Skip to main content

Người sáng lập Pharmacity khai trương nhà thuốc Phượng Hoàng để đối đầu với Long Châu

22 Tháng Mười Một, 2024

Thị trường bán lẻ (retail) dược phẩm Việt Nam liên tiếp chứng kiến tay chơi mới. Quy mô thị trường được dự báo có thể lên tới 7 tỷ USD/năm.

Ngày 19/11, ông Chris Blank – Nhà sáng lập đồng thời là cựu CEO chuỗi Pharmacity, thông báo khai trương hệ thống nhà thuốc mới có tên Phượng Hoàng.

“Hôm nay, chúng tôi chính thức mở cửa hàng đầu tiên của Nhà Thuốc Phượng Hoàng. Vào ngày đặc biệt này, chúng tôi đã bắt đầu bằng một nghi thức cầu nguyện để xin phước lành cho hành trình mới và kiểm tra hệ thống vận hành – tôi vui mừng chia sẻ rằng mọi thứ đã diễn ra suôn sẻ”, ông Chris Blank viết trên Facebook cá nhân.

Từng điều hành Pharmacity – một trong ba chuỗi nhà thuốc có thị phần lớn nhất Việt Nam, ông Chris Blank nói mục tiêu của Phượng Hoàng “không phải là chiến thắng theo cách thông thường, mà là tiếp tục cuộc hành trình, tiếp tục phát triển, cải thiện và tạo ra những giá trị bền vững”.

Ông nói: “Thách thức lớn nhất của chúng ta không phải là vượt qua người khác, mà là vượt qua chính mình, không ngừng nỗ lực để trở nên tốt hơn mỗi ngày và luôn trung thành với sứ mệnh nuôi dưỡng sức khỏe trọn đời”.

Trong một phỏng vấn năm 2020, Chris Blank cho biết ông mang nửa dòng máu Việt Nam. Bà ngoại ông là người Việt, ông ngoại là người Pháp. Mẹ ông sinh ra tại Mỹ và lấy cha ông cũng là một người Mỹ.

Năm 15 tuổi, sau khi mẹ ông qua đời vì tai nạn giao thông, ông về Việt Nam sống với bà ngoại.

“Hơn 20 năm qua, tôi ăn cơm Việt, lập gia đình với một cô gái Việt Nam và có một bé trai kháu khỉnh. Tôi gọi Việt Nam là quê hương và luôn tự hào về điều này. Tự trong tim tôi luôn nghĩ mình là người Việt và đương nhiên việc gắn bó và phát triển sự nghiệp tại đây cũng là phần hiển nhiên trong tôi”, ông chia sẻ.

Thực tế, Chris Blank là người đầu tiên đem mô hình chuỗi nhà thuốc bán lẻ hiện đại về Việt Nam với cái tên Pharmacity. Ông kể, ông phải đi khắp nơi trên thế giới, ghé thăm hàng chục chuỗi nhà thuốc khác nhau và gặp gỡ các Giám đốc điều hành hàng đầu, bao gồm Jack Gance nhà sáng lập Chemist Warehouse tại Australia và Edmundo Yañez Orlate – người đứng đầu Mifarma ở Peru.

“Họ không có đối thủ cạnh tranh tại Việt Nam, do vậy họ rất sẵn lòng chia sẻ kiến thức của họ đối với tôi, đặc biệt khi họ thấy tôi háo hức học hỏi như thế nào”, ông nói.

“Một điều quan trọng tôi nhanh chóng nhận ra đó là xu hướng toàn cầu về việc các chuỗi nhà thuốc cung cấp nhiều thứ hơn ngoài thuốc. Vì vậy tôi bắt đầu bổ sung các sản phẩm khác vào phạm vi kinh doanh của mình”, cựu Giám đốc điều hành Pharmacity kể.

Tuy là người đi đầu nhưng những năm gần đây, do chịu áp lực từ những đối thủ cạnh tranh mà số lượng nhà thuốc của Pharmarcity đã giảm đáng kể. Từ giữa năm 2022 đến nay chuỗi cửa hàng bán lẻ của Pharmacity đã giảm gần 200 nhà thuốc, từ 1118 xuống còn 923 nhà thuốc.

Con số này cách rất xa so với mục tiêu 5.000 nhà thuốc trên toàn quốc vào năm 2025 đồng thời bị Long Châu vượt mặt về số lượng của hàng.

Năm 2022, ông Chris Blank rời vị trí CEO, người thay thế là bà Trần Tuệ Tri tới năm 2023, doanh nghiệp này có Tổng giám đốc mới là ông Deepanshu Madan.

Đến nay Pharmacity chưa có lãi. Điều tương tự xảy ra với chuỗi An Khang của Đầu tư Thế Giới Di Động khi loay hoay với bài toán phát triển, mở rộng rồi đóng cửa nhưng vẫn chưa tìm thấy lợi nhuận.

Chuỗi nhà thuốc đạt được thành công duy nhất là Long Châu thuộc FPT Retail. Nửa đầu năm nay, Long Châu mở mới 209 nhà thuốc, đưa số nhà thuốc đơn vị này đang vận hành lên con số 1.706 cửa hàng – lớn nhất tại Việt Nam.

Long Châu bắt đầu có lãi từ năm 2021, năm ngoái chuỗi lãi hơn 510 tỷ đồng và nửa đầu năm nay lãi 491 tỷ đồng. Bắt đầu từ năm ngoái, Long Châu cũng mở rộng hoạt động chăm sóc sức khoẻ của mình bằng cách tiến vào lĩnh vực tiêm chủng dịch vụ.

Dư địa của thị trường bán lẻ dược phẩm hiện đại ở Việt Nam được đánh giá còn rất lớn. Dữ liệu từ Business Monitor International cho thấy quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 5,3 tỷ USD/năm. Trong đó, kênh đấu thầu thuốc qua các bệnh viện, sở y tế (ETC) chiếm 70% thị phần, 30% thị phần còn lại dành cho các nhà thuốc bán lẻ, tương đương 1,6 tỷ USD.

Còn báo cáo của Chứng khoán MB (MBS) lại ghi nhận con số tích cực hơn khi ước tính quy mô thị trường dược phẩm đạt khoảng 6 – 7 tỷ USD/năm.

“Tính đến nay, cả nước có hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ dược phẩm theo mô hình chuỗi hiện đại, chiếm khoảng 5%, còn lại tới 95% thuộc về các cửa hàng nhỏ”, nhà phân tích tại MBS viết.

Dư địa lớn nên việc thị trường có thêm người chơi mới là điều tất yếu. Năm ngoái, tập đoàn Dongwha Pharm (Hàn Quốc) thông báo đã ký thỏa thuận mua lại 51% cổ phần tại Trung Sơn Pharma – một công ty đang điều hành chuỗi nhà thuốc tại Việt Nam.

Giá trị của thương vụ ước tính khoảng 30 triệu USD (khoảng 705 tỷ đồng). Dongwha Pharm có kế hoạch thâu tóm 12,15 triệu cổ phần của Trung Sơn Pharma. Trung Sơn được thành lập từ năm 1997, đang sở hữu 140 nhà thuốc, tập trung tại 9 tỉnh thành phía Nam. Quy mô này đã tăng mạnh mẽ từ mốc 23 cửa hàng vào năm 2018.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh nghiệp & Kinh doanh

Bài viết liên quan