Skip to main content

Airbnb, Uber và loạt công ty nổi tiếng vẫn liên tục lỗ nặng

19 Tháng Ba, 2020

“Thành công” của một công ty không đồng nghĩa với lợi nhuận. Nhiều startup nổi tiếng như Uber hay Airbnb chưa có lãi, thậm chí lỗ hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD mỗi quý.

Airbnb

Startup này được thành lập vào năm 2008 và đến nay huy động được tổng cộng 4,4 tỷ USD vốn đầu tư, theo Crunchbase. Hiện, Airbnb đang kinh doanh lỗ. Trong quý đầu năm 2019, startup này báo lỗ 306 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó. Dù vậy, Airbnb có kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong năm 2020.

Dropbox

Nền tảng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu Dropbox được thành lập vào năm 2007 và niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 3/2018 với định giá 9,2 tỷ USD, theo Crunchbase. Tuy nhiên, quý 3/2019, Dropbox báo lỗ 17 triệu USD.

Advertisement

Theo nhận định của các nhà phân tích, dù chưa có lãi (chủ yếu do cần đầu tư nhiều cho marketing để thúc đẩy tăng trưởng), công ty này sẽ sớm đạt lợi nhuận. 2020 được dự báo là năm lỗ cuối cùng của Dropbox và công ty sẽ lãi khoảng 35 triệu USD trong năm 2021.

Lyft

Ứng dụng chia sẻ xe Lyft ra đời vào năm 2012 và IPO vào tháng 3/2019. Công ty này được định giá 24 tỷ USD khi IPO với giá cổ phiếu chào sàn là 72 USD. Tuy nhiên, đến nay, cổ phiếu này chỉ giao dịch quanh mức 45 USD. Năm 2018, chi phí vận hành của Lyft cao hơn gần gấp đôi lợi nhuận gộp, khiến công ty này lỗ ròng 911,3 triệu USD. Dù vậy, CEO Logan Green của Lyft vẫn dự báo công ty sẽ có lãi vào cuối năm 2021.

Pinterest

Nền tảng lưu trữ và chia sẻ hình Pinterest IPO vào tháng 4/2019, sau một thập kỷ hoạt động. Công ty này được định giá 12,7 tỷ USD ở thời điểm IPO. Dù nổi tiếng toàn cầu với hơn 250 triệu người dùng, Pinterest báo lỗ ròng 124,7 triệu USD trong quý 3/2019, tăng 561% so với cùng kỳ năm trước.

Nguyên nhân là Pinterest không kiếm đủ doanh thu để trang trải chi phí, gồm nghiên cứu, phát triển, bán hàng và marketing. Dù vậy, một số nhà phân tích dự báo Pinterest sau này sẽ lãi lớn hơn mạng xã hội Twitter khi đẩy mạnh doanh thu quảng cáo.

Advertisement

Snap

Khi lên sàn vào năm 2017, Snap Inc. được định giá 24 tỷ USD và là IPO lớn nhất thế giới trong nhiều năm, theo Financial Times. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công ty này vẫn chưa có lãi. Số lượng người dùng của Snap liên tục giảm và chi phí trung bình hàng tháng kể từ khi IPO là 68 triệu USD.

Theo phân tích tờ Financial Times vào tháng 4/2019, Snap có thể cạn tiền trong 3 năm tới nếu không có lợi nhuận. Theo Crunchbase, nguyên nhân Snap liên tục thua lỗ là công ty tập trung vào tăng trưởng thay vì lợi nhuận. Với chiến lược này, khối nợ của công ty không ngừng tăng lên, bên cạnh chi phí khổng lồ.

Uber

Ra đời năm 2009, ứng dụng chia sẻ xe Uber đã tạo ra một cuộc cách mạng giao thông. Công ty này được định giá 8,1 tỷ USD khi IPO vào năm ngoái. Tuy nhiên, Uber chưa bao giờ có lãi dù có tới 91 triệu người dùng, theo Reuters.

Advertisement

Vài năm gần đây, hàng loạt bê bối cùng cạnh tranh gay gắt khiến Uber gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân người dùng. Trong hồ sơ IPO, Uber cũng dự báo chi phí hoạt động của công ty “sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần”. Năm 2018, công ty này báo lỗ hơn 3 tỷ USD. Theo các nhà phân tích, tăng trưởng suy giảm của Uber có thể khiến công ty này khó đạt lợi nhuận.

WeWork

Startup chia sẻ văn phòng gây chấn động giới khởi nghiệp khi IPO “hụt” vào tháng 8/2019. Ban đầu được định giá tới 47 tỷ USD, nhưng sau IPO bất thành, định giá của WeWork tụt xuống chỉ còn 5 tỷ USD và kế hoạch IPO bị hoãn vô thời hạn. Theo Financial Times, tính tới tháng 7/2019, WeWork lỗ 219.000 USD mỗi giờ.

Hùng Lâm | MarketingTrips

Advertisement

Theo: Zing

 

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Chiến lược mới của Starbucks tại thị trường Trung Quốc

21 Tháng Mười Một, 2024
Trước đó, McDonald’s và Yum! cũng đã bán cổ phần cho các công ty tư nhân tại Trung Quốc để …

Đọc nhiều

McKinsey: Các xu hướng tiêu dùng chính tại Việt Nam năm 2024

28 Tháng Mười Hai, 2023
Từ sự gia tăng trải nghiệm đa kênh cho đến các hoạt động bền vững, là những bước phát triển quan …
Advertisement