Các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh FMCG vẫn sống khỏe giữa Covid-19
Nhờ nắm bắt xu hướng tiêu dùng tại nhà nhiều hơn, các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể giữa Covid-19.
Kantar trong báo cáo mới đây đánh giá các thương hiệu ăn vặt đã có một năm 2020 thành công khi xu hướng tiêu dùng tại nhà nhiều hơn trong mùa dịch nổi lên.
Orion Việt Nam và Mondelez là ví dụ điển hình. Sản phẩm của hai nhà sản xuất này đã được chọn mua hàng triệu lần ở cả bốn thành phố chính (bao gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ) và ở nông thôn Việt Nam.
Orion Việt Nam và Mondelez còn tiếp cận được hàng ngàn hộ gia đình mới, một phần nhờ việc đầu tư ra mắt các sản phẩm mới được người tiêu dùng đón nhận như C’est Bon (Orion) và Cosy Wonderfulls (Mondelez).
Theo bảng xếp hạng các nhà sản xuất và thương hiệu ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đạt tốc độ tăng trưởng điểm tiếp cận người tiêu dùng (CRP) nhanh nhất năm vừa qua, Yakult Việt Nam ấn tượng giữ vị trí dẫn đầu ở khu vực thành thị bốn thành phố chính.
Cùng với tăng trưởng tích cực của ngành hàng sữa chua uống, Yakult Việt Nam ghi nhận mức tăng hai chữ số về CRP, chủ yếu nhờ vào thương hiệu cùng tên.
Nhà sản xuất nổi tiếng đến từ Nhật Bản này không ngừng đẩy mạnh truyền thông về các lợi ích dinh dưỡng, cũng như tăng cường hệ miễn dịch mà sản phẩm mang lại, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trong bối cảnh đại dịch.
Ở khu vực nông thôn, Công ty sữa quốc tế IDP xuất sắc được vinh danh ở vị trí đầu tiên trong tốp 10 nhà sản xuất có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, phần lớn đến từ thành công của Kun – thương hiệu sữa chính của IDP.
Với đối tượng chủ yếu là trẻ em, Kun đạt mức tăng ba chữ số về điểm tiếp cận người tiêu dùng trong năm qua.
Không những góp mặt trong tốp 10 nhà sản xuất FMCG được chọn mua nhiều nhất, Calofic một lần nữa tỏa sáng với tăng trưởng CPR vượt trội 15% ở khu vực nông thôn.
Kantar đánh giá nhà sản xuất dầu ăn này luôn chú trọng việc phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng.
Với doanh mục sản phẩm đa dạng, Calofic đã tiếp cận được hơn 85% hộ gia đình ở khu vực nông thôn, và thành công thu hút thêm gần 300.000 hộ gia đình mới trong năm qua.
Yếu tố chính của các thương hiệu có tốc độ tăng trưởng CRP nhanh nhất chính là khả năng thu hút nhiều hộ gia đình mới.
Nhìn chung, các thương hiệu về thực phẩm đang thống trị bảng xếp hạng, nhờ vào các dịp tiêu thụ tại nhà tăng lên do tác động của đại dịch.
Đáng chú ý, phân nửa các thương trong cuộc đua về tăng trưởng CRP cũng là các thương hiệu được chọn mua nhiều nhất trong ngành hàng tương ứng, chứng minh các thương hiệu lớn cũng có cơ hội tăng trưởng tốt, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch.
Nhìn sâu hơn vào bảng xếp hạng thương hiệu của khu vực thành thị bốn thành phố, Vifon xuất sắc được vinh danh là thương hiệu thu hút nhiều người mua mới nhất, bên cạnh mức tăng trưởng CRP 33% ấn tượng.
Nhiều sản phẩm khác loại cùng với hương vị đa dạng được ra mắt đáp ứng nhu cầu thị hiếu giúp thương hiệu mở rộng mạng lưới người tiêu dùng của mình một cách đáng kể, với 1/4 trong đó là hộ mua mới.
Tăng vọt 18 hạng ở thành thị bốn thành phố chính, C2 ghi danh là người đua ở vị trí thứ ba với tốc độ tăng trưởng CRP mạnh mẽ 30%.
Kết quả này là nhờ C2 không ngừng đầu tư cho các hoạt marketing cũng như ra mắt nhiều sản phẩm mới trong năm qua, thành công nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng tại nhà trong thời gian giãn cách.
Ở khu vực nông thôn, Omachi xuất sắc giữ vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng những thương hiệu có tốc độ tăng trưởng CRP nhanh nhất.
Thương hiệu này đã tiếp cận được gần 1/3 hộ gia đình ở khu vực này, đồng thời mở rộng danh mục người dùng của mình thêm 17% trong năm 2020. Omachi cũng ghi nhận những tăng trưởng đáng kể ở thành thị bốn thành phố chính với vị trí thứ 5.
Thành công này một phần nhờ vào những sản phẩm mới được người tiêu dùng Việt đón nhận như mì bò hầm sốt vang, mì trộn spaghetti.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Long Trần | MarketingTrips