Skip to main content

Một vài lý do khiến các chiến dịch quảng cáo Facebook thất bại

8 Tháng Ba, 2022

Trong khi có rất nhiều lý do khiến một chiến dịch quảng cáo Facebook thất bại, dưới đây là một số lý do chính bạn có thể tham khảo.

quảng cáo facebook thất bại

Khi nói đến các kênh quảng cáo có trả phí (Paid Media), quảng cáo trên Facebook (Facebook Ads) là một trong những nền tảng được ưu tiên hàng đầu.

Với gần 3 tỷ người dùng trên toàn cầu (khoảng hơn 60 triệu người dùng tại thị trường Việt Nam), khả năng nhắm mục tiêu tương đối chính xác cùng vô số các mục tiêu chuyển đổi khác nhau đáp ứng nhiều nhu cầu từ phía doanh nghiệp, Facebook đáp ứng được hầu hết các yêu cầu đầu vào của người làm marketing.

Tuy nhiên, trong khi là nền tảng tiềm năng, quảng cáo trên Facebook không chỉ đơn giản là “chạy quảng cáo” và tiếp cận người dùng mục tiêu, ngược lại, những thất bại trong quá trình triển khai là điều hết sức bình thường.

Dưới đây là một số lý do cơ bản phổ biến khiến các chiến dịch quảng cáo Facebook thất bại.

1. Không có kế hoạch thử nghiệm chiến dịch (Testing) rõ ràng.

Với những bạn trong ngành, ngay cả những bạn mới, việc khởi chạy một chiến dịch quảng cáo trên Facebook hay bất cứ nền tảng quảng cáo nào khác là việc không quá khó khăn.

Kể từ khi được ra mắt, giao diện và cách tương tác với trình quản lý quảng cáo của Facebook đã được cập nhật tương đối nhiều. Thay vì để người dùng phải khó khăn tìm cách cài đặt, giao diện quảng cáo ngày càng trở nên trực quan và thân thiện hơn.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là, trong khi người dùng hay nhà quảng cáo khá dễ dàng để tạo các chiến dịch, hiệu quả có được từ các chiến dịch đó là một chuyện hoàn toàn khác.

Với số lượng người dùng khổng lồ đi kèm với các hành vi và sở thích liên tục thay đổi, song song với đó là có vô số các sản phẩm tương tự cũng đang tìm cách tiếp cận người tiêu dùng, việc phân phối các sản phẩm đến đúng đối tượng mục tiêu cũng không thể đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể bán được hàng.

Nếu bạn nghĩ rằng, bạn chỉ cần khởi chạy một vài chiến dịch và phân phối quảng cáo đến những đối tượng phù hợp là bạn nắm chắc cơ hội thì thất bại là điều khó tránh khỏi.

Bởi vì không một nhà quảng cáo nào có thể chắc chắn biết được thứ mà khách hàng của họ thực sự cần, các chiến thuật thử nghiệm phân tách (A/B Testing) hoặc thử nghiệm đa biến là điều kiện tiên quyết.

Thông thường, khi nói đến việc thử nghiệm quảng cáo, một sai lầm thường thấy là nhiều nhà quảng cáo thử nghiệm theo những góc nhìn chủ quan của chính họ và cho rằng quảng cáo nào có hiệu suất tốt hơn thì quảng cáo đó là hiệu quả (cuối cùng), trong khi sự thật là quảng cáo hiệu quả đến từ những thử nghiệm có chủ đích theo các góc nhìn khác nhau từ phía khách hàng.

Để có thể đảm bảo các chiến dịch quảng cáo của bạn là hiệu quả và thành công, thất bại vài lần hay thậm chí nhiều hơn là điều khó tránh khỏi.

2. Thể hiện sai giá trị cũng là nguyên nhân khiến các chiến dịch quảng cáo thất bại.

Như đã phân tích ở trên, đừng bao giờ cho rằng mình hiểu được khách hàng trừ khi khách hàng phản hồi với bạn thông qua các số liệu cụ thể.

Để có thể hiểu được thứ mà khách hàng thực sự muốn và thích được tương tác, tất cả các nội dung quảng cáo từ hình ảnh, màu sắc, video, văn bản hay thậm chí là các lời kêu gọi hành động (CTA) đều cần được thử và tối ưu liên tục.

Có một thực tế là, không ít nhà quảng cáo hay người làm marketing tự đưa ra những giá trị và cho rằng đó là thứ mà khách hàng muốn có được, họ tập trung vào những gì họ nghĩ và muốn hơn là khách hàng của chính họ.

Bằng cách thử nghiệm và làm nổi bật nhiều giá trị khác nhau từ phía thương hiệu và đo lường phản ứng của người dùng hoặc thậm chí là thực hiện phỏng vấn trực tiếp các khách hàng hiện tại (hoặc tiềm năng), bạn có thể đảm bảo mình đang cung cấp những gì khách hàng cần.

3. Nhắm mục tiêu đến những nhóm đối tượng nhỏ.

Một nguyên nhân thường gặp khác khiến các chiến dịch quảng cáo Facebook thất bại đó là nhà quảng cáo nhắm mục tiêu quá chi tiết đến một nhóm đối tượng nhỏ.

Trong khi “nhắm mục tiêu chính xác” (Targeting) đến “đúng đối tượng khách hàng tiềm năng” là chiến thuật được nhiều nhà quảng cáo ưu tiên, đó lại chính là một trong những nguyên nhân khiến họ thất bại.

Bạn cần hiểu rằng, để một khách hàng nào đó ra quyết định mua hàng, họ thường phải trải qua một quá trình cân nhắc tương đối dài, từ giai đoạn nhận biết, quan tâm, cân nhắc rồi mới đến mua hàng dựa trên nhiều sự so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác.

Bởi lý do này mà bạn không thể chỉ nhắm đến họ ở giai đoạn cuối cùng (một tệp khách hàng khá nhỏ) và hy vọng họ có thể được chuyển đổi, thay vào đó bạn cần tiếp cận họ từ những giai đoạn bắt đầu, tức những nhóm đối tượng rộng lớn hơn.

Điều này cũng đặc biệt đúng khi bạn mới bắt đầu chạy quảng cáo trên Facebook, vì bạn cần tiếp cận một nhóm người dùng lớn hơn và bạn cũng cần hiểu sâu hơn về họ, nhắm mục tiêu hẹp hay chọn đối tượng quá nhỏ sẽ làm cho chiến dịch của bạn kém hiệu quả hơn.

4. Chỉ tập trung vào những kết quả trong ngắn hạn.

Đối với nhiều người mới, họ nghĩ rằng họ có thể bán được hàng ngay thông qua những chiến dịch phản hồi trực tiếp (chuyển đổi, nhắn tin…), hoặc họ phải bán được hàng sau một vài chiến dịch hoặc một khoảng thời gian ngắn.

Trong khi điều này có thể xảy ra đối với một số doanh nghiệp nhất định (đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử), đối với hầu hết các doanh nghiệp hay sản phẩm khác, mọi thứ không đơn giản như vậy.

Quay trở lại với hành vi của người dùng trên các nền tảng mạng xã hội, họ đến với Facebook không phải là để mua hàng cũng càng không phải thấy quảng cáo là nhấp vào tìm hiểu và mua hàng, có đến 42% người dùng sử dụng các nền tảng mạng xã hội để thu thập thông tin và hơn 60% sử dụng để lấy cảm hứng mua sắm.

Thay vì tập trung vào những kết quả trong ngắn hạn, các thương hiệu nên ưu tiên tiếp cận khách hàng và truyền cảm hứng “tìm hiểu thêm” đến họ, song song với đó là kết hợp các chiến dịch chuyển đổi bán hàng trong một khoảng thời gian dài hơn.

Cuối cùng, dù cho đó là quảng cáo trên Facebook hay các nền tảng quảng cáo khác, để có thể tránh được tối đa các thất bại, đừng bao giờ chỉ tập trung vào các số liệu có được, hãy tìm nhiều cách hơn để tương tác trực tiếp với khách hàng của mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …