CEO Unilever: Giảm bớt sự tập trung vào mục đích thương hiệu và nâng cao văn hoá hiệu suất
Theo chia sẻ từ tân CEO Unilever Hein Schumacher, Unilever sẽ không tập trung theo đuổi mục đích thương hiệu đối với một số thương hiệu mà khái niệm này đơn giản là không phù hợp.
Trong khi trước đây, gã khổng lồ ngành FMCG Unilever vốn coi mục đích của thương hiệu (Brand Purpose) là trọng tâm cho các thương hiệu của mình, CEO mới dường như đang thay đổi quan điểm này, ít nhất là với một số danh mục sản phẩm nhất định.
Theo thông tin được công bố, cựu giám đốc tài chính (CFO) Hein Schumacher đã được bổ nhiệm đảm nhận vai trò CEO của Unilever từ tháng 7. Trong một chia sẻ mới đây với các nhà đầu tư, tân CEO này cho biết rằng công ty sẽ ngừng theo đuổi cái gọi là mục đích thương hiệu đối với một số sản phẩm nhất định.
Quan điểm của CEO mới được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư đang phản đối cách tiếp cận tập trung vào mục đích thương hiệu và bỏ qua yếu tố tăng trưởng của cựu CEO Unilever Alan Jope.
Tuy nhiên, CEO Schumacher không bác bỏ hoàn toàn khái niệm về mục đích thương hiệu, đồng thời cũng thừa nhận nhiều giá trị mà Unilever đã có được với chiến lược này, vấn đề là ông cho rằng khái niệm này đơn giản là không phù hợp với một số danh mục sản phẩm.
Ông nói: “Khi được thực hiện tốt, mục đích thương hiệu có thể mang lại hiệu quả cao”, đồng thời chỉ ra những ví dụ thành công của các nhãn hàng như Dove và Lifebuoy.
Ông nói thêm: “Nhưng chúng tôi sẽ không áp dụng điều này với toàn bộ danh mục sản phẩm, đối với một số thương hiệu, nó đơn giản là không phù hợp.”
Trong những năm gần đây, không chỉ trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), các cuộc tranh luận xoay quanh tính bền vững và mục đích của thương hiệu đang trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Về cơ bản là trái ngược với cựu CEO, người kế nhiệm Schumacher tuyên bố rằng ông coi mục đích thương hiệu là động lực tăng trưởng cho một số thương hiệu nhất định, ông cho biết cách tiếp cận này của Unilever đã không thể thúc đẩy hay nâng cao ý nghĩa của cái gọi là mục đích.
CEO này đang tìm cách tách các chương trình phát triển bền vững tổng thể của doanh nghiệp ra khỏi ý tưởng tích hợp mục đích xã hội hoặc môi trường (CSR) vào mọi đề xuất thương hiệu.
Thúc đẩy văn hóa hiệu suất.
Một ưu tiên khác của Unilever cũng được CEO Schumacher vạch ra đó là cam kết thúc đẩy “văn hóa hiệu suất” tại Unilever.
Ông nói: “Chúng tôi có một nền tảng gồm nhiều tài năng xuất sắc trên toàn cầu, nhưng chúng tôi lại không có văn hóa hiệu suất phù hợp.” Điều này có nghĩa là từ CEO đến nhân viên của Unilever cần tập trung vào ít việc hơn nhưng làm tốt hơn.
CEO này cũng cho biết, để thực hiện tốt chiến lược mới, một số vai trò như CMO (Giám đốc Marketing) hay CGO (Giám đốc Tăng trưởng) sắp tới cũng sẽ được bổ nhiệm.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips