Doanh thu quảng cáo của YouTuber Việt Nam bị khấu trừ thuế bản quyền tại Mỹ
Thời gian qua, các YouTuber Việt Nam bị khấu trừ thuế bản quyền tại Mỹ với tỷ lệ 30% doanh thu tại Mỹ, hoặc tỷ lệ 24% doanh thu toàn cầu. Tuy vậy, nhiều YouTuber Việt Nam không hiểu tại sao thu nhập của họ lại bị khấu trừ thuế bản quyền với tỷ lệ cao như vậy.
Luật sư Nguyễn Lê Thi (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, Trung tâm trợ giúp của Google đưa ra là “Chương 3 trong bộ luật Thuế vụ của Mỹ, Google có trách nhiệm thu thập thông tin thuế, khấu lưu thuế và báo cáo cho Sở Thuế vụ (cơ quan thuế của Mỹ, còn gọi là IRS) khi một nhà sáng tạo trong YPP kiếm được doanh thu ở dạng phí bản quyền từ người xem ở Mỹ”.
Theo luật sư Thi, bộ luật Doanh thu nội địa năm 1986 (Internal Revenue Code) của Mỹ là cơ sở pháp lý cho việc thu thuế đối với các YouTuber không thường trú tại Mỹ.
Theo phân đoạn 871(a)(1)(D) của bộ luật này, Mỹ sẽ thu thuế theo tỷ lệ 30% đối với khoản tiền mà cá nhân nước ngoài không cư trú nhận được từ Mỹ, bao gồm: “khoản nhận được từ bán hoặc chuyển giao kể từ sau ngày 4.10.1966 của bằng sáng chế, quyền tác giả, quy trình và công thức bí mật, lợi thế thương mại, nhãn hiệu, tên thương mại, nhượng quyền thương mại, và tài sản tương tự, hoặc bất kỳ quyền lợi nào đối với các loại tài sản này, trong phạm vi những khoản này đến từ khoản thanh toán phụ thuộc vào năng suất, việc sử dụng, hoặc chuyển giao lại tài sản hoặc quyền lợi được bán hoặc chuyển giao”.
Điều luật trên là căn cứ pháp lý cho việc thu thuế của YouTuber Việt Nam tại Mỹ. Khoản thu nhập từ chia sẻ doanh thu quảng cáo mà YouTuber nhận được thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện của điều luật: Nội dung mà YouTuber đăng tải lên YouTube là các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, nên hoạt động cấp phép để Google sử dụng các nội dung này để phát cho người xem trên YouTube được coi là hoạt động “chuyển giao quyền đối với quyền tác giả”; khoản thanh toán trả cho các YouTuber được tính theo tỷ lệ 55% doanh thu quảng cáo mà Google có được từ hiển thị quảng cáo khi phát nội dung của các YouTuber trên YouTube, nghĩa là khoản thanh toán này “phụ thuộc vào việc sử dụng” các nội dung trên YouTube.
Như vậy, doanh thu quảng cáo được Google chia sẻ cho YouTuber được xác định là thu nhập từ “chuyển giao quyền đối với quyền tác giả”, hay thường được gọi là “phí bản quyền”, và theo phân đoạn 871(a)(1)(D) của bộ luật Doanh thu nội địa 1986 của Mỹ thì khoản thu nhập này của cá nhân không cư trú tại Mỹ bị đánh thuế với tỷ lệ 30%, áp dụng đối với phần thu nhập phát sinh tại Mỹ.
Theo Luật Sư Thi, nhiều nước trên thế giới công nhận quyền đánh thuế của mỗi quốc gia theo lãnh thổ đối với người cư trú (quyền đánh thuế trên thu nhập toàn cầu); Người không cư trú (quyền đánh thuế đối với thu nhập phát sinh tại quốc gia đánh thuế).
Hiện nay, Việt Nam cũng áp dụng nguyên tắc này để đánh thuế đối với các khoản thuế thu nhập như: thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vì vậy, việc Mỹ đánh thuế đối với thu nhập của YouTuber đối với thu nhập phát sinh từ người xem tại Mỹ là phù hợp với nguyên tắc đánh thuế được các nước và Việt Nam công nhận.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer