Skip to main content

Câu chuyện thương hiệu Adidas: Từ xưởng giày sau nhà thành thương hiệu toàn cầu

17 Tháng Hai, 2023

Câu chuyện thương hiệu của Adidas là nguồn cảm hứng cho các công ty khởi nghiệp. Ông chủ Adolf Dassler bỏ học làm bánh để mở xưởng giày, lèo lái Adidas qua nhiều thăng trầm của kinh tế Đức sau chiến tranh.

Câu chuyện thương hiệu Adidas
Câu chuyện thương hiệu Adidas: Từ xưởng giày sau nhà thành thương hiệu toàn cầu | iStock

Adidas là thương hiệu đồ thể thao hàng đầu thế giới, với những đôi giày thuộc hàng đắt đỏ nhất hành tinh. Theo hãng nghiên cứu Macro Trends, giá trị của Adidas tính đến tháng 1/2023 là 30 tỷ USD. Tuy nhiên, trước khi trở thành công ty tỷ USD như ngày nay, hãng này chỉ là một cửa hàng giày nhỏ trong phòng giặt của gia đình.

Adidas được sáng lập bởi Adolf Dassler. Adolf sinh năm 1900 tại thị trấn Herzogenaurach (Đức), trong một gia đình nghèo có 4 người con, với cha là thợ đóng giày và mẹ làm giặt là. Sau khi học xong trung học, ông học làm bánh theo mong muốn của cha. Tuy nhiên, đây không phải là đam mê của ông. Vì thế, Adolf lại quay về học đóng giày.

Ngoài công việc, Adolf cũng thích thể thao. Ông tham gia nhiều môn, từ bóng đá, boxing đến trượt tuyết. Nhờ đó, ông nhận ra một điều sau này đã giúp Adidas thành công: Tất cả vận động viên khi đó đều đi cùng một loại giày. Adolf cho rằng nếu có thể thiết kế những loại giày khác nhau cho từng môn thể thao, người đi chúng sẽ có lợi thế lớn.

Năm 1919, Đức trải qua suy thoái kinh tế tồi tệ sau Đại chiến Thế giới I. Việc làm ngày càng khan hiếm. Tuy nhiên, Adolf không muốn bỏ qua giấc mơ của mình. Ông cải tạo khu giặt giũ sau nhà của mình để thành nơi đóng giày. Với kỹ năng học được, Adolf kiếm tiền nhờ sửa giày cho người dân trong vùng.

Việc này giúp ông có thời gian và nguồn lực tạo ra những đôi giày thể thao chuyên dụng đầu tiên. Một trong những sáng tạo đầu tiên của Adolf là giày chạy dùng trong sân vận động – ý tưởng mới mẻ với lĩnh vực thể thao thời đó.

Adolf cũng rất sáng tạo trong quá trình sản xuất. Ví dụ, khi nguồn điện không ổn định, ông nối máy móc với xe đạp và nhờ một nhân viên đạp để tạo ra điện.

Năm 1924, anh trai của Adolf là Rudolf cùng tham gia với ông. Họ mở công ty, đặt tên là Dassler Brothers Shoe Factory (Xưởng giày của anh em Dassler). Đây là sự kết hợp mang tính bổ sung, vì Adolf rất giỏi đóng giày, còn Rudolf có năng khiếu bán hàng và quảng cáo. Khi kinh tế Đức dần phục hồi, việc kinh doanh cũng nhanh chóng bùng nổ.

Năm 1926, cả hai đủ tiền chuyển xưởng đóng giày sang địa điểm mới. Ở đây, họ có thể làm hàng trăm đôi giày mỗi ngày. Quy mô công ty nhanh chóng tăng lên và Adolf quyết định mở rộng sản xuất ra ngoài địa phương. Ông tham dự gần như mọi sự kiện thể thao lớn và nói chuyện với các vận động viên, thuyết phục họ thử giày của mình.

Những nỗ lực và quyết tâm của ông đã có kết quả. Nhiều vận động viên hàng đầu của Đức đã dùng giày của họ tại Olympics Amsterdam năm 1928.

Adolf luôn điều chỉnh giày đi thử theo phản hồi của từng vận động viên, để đảm bảo họ có sản phẩm tốt nhất. Ông cũng tạo quan hệ với đội tuyển điền kinh Đức, thông qua huấn luyện viên Josef Waitzer.

Sự hợp tác này không chỉ giúp Adolf có những phản hồi quý giá về sản phẩm, mà còn giúp giày của hai anh em được nhiều vận động viên sử dụng hơn trong Olympic. Ở thời điểm các vận động viên chưa có nhà tài trợ chuyên nghiệp, đây là chiến lược marketing đột phá của anh em nhà Dassler.

Đến Olympic Berlin 1936, Adolf quyết định tài trợ cho các vận động viên hàng đầu. Ông thậm chí thuyết phục vận động viên điền kinh nổi tiếng của Mỹ khi đó là Jesse Owens đi giày của họ và đã được đồng ý.

Owens sau đó giành được tới 4 huy chương vàng tại Olympic Berlin, phá vỡ nhiều kỷ lục, khiến giày của anh em nhà Dassler càng nổi tiếng. Công ty của họ bắt đầu hiện diện quốc tế nhiều hơn.

Vài năm sau đó, Đại chiến Thế giới II nổ ra, khiến việc kinh doanh bị gián đoạn vì thiếu thốn nguyên vật liệu và nhân lực. Adolf và Rudolf lần lượt phải nhập ngũ, khiến công ty càng gặp khó. Những bất đồng về cách duy trì công ty trong chiến tranh và các hiểu lầm sau đó khiến hai anh em Adolf và Rudolf quyết định không làm việc với nhau nữa.

Năm 1949, Rudolf nhận nửa công ty và nhân viên, thành lập thương hiệu riêng với tên Ruda. Sau này, ông đổi tên thành Puma, vì Ruda không mang tính thể thao. Cùng năm đó, Adolf thành lập Adidas, tạo ra từ chính tên mình – Adolf (Adi) Dassler (das).

Những năm sau chiến tranh rất khó khăn với Adidas, khi kinh tế Đức lại rơi vào khủng hoảng. Adolf phải dựa vào sự sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp để vượt qua. Ông tận dụng nhiều mối quan hệ để có nguồn nguyên liệu dư thừa từ chiến tranh. Ông phải làm giày từ lớp lót bình nhiên liệu trên máy bay, bè cao su và vải lều.

Sau khi ngừng hợp tác với anh trai, Adolf cũng muốn sản phẩm của mình có thiết kế độc đáo, dễ nhận ra dù là đi dưới chân. Ông đã thử nghiệm nhiều thiết kế và cuối cùng cho ra đời logo 3 vạch kẻ song song như hiện tại.

Khi kinh tế Đức dần phục hồi, Adofl và vợ Käthe đã lèo lái Adidas tăng trưởng mạnh. Käthe tham gia vào việc bán hàng, quản lý nhân lực, giúp Adolf tập trung vào việc ông làm tốt nhất. Đến thập niên 60, Adidas đã có hơn 500 nhân viên và là hãng sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới.

Adolf được mô tả là người tận tụy với công việc. Ông nghiên cứu rất kỹ chuyển động của các vận động viên để có ý tưởng cho sản phẩm mới, đặc biệt là khi các môn thể thao bắt đầu được phát trên TV. Năm 50 tuổi, Adolf vẫn chơi nhiều môn thể thao để bám sát quá trình phát triển sản phẩm.

Năm 1986, nhóm nhạc Mỹ Run-DMC sáng tác ca khúc My Adidas để thể hiện sự yêu thích của mình với sản phẩm của hãng này. Người hâm mộ của nhóm sau đó đã đổ xô mua giày Adidas. Ấn tượng với việc này, Adidas đã ký thỏa thuận trị giá 1,6 triệu USD với Run-DMC, tạo nên một trong những vụ hợp tác đáng nhớ nhất lĩnh vực giày thể thao.

Adidas sau đó tích cực liên kết với giới nghệ sĩ để quảng bá thương hiệu. Hãng này nổi tiếng với việc hợp tác với các vận động viên và rapper. Cầu thủ bóng đá David Beckham và huyền thoại boxing Muhammad Ali cũng từng hợp tác với Adidas.

Adolf qua đời năm 1978. Käthe sau đó tiếp tục điều hành công ty cùng con trai Horst cho đến khi bà mất năm 1984.

Hiện tại, Adidas là một trong những thương hiệu trang phục thể thao hàng đầu thế giới, bên cạnh Nike hay Puma. Doanh thu năm 2021 của Adidas là 25 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2020. Lợi nhuận hoạt động là 2,3 tỷ USD.

Tính đến 2022, riêng mảng giày dép, Adidas chiếm khoảng 10% thị phần toàn ngành.

Hà Thu (theo The Richest, Game Plan A)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …