Skip to main content

Bách Hóa Xanh lỗ 7 năm liên tiếp (và đang tìm cách chuyển mình)

7 Tháng Một, 2024

Bách Hóa Xanh từng được kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới của Thế Giới Di Động nhưng 7 năm qua lỗ liên tiếp, buộc chuỗi phải tái cơ cấu toàn diện để chuyển mình.

Ra đời năm 2015, Bách Hóa Xanh được Thế Giới Di Động coi là “con cưng”, kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, chuỗi này đã liên tục thua lỗ với mức lũy kế hiện lên đến 8.300 tỷ đồng.

Bảy năm liên tục lỗ

Tháng 11/2015, những cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên được mở tại quận Bình Tân – nơi có mật độ dân cư cao nhất TP HCM. Ba năm sau, chuỗi này mở rộng lên 238 cửa hàng, nhưng đi kèm là khoản lỗ 556 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khoản lỗ năm 2016.

Công ty sau đó bắt tay chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang thiết kế “mở” nhằm thúc đẩy tăng doanh số. Diện tích mỗi shop được mở rộng từ 100 m2 lên 450-500 m2 để thuận tiện bày trí hàng hóa. Chuỗi cũng tiếp tục nâng số lượng cửa hàng lên 1.500. Tuy nhiên, chiến lược này không giúp bách hóa xanh cải thiện tình hình, ngược lại càng khiến khoản lỗ phình to. Kết thúc năm 2020, công ty lỗ 1.734 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với 2018, gấp 31 lần so với 2016. Đây cũng là năm chuỗi bán lẻ này lỗ nặng nhất.

Dẫu vậy, công ty vẫn kiên trì với chiến lược mở rộng quy mô khi cuối năm ngoái, số cửa hàng tăng lên 2.106 chi nhánh. Giai đoạn này, hãng cũng gặp phải những lùm xùm liên quan đến giá bán và chất lượng phục vụ khiến hoạt động kinh doanh càng thêm khó. Lũy kế từ 2016 đến nay, chuỗi này lỗ 8.300 tỷ đồng – gánh nặng lớn nhất của Thế Giới Di Động (MWG) những năm qua. Trước khoản lỗ lớn, nhiều quỹ ngoại ồ ạt rút vốn khỏi MWG.

Nhìn lại diễn biến này, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động – cho rằng ngọn nguồn là do Bách Hóa Xanh mở rộng mạng lưới nhanh. Nhiều cửa hàng kinh doanh chưa hiệu quả. Ngành hàng tươi sống của chuỗi những năm qua đang có vấn đề bởi các yếu tố khách quan như thời tiết và quy trình bảo quản. Thêm vào đó, chi phí logistics lớn khiến giá sản phẩm bị đội lên cao.

Một nguyên nhân khác theo chuyên gia kinh tế – TS Đinh Thế Hiển là việc chuỗi chọn đầu mối cung ứng hàng chưa đồng bộ. Bách Hóa Xanh thời kỳ đầu chọn cách dùng hệ thống thương lái và nông dân để tạo nguồn cung đa dạng. Điều này tác dụng ngược vì đa phần nhóm trên là các nhà cung cấp nhỏ và chất lượng sẽ không đồng đều. Khi mở ồ ạt cửa hàng mà lượng khách mục tiêu giảm khiến chuỗi này phải gồng lỗ.

Cải tổ toàn diện

Trước những sai lầm, quý II/2022, Bách Hóa Xanh quyết định tái cấu trúc chuỗi. Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động – trở lại tiếp quản trực tiếp Bách Hóa Xanh sau đơn từ nhiệm của ông Trần Kinh Doanh – CEO gắn bó với chuỗi này từ những ngày đầu đặt nền móng.

Bước tái cấu trúc đầu tiên, ông Tài chọn là đóng 400 cửa hàng kinh doanh yếu kém và chỉ giữ lại hơn 1.706 chi nhánh. Công ty dừng hẳn việc mở rộng mạng lưới để lược bỏ những nhóm hàng hiệu suất kinh doanh kém, dồn lực thay đổi cách bố trí, sắp xếp (layout) mới, xử lý các cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Bách Hóa Xanh thay đổi định vị từ mô hình chợ hiện đại sang “siêu thị mini”.

Bên cạnh thay đổi cách bố trí, Bách Hóa Xanh đẩy mạnh thực hiện chiến lược giá tốt. Sau hơn một năm thay đổi, ghi nhận của VnExpress hiện nay cho thấy các gian hàng bên ngoài tại mỗi cửa hàng đã được lược bỏ và chỉ đưa vào bên trong những sản phẩm bán chạy, có nguồn gốc rõ ràng. Siêu thị này còn có một quầy chuyên trưng bày hàng sale trong ngày với chiết khấu lên tới 50%.

Không còn phân phối “đủ thứ”, Bách Hóa Xanh hoạch định lại danh mục khách hàng ưa chuộng, gạt bỏ những nhà cung cấp kém chất lượng. Thay vào đó, doanh nghiệp chọn nhà cung cấp lớn, chất lượng hàng ổn định. Nhờ đó, doanh số bản lẻ của hãng đã có nhiều cải thiện. Các nhà cung cấp lớn tại chuỗi này cũng cho biết doanh số bán hàng cho siêu thị này của họ tăng trưởng mạnh ở mức 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Doãn Chí Thiên – Thành viên Hội đồng quản trị Navico – đơn vị sản xuất và xuất khẩu cá basa lớn nhất An Giang – cho biết mới bắt tay với Bách Hóa Xanh trong năm 2023 nhưng 9 tháng, sản lượng cá tra nguyên con bán vào đạt 1.300 tấn. Riêng quý III, sản lượng cá tra bán tại chuỗi này tăng 90% so với quý II.

Tương tự, dẫn đầu thị phần ngành kem – KIDO cũng cho biết chuỗi Bách Hóa Xanh đang đóng góp doanh thu lớn nhất cho doanh nghiệp ở kênh bán lẻ hiện đại. Tại hệ thống này, chương trình “mua 2 tặng 1” giúp chuỗi thúc đẩy doanh số bán kem tăng nhanh.

Cải tổ cuối cùng đang giúp Bách Hóa Xanh sắp đạt điểm hòa vốn là giải quyết bài toán về chi phí logistic.

Ông Phạm Văn Trọng CEO Bách Hóa Xanh cho hay để giải quyết bài toán này, công ty đã tăng dòng chảy hàng hóa đi trung tâm phân phối và kho hàng (DC) để phục vụ nhiều cửa hàng. Công ty dịch chuyển DC đông lạnh lớn thành DC mini để quãng đường vận chuyển sản phẩm tới siêu thị nhanh và đảm bảo tươi ngon.

Theo ông Trọng, 95% cửa hàng Bách Hóa Xanh đã đạt Ebitda (lợi nhuận trước lãi suất, thuế, khấu hao) dương trong 9 tháng.

Bách Hóa Xanh sắp thoát lỗ

Doanh thu 11 tháng của chuỗi này đạt 28.400 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ 2022. Riêng trong tháng 11, doanh thu chuỗi hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đạt 1,75 tỷ đồng một tháng.

Tại cuộc họp trực tuyến cập nhật kết quả kinh doanh quý III của Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài cho biết tốc độ tăng trưởng doanh thu và lãi gộp đang cải thiện, 2024 Bách Hóa Xanh sẽ đạt điểm hòa vốn. Chuỗi này sẽ tự kiếm tiền trang trải chi phí và tập đoàn sẽ không phải bù lỗ.

Năm 2024, chuỗi bán lẻ này dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với 2023, trong đó cơ cấu các mặt hàng tươi sống chiếm khoảng 40-50%. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng dự kiến đạt khoảng 2 tỷ đồng.

Bách Hóa Xanh thời gian tới sẽ chỉ mở mới ở khu dân cư đông. Công ty cũng không mở các cửa hàng lớn 300-400 m2 mà tập trung ở diện tích 150 m2 và 200 m2.

“Để kinh doanh đúng hướng, công ty sẽ di dời những thứ không hiệu quả ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại những cơ thể khỏe mạnh, gọn gàng đi tới tương lai”, ông Tài nhấn mạnh.

Trước hàng loạt thay đổi của Bách Hoá Xanh, TS Đinh Thế Hiển cho rằng mô hình này có triển vọng trong tương lai. Hướng thay đổi của chuỗi phù hợp với quá trình đô thị hóa của Việt Nam. Việc Bách Hóa Xanh thay đổi từ cung cấp thực phẩm sống sang hàng mát là hướng đi phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong nước và thế giới.

Theo ông Hiển, các mô hình kinh doanh hiện đại khó có lãi ngay vì thời kỳ đầu họ phải gồng lỗ để bán giá rẻ thu hút khách hàng. Tuy nhiên, với Bách Hóa Xanh chiến lược giá tốt sẽ “cứu cánh” cho chuỗi này khi quy mô lớn, doanh thu sẽ tăng và giá thành giảm. Lúc đó, họ có bán giá thấp như hiện tại vẫn có lãi vì doanh thu lớn và thị phần mở rộng.

Đồng quan điểm, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng chuỗi này đã có cải thiện tích cực. Trong đó, chi phí logistic giảm là kết quả của thay đổi phương thức vận hành.

Với nhóm phân tích SSI Research cũng dự báo chuỗi Bách hóa Xanh sẽ đạt 441 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2024 và sẽ tăng trưởng từ năm 2025.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnExpress

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Tài sản của ông chủ Meta tăng hơn 84 tỷ USD năm 2024

3 Tháng Một, 2025
Năm 2024 là một năm bận rộn của Mark Zuckerberg. Vị CEO của Meta (Facebook) này đã phân bổ hàng t…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …