Skip to main content

Sáng tạo nội dung bẩn tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội

Sáng tạo nội dung trên mạng xã hội hiện nay đã trở thành một công việc chuyên nghiệp. Nhưng những lợi ích vật chất mà công việc này mang lại khiến nhiều chủ kênh câu view bất chấp đạo đức, pháp luật như vụ TikToker Nờ Ô Nô vừa qua là một điển hình.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa công việc sáng tạo nội dung trên mạng xã hội vào khuôn khổ, từ đó lập lại trật tự trên không gian mạng, hướng đến xóa bỏ môi trường Internet “độc hại” như hiện nay.

Phải quản lý cứng rắn hơn

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), với những kênh TikTok khi thu hút lượng xem lớn, thu nhập của người sáng tạo nội dung có thể sẽ rất “khủng”.

Vì những nguồn lợi đó, càng ngày sẽ có càng nhiều người bất chấp tạo ra những nội dung mang tính chất gây sốc, hay thậm chí là lệch lạc, miễn sao có thể thu hút được người xem.

Cho nên, với hình thức phạt tiền như trường hợp của Nờ Ô Nô có vẻ như chưa đủ “sức nặng” và không là gì so với thu nhập mà TikToker này có thể kiếm được. Việc phạt hành chính không phải là một chế tài đủ sức răn đe đối với các TikToker.

Đây là thực tế cần được nhìn nhận, để răn đe cần thiết trong quản lý không gian mạng xã hội hiện nay.

Trên thực tế, sau khi bị cấm, các TikToker, YouTuber có thể tạo ra vài tài khoản TikTok khác nhau để tiếp tục hoạt động. Những video clip được đăng trên kênh mới lại tiếp tục lên xu hướng và thu hút vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu lượt xem.

Điều đó khiến nhiều người tỏ ra quan ngại và đặt câu hỏi về trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như TikTok, YouTuber… khi quản lý các nội dung và nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng của họ.

“Trở lại với vấn đề chính là việc kiểm soát, kiểm duyệt, ngăn chặn thông tin xấu độc, vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, quy định pháp luật Việt Nam trên TikTok, dù nhà phát triển đã có những giải pháp nhất định, song thông tin xấu độc trên nền tảng này vẫn là một “đặc sản” xuất hiện dày đặc, thậm chí còn được đẩy lên xu hướng, tương tác với hàng triệu người cực kỳ nguy hiểm.

Thế nên, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có biện pháp cứng rắn hơn với nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này. Nếu TikTok không hợp tác, không ủy quyền cho pháp nhân ở Việt Nam quản lý nội dung, thì chẳng có lý do gì để chúng ta tiếp tục chào đón.

Bên cạnh đó, công việc sáng tạo nội dung trên Internet đã trở thành một nghề. Thế nên những người làm công việc này cần phải có kỹ năng, được phổ biến về mặt đạo đức, pháp luật cũng như các nguyên tắc khi sáng tạo nội dung.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần có các bước kiểm duyệt nhất định để những nội dung mà họ sáng tạo ra không gây hại cho cộng đồng”, ông Hùng đề xuất.

Luật sư còn cho rằng cũng cần rà soát, đánh giá và điều chỉnh các quy phạm của Luật An ninh mạng nhằm thể hiện tính “thực định” đầy đủ hơn, nghĩa làm cho chúng trở nên rõ ràng, cụ thể hơn.

Và sớm ban hành nghị định và văn bản quy phạm pháp luật liên quan hướng dẫn, làm rõ hơn biện pháp tổ chức thi hành Luật An ninh mạng. Về lâu dài, xuất phát từ những đặc thù đối với loại vi phạm/tội phạm online…

Nâng cao ý thức người tham gia mạng xã hội

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tâm (giảng viên Trường đại học Văn Lang) cho rằng những thông tin tích cực trên mạng xã hội hiện nay không được lan tỏa nhiều, nhanh như những thông tin tiêu cực.

Về mặt vĩ mô, cần tác động vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ về việc buộc họ phải hỗ trợ kiểm soát nội dung, ngăn chặn những thông tin tiêu cực.

Về mặt thuật toán, TikTok, YouTube hay Facebook hoàn toàn có thể hỗ trợ, ví dụ những nội dung thông tin có giá trị tích cực với cộng đồng thì có thể ưu tiên hiển thị đối với những thông tin đó.

Đối với người làm sáng tạo nội dung, ông Tâm cho rằng đây là một công việc có thể mang lại thu nhập ổn định, nên người làm công việc này cần nghiêm túc đối với công việc của mình, cần có kế hoạch, định hướng khai thác nội dung thay vì chỉ chăm chăm “đu trend”, câu like, câu view…

Thực tế có rất nhiều người làm sáng tạo nội dung tích cực, nhân văn, đóng góp cho xã hội và được cộng đồng ghi nhận, vinh danh.

Ngoài ra, ông Tâm cho rằng nhận thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay “có vấn đề”, người tham gia mạng xã hội còn “dễ dãi” với những nội dung bẩn.

Như trường hợp của Nờ Ô Nô, sau mỗi lần bị khóa kênh thì kênh được lập sau đó lại có lượt theo dõi còn cao hơn. Đó cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người làm nội dung chỉ chăm chăm tạo drama (gây tranh cãi – phóng viên) để thu hút người xem.

“Có những người tham gia mạng xã hội thích hóng hớt, tranh cãi… dẫn đến việc thúc đẩy nội dung “bẩn” lên xu hướng và xuất hiện nhiều hơn nữa.

Việc định hướng, giáo dục ý thức của cộng động mạng là việc không dễ nhưng cực kỳ quan trọng. Nếu cộng đồng mạng có ý thức tốt hơn, không chia sẻ, không tương tác, báo cáo những nội dung độc hại thì những nội dung này không thể đạt được mục đích câu view, câu like”, ông Tâm chia sẻ.

Theo Báo Tuổi Trẻ

Tranh cãi kiểu Lê Tuấn Khang là ‘thức ăn’ của mạng xã hội

Khi ngành sáng tạo nội dung đang bão hòa, nhiều nền tảng bắt đầu tập trung vào các tranh cãi, tận dụng thuật toán để thổi phồng xung đột, đẩy tương tác.

Sự kiện TikTok Awards 2024 diễn ra tối ngày 23/11 đã trở thành điểm khởi đầu cho một chuỗi tranh cãi không hồi kết. Trên sân khấu, giải thưởng Entertainment Creator Of The Year được công bố cho Lê Tuấn Khang, nhưng MC lại đọc thành tích của Khiết Đan.

Sự cố này nhanh chóng lan rộng trên TikTok, Facebook, biến mạng xã hội thành chiến trường của người theo dõi. Từ các đoạn video ghi lại khoảnh khắc “sai sót” đến loạt bình luận chỉ trích, thuật toán TikTok đã tận dụng triệt để sức hút từ sự kiện này để thúc đẩy nội dung liên quan.

Những tranh cãi này ban đầu chỉ là do nhầm lẫn trên sân khấu, nhưng hiện đã được “phóng đại” bởi thuật toán, biến thành những đoạn video triệu view, các bài đăng hàng trăm nghìn lượt tương tác và các video phản hồi liên tiếp từ các bên liên quan.

Đây chỉ là một trong vô vàn ví dụ về cách mạng xã hội hiện đại vận hành: biến những bất đồng nhỏ lẻ thành những màn “drama” công khai, thu hút sự chú ý khổng lồ từ cộng đồng.

Thuật toán và “cơn khát” nội dung cảm xúc mạnh

Ban đầu, lý thuyết “chợ ý tưởng” (marketplace of ideas) từng là nền tảng cho sự phát triển của mạng xã hội, theo . Ý tưởng này khẳng định rằng mọi người đều có quyền đưa ra ý kiến, và những ý tưởng tốt nhất sẽ tự nhiên nổi bật. Tuy nhiên, trên thực tế, các thuật toán đã thay đổi hoàn toàn quy tắc của cuộc chơi, theo Washington Post.

Thay vì để các bài viết cạnh tranh công bằng, thuật toán quyết định nội dung nào được tiếp cận đến ai và bao nhiêu người. Theo giáo sư Arvind Narayanan của Đại học Princeton, “giá trị của một ý tưởng trên mạng xã hội không phản ánh chất lượng của nó, mà phụ thuộc vào cách thuật toán đánh giá và lan tỏa”.

Thuật toán trên các nền tảng như TikTok, Facebook và Instagram không chỉ đơn thuần là công cụ sắp xếp nội dung. Chúng được thiết kế để tối ưu hóa thời gian người dùng ở lại trên nền tảng. Nội dung gây tranh cãi hoặc gợi lên cảm xúc mạnh mẽ thường được ưu tiên hiển thị vì khả năng thu hút nhiều tương tác hơn, từ đó mang lại lợi nhuận quảng cáo cao hơn.

Quả thật, theo một nghiên cứu nội bộ của Facebook được tiết lộ vào năm 2019, các bài đăng kích động cảm xúc giận dữ hoặc gây tranh cãi có tỷ lệ lan truyền cao hơn đáng kể so với nội dung trung lập. Đây chính là khởi đầu cho vòng lặp không hồi kết của các mạng xã hội.

Bởi khi người dùng tương tác với nội dung này, bằng cách bình luận, chia sẻ hoặc thậm chí chỉ xem lâu hơn, họ đang vô tình huấn luyện thuật toán để tiếp tục ưu tiên loại nội dung tương tự.

Do đó, từ năm 2017, Facebook đã thừa nhận rằng họ ưu tiên các nội dung nhận được phản ứng cảm xúc mạnh – đặc biệt là những biểu tượng như “phẫn nộ” – gấp 5 lần so với lượt “thích” thông thường.

TikTok cũng không ngoại lệ. Với thuật toán For You Page (FYP), nền tảng này dựa trên hành vi người dùng để gợi ý nội dung. Mạng xã hội video ngắn khét tiếng với mô hình ưu tiên những video có lượt tương tác cao, bất kể nội dung là gì.

Những video gây tranh cãi, mang tính tiêu cực hoặc gay gắt giữa các nhà sáng tạo nội dung thường nhanh chóng thu hút lượng lớn người xem nhờ khả năng kích hoạt phản ứng cảm xúc từ khán giả. Một đoạn video có thể được đẩy lên chỉ sau vài giờ nếu nhận được tương tác nhanh và nhiều, tạo ra hiệu ứng “quả cầu tuyết” lan tỏa khó kiểm soát.

Điều này dẫn đến sự mất cân bằng trong không gian thông tin. Các quan điểm cực đoan hoặc gây tranh cãi có thể được ưu ái hơn vì chúng dễ dàng kích thích cảm xúc người xem. Ngược lại, những ý tưởng sâu sắc nhưng ôn hòa lại thường bị bỏ qua.

“Sự khác biệt giữa quảng trường và mạng xã hội là có vài tỷ người trên mạng xã hội. Có quyền tự do ngôn luận trực tuyến nhưng không có quyền cho mọi người được lắng nghe một cách bình đẳng: sẽ phải mất hơn cả cuộc đời để xem mọi video TikTok hoặc đọc mọi dòng tweet”, giáo sư Arvind Narayanan nhận định.

Tại sao “drama” lại hấp dẫn đến vậy?

Brady, Joshua Conrad Jackson của Đại học Chicago, Björn Lindström của Viện Karolinska, và M.J. Crockett của Princeton cho rằng nguyên nhân nằm ở cách chúng ta phản ứng với cảm xúc trên mạng xã hội.

Khi đọc một bài đăng giận dữ hoặc tranh cãi, não bộ con người dễ dàng hiểu lầm mức độ nghiêm trọng hoặc ý định thực sự đằng sau bài viết. Điều này khiến chúng ta cảm thấy mạng xã hội tràn ngập sự chia rẽ, cực đoan hơn thực tế.

Sự hiểu lầm này càng làm tăng cảm giác bị kích thích và thúc đẩy người dùng tương tác nhiều hơn. Họ bình luận, chia sẻ hoặc thêm những quan điểm cá nhân. Mỗi hành động này lại làm cho nội dung đó lan truyền rộng rãi hơn.

Một nguyên nhân khác là cảm giác “có mặt tại hiện trường”. Khi theo dõi một màn drama công khai, người dùng mạng xã hội giống như những khán giả tại một sân khấu lớn, cũng là nơi mọi xung đột được phóng đại. Họ cảm thấy mình có quyền lên tiếng, đưa ra phán xét, hoặc thậm chí “thêm dầu vào lửa” thông qua các bình luận, tạo thành vòng lặp tương tác không hồi kết.

Hồi tháng 10, tờ BBC từng đề xuất khôi phục lại với dòng thời gian theo thứ tự thời gian thay vì thuật toán sắp xếp có thể là một cách để giảm thiểu xung đột. Frances Haugen, người từng làm rò rỉ tài liệu nội bộ của Facebook, cũng nhấn mạnh rằng thứ tự thời gian mang lại trải nghiệm “con người hơn” và ít bị thao túng bởi thuật toán.

“Tôi là người ủng hộ mạnh mẽ việc xếp hạng bài viết theo trình tự thời gian vì chúng tôi không muốn máy tính quyết định những gì mình xem. Chúng ta nên có phần mềm có khả năng giải quyết vấn đề đó ở quy mô con người hoặc con người trò chuyện với nhau chứ không phải máy tính tạo điều kiện cho chúng ta nghe được từ bất kỳ ai”, Frances Haugen nói.

Tuy nhiên, Arvind Narayanan, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Princeton, lại chỉ ra rằng ngay cả dòng tin theo thứ tự thời gian cũng không phải là giải pháp hoàn hảo. Những vấn đề như hiệu ứng “giàu càng giàu”, tính lan tỏa khó lường và thiên vị nhân khẩu học vẫn tồn tại. “Thật không may, không có cách nào trung lập để thiết kế mạng xã hội”, vị giáo sư khẳng định.

Một hướng đi khác là trao quyền kiểm soát thuật toán cho người dùng. Nền tảng microblogging mới như Bluesky đang thử nghiệm cách cho phép người dùng kiểm soát thuật toán hiển thị nội dung, hoặc quay lại mô hình dòng thời gian theo thứ tự thời gian như trước đây. Đây là hy vọng cho một môi trường mạng “đa dạng và cá nhân hóa hơn”, nền tảng khẳng định.

Vậy liệu chúng ta có thể thoát khỏi vòng lặp này? Trên thực tế, mạng xã hội cũng giống như một con dao hai lưỡi, có thể là công cụ để kết nối và xây dựng, hoặc là nơi để chia rẽ và phá hủy. Khi đứng trước những tranh cãi tiếp theo, hãy tự hỏi: liệu bạn có đang tiếp tay thổi phồng ngọn lửa xung đột?

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Znews