Nguyên kinh tế trưởng của ADB Việt Nam: 2024 là năm bản lề để xoay trục tăng trưởng
Có thể thấy rất rõ, Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm nhưng chất lượng tăng trưởng dường như không được cải thiện nhiều.
Lấy ví dụ Hà Nội và TP HCM, hai siêu đô thị đóng góp 34,8% GDP của cả nước vào năm 2022. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm không khí, rác thải và nạn tắc đường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Mức độ bụi mịn của Hà Nội từ năm 2017 – 2022 luôn ở gấp 7 đến 10 lần mức độ cho phép.
Rác thải vẫn là vấn nạn triền miên của Hà Nội. Nhiều nhà máy xử lý quá tải, xảy ra ùn ứ cục bộ, gây ô nhiễm môi trường, mỹ quan và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân. Trong khi đó, những dự án nhà máy xử lý rác thải hoặc bị chậm tiến độ, hoặc chết yểu.
Ô nhiễm nguồn nước cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Theo thống kê năm 2022, lượng chất hữu cơ xả thẳng ra môi trường ở Hà Nội là 3.600 tấn/năm, dầu mỡ là 317 tấn cùng hàng chục tấn các kim loại nặng độc hại như chì, thủy ngân, sắt…Các con sông như Tô Lịch, Kim Ngưu bị ô nhiễm nặng nề, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của người dân hai bên sông. Các nguồn nước ngầm cũng càng ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng với hàm lượng mangan cao.
Về ùn tắc giao thông, theo khảo sát của ADB năm 2019, trong 278 thành phố của 28 nước thì cả Hà Nội và TP HCM đều nằm trong top 10 các thành phố ách tắc nhất châu Á.
Về y tế, cho dù đã có những thành quả đáng khích lệ, hệ thống y tế ở các tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đều trong tình trạng quá tải. Trước COVID-19, tỷ lệ sử dụng giường nội trú thường xuyên năm 2018 luôn trên 100% và dao động từ 120% đến 150% ở một số bệnh viện lớn.
Tình trạng quá tải có thể thấy rất rõ ở các bệnh viện lớn với hàng nghìn lượt thăm khám mỗi ngày. Đấu thầu thuốc đã có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn tình trạng bệnh nhân phải tự mua thuốc chữa bệnh, một thực tế khó chấp nhận được.
Về kinh tế, đằng sau con số tăng trưởng ấn tượng, nền kinh tế Việt Nam vẫn là nền kinh tế thâm dụng vốn và nhân công rẻ. Tỷ lệ tín dụng trên GDP của nền kinh tế vẫn rất cao, gần 125%/GDP, tạo ra những bất ổn vĩ mô lớn, trong khi hiệu quả sử dụng vốn vẫn thấp.
Về chất lượng lao động, Việt Nam có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Theo Ngân hàng Thế giới, trong các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến chế tạo ở Việt Nam, 70% vẫn sử dụng máy móc do con người điều khiển, 20% được làm thủ công, chỉ 9% sử dụng máy móc được điều khiển bằng máy vi tính và dưới 1% sử dụng công nghệ tiên tiến hơn như robot.
Theo báo cáo của Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp liên bang (CSIRO) của Australia, tháng 11/2021, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam có nghiên cứu và phát triển trong các ngành sản xuất còn rất thấp, như sản xuất thiết bị điện là 17%, hóa chất là 15%, thực phẩm 9%, và dệt may là 5%.
Tính theo PPP 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 đạt 20,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia và bằng 94,5% của Philippines; tương đương mức năng suất lao động của Lào (20 nghìn USD).
Với thâm dụng vốn lớn và chất lượng lao động thấp, hiệu quả của nền kinh tế không được cải thiện nhiều. Chỉ số ICOR (được dùng để đánh giá một nền kinh tế cần bao nhiêu vốn đầu tư để tạo ra được một đồng tăng trưởng GDP) của Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019 là 6,1 cao hơn nhiều so với các nền kinh tế khác trong khu vực, đặc biệt so với giai đoạn đầu của công nghiệp hóa của Hàn Quốc là 3 trong 1961 – 1980, Đài Loan là 2,7. Cùng thời điểm, ICOR của Thái Lan là 4,1 và Indonesia là 3,7.
Câu chuyện tương tự với thị trường tài chính khi từng cấu phần của thị trường chưa thực sự có chất lượng cao. Thị trường tín dụng ngân hàng chiếm 47% trong tổng vốn đầu tư trên thị trường tài chính, làm tăng rủi ro tín dụng và là một trong những nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm, có nguy cơ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng chất lượng thấp, dẫn đến những bất ổn trong thị trường trái phiếu riêng lẻ trong năm 2020 và hậu quả vẫn chưa thực sự được giải quyết. Thị trường bảo hiểm trong toàn bộ thị trường tài chính còn quá nhỏ.
Với thị trường xuất nhập khẩu, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Trong 10 năm kể từ 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng dần qua các năm. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 gấp 3 lần so với 10 năm trước, đạt 668,54 tỷ USD.
Tuy nhiên, cho dù với quy mô thương mại lớn như vậy, sự tham gia của Việt Nam vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn ở mức độ thấp. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm tới 98% trong tổng số các doanh nghiệp có đăng ký, nhưng chỉ có 21% số này liên kết với chuỗi cung ứng nước ngoài.
So sánh tỷ lệ này thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan là 30%, Malaysia 46%. Ngoài ra, nhập khẩu vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong xuất khẩu. Ngành may mặc nhập khẩu 70 – 80% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, công nghiệp điện tử nhập khẩu sản phẩm đầu vào lên tới 77% tổng giá trị sản phẩm, dược phẩm nhập 85 – 90%. Ngành nhựa nhập khẩu các sản phẩm đầu vào chiếm đến 70 – 80% chi phí sản xuất.
Về đầu tư công, gần như năm nào câu chuyện cũng xoay quanh việc giải ngân đầu tư công được bao nhiêu phần trăm của kế hoạch. Tuy nhiên, hầu như rất ít sự chú ý vào chất lượng của các dự án đầu tư công, và cũng rất ít ai biết danh mục của các dự án đầu tư công.
Trên thực tế, có khi chỉ để đạt kế hoạch giải ngân, mà danh mục dự án có thể sẽ manh mún, thiếu đi tính lan tỏa và tính liên kết vùng. Có lẽ chất lượng cơ sở hạ tầng là thước đo rõ nhất chất lượng đầu tư công.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam dành trung bình 6% ngân sách hàng năm để phát triển cơ sở hạ tầng, cao hơn nhiều mức 2,3% của các nước trong khu vực, đưa Việt Nam lên thứ 47 trong số 160 nền kinh tế trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chất lượng đường của Việt Nam chỉ đứng thứ 103/160 và chỉ có 20% đường của Việt Nam được thảm nhựa ở mức độ trung bình hoặc thấp.
Hệ thống đường sắt vẫn đang trong tình trạng lạc hậu cả về hạ tầng, thông tin tín hiệu và đầu máy toa xe. Nhiều tuyến đường sắt được xây dựng từ 50 đến trên 100 năm, khổ 1.000 mm vẫn chiếm hơn 80% tổng chiều dài trong khi hầu hết các nước trên thế giới không còn dùng nữa.
Sự thiếu vắng của giao thông đa phương thức đã đẩy chi phí logistics lên cao từ 15% – 18% GDP, tăng chi phí sản xuất và giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là thương mại. Ngoài ra, trong vòng 15 năm, Hà Nội mới xây xong một tuyến metro. Đây cũng là tốc độ xây metro chậm nhất trên thế giới, với chi phí vốn cao.
Cuối cũng là chất lượng thể chế. Vào thời điểm nền kinh tế gặp nhiều thách thức như hiện nay, trong khi các dư địa như chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa còn rất ít thì dư địa thể chế của Việt Nam còn rất nhiều để có thể cải cách hỗ trợ nền kinh tế.
Sau hàng chục năm, Việt Nam đã xây dựng được rất nhiều “hành lang pháp lý”, tuy nhiên vẫn thiếu vắng một môi trường pháp lý chất lượng. Thậm chí các hành lang pháp lý đang tạo ra một “ma trận” với người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí sản xuất, và làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Vì vậy, câu chuyện chất lượng sẽ là trọng tâm trong xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam, hơn là số lượng luật được thông qua và sửa đổi.
Qua một số nét chấm phá của nền kinh tế Việt Nam có thể thấy con số tăng trưởng sẽ không còn nhiều ý nghĩa, nếu chất lượng tăng trưởng không được bảo đảm. Thậm chí, nếu chỉ quá tập trung vào đạt thành tích tăng trưởng trong ngắn hạn, có thể gây ra những hệ lụy đến chất lượng tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy những nền kinh tế thành công như Hàn Quốc, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc đều giải quyết rất tốt mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng. Điển hình là Trung Quốc.
Giai đoạn 1990–2008 là giai đoạn tăng trưởng nóng của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 10%, ít tập trung vào chất lượng. Đây cũng là giai đoạn mà các vấn đề về môi trường và xã hội trở ngày càng trở nên thách thức lớn với nền kinh tế. Năm 2008. khi đăng cai thế vận hội Olympic, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Sau 15 năm quyết tâm tập trung vào chất lượng tăng trưởng, cho dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại trong giai đoạn 2008 đến nay. Nhưng cũng chính trong thời gian này, Trung Quốc đã giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước ở các thành phố lớn.
Có lẽ ấn tượng nhất là chỉ trong vòng 15 năm, Trung Quốc đã thực sự bứt phá về chất lượng cũng như số lượng của cơ sở hạ tầng, với sự hoàn thiện của tuyến đường sắt cao tốc với tổng chiều dài 37,900 km, tốc độ trung bình là 300 km/h. Nói cách khác, năm 2008 là năm Trung Quốc đột phá chất lượng tăng trưởng, thay vì tập trung vào tốc độ tăng trưởng, và họ đã làm được nhiều kỳ tích trong thời gian này.
Năm 2024 sẽ là năm thứ tư của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Những thách thức bên ngoài như các nền kinh tế phát triển giảm tốc, thương mại toàn cầu suy giảm, rủi ro vĩ mô toàn cầu, căng thẳng địa chính trị….vẫn sẽ tác động tiêu cực đến Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh mục tiêu tăng trưởng của năm 2024, đã đến lúc Việt Nam phải đặt chất lượng tăng trưởng lên là ưu tiên trọng yếu.
Cũng như Trung Quốc năm 2008, Việt Nam cần xác định ngay năm 2024 là năm đột phá cho chất lượng tăng trưởng trong trung và dài hạn, nếu Việt Nam thực sự muốn thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để trở thành nền kinh tế không những chỉ có thu nhập cao, mà còn có chất lượng cao vào năm 2045.
Ông Nguyễn Minh Cường, Nguyên kinh tế trưởng quốc gia của ADB ở Việt Nam
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer