Skip to main content

Doanh thu của 3 nhà mạng Viettel, Mobifone và VNPT khi mảng truyền thống thoái trào

1 Tháng Ba, 2024

Ba năm gần đây, doanh thu của ba nhà mạng viễn thông lớn nhất thị trường đều bị chững lại, thậm chí suy giảm như trường hợp của MobiFone do dịch vụ truyền thống là gọi và tin nhắn SMS đang dần bị thay thế.

Hiện ba nhà mạng Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chiếm trên 90% thị phần viễn thông Việt Nam. Trong năm 2023, Viettel vẫn đang giữ vững vị trí số 1 về viễn thông với 56,5% thị phần thuê bao di động. Khoảng 34% miếng bánh viễn thông đang thuộc về MobiFone và VNPT, công ty mẹ của Vinaphone.

Trong năm 2023, Tập đoàn Viettel ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 172.500 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Kết quả lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước  chưa được công bố như các năm trước.

Viettel là tập đoàn hoạt động đa ngành nghề, từ mạng viễn thông, hạ tầng số, thương mại điện tử, logistics, … và còn kinh doanh ra nước ngoài. Như vậy, con số doanh thu trên bao gồm các mảng như vừa liệt kê.

Mặc dù không công bố chi tiết nguồn thu, Tập đoàn cho biết thị phần viễn thông tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với 56,5% toàn thị trường. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế số 1 gồm cố định băng rộng (FTTH) với thị phần 43%; truyền hình trên đa nền tảng chiếm 31,2%.

Năm qua, Viettel đã chuyển dịch 5,8 triệu thuê bao 2G lên 4G (đạt 109% kế hoạch), nâng tỷ trọng thuê bao 4G lên 80%; chuẩn hóa thông tin giai đoạn 2 cho 8,6 triệu thuê bao (đạt 100% kế hoạch); ứng dụng công nghệ AI để tối ưu hiệu quả chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác…

Doanh thu từ nước ngoài của tập đoàn tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng 7 năm liên tiếp và gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới. Hiện tại Viettel đang phát triển thị trường viễn thông tại 6 quốc gia là Haiti (thông qua Natcom), Campuchia (Metfone), Lào (Unitel), Myamar (Mytel), Đông Timor (Telemor), và Burundi  (Lumitel).

Đối với Tập đoàn VNPT, công ty mẹ của nhà mạng Vinaphone, năm 2023 tổng doanh thu đạt 54.856 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 98% kế hoạch.

Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 4.468 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận công ty mẹ là 2.824 tỷ đồng, nhích 0,1%. VNPT nộp ngân sách nhà nước 3.849 tỷ đồng, vượt gần 13% kế hoạch. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 6%.

Trong khi đó, kết quả của MobiFone lại giảm sút với tổng doanh thu công ty mẹ đạt 25.440 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.638 tỷ đồng năm 2023, giảm lần lượt 12% và 49% so với năm trước đó.

Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của MobiFone đạt 7,25%. Tổng công ty nộp ngân sách nhà nước 1.639 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), năm 2023, doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 3,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,49% so với năm 2022. Nộp ngân sách nhà nước tăng 1,31% so với cùng kỳ, ước đạt 99.323 tỷ đồng.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2024 của VNPT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, tăng trưởng những năm gần đây của các nhà mạng là thấp, thấp hơn tăng trưởng GDP  (viễn thông trong nước của Viettel tăng từ 2 – 5%, VNPT từ 2 – 3%, Mobifone thì giảm từ 4 -10% mỗi năm). Một nhà mạng viễn thông thế hệ mới mà tăng trưởng tốt là phải xung quanh 10%, tăng trưởng mức đạt yêu cầu thì cũng phải trên 5%.

Bộ trưởng cho rằng các nhà mạng chủ chốt, đã chưa đầu tư đi trước về xây dựng hạ tầng số, và cũng vì vậy mà vẫn chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa. Thậm chí suy giảm.

Ví dụ như các dịch vụ truyền thống là thoại và SMS, đã từng chiếm gần 100% doanh thu di động của nhà mạng, thì cơ bản sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 10%.

Những dịch vụ truyền thống này của VNPT vẫn đang chiếm tới 40%, phải chuẩn bị là tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 10%. Nếu không sớm mở ra không gian mới thì VNPT cũng như các nhà mạng khác sẽ gặp nguy hiểm trong tương lai, Bộ trưởng đưa quan điểm.

Cuộc cách mạng 5G và động lực cho các nhà mạng viễn thông

Tại Việt Nam, nhà mạng viễn thông, hạ tầng số có không quá 10 công ty, nhưng lại có rất nhiều đơn vị làm ứng dụng công nghệ thông tin. Do đó, việc định vị đúng chức năng sẽ góp phần cải thiện tình hình.

Theo Bộ trưởng, nguồn thu chính của một nhà mạng, một doanh nghiệp hạ tầng là đến từ các dịch vụ thuê bao đăng ký, thu phí hàng tháng, không phải từ các dự án thu tiền một lần.

Năm 2024 được coi là năm thương mại hóa mạng 5G trên toàn quốc. Trong các năm trước, các nhà mạng đã ráo riết chuẩn bị đầu tư cho cuộc đua chuyển đổi này, nhằm phủ sóng mạng 5G mà không cần phải qua bước trung giang 4,5G (5G NSA).

Nếu phát triển, triển khai mạng 5G và hướng đi đúng đắn cho kinh doanh 5G có thể tạo ra tăng trưởng cho nhà mạng ít nhất 5 – 10%, người đứng đầu Bộ TT&TT nhận định. Tuy nhiên, việc tăng trưởng 10% không đơn thuần là chỉ đầu tư vào mạng 5G mà còn phải tạo ra một hệ sinh thái ứng dụng 5G theo sau,…

Theo dự báo, thị trường các ứng dụng 5G toàn cầu sẽ đạt 670 tỷ USD vào năm 2025, tức là giúp cho doanh thu nhà mạng tăng tới 50% so với năm 2020, trung bình mỗi năm tăng 10%.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp Kinh doanh

Bài viết liên quan