ngược với triết lý phi tập trung trong Metaverse là người dùng có thể sở hữu, quản lý và sử dụng chúng bên ngoài nền tảng gốc.
Việc không thể giao dịch các tài sản số một cách tự do và sử dụng chúng trong nhiều trò chơi hoặc nền tảng khác nhau sẽ khiến Decentraland gặp nhiều vấn đề khi tiến tới Metaverse.
Ngược lại, với The Sandbox, vì nền tảng này có nhiều lợi thế hơn về mặt phi tập trung, các tài sản số theo đó có tính thanh khoản cao hơn.
The Sandbox cung cấp cho người dùng sự linh hoạt thông qua việc tích hợp với OpenSea (một NFTs marketplace), Decentraland chỉ cho phép người dùng mua và giao dịch trên thị trường riêng của nó là MANA marketplace.
Đối với những ai sở hữu tài sản số (Digital Assets), khả năng tương tác liền mạch trên toàn bộ hệ sinh thái là yếu tố quyết định đến giá trị thực sự của tài sản.
Tuy nhiên với công nghệ có tên là cross-chain bridges hay cầu nối xuyên chuỗi, những điểm yếu hay hạn chế này có thể được xử lý một cách tương đối dễ dàng.
Cầu nối xuyên chuỗi là công nghệ giúp kết nối các blockchains độc lập với nhau và cho phép di chuyển các tài sản và thông tin giữa chúng, công nghệ này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cho phép khả năng tương tác giữa các mạng lưới hay giao thức không đồng nhất.
Một khi các cầu nối xuyên chuỗi được tiêu chuẩn hóa và triển khai trên tất cả các nền tảng, Metaverse sẽ trở thành mạng lưới đa liên kết rộng lớn mà nhiều người mơ ước.
Metaverse là vũ trụ ảo do người dùng sở hữu.
Với các nền tảng như Decentraland và The Sandbox, các Metazens được cung cấp một lượng kiểm soát đáng kể đối với thế giới trực tuyến mà họ đang sinh sống và tạo ra.
Tuy nhiên, khả năng mang tài sản và bản thân kỹ thuật số của một người từ nền tảng này sang nền tảng khác là hy vọng của hầu hết những ai đang nỗ lực để phát triển nên một Metaverse thực sự tích hợp và phi tập trung.
Theo mô hình này, chính người dùng sẽ đóng vai trò là cổng truy cập (gateway) thay vì chủ sở hữu của các nền tảng.
Vũ trụ ảo Metaverse: Một thế giới mới – Một tư duy mới.
Trong bối cảnh ngày nay, khi người dùng ngày càng mất niềm tin vào các công ty công nghệ lớn (Big Tech) và quan tâm nhiều hơn đến quyền riêng tư, vũ trụ ảo Metaverse nếu muốn phát triển thì phải khác với thế giới internet hiện có.
Để giữ cho các dự án Metaverse không trở thành một cơn ác mộng kinh hoàng nào đó, các nền tảng hay doanh nghiệp lớn không thể toàn quyền kiểm soát hay điều khiển nó, điều này đòi hỏi một tư duy mới với một hệ thống công nghệ quản lý mới.
Các hệ sinh thái khép kín vốn được kiểm soát chặt chẽ như Meta (Facebook), Microsoft hay Google rồi sẽ trở thành “quá khứ”.
Các bức tường sẽ cần phải được phá bỏ, xóa bỏ các đường biên giới và được cấp các quyền tự do. Và để làm được điều này, các công nghệ hiện đang thúc đẩy vũ trụ ảo Metaverse sẽ cần phải hoạt động hài hòa với nhau hơn là cạnh tranh hay xung đột.
Đây là cách duy nhất để người dùng có thể trải nghiệm Metaverse từ một nơi an toàn, quyền riêng tư cao và ít bị thao túng nhất.
Người dùng sẽ được kiểm soát nhiều hơn với những gì họ làm và được nhìn thấy, đó sẽ là một chiều không gian mới, một thế giới internet kiểu mới.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips