Skip to main content

Quấy rối đồng nghiệp bằng những tiếng thở dài

29 Tháng Năm, 2024

Nhiều người cho rằng thở dài là một dạng “quấy rối tâm trạng”, có thể khiến đồng nghiệp xung quanh “tụt mood”, không thể tập trung làm việc.

Quấy rối đồng nghiệp bằng tiếng thở dài
Quấy rối đồng nghiệp bằng tiếng thở dài

“Tôi cho rằng thở dài là một hình thức quấy rối tâm trạng”.

“Thở dài vô ý cũng là quấy rối”.

Những bài đăng như thế này trên mạng xã hội ở Nhật Bản đang mô tả tiếng thở dài không được hoan nghênh, cùng với nhiều điều khác, là “tín hiệu tiêu cực” tại nơi làm việc.

Theo Kaname Murasaki, người đứng đầu một hiệp hội ở Osaka chuyên giúp đỡ các công ty giải quyết những vấn đề liên quan đến quấy rối, thở dài trước mặt một cá nhân cụ thể không bị coi là quấy rối.

Tuy nhiên, ngay cả khi vô tình, Murasaki cho rằng việc thở dài liên tục cùng với những hành động như nhăn mặt, chép miệng có thể bị coi là “quấy rối tâm trạng”, trong đó cảm xúc đau khổ được gây ra cho người khác thông qua nét mặt, thái độ ủ rũ và các tín hiệu phi ngôn ngữ khác.

Khi tâm trạng tồi tệ tràn ngập nơi làm việc, nó có thể ảnh hưởng đến bầu không khí và ngăn cản nhân viên giao tiếp thoải mái. Điều này không chỉ có nguy cơ làm giảm năng suất, mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không xác định được vấn đề cần giải quyết.

“‘Thủ phạm’ thường không nhận thức được thái độ và biểu cảm gắt gỏng của họ. Bạn có thể trông như đang giận dữ khi tập trung và nên nhớ rằng mọi người đều có thể là ‘thủ phạm'”, Murasaki cảnh báo.

Mặc dù khái niệm quấy rối tâm trạng không được biết đến nhiều và hành vi này cũng không được quy định về mặt pháp lý, Murasaki cho biết các cuộc tham vấn liên quan đang gia tăng. “Khi sự mệt mỏi và thất vọng tích tụ một cách vô thức ở nét mặt và thái độ của một người, những người khác sẽ coi chúng như một hình thức quấy rối mới”, Murasaki nói.

Các doanh nghiệp hiện chưa biết cách giải quyết vấn đề và tất cả những gì có thể làm là yêu cầu mỗi người giữ thái độ tích cực tại nơi làm việc.

Trong khi đó, bác sĩ nghề nghiệp và bác sĩ tâm thần Tomosuke Inoue nhấn mạnh thở dài cũng có mặt tích cực, giúp giảm căng thẳng.

Trong một số trường hợp, việc thở dài là vô tình do cơ thể cố gắng thư giãn trong trạng thái thiếu oxy vì thở nông lúc căng thẳng. Một nghiên cứu được công bố trên Cell Reports Medicine cho thấy một số kiểu thở dài thực sự có tác dụng giảm căng thẳng và giữ bình tĩnh.

Tuy nhiên, nếu một người thở dài quá thường xuyên, đó có thể là dấu hiệu của chứng trầm cảm tiềm ẩn hoặc các tình trạng bệnh khác. “Không nên thở dài một cách quá đáng trước mặt người khác. Điều quan trọng là phải cẩn thận giữ im lặng, thực hiện ở thời gian, địa điểm và hoàn cảnh phù hợp”, Inoue nói.

Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là loại bỏ nguyên nhân gây căng thẳng. Bác sĩ Inoue đề xuất nên chuyển sang thở sâu thay vì thở dài. “Hãy tập trung thở ra từ từ trong khoảng 6 giây. Nó giúp thư giãn và ít gây khó chịu cho những người xung quanh”.

Nghiên cứu trên Cell Reports Medicine cho thấy việc cố tình hít một hơi chậm và sâu, nín thở rồi thở ra từ từ sẽ kích hoạt hệ thần kinh đối giao cảm, chịu trách nhiệm kiểm soát cách cơ thể nghỉ ngơi và tiêu hóa. Nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm, tiêu hóa được cải thiện và tâm trí bắt đầu thư thái hơn.

Hãy so sánh điều đó với việc bạn thở mạnh, nhanh hơn khi sợ hãi hoặc gặp nguy hiểm. Điều đó kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, chịu trách nhiệm giúp chúng ta sẵn sàng chiến đấu hoặc chạy trốn.

“Chúng tôi tin rằng hơi thở là con đường dẫn đến việc kiểm soát cơ thể và tâm trí. Nó là một phần của hệ thống tự trị như tiêu hóa và nhịp tim, nhưng không giống như những chức năng đó của cơ thể, bạn có thể dễ dàng điều hòa nhịp thở của mình”, tác giả nghiên cứu cho hay.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo ZNews

Bài viết liên quan