Thương hiệu Louis Vuitton chê người tiêu dùng ít tiền
Sau vụ Louis Vuitton bị tố bán hàng giả, những sự thật đằng sau cũng được các chuyên gia phanh phui.
Năm 2021, Gucci bị một khách hàng tố bán hàng giả. Năm 2020, trường hợp làm giả toàn bộ dây chuyền sản xuất của Hermès gây hoang mang cho các tín đồ thời trang.
Đến cuối tháng 5, việc Louis Vuitton bị cáo buộc bán hàng fake càng khiến người tiêu dùng mất niềm tin.
Nhiều người đặt câu hỏi: “Việc nhà mốt Pháp bán hàng giả có phải là xác suất nhỏ hay là sự phơi bày góc tối ‘quy luật ẩn’ của thị trường hàng xa xỉ?”
Theo Sina, đằng sau vẻ hoàn hảo được dệt nên bởi lịch sử lâu đời, ý tưởng thiết kế độc đáo và dữ liệu doanh thu đáng mơ ước là mặt ẩn của sự sang trọng cao cấp.
“Chặt chém” người tiêu dùng Trung Quốc.
Đầu năm nay, Bernard Arnault – Chủ tịch tập đoàn LVMH – cho biết nhu cầu về thời trang, túi xách và đồ trang sức của họ tiếp tục tăng cao.
Dự đoán của Arnault sớm trở thành hiện thực khi báo cáo thu nhập quý đầu tiên cho thấy doanh thu tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, bộ phận thời trang và đồ da của Louis Vuitton tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, giữ vị trí đầu bảng và đóng góp gần 50% doanh thu tập đoàn.
Thực tế, giá các mặt hàng xa xỉ đã có xu hướng tăng trong những năm gần đây. Louis Vuitton đã tăng giá 5 lần vào tháng 10/2019, tháng 1/2020, tháng 9/2020, tháng 1/2021 và tháng 2.
Mức tăng lên đến 20%, thậm chí một số món đồ cổ điển từng tăng 54%. Trước tình hình giá cả liên tục tăng, người tiêu dùng vẫn mua.
Nhiều chuyên gia phân tích ngành công nghiệp xa xỉ cho rằng trong thời kỳ đại dịch, tăng giá đã trở thành cách để các thương hiệu bảo vệ danh tiếng.
Trong những ngày đầu bùng phát dịch vào năm 2020, doanh số của các thương hiệu cao cấp đã giảm đáng kể so với năm 2019. Các thương hiệu xa xỉ bù đắp thiệt hại bằng cách tăng giá sản phẩm.
Sức tiêu dùng trực tuyến của các thương hiệu xa xỉ tăng nhanh chóng mặt. Việc tăng giá các mặt hàng xa xỉ cũng không thể ngăn được nhu cầu tiêu dùng cấp thiết của khách hàng sau thời gian dài ở nhà.
Dù vậy, người tiêu dùng ở Trung Quốc không được hưởng mức giá tốt nhất trên thế giới. Theo nhà phân tích Luca Solca của Bernstein, giá sản phẩm của thương hiệu này ở Trung Quốc đắt hơn 37% so với ở Pháp.
Mặt khác, việc Louis Vuitton liên tục tăng giá túi đã tạo nên xu hướng mua nhiều như một phương pháp để đầu tư.
Chanel CF, Dior Tote Presbyopia Bag và Louis Vuitton 5 in 1 là những chiếc túi nằm trong danh sách được săn lùng. Louis Vuitton 5 in 1 tăng 28% giá trị, trong khi kiểu túi messenger cũ là 19,55%.
Giá trị thương hiệu được xem như tài sản vô hình quan trọng nhất của các nhãn hàng xa xỉ.
Bởi khách hàng mục tiêu của họ không phải người tiêu dùng bình dân mà là người tiêu dùng cao cấp.
Đặc biệt, trong khi liên tục tăng giá, thương hiệu cũng dễ phân biệt và loại bỏ các nhóm khách hàng.
Loại trừ người có thu nhập dưới 450.000 USD.
“Thực tế, việc hàng giả xuất hiện là điều không thể xảy ra. Nhưng vẫn có một số trường hợp khách hàng mua phải hàng giả dù mua ở nơi uy tín.
Hàng thật bị nhân viên lấy và bán hàng giả cho khách, đội buôn hàng nhái sau lưng thương hiệu”, Zhou Ting – chuyên gia về hàng xa xỉ và là Viện trưởng viện nghiên cứu VIP- cho biết.
Do đó, vị chuyên gia này khuyên các thương hiệu nên kiểm soát tốt đội ngũ của mình để tránh những sự việc không hay có thể xảy ra. Bởi một chiếc túi giả được bán ra có thể ảnh hưởng đến cả thị trường hàng xa xỉ.
Theo Ting, những người tiêu dùng cốt lõi được thương hiệu coi là khách hàng VIP hiếm khi bị lừa. Trong khi đó, một sự thật đáng buồn là khách hàng mới thường được cho vào danh sách “quy tắc ẩn”.
Người mới thiếu khả năng nhận biết do thiếu kinh nghiệm. Nếu có vấn đề xảy ra, thương hiệu cũng giải quyết nhanh với nhóm khách hàng này. Với người tiêu dùng VIP, họ là nhóm khách mà các thương hiệu cao cấp cố gắng giữ chân.
Cách đây không lâu, một biên bản cuộc họp của Louis Vuitton bị lộ. Trong đó, cơ sở khách hàng của nhà mốt này được chia thành ba nhóm.
Đó là khách hàng có giá trị ròng cực cao (thu nhập hàng năm của cá nhân từ 1,5 triệu USD trở lên hoặc thu nhập hàng năm của gia đình từ 4,5 triệu USD trở lên), khách hàng có giá trị ròng cao (thu nhập cá nhân hàng năm từ 450.000 USD đến 1,5 triệu USD hoặc thu nhập gia đình hàng năm từ 1,5 triệu USD đến 4,5 triệu USD), không có thu nhập (bao gồm sinh viên và công nhân bình thường).
“Thu nhập hàng năm dưới 450.000 USD thuộc về nhóm phi thu nhập. Đây là câu nói vừa chế giễu vừa lăng mạ”, Sina bình luận.
Tất cả điều trên cho thấy Louis Vuitton đã cố gắng áp dụng mọi cách để tăng cường sự khan hiếm và định vị cao hàng xa xỉ. Sự khan hiếm là một chiến lược quan trọng để các thương hiệu cao cấp duy trì nét bí ẩn của họ. Và “vũ khí” chính là tăng giá.
Ngoài ra, các giám đốc điều hành LVMH cũng đề cập trong cuộc họp rằng dịch bệnh đã dẫn đến sự thay đổi cơ cấu khách hàng. Hiện tại, chỉ khách hàng có giá trị ròng siêu cao mới tăng sức mua.
Trong tương lai, LVMH sẽ thích ứng với sở thích của những cá nhân có giá trị ròng cực cao. Mặt khác, dòng sản phẩm cao cấp sẽ tiếp tục tăng giá để loại bỏ lượng khách hàng có thu nhập đang ngày càng suy giảm.
Dự đoán của hãng về nhóm khách hàng khá phù hợp với dữ liệu “Báo cáo về sự giàu có” của Hurun năm 2021.
Báo cáo cho thấy dịch bệnh ít ảnh hưởng đến giới siêu giàu. Các “gia đình giàu” của Trung Quốc với tổng tài sản 1 triệu USD thậm chí còn tăng 1,3% so với năm trước. Trong khi đó, hộ gia đình có giá trị ròng cực cao với tổng tài sản 15 triệu USD tăng 2,5%.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen
(Theo Zing)