Skip to main content

Toshiba: Chủ tịch bị buộc rời khỏi vị trí và 6 năm liên tiếp bị khủng hoảng

27 Tháng Sáu, 2021

Việc Chủ tịch Toshiba Osamu Nagayama bị các cổ đông nước ngoài loại bỏ khỏi vị trí đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử của tập đoàn Nhật Bản sau 6 năm lao đao vì các vụ bê bối liên tiếp.

Toshiba: Chủ tịch bị buộc rời khỏi vị trí và 6 năm liên tiếp bị khủng hoảng
Chủ tịch Toshiba Osamu Nagayama. Ảnh: Bloomberg.

Ngày 25/6, các cổ đông nước ngoài bỏ phiếu phế truất Chủ tịch HĐQT Toshiba Osamu Nagayama sau cuộc họp kéo dài 3 giờ.

Wall Street Journal dẫn lời nhà phân tích thị trường Masahiro Ichikawa của hãng Sumitomo Mitsui DS Asset Management nhận định sự kiện chấn động này là diễn biến đỉnh điểm của 6 năm hỗn loạn tại tập đoàn điện tử Nhật Bản.

Trong 6 năm qua, danh tiếng của Toshiba chết chìm trong các vụ scandal và sai sót quản trị gây chấn động. Mới nhất là vụ một số lãnh đạo Toshiba hợp tác với chính phủ Nhật Bản để gây sức ép lên các nhà đầu tư muốn cải tổ công ty.

Các nhà điều tra phát hiện một giám đốc Toshiba viết trong email rằng cách tốt nhất để HĐQT xử lý các cổ đông nổi loạn là “đập cho họ một trận nhừ tử”.

“Toshiba không thể tiếp tục hoạt động như hiện tại, vì cả tương lai của công ty cũng như uy tín của văn hóa quản trị Nhật Bản”, Financial Times bình luận.

Từng là biểu tượng công nghệ Nhật Bản.

Toshiba được thành lập vào năm 1875, đến nay đã trải qua 146 năm phát triển. Ban đầu, công ty sản xuất thiết bị máy điện báo, sau đó là vũ khí.

Năm 1939, công ty được đổi tên thành Tokyo Shibaura Electric Company, sau đó cái tên này được rút ngắn thành Toshiba.

Trong những thập niên sau đó, Toshiba trở thành một biểu tượng công nghệ của Nhật Bản.

Tập đoàn này đi tiên phong trong hoạt động sản xuất máy vi tính, tivi và các loại đồ điện tử khác. Các sản phẩm của Toshiba có mặt khắp thế giới và là bằng chứng cho thấy sức mạnh công nghệ đáng ngưỡng mộ của Nhật Bản.

Năm 2015, sóng gió ập đến. Toshiba bị phát hiện làm giả sổ sách tài chính, thổi phồng lợi nhuận của loạt động kinh doanh tới 1,2 tỷ USD trong vòng 7 năm.

Ngay sau đó, CEO Hisao Tanaka buộc phải từ chức. Điều tra cho thấy các đời CEO Toshiba không trực tiếp ép cấp dưới khai khống kết quả kinh doanh, nhưng đặt KPI lợi nhuận cực cao cho các bộ phận.

Họ gửi thông điệp tới lãnh đạo các bộ phận rằng thất bại là điều không thể chấp nhận được.

Trong một số trường hợp, các CEO Toshiba đưa ra mục tiêu kinh doanh quý ở giai đoạn cuối quý, khiến cấp dưới không kịp trở tay. Cuối cùng, các đơn vị kinh doanh dùng chiêu thức làm giả sổ sách để đối phó với cấp trên.

Tiếp đến là kết quả thảm họa của các dự án đầu tư vào năng lượng nguyên tử hồi đầu thập niên 2000.

Năm 2017, Toshiba thừa nhận tập đoàn này lỗ khoảng 9 tỷ USD trong năm tài chính tính đến hết ngày 31/3 vì kết quả kinh doanh tồi tệ của chi nhánh điện hạt nhân tại Mỹ. Sau đó, Toshiba bắt đầu bán một số tài sản quan trọng, bao gồm bộ phận microchip, máy vi tính và tivi.

Sau quãng thời gian khủng hoảng, các cổ đông, bao gồm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, muốn Toshiba thay đổi. Ban lãnh đạo công ty cũng tuyên bố muốn “thành lập một nền văn hóa quản trị mới”.

Ba giám đốc độc lập người nước ngoài được đưa vào HĐQT 11 thành viên trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Một năm sau, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, các nhà đầu tư kỳ vọng một số lãnh đạo kỳ cựu người Nhật Bản của Toshiba sẽ ra đi.

Sự kiện gây chấn động thương trường Nhật Bản.

Quỹ đầu tư Singapore Effissimo Capital Management – một trong những cổ đông lớn nhất của Toshiba – đề xử 3 ứng viên vào HĐQT công ty. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là không ai trong số họ được bổ nhiệm.

Effissimo Capital Management yêu cầu ban quản trị Toshiba mở cuộc điều tra độc lập về khả năng gian lận bỏ phiếu trong đại hội đồng cổ đông năm 2020. Tuy nhiên, các lãnh đạo Toshiba kháng cự. Điều tra nội bộ không phát hiện bất cứ điều gì bất thường.

Không đầu hàng, Effissimo Capital Management thuyết phục các cổ đông thông qua một cuộc điều tra độc lập. Đây là sự kiện gây chấn động thương trường Nhật Bản bởi thông thường, các cổ đông nước này luôn đặt niềm tin vào ban quản trị công ty.

Cuộc điều tra độc lập được thực hiện từ năm ngoái và báo cáo điều tra được công bố tuần trước. Kết quả cho thấy ban lãnh đạo Toshiba hợp tác với các quan chức chính phủ để ngăn chặn đại diện cổ đông nước ngoài lên nắm quyền.

Các sếp lớn ở Toshiba cũng bị cáo buộc gây sức ép lên một số cổ đông nước ngoài khác để đảm bảo mọi thành viên HĐQT giữ được ghế.

Bốn thành viên nước ngoài trong HĐQT Toshiba là George Zage III, Ayako Weissman, Paul Brough và Jerry Black khẳng định những cáo buộc trên là cực kỳ nghiêm trọng.

Financial Times bình luận đây là cú đòn nghiêm trọng giáng vào uy tín đã sa sút của Toshiba và đẩy công ty vào khủng hoảng.

Kết quả của cuộc khủng hoảng là Chủ tịch Osamu Nagayama và toàn bộ thành viên ủy ban kiểm toán thuộc HĐQT Toshiba phải ra đi.

Nhà phân tích Shingo Ide của Viện Nghiên cứu NLI nhận định các giám đốc người nước ngoài có thể giúp cải tổ nhiều tập đoàn Nhật Bản.

“Họ không vướng nhiều lợi ích chồng chéo với nội bộ công ty hoặc khách hàng, do đó họ có thể tư duy chiến lược và không bị cảm xúc chi phối. Họ có cách tư duy khác biệt với người Nhật Bản”, chuyên gia Ide nhấn mạnh.

Dù vậy, các chuyên gia khác cho rằng HĐQT mới của Toshiba với nhiều thành viên người ngoại quốc sẽ đối mặt không ít khó khăn khi điều hành tập đoàn khổng lồ đã quá quen thuộc với cách quản trị truyền thống và bảo thủ.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Đan Linh | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …