Skip to main content

Zoom: Từ vị cứu tinh đến kẻ tội đồ

15 Tháng Tư, 2020

Trong thời gian qua, ứng dụng họp trực tuyến Zoom đã trở thành vị cứu tinh cho nhiều người trên toàn cầu. Tuy nhiên, ánh hào quang của Zoom đã không tồn tại lâu, khi nó trở thành tội đồ

zoom

Mất an toàn thông tin

Zoom hiện được rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, trường học trên toàn cầu ủng hộ sử dụng như một biện pháp khắc phục hạn chế khi phải cách ly xã hội do đại dịch COVID-19, hàng tỷ người đã sử dụng Zoom để làm việc, học tập từ xa. Theo The Next Web, lượng người dùng hoạt động mỗi ngày trên Zoom tăng từ 10-200 triệu trong tháng 3. Tuy nhiên, trước hàng loạt các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, Zoom đã mất đi sự tin tưởng của người dùng.

Ngay tại Việt Nam, vừa qua Cục An toàn thông tin (ATTT) của Bộ Thông tin Truyền thông (Bộ TT&TT) đã đưa ra cảnh báo tới các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân, về các nguy cơ khi sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom.

Theo đó, ngày 14/4/2020, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục ATTT ghi nhận có hơn 500.000 tài khoản Zoom đã bị lộ lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, trong đó bao gồm: email, mật khẩu, đường dẫn URL các cuộc họp và mật khẩu kèm theo.

Phó Cục trưởng Cục ATTT, ông Nguyễn Khắc Lịch nhận định: “Hiện nay, Zoom đang là phần mềm phổ biến cho học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa. Tuy nhiên, phần mềm này tồn tại một số lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như: mã hóa dữ liệu đầu cuối kém, dễ dàng bị dò quét ID cuộc họp, lỗ hổng liên quan đến đường dẫn UNC (Universal Naming Convention)”.

Thông qua những lỗ hổng trên, tin tặc có thể truy cập bất hợp pháp vào các phòng họp, theo dõi, truyền bá các thông tin xấu độc, đánh cắp thông tin hoặc cài đặt mã độc trực tiếp trên máy tính người dùng.

Tăng cường bảo mật

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đặc biệt là bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người sử dụng, ông Nguyễn Khắc Lịch khuyến cáo:

Các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước không nên sử dụng phần mềm Zoom để phục vụ các buổi họp trực tuyến tại đơn vị mình. Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác cân nhắc cẩn thận khi sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom cho các hoạt động học trực tuyến, trao đổi trực tuyến hoặc các tổ chức hội họp khác.

Ưu tiên lựa chọn các sản phẩm phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa do doanh nghiệp uy tín sản xuất, đặc biệt là các sản phẩm do doanh nghiệp uy tín trong nước cung cấp như: Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, VNG, CMC, Nhân Hòa,…

Đối với các doanh nghiệp cung cấp phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa: phải trang bị đầy đủ các tính năng bảo mật cho phần mềm, bảo đảm an toàn thông tin cho người sử dụng, có đội ngũ kỹ thuật để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.

Đối với người sử dụng các phần mềm học trực tuyến, tổ chức hội họp và làm việc từ xa:

Chú ý tải phần mềm tải phần mềm từ các nguồn chính thống, thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm.

Không chia sẻ thông tin về phòng họp (ID, mật khẩu) để tránh các trường hợp bị kẻ xấu theo dõi, phá hoại.

Thiết lập các cấu hình bảo mật cao trên các phần mềm họp trực tuyến. Cụ thể: đặt mật khẩu phức tạp cho các buổi họp; kích hoạt chế độ xét duyệt người tham gia trước khi vào phòng họp; thiết lập các tính năng quản lý việc chia sẻ màn hình trong buổi họp; hạn chế việc lưu lại nội dung buổi họp trong trường hợp không cần thiết.

Đối với người dùng đã sử dụng phần mềm Zoom, thực hiện ngay việc đổi mật khẩu phức tạp, tránh sử dụng chung mật khẩu với các tài khoản khác.

Khi phát hiện nguy cơ, dấu hiệu lộ, lọt thông tin cá nhân của người sử dụng, cần nhanh chóng khắc phục và kịp thời thông báo cho Cục ATTT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Hãy tham gia Cộng đồng Marketing của MarketingTrips tại: Link

 

Hà Anh | MarketingTrips

Theo Enternews

 

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …