Một vài chiến thuật Social Media Marketing đơn giản mà hiệu quả
Cùng MarketingTrips khám phá một số chiến thuật tiếp cận Social Media Marketing đơn giản nhưng hiệu quả.
Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày người dùng sử dụng từ 2-3 giờ cho các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, LinkedIn hay TikTok.
Người dùng mạng xã hội ngày nay không chỉ sử dụng mạng xã hội để giải trí, kết nối với bạn bè mà còn là để tìm kiếm thông tin, mua sắm và hơn thế nữa.
Với hơn 5 tỷ người dùng mạng xã hội trên toàn cầu và hơn 50 triệu người dùng riêng tại thị trường Việt Nam, đây thực sự là nơi mà các thương hiệu, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ không thể không tập trung vào.
Dưới đây là một số chiến thuật mà các doanh nghiệp có thể sử dụng để gia tăng mức độ hiệu quả với cách tiếp cận Social Media Marketing của mình.
Lập kế hoạch và đặt mục tiêu rõ ràng.
Trong khi mạng xã hội rõ ràng là tiềm năng, và nhiều marketer cũng biết rằng họ phải sử dụng mạng xã hội để phát triển doanh nghiệp của mình, tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng có cách tiếp cận đúng.
Nhiều doanh nghiệp thậm chí còn không biết tại sao họ cần sử dụng mạng xã hội? Mục tiêu cụ thể của các chiến lược Social Media Marketing của họ là gì?
Lời khuyên ở đây là, doanh nghiệp nên bắt đầu với một bản kế hoạch chi tiết kèm các mục tiêu (KPIs) rõ ràng, mục tiêu thể hiện rõ doanh nghiệp cần làm gì và sẽ nhận được gì sau từng khoảng thời gian nhất định.
SMART là một trong số các công thức hiệu quả khi xây dựng kế hoạch. SMART là từ đại diện cho Specific (Cụ thể), Measurable (Có thể đo lường được), Achievable (Khả thi), Relevant (Có liên quan đến doanh nghiệp hay thương hiệu), Timing (Thời gian).
Hãy bắt đầu từ những mục tiêu nhỏ.
Khi bắt đầu sử dụng Social Media Marketing, không ít các doanh nghiệp hiểu nhầm rằng họ cần có mặt ở trên tất cả các nền tảng, họ chỉ cần có nội dung được cập nhật hàng ngày.
Họ cố gắng thực hiện tất cả những gì có thể làm trên các nền tảng với mục tiêu là có nhiều lượng tương tác. Sự thật là, ở các giai đoạn đầu mới xây dựng, doanh nghiệp chỉ nên tập trung vào một số ít các nền tảng, tối ưu hoá tốt nhất có thể trên nền tảng đó trước khi chuyển sang các nền tảng khác.
Hãy hình dung ở khía cạnh của người dùng, sẽ hiếm có ai tương tác với các kênh chỉ đăng nội dung “để có nội dung”, thay vào đó họ cần những nội dung khác biệt, nhiều giá trị, mang bản sắc riêng của thương hiệu và phù hợp với sở thích của họ.
Thay vì phân phối nội dung dàn trải nhưng lại thiếu trọng tâm, doanh nghiệp chỉ cần tập trung nghiên cứu và tối ưu các kênh có nhiều tiềm năng nhất.
Hãy nhớ rằng: chất lượng nội dung mới là yếu tố quyết định mức độ hiệu quả chứ không phải là số lượng các kênh mà thương hiệu xuất hiện.
Đừng bao giờ phớt lờ nhu cầu thực sự của đối tượng mục tiêu.
Cũng giống như bất cứ cách tiếp cận marketing nào khác, việc đầu tiên đó là bạn cần có một lượng kiến thức hay hiểu biết nhất định về khách hàng của mình.
Khách hàng của bạn họ thích gì, họ thích những kiểu nội dung như thế nào và có định dạng ra sao. Điều này nghe có vẻ đơn giản, tuy nhiên, nhiều khi vì quá tập trung vào những gì mà doanh nghiệp đang bán, marketer dễ dàng quên đi nhu cầu của khách hàng của mình.
Khách hàng của bạn sẽ không cần các nội dung quảng cáo, được sử dụng để đánh bóng tên tuổi của thương hiệu, thứ họ muốn là những nội dung có giá trị, thứ sẽ giúp họ giải quyết các vấn đề của cá nhân họ hay ít nhất là giúp họ giải trí.
Tích cực tương tác lại với khách hàng, học hỏi, chia sẻ và lặp lại.
Khi nói đến việc đăng nội dung, một hiểu lầm khác thường thấy đó là marketer đăng nội dung lên kênh của mình tuy nhiên lại xem nhẹ việc tương tác lại với khách hàng hay nhạy cảm với những cảm xúc của khách hàng với nội dung.
Cách tốt nhất để tăng lượt theo dõi và tương tác theo thời gian đó là liên tục trả lời cặn kẽ, tư vấn hay để ý đến những gì mà khách hàng phản hồi. Học hỏi và ghi nhận những phản hồi đó, đây chính là cơ sở để bạn xây dựng và tối ưu nội dung trong những lần tiếp theo.
Lặp lại liên tục quá trình này khi sản xuất và phân phối nội dung.
Giao tiếp chính là chìa khoá.
Bất kể bạn đang kinh doanh trong lĩnh vực nào, là FMCG hay Retail, dù liên quan đến sản phẩm hay dịch vụ — bạn luôn cần liên kết đến cảm xúc của khách hàng thông qua các thông điệp của thương hiệu.
Khi ai đó để lại một câu hỏi, bạn cần chủ động bắt đầu cuộc trò chuyện, thậm chí, trong trường hợp khách hàng của bạn không chủ động đặt câu hỏi thì bạn cũng có thể chạy các chương trình (ví dụ như sử dụng tính năng “thăm dò” trên Facebook hay các chương trình khuyến mãi) để khiến họ phải tương tác, phải đưa ra các ý kiến cá nhân của họ.
Về bản chất, bạn và thương hiệu của bạn sẽ không nhận được gì nếu không xây dựng được các kết nối có ý nghĩa hay tương tác qua lại với khách hàng.
Xây dựng kế hoạch đăng bài trên các nền tảng.
Cũng tương tự như các hoạt động xây dựng thương hiệu, “tính nhất quán” là chìa khoá thành công của các bản kế hoạch Social Media Marketing.
Vấn đề của bạn không chỉ là đăng bài hay đăng nội dung có chất lượng mà là thường xuyên đăng nó theo một tần suất và thời gian nhất quán.
Trong khi không có công thức cụ thể nào về việc bạn cần đăng bao nhiêu bài và đăng khi nào vì nó còn tuỳ thuộc vào tập khách hàng của bạn là ai và nhiều nhân tố khác, bạn cần thiết lập một lịch trình đăng bài cụ thể theo các giờ, ngày, tuần hay tháng nhất định.
Ở khía cạnh thuật toán của các nền tảng mạng xã hội, các nền tảng cũng sẽ ưu tiên hiển thị nhiều hơn cho các kênh đăng tải nội dung thường xuyên hơn và có nhiều lượng tương tác hơn. Về lâu dài, điều này là cơ sở để bạn xây dựng và mở rộng tập khách hàng tiềm năng của mình.
Như bạn có thể thấy, bạn sẽ có vô số cách để tối ưu hiệu quả của các chiến lược Social Media Marketing của mình, bằng cách hành động từng bước một, thử nghiệm và học hỏi liên tục, bạn hoàn toàn có thể cải thiện chất lượng các kênh của mình, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thương hiệu và nhiều hơn thế nữa.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips