Skip to main content

FPT: Trả lương kỹ sư AI đến 10 tỷ đồng mỗi năm

24 Tháng Sáu, 2024

Tăng chi cho nhân sự

Thông tin mới đây về mức lương đến hơn 10 tỷ đồng mỗi năm của kỹ sư cao cấp trong lĩnh vực AI, data tại Tập đoàn FPT đã khiến nhiều người sửng sốt.

Tùy vào vị trí công việc, mức thu nhập của người lao động sẽ khác nhau. Tuy nhiên, mức bình quân thu nhập tại tập đoàn này nhìn chung ở mức cao và có sự tăng trưởng mạnh. Năm 2023, tập đoàn tăng mạnh chi phí nhân viên từ mức 18.798 tỷ đồng của năm 2022 lên 22.824,9 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng chi phí của doanh nghiệp.

Với số lượng nhân viên toàn tập đoàn là 48.162 người, bình quân mỗi nhân viên đạt mức thu nhập xấp xỉ 474 triệu đồng trong năm 2023, tương ứng với 39,5 triệu đồng/tháng. Con số này trong năm 2022 là 443,3 triệu đồng/người/tháng, tương ứng thu nhập bình quân theo đầu người là 36,9 triệu đồng/tháng. Thu nhập bình quân của nhân viên FPT trong năm 2023 đã tăng hơn 7%.

Thù lao cho các thành viên Hội đồng quản trị được tăng khá mạnh so với năm trước đó. Ngoại trừ ông Trương Gia Bình – Chủ tịch HĐQT, ông Bùi Quang Ngọc – Phó chủ tịch HĐQT và ông Đỗ Cao Bảo – Ủy viên HĐQT không nhận thù lao thì các thành viên khác đều được tăng chi trả. Tổng mức chi cho HĐQT xấp xỉ 6,1 tỷ đồng, tăng so với mức 5,87 tỷ đồng của năm 2022.

Trong đó, ông Jean Charles Belliol – Ủy viên HĐQT – nhận về 960 triệu đồng thù lao, tăng hơn 10% so với năm 2022; bà Trần Thị Hồng Lĩnh – Ủy viên HĐQT (từ ngày 7/4/2022) nhận 360 triệu đồng, tăng 33%; ông Hiroshi Yokotsuka và ông Hampapur Rangadore Binod – Ủy viên HĐQT từ ngày 7/4/2022 cùng nhận mức 2,39 tỷ đồng (tăng gần 36%).

Bên cạnh đó, thù lao cho Ban Kiểm soát cũng tăng từ 1,25 tỷ đồng lên 1,46 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Việt Thắng – Trưởng ban kiểm soát nhận 716,8 triệu đồng, tăng 16,7%. Các thành viên khác là bà Dương Thùy Dương và Nguyễn Thị Kim Anh cùng nhận mức thù lao 369,6 triệu đồng, tăng đáng kể so với năm trước đó.

Tương tự, FPT cũng tăng lương cho Tổng giám đốc và những người quản lý chủ chốt khác. Tiền lương của ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT – trong năm 2023 là 4,4 tỷ đồng, tương ứng 366,7 triệu đồng/tháng, tăng 5,8% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Thế Phương – Phó tổng giám đốc – nhận mức lương 3,49 tỷ đồng tương ứng 290,8 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với năm 2022. Ông Hoàng Việt Anh – Phó tổng giám đốc – nhận mức lương 3,24 tỷ đồng tương ứng xấp xỉ 270 triệu đồng/tháng, tăng 24,5%.

Ông Hoàng Hữu Chiến – Kế toán trưởng – nhận lương 2,06 tỷ đồng tương ứng 171 triệu đồng/tháng, tăng 13,2%. Bên cạnh đó, mức lương cho bà Mai Thị Lan Anh cũng được tăng mạnh 45,5% lên 832 triệu đồng, tương ứng 69,3 triệu đồng/tháng.

Không chỉ được tăng lương, “người” FPT khi nắm cổ phần doanh nghiệp còn được chia cổ tức đều đặn hàng năm cả bằng tiền lẫn cổ phiếu.

Ngày 20/6 vừa qua, cổ đông FPT đã nhận được 1.270 tỷ đồng cổ tức còn lại năm 2023 chỉ sau 1 tuần chốt danh sách hôm 13/6. Tỷ lệ chia cổ tức đợt này là 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).

Cộng với lần tạm ứng 10% vào tháng 7/2023, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 của FPT là 20% bằng tiền (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng).

Bên cạnh đó, FPT mới đây còn phát hành cổ phiếu thưởng để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, dự kiến ngày chuyển giao cổ phiếu vào tháng 7 tới. Khối lượng cổ phiếu phát hành thêm là 190,5 triệu đơn vị, tỷ lệ 20:3, tức cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu thì được nhận thêm 3 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (hơn 8.600 tỷ đồng). Sau phát hành, vốn điều lệ của FPT tăng từ 12.700 tỷ đồng lên 14.605 tỷ đồng. Tổng số cổ phiếu sau đợt phát hành là 1,46 tỷ đơn vị.

Cổ phiếu liên tục phá đỉnh, lọt top 5 vốn hóa

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT vẫn đang miệt mài thiết lập đỉnh mới bất chấp VN-Index loay hoay dưới vùng 1.300 điểm và khối ngoại “chốt lời mỏi tay” đối với cổ phiếu này.

Đóng cửa phiên cuối tuần (21/6), FPT tăng thêm 2,1% lên 136.100 điểm, mức giá cao nhất lịch sử niêm yết của mã này. Vốn hóa thị trường của FPT đã đạt 198.767 tỷ đồng và đã vượt qua quy mô của nhiều doanh nghiệp lớn trên thị trường chứng khoán.

Thống kê cuối ngày 21/6 cho thấy, giá trị vốn hóa thị trường của FPT đã vượt qua HPG, GAS, CTG, TCB, VHM. Cổ phiếu tập đoàn ông Trương Gia Bình hiện xếp thứ 5 toàn thị trường, chỉ đứng sau VCB, VGI, ACV và BID.

Mức thị giá của FPT tăng nhanh, tăng 14,22% trong vòng 1 tháng qua và tăng 17% kể từ đầu tháng 6. So với đầu năm, giá cổ phiếu FPT đã tăng hơn 64% (tương ứng tăng hơn 53.000 đồng mỗi cổ phiếu).

Cùng với sự tăng giá không ngừng của cổ phiếu thì giá trị tài sản của cổ đông FPT cũng tăng theo, trong đó đáng kể nhất là khối tài sản trên sàn của nhóm “công thần”, đồng sáng lập và gắn bó với FPT từ thời kỳ khởi nghiệp.

Tại FPT, ông Trương Gia Bình vẫn là cổ đông lớn nhất, sở hữu 77,16 triệu cổ phiếu FPT tương ứng tỷ lệ nắm giữ là 6,08%. Ông Bùi Quang Ngọc nắm 20,84 triệu cổ phiếu tương ứng 1,64%.

Bà Trương Thị Thanh Thanh nắm 16,5 triệu cổ phiếu tương ứng 1,3%. Ông Đỗ Cao Bảo nắm 12,06 triệu cổ phiếu tương ứng 0,95% vốn điều lệ. Bà Trương Thị Thanh Thanh là mẹ chồng của Hoa hậu Jennifer Phạm.

So với đầu năm, tài sản của ông Trương Gia Bình đã gia tăng 4.099 tỷ đồng. Tài sản của ông Bùi Quang Ngọc tăng 1.107 tỷ đồng, của bà Trương Thị Thanh Thanh tăng 876 tỷ đồng và của ông Đỗ Cao Bảo tăng 641 tỷ đồng.

Doanh thu suýt soát “tỷ đô” sau 5 tháng

Theo cập nhật của FPT, trong 5 tháng đầu năm, tập đoàn này ghi nhận doanh thu đạt 23.916 tỷ đồng, lãi trước thuế 4.313 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,9% và 19,5% so với cùng kỳ năm trước.

Khối công nghệ chiếm tới 61% tổng doanh thu và 45% lãi trước thuế toàn tập đoàn, tương ứng đạt 14.513 tỷ đồng và 1.931 tỷ đồng. Trong đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài tiếp đà tăng gần 30% với doanh thu 11.998 tỷ đồng.

Trả lương kỹ sư AI đến 10 tỷ đồng/năm, sếp FPT giàu cỡ nào? - 3

FPT cho biết khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 16.341 tỷ đồng, tăng hơn 17% do đẩy sớm việc ký mới ngay trong tháng 12/2023. Riêng tháng 5, FPT thắng thầu thêm 6 dự án với quy mô trên 5 triệu USD/dự án, đưa tổng số dự án thắng thầu từ đầu năm lên 26 dự án.

Mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước đem về doanh thu 2.515 tỷ đồng, tăng hơn 5% nhờ nhu cầu đầu tư cho công nghệ từ khối ngân hàng và tài chính.

Năm 2024, FPT đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục 61.850 tỷ đồng và lãi trước thuế 10.875 tỷ đồng, cùng tăng 18% so với năm 2023. Như vậy, FPT đã thực hiện được 39% chỉ tiêu doanh thu và 40% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tập đoàn cũng gây chú ý với lượng tiền mặt ở mức cao. Theo báo cáo tài chính quý I, tập đoàn có lượng tiền mặt lên tới 6.341,5 tỷ đồng tại ngày 31/3, con số này đã giảm đáng kể so với mức 8.279,2 tỷ đồng vào thời điểm 31/12/2023. Tại ngày 31/3, FPT có 5.391 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 929,5 tỷ đồng các khoản tương đương tiền (là các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn không quá 3 tháng).

Riêng khoản lãi tiền gửi, cho vay cũng mang về cho FPT hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Năm 2023, lãi tiền gửi, cho vay của tập đoàn ở mức 1.648,4 tỷ đồng và năm 2022 là 1.349,5 tỷ đồng.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Dân Trí

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Volkswagen dự kiến sa thải hàng chục ngàn nhân viên

25 Tháng Mười Hai, 2024
Nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu Volkswagen đạt thỏa thuận với công đoàn trong việc cắt giảm hơn…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …