E-commerce (Thương mại điện tử) là gì? Tất tần tật về Ecommerce
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng tìm hiểu tất cả các thông tin cần biết về thuật ngữ eCommerce (Thương mại điện tử) như: Ecommerce là gì, các mô hình kinh doanh e-Commerce chính, ưu và nhược điểm của Ecommerce là gì, các sàn eCommerce lớn trên toàn cầu và hơn thế nữa.
eCommerce trong tiếng Việt có nghĩa là Thương mại điện tử. Trong bối cảnh khi mà nền kinh tế chịu sự chi phối ngày càng lớn của các yếu tố công nghệ và kỹ thuật số (digital), các hoạt động bán hàng hay thương mại theo đó cũng ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trên môi trường trực tuyến (internet), thuật ngữ eCommerce trở nên phổ biến từ đây. Bài viết dưới đây từ MarketingTrips sẽ cập nhật tất cả những thông tin mới nhất xoay quanh eCommerce, nó là những gì bạn cần biết khi tìm hiểu về mô hình kinh doanh này.
Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:
- eCommerce là gì?
- eCommerce Enabler là gì?
- Commerce là gì?
- M-Commerce là gì?
- Một số lưu ý về khái niệm eCommerce mà bạn nên hiểu.
- Ưu điểm của eCommerce là gì?
- Nhược điểm của eCommerce là gì?
- eCommerce được ra đời trong bối cảnh nào.
- Sự khác biệt giữa eCommerce và doanh nghiệp điện tử (eBusiness) là gì?
- Thấu hiểu thuật ngữ eCommerce là gì?
- Website hay ứng dụng (App) eCommerce là gì?
- Phân tích một số mô hình eCommerce phổ biến trên toàn cầu.
- FAQs – Một số câu hỏi thường gặp trong lĩnh vực eCommerce.
Dưới đây là nội dung chi tiết.
eCommerce là gì?
eCommerce là từ viết tắt của Electronic Commerce và trong tiếng Việt được hiểu theo nghĩa là Thương mại điện tử.
Khái niệm eCommerce được dùng để chỉ một mô hình kinh doanh trong đó các doanh nghiệp, thương hiệu hay thậm chí là cá nhân mua bán hàng hóa và dịch vụ qua môi trường trực tuyến (Internet).
Các hoạt động eCommerce chủ yếu diễn ra thông qua 4 mô hình chính bao gồm: B2C (Business to Consumer), B2B (Business to Business), C2C (Customer to Customer) và C2B (Customer to Business).
Vì mọi sản phẩm và dịch vụ đều có thể được mua bán thông qua mô hình eCommerce, đây được xem là một trong những mô hình kinh doanh mang tính đột phá và có tiềm năng tăng trưởng cao trong tương lai.
Theo Wikipedia, eCommerce là tất cả những gì liên quan đến hoạt động mua hoặc bán sản phẩm theo phương thức điện tử trên các nền tảng trực tuyến hoặc qua Internet.
eCommerce hoạt động dựa trên các công nghệ như thương mại di động (mobile commerce), chuyển tiền điện tử (electronic transfer), quản lý chuỗi cung ứng, internet marketing, xử lý giao dịch trực tuyến, trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) và hệ thống thu thập dữ liệu tự động.
Những tiến bộ của các yếu tố công nghệ và ngành công nghiệp điện tử là nền tảng và tiền đề cho sự phát triển của eCommerce.
eCommerce Enabler là gì?
eCommerce Enabler là doanh nghiệp cung cấp các giải pháp đầu cuối cho các thương hiệu kinh doanh thương mại điện tử.
Các dịch vụ này có thể bao gồm việc quản lý các cửa hàng chính thức, cung cấp dịch vụ digital marketing, dịch vụ sáng tạo, quản lý dịch vụ khách hàng, quản lý và thực hiện chuỗi cung ứng.
Nói một cách dễ hiểu, các eCommerce Enabler giúp các thương hiệu bán hàng trực tuyến hoạt động xuyên suốt và hiệu quả hơn trên thị trường thương mại điện tử.
Commerce là gì?
Commerce là khái niệm dùng để đề cập đến việc các bên mua và bán tham gia vào quá trình trao đổi hàng hoá. Thay vì với eCommerce, các bên mua bán hàng hoá trên môi trường trực tuyến, Commerce chỉ quan đến việc mua bán hàng hoá.
M-Commerce là gì?
Thuật ngữ M-Commerce (Mobile Commerce) hoặc Mobile eCommerce lần đầu được đặt ra vào năm 1997 bởi Kevin Duffey tại buổi ra mắt Diễn đàn Thương mại Di động Toàn cầu.
M-Commerce đề cập đến “năng lực thương mại điện tử trong việc phân phối hàng hoá trực tiếp đến tay người tiêu dùng, ở bất kỳ đâu, thông qua công nghệ không dây.”
Một số lưu ý về khái niệm eCommerce mà bạn cần biết.
- eCommerce chỉ đơn giản là việc mua bán hàng hóa và dịch vụ qua môi trường Internet.
- Các giao dịch eCommerce chủ yếu được tiến hành trên máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh và các thiết bị thông minh khác.
- Hầu hết mọi thứ đều có thể được mua bán thông qua thương mại điện tử.
- eCommerce hoàn toàn có thể thay thế cho các cửa hàng truyền thống, mặc dù một số doanh nghiệp chọn cách duy trì song song cả hai mô hình.
- eCommerce hoạt động chủ yếu trên 4 phân khúc thị trường chính bao gồm B2B (bán hàng từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp), B2C (bán hàng từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng), C2C (bán hàng từ người tiêu dùng tới người tiêu dùng) và C2B (bán hàng từ người tiêu dùng tới doanh nghiệp.
Những ưu điểm và nhược điểm của mô hình eCommerce.
Mặc dù được xem là một trong những mô hình kinh doanh của tương lai, bản thân eCommerce cũng có những ưu điểm và nhược điểm riêng.
-
Ưu điểm của eCommerce là gì?
Khi nói đến eCommerce, thuận tiện là một trong những ưu điểm hay lợi thế lớn nhất. Trong khi ở các mô hình kinh doanh truyền thống, bạn chỉ có thể mua bán hay giao dịch trong một khoảng thời gian nhất định, với thương mại điện tử, bạn có thể liên tục giao dịch 24h mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần.
Nhiều sự lựa chọn là một lợi thế tiếp theo trên eCommerce. Vì vốn không có sự giới hạn về không gian trưng bày như các mô hình truyền thống hay tại các cửa hàng vât lý, các cửa hàng thương mại điện tử có thể cung cấp cho người tiêu dùng vô số các sản phẩm và dịch vụ khác nhau.
Người tiêu dùng thậm chí có thể tìm thấy các sản phẩm chỉ có trên các sàn giao dịch thương mại điện tử mà không tìm thấy ở bất cứ đâu khác.
-
Nhược điểm của eCommerce là gì?
Dịch vụ khách hàng bị hạn chế là nhược điểm đầu tiên của các nền tảng eCommerce. Nếu bạn mua máy tính trực tuyến, bạn không thể yêu cầu nhân viên trực tiếp kiểm tra các tính năng mà bạn mong muốn được xem.
Mặc dù với những ứng dụng của các yếu tố công nghệ, người dùng có thể trò chuyện bất cứ khi nào với các nền tảng, yếu tố trực tiếp là không thể thay thế.
Nhược điểm tiếp theo của các mô hình eCommerce là tính tức thời trong quá trình mua bán hay giao dịch. Khi bạn mua một món hàng nào đó trực tuyến, bạn phải đợi một khoảng thời gian nhất định trước khi tận tay chạm lấy nó.
Thiếu khả năng trải nghiệm sản phẩm cũng là một hạn chế của eCommerce. Thay vì với các mô hình kinh doanh truyền thống (bán hàng trực tiếp tại cửa hàng), bạn có thể thoải mái trải nghiệm các sản phẩm trước khi ra quyết định mua hàng.
Với eCommerce, mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Mặc dù ở môt số ngành hàng ở một số quốc gia nhất định, thông qua các công nghệ như VR và AR, người dùng có thể thử các sản phẩm trực tuyến, tuy nhiên mọi thứ vẫn còn rất hạn chế.
Ngành eCommerce được ra đời trong bối cảnh nào.
Ngày nay, hầu hết chúng ta đã từng mua sắm trực tuyến một thứ gì đó tại một thời điểm nào đó, điều này có nghĩa là chúng ta đã tham gia vào ngành eCommerce.
Trong khi eCommerce hay thương mại điện tử có mặt ở khắp mọi nơi, chỉ một số ít người biết rằng thương mại điện tử đã xuất hiện trước cả khi internet bắt đầu.
Các hoạt động eCommerce chính thức được bắt đầu từ những năm 1960 khi các doanh nghiệp sử dụng một hệ thống điện tử được gọi là “Trao đổi dữ liệu điện tử” (Electronic Data Interchange) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao tài liệu.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1994 mới có giao dịch eCommerce đầu tiên.
Giao dịch liên quan đến việc bán đĩa CD giữa những người dùng với nhau thông qua một website bán lẻ trực tuyến có tên là NetMarket.
Kể từ giao dịch đầu tiên này, ngành công nghiệp eCommerce đã trải qua rất nhiều thay đổi khác nhau và không ngừng phát triển.
Trong bối cảnh mới, khi eCommerce dần trở thành một phương thức mua sắm được nhiều tiêu dùng bình chọn, các nhà bán lẻ truyền thống buộc phải dần tìm cách thích nghi mới có thể cạnh tranh với những cái tên như Alibaba, Amazon, eBay, Etsy hay Shopee.
Bởi những lợi thế vô cùng lớn như dễ dàng mua sắm, mua sắm không giới hạn, giao hàng miễn phí, giảm chi phí cho người tiêu dùng, ngành eCommerce nói chung đang dần trở thành xu hướng của tương lai.
Sự khác biệt giữa eCommerce và doanh nghiệp điện tử (eBusiness) là gì?
eCommerce là khái niệm đề cập đến tất cả những gì liên quan đến việc mua bán hàng hóa và dịch vụ trên môi trường trực tuyến (internet) và nó thực sự chỉ là một phần của doanh nghiệp điện tử (eBusiness).
Doanh nghiệp điện tử ngược lại liên quan đến toàn bộ quá trình điều hành một doanh nghiệp trực tuyến, dĩ nhiên, bán hàng (trực tuyến) chỉ là một phần của doanh nghiệp bên cạnh các bộ phận hay chức năng khác như công nghệ, tài chính, marketing hay nhân sự.
Thấu hiểu thuật ngữ eCommerce.
Như đã phân tích ở trên, eCommerce là quá trình mua bán các sản phẩm và dịch vụ trên môi trường trực tuyến.
Để một giao dịch eCommerce được xảy ra, có khá nhiều bên sẽ cùng tham gia vào quá trình xử lý dữ liệu, vận chuyển hàng hoá (logistics) và cả thanh toán (thông thường là từ các bên thứ 3).
eCommerce là một phần của ngành công nghiệp lớn hơn được gọi là kinh doanh điện tử hay doanh nghiệp điện tử (eBusiness), bao gồm tất cả các quy trình cần thiết để điều hành một doanh nghiệp trực tuyến (không chỉ là bán hàng trực tuyến).
eCommerce đã giúp các doanh nghiệp (đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ) tiếp cận và thiết lập sự hiện diện rộng rãi hơn trên thị trường bằng cách cung cấp các kênh phân phối rẻ hơn và hiệu quả hơn cho các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Website hay ứng dụng (App) eCommerce là gì?
Các website hay ứng dụng eCommerce là bất kỳ nền tảng nào cho phép người dùng mua và bán các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến. Những cái tên như Amazon, Alibaba, Shopee, Lazada, Tiki là các ví dụ cụ thể về nền tảng thương mại điện tử.
Phân tích một số mô hình eCommerce phổ biến trên toàn cầu.
B2C – Business to Consumer.
B2C thường được mô tả gắn liền với các hoạt động mua sắm ở trung tâm thương mại, siêu thị, ăn uống tại nhà hàng và một số hình thức mua sắm tại chỗ khác.
Tuy nhiên, với sự trỗi dậy của Internet, một mô hình kinh doanh B2C hoàn toàn mới dưới hình thức thương mại điện tử được gọi là B2C eCommerce đã được hình thành.
B2C eCommerce là mô hình đề cập những gì liên quan đến việc một doanh nghiệp bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho một người tiêu dùng là cá nhân.
Hãy hình dung việc bạn mua một món hàng nào đó chẳng hạn như một đôi giày từ một nhà bán lẻ trực tuyến.
B2B – Business to Business.
Khi một doanh nghiệp bán một hàng hóa hoặc dịch vụ cho một doanh nghiệp khác, mô hình này được gọi là B2B, nơi các doanh nghiệp trực tuyến trao đổi hàng hóa với nhau.
Ví dụ, khi một nhà sản xuất bán hàng hóa của mình cho một nhà bán buôn khác, đơn vị này sau đó bán lại cho các nhà bán lẻ khác. Trong trường hợp này, nhà sản xuất và nhà bán buôn đang hoạt động theo mô hình B2B.
C2C – Consumer to Consumer.
Khi một người tiêu dùng bán một hàng hóa hoặc dịch vụ cho một người tiêu dùng khác.
Mô hình thương mại điện tử C2C (C2C eCommerce) cho phép một cá nhân bán các sản phẩm của họ trực tuyến, chẳng hạn như những chiếc xe đạp hay các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho những người khác.
Khi một người mua nào đó quan tâm đến sản phẩm của bạn, họ có thể xem thông tin chi tiết về sản phẩm và liên hệ với bạn thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Ví dụ: bạn bán đồ nội thất cũ của mình trên eBay cho một người tiêu dùng khác.
C2B – Consumer to Business.
Khi một người tiêu dùng bán các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ cho một doanh nghiệp hoặc tổ chức khác, nó được gọi là mô hình C2B.
Ví dụ, Một người có ảnh hưởng nào đó (Influencer/KOL) “bán” lượng người theo dõi họ cho một doanh nghiệp hay thương hiệu nào đó để đổ lấy một khoản phí.
G2B – Government to Business.
Khi các tổ chức chính phủ sử dụng các nền tảng trực tuyến để cung cấp một dịch vụ nào đó cho doanh nghiệp, đây được gọi là mô hình G2B hay G2B eCommerce.
B2G – Business to Government.
Ngược lại với mô hình G2B, B2G cung cấp các sản phẩm và dịch vụ theo chiều ngược lại.
C2G – Consumer to Government.
Khi chính phủ cho phép người tiêu dùng cung cấp các phản hồi tới chính phủ thông qua các nền tảng trực tuyến, mô hình C2G hay C2G eCommerce được hình thành.
Ví dụ, khi bạn thanh toán hóa đơn tiền điện thông qua website trực tuyến của chính phủ, đây cũng là một hình thức kinh doanh thương mại điện tử.
B2E – Business to Employee.
Đây là hình thức mà doanh nghiệp sử dụng một mạng lưới nội bộ cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho nhân viên của mình.
Quy mô doanh số ngành eCommerce (Cập nhật 2023).
Theo số liệu từ Statista tính đến 2023, Châu Á dự kiến sẽ có tổng doanh thu Retail eCommerce (thương mại điện tử bán lẻ) cao nhất với hơn 2.000 tỷ USD. Doanh thu mua sắm trực tuyến cao thứ hai sẽ được tạo ra ở Châu Mỹ, với khoảng 1.100 tỷ USD.
Doanh thu eCommerce (thương mại điện tử) của châu Phi sẽ vẫn là nhỏ nhất trên toàn thế giới, vào khoảng 44 tỷ USD.
Một số câu hỏi thường gặp trong lĩnh vực eCommerce.
- In-stream eCommerce là gì?
In-stream eCommerce là hình thức thương mại điện tử trong đó người dùng có thể mua sắm trực tiếp từ các video (chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok hay Facebook) mà không cần phải rời khỏi ứng dụng.
- Social eCommerce là gì?
Social eCommerce là tính năng thương mại điện tử trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok.
Khi người dùng ngày càng không chỉ xem mạng xã hội là nơi để giải trí hay tương tác với bạn bè mà còn là để mua sắm và hơn thế nữa, các nền tảng đã sớm tích hợp tính năng Social eCommerce để cho phép người dùng mua sắm trực tiếp trong ứng dụng.
- eCommerce Website là gì?
eCommerce Website đơn giản là các website có tích hợp tính năng eCommerce, tức bán hàng trực tiếp cho khách hàng.
- eCommerce Platforms là gì?
Về bản chất, eCommerce Platforms cũng có thể hiểu chính là các eCommerce Website ngoài ra có thêm eCommerce App, chúng là các nền tảng có tích hợp thương mại điện tử, tức bán hàng trực tuyến.
- eCommerce Executive là gì?
Là nhân viên kinh doanh thương mại điện tử. Theo cấp bậc, Executive sau đó sẽ lên Leader, Manager và hơn thế nữa.
- eCommerce Industry là gì?
Là ngành công nghiệp thương mại điện tử. Khái niệm đề cập đến toàn bộ quy mô, nền kinh tế hay độ lớn của thị trường thương mại điện tử và thường được tính bằng GMV.
- eCommerce FMCG là gì?
eCommerce FMCG là khái niệm đề cập đến việc kinh doanh ngành hàng FMCG trên các nền tảng thương mại điện tử (eCommerce). Khi thương mại điện tử bùng nổ và người tiêu dùng bắt đầu chọn mua sắm các sản phẩm FMCG từ các trang trực tuyến, thuật ngữ eCommerce FMCG bắt đầu xuất hiện.
- eCommerce Agribank là gì?
Là dịch vụ thanh toán trực tuyến không cần dùng thẻ ATM của ngân hàng Agribank. Bạn đăng ký sử dụng dịch vụ. Sau đó cài đặt trên điện thoại di động hoặc máy tính.
eCommerce Agribank không phải là nền tảng bán hàng thương mại điện tử như nhiều người vẫn hiểu nhầm.
- eCommerce Retail là gì?
Là bán lẻ thương mại điện tử, khái niệm đề cập đến việc các nền tảng bán lẻ bán trực tiếp hàng hoá đến người tiêu dùng thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Doanh số eCommerce Retail toàn cầu ước tính có giá trị khoảng hơn 5.000 tỷ USD tính đến năm 2023, theo Statista.
- eCommerce Audit là gì?
eCommerce Audit – hay còn gọi là Nghiên cứu đo lường bán hàng trực tuyến – là việc thu thập và phân tích dữ liệu về tình hình hàng hóa của các cửa hàng trên sàn thương mại điện tử như: lượng hàng bán ra theo thời gian thực, giá & khuyến mãi, vị trí của hàng, số người theo dõi, bình luận của người dùng hay các phản hồi sau mua của người dùng.
- Data-driven eCommerce là gì?
Là khái niệm mô tả hoạt động ecommerce được định hướng hay dẫn dắt bởi dữ liệu, người làm ecommerce sử dụng dữ liệu để ra các quyết định.
Kết luận.
Trên đây là cập nhật tất cả những thông tin mới nhất xoay quanh mô hình kinh doanh eCommerce, nó là những gì bạn cần biết khi tìm hiểu về e-commerce.
Khi eCommerce hay thương mại điện tử toàn cầu được dự báo sẽ cán mốc hơn 5000 tỷ USD vào năm 2023 (Theo Shopify), và sau đó sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh, việc đầu tư vào các hoạt động thương mại điện tử là không thể tranh khỏi.
Để có thể nhanh chóng thích nghi với bối cảnh mới, những gì doanh nghiệp hay thương hiệu cần làm là tối ưu lại toàn bộ hệ thống, dịch chuyển (một phần hoặc toàn bộ) sang thương mại điện tử và đáp ứng nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng cao.
Hy vọng với những phân tích ở trên, các bạn có thể hiểu bản chất thực sự của eCommerce là gì, những ưu và nhược điểm của ngành eCommerce và hơn thế nữa.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips