Skip to main content

5 cấp độ lãnh đạo và cách để trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại

8 Tháng Mười Một, 2020

5 cấp độ nâng cao năng lực lãnh đạo sau mở ra góc nhìn rõ nét, cụ thể về điểm khác biệt giữa một lãnh đạo giỏi và một quản lý thông thường.

Jim Clifton – Chủ tịch và CEO của Gallup, đã từng chia sẻ rằng: “Những nhân viên giỏi, đặc biệt là những ngôi sao, sẽ bước vào công ty và thay thế quản lý của mình”. Đây chính là tư duy nền tảng để một nhân viên nuôi dưỡng năng lực lãnh đạo của bản thân.

Vậy thì trong quá trình chuyển đổi từ nhân viên lên làm lãnh đạo, đâu là những cấp độ giúp đo lường năng lực lãnh đạo của mỗi cá nhân?

Trong bài viết chia sẻ trên Harvard Business Review, Michael C. Bush – CEO của Great Place to Work cho biết ông và các cộng sự đã xác định ra 5 cấp độ khác nhau trong năng lực lãnh đạo từ một nghiên cứu riêng.

Cụ thể, Bush đã tìm hiểu 75.000 nhân viên và 10.000 nhà quản lý làm việc chủ yếu tại Mỹ, ở khắp các lĩnh vực, từ bán lẻ, khách sạn, sản xuất, công nghệ, tài chính và chăm sóc sức khỏe. Người tham gia khảo sát đã chấm điểm về môi trường làm việc cũng như bày tỏ nhận định của họ về người quản lý hiện tại.

Dựa trên đánh giá và nhận định của các nhân viên tham gia khảo sát, Bush đã xác định ra 5 cấp độ khác nhau nổi bật giữa một lãnh đạo giỏi và một quản lý thông thường như sau:

Cấp độ 1: Không có ý định lãnh đạo

Mọi người thường rơi vào kiểu lãnh đạo này vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có cả lý do họ không thực sự muốn trở thành lãnh đạo. Họ có thể đã làm việc rất tốt nên được thăng chức giám sát những người cùng làm. Song, sau khi được thăng chức, họ không được tập huấn thêm về kỹ năng dẫn dắt đội ngũ.

Họ cũng có thể là người có kỹ năng, chuyên môn xuất sắc nhưng lại thiếu kỹ năng lãnh đạo con người, như truyền cảm hứng, động lực… Họ cũng có thể là người đang gặp vấn đề về sức khỏe, gặp khó khăn trong gia đình… nên không thể đi làm với trạng thái tốt nhất.

Ở cấp độ này, người vừa bước lên vị trí lãnh đạo có thể ngộ nhận rằng lãnh đạo là vai trò cứng nhắc, cần cất đi sự cảm thông, tình người trong vị trí ấy.

Đây là cấp độ thấp nhất trong năng lực lãnh đạo. “Nhà lãnh đạo thờ ơ” thường không nhận thức đầy đủ tác động của họ lên người khác nên thường thất bại trong việc truyền cảm hứng và sự tự tin cho đội ngũ.

Các nhân viên báo cáo trực tiếp với nhóm lãnh đạo này thường có cảm giác như mình là một hành khách trên chuyến xe buýt mà người tài xế… không biết lái đi đâu. Và người tài xế này cũng không nói cho hành khách biết về những điều đang diễn ra.

Biểu hiện của một nhà lãnh đạo cấp độ 1:

– Cho rằng “nhân viên” và “con người” là hai khái niệm tách biệt nhau

– Tranh công trong những việc mình không làm

– Quá quan tâm đến bản thân khi đảm nhiệm công việc chung

– Không thay đổi sau khi nhận những phản hồi tiêu cực về công việc từ đồng nghiệp

– Thể hiện sự bực tức của bản thân bằng cách lên giọng hoặc chỉ trích cá nhân người khác

Cách cải thiện:

Thay đổi đầu tiên cấp độ lãnh đạo này cần làm là tham gia chương trình tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo. Ngoài ra, họ cần học cách ứng xử với phong thái chững chạc hơn, nỗ lực để hợp tác nhiều hơn với nhân viên. Từ đó, đội ngũ của họ sẽ giải tỏa được cảm giác sợ hãi hoặc nghi ngại, dần tin tưởng hơn vào năng lực của người lãnh đạo.

Khi bầu không khí tiêu cực của văn phòng dần được phá vỡ, mọi người sẽ tập trung hơn vào công việc, thay vì ngán ngẩm mong sớm hết giờ làm. Sự thay đổi trong bầu không khí làm việc cũng giảm thiểu nhu cầu chuyển việc trong công ty.

Cấp độ 2: Liên tục thay đổi

Nhóm lãnh đạo ở cấp độ 2 là những người thường xuyên thay đổi, lúc nóng lúc lạnh, khi là sếp tốt khi lại hà khắc. Không giống như nhóm “Lãnh đạo thờ ơ”, lãnh đạo cấp độ 2 thường tích cực hỗ trợ cho đồng đội hoặc làm hết trách nhiệm của mình để đáp ứng nhu cầu chung.

Tuy nhiên, tương tự như “Lãnh đạo thờ ơ”, lãnh đạo cấp độ 2 thường không hợp tác hiệu quả với các thành viên khác, dẫn đến nhiều sự đứt gãy trong truyền thông nội bộ. Vì họ thường xuyên thay đổi, nên dù vô tình hay cố ý, tuýp lãnh đạo này thường không được mọi người tin tưởng vào những kế hoạch họ muốn thực hiện.

Biểu hiện của một nhà lãnh đạo cấp độ 2:

– Thường cảm thấy bản thân đang suy nghĩ quá nhiều

– Không thể tập trung vào công việc vì những vấn đề nào đó trong cuộc sống riêng

– Gặp vấn đề xích mích liên quan đến vài thành viên trong đội ngũ đang lãnh đạo

– Có những lời phàn nàn từ nhân viên ở phòng bạn lan đến các bộ phận khác, với quản lý cấp trên, hoặc có nhân viên nghỉ việc

– Nhận được những cảnh báo về việc không đạt được mục tiêu hoặc cần cải thiện năng lực lãnh đạo của bản thân.

Cách cải thiện:

Đối với nhóm lãnh đạo này, để tiến thêm một bước mới trong năng lực lãnh đạo, họ cần hạn chế hành động theo cảm hứng, thường xuyên trao đổi với các thành viên trong và ngoài đội ngũ quản lý, tạo cảm giác tham gia cho các thành viên trong đội, và định kỳ cho thấy bản thân đang ghi nhận những đóng góp của đồng đội như thế nào.

Nếu một người lãnh đạo cấp độ 2 có thể thay đổi theo hướng này thì các thành viên làm việc cùng họ sẽ cải thiện sự gắn kết với công ty, nâng cao năng suất làm việc hơn.

Cấp độ 3: Lãnh đạo kiểm soát

Lãnh đạo thuộc nhóm này thường xem trọng chuyện kiểm soát công việc, đặc biệt là những đầu việc liên quan đến mục tiêu họ đã đặt ra.

Họ thường chỉ tập trung vào danh sách công việc cần làm hoặc các chỉ số đo lường mức độ hiệu quả của công việc. Tuy luôn dẫn dắt đội ngũ đi đúng hướng, lãnh đạo kiểm soát lại không có tầm nhìn lẫn phong thái của những lãnh đạo cấp cao hơn.

Lãnh đạo thuộc nhóm này thường là người làm việc theo thói quen, ưu tiên những nguyên tắc làm việc cũ hơn là những lợi ích áp dụng công nghệ vào cải tiến công việc. Họ có thể là “tấm gương” phản ánh cách mà cấp trên đã quản lý họ như thế nào. Nhóm lãnh đạo này phù hợp với môi trường làm việc không trao nhiều quyền lực cho quản lý cấp trung.

Trong môi trường làm việc do nhóm lãnh đạo này dẫn dắt, nhân viên có thể tự tin làm những việc được giao. Tinh thần này thường hữu ích trong những công việc vận hành cụ thể, những đầu việc đã biết trước. Ngược lại, nhân viên dưới quyền của nhóm lãnh đạo này sẽ không có tiếng nói, cũng như không đủ linh hoạt ứng phó với những biến động bất ngờ.

Biểu hiện của một nhà lãnh đạo cấp độ 3:

– Xem trọng chuyện hoàn thành công việc hơn là trò chuyện, kết nối với mọi người

– Giao việc nhiều hơn là lắng nghe những băn khoăn hoặc thử thách nhân viên đang gặp phải

– Không biết nhiều về những gì đang diễn ra trong cuộc sống cá nhân của các đồng nghiệp

– Cảm giác bản thân như một mắc xích trong một cỗ máy vận hành đồng bộ

– Được đồng nghiệp đánh giá cao sự tuân thủ kỷ luật nhiều hơn là các kỹ năng mềm

– Được nhân viên mô tả là người hiệu quả nhưng lạnh lùng

Cách cải thiện:

Đối với nhóm lãnh đạo này, họ cần ngưng vận hành công việc như một cỗ máy tự động và bắt đầu xây dựng những kỹ năng liên quan đến kết nối con người. Điều này đồng nghĩa với trao đổi nhiều hơn với nhân viên cấp dưới, lắng nghe và chào đón những ý tưởng giải pháp công việc từ họ.

Bạn cần cho thấy mỗi người đang góp sức vào bức tranh chung của toàn công ty ra sao. Điều này sẽ giúp nhân viên cảm thấy đang được quản lý bởi một con người công tâm hơn là một cỗ máy cứng nhắc.

Cấp độ 4: Lãnh đạo tốt

So với những nhà lãnh đạo thuộc 3 cấp độ trước, lãnh đạo cấp độ 4 là những người nhất quán, cởi mở và chân thành. Họ xác định rõ mong đợi ở từng vị trí nhân sự, nhận biết được những sai lầm có thể xảy ra, và hiểu mọi người đều có cuộc sống riêng bên ngoài công sở. Các nhân viên thường mô tả “Lãnh đạo tốt” là người dễ trò chuyện, thấu hiểu và công tâm. Lãnh đạo tốt là lý do để nhân viên ở lại với công việc hiện tại.

Tuy nhiên, vẫn còn một yếu tố ngăn lãnh đạo tốt bước đến cấp độ cao nhất trong năng lực lãnh đạo. Đó là suy nghĩ bản thân có trách nhiệm lớn nhất với kết quả đầu ra của tổ chức, thay vì chia sẻ trách nhiệm với toàn đội ngũ. Suy nghĩ này có thể làm họ cảm thấy dễ bị tổn thương hoặc không thoải mái, cởi mở khi đề cập đến những sai lầm trong công việc.

Biểu hiện của một nhà lãnh đạo cấp độ 4:

– Giúp nhân viên phát triển sự nghiệp

– Trở thành mentor (người cố vấn) cho nhân viên

– Có thể trò chuyện với bất cứ ai trong đội ngũ về hầu hết các vấn đề, bất kể công việc hay cuộc sống riêng

– Không thể thiết lập mối quan hệ tốt với số ít người cảm thấy không thể đến gần được

– Có nhận thức nghiêm túc về vai trò lãnh đạo của bản thân

– Tiếp nhận những đánh giá tốt về năng lực làm việc, bao gồm các phản hồi từ đồng nghiệp lẫn nhân viên trực tiếp

– Được đồng nghiệp đề bạt vì khả năng quản lý tốt.

Cách cải thiện:

Với nhóm “Lãnh đạo tốt”, để bước lên cấp độ cao nhất, người lãnh đạo tốt không chỉ tập trung vào công việc thường ngày. Họ cần có một tầm nhìn dài hơn vào tương lai cũng như gắn kết thành viên cùng đạt đến mục tiêu chung.

Ngoài ra, họ cũng cần có khả năng tính toán các mục tiêu chung sao cho mọi người đều cảm thấy được truyền cảm hứng và kết nối với nhau. Cuối cùng, người lãnh đạo cấp độ 4 cần ngăn chặn cái tôi có thể biến họ trở thành vị sếp độc đoán, cũng như tước đi niềm vui khi tạo dựng môi trường cho đồng đội tỏa sáng nơi họ.

Cấp độ 5: Lãnh đạo của mọi người

Ở cấp độ này, người lãnh đạo nhận được sự yêu quý của các nhân viên. Đội ngũ được lãnh đạo cấp độ 5 dẫn dắt sẽ thành công hơn các đội ngũ khác. Và bước lui khỏi sự tán dương của công chúng là một đặc điểm chung của những nhà lãnh đạo thuộc cấp độ này. Nếu bạn từng biết về phong cách lãnh đạo khiêm nhường, thì đó chính là họ.

Lãnh đạo cấp độ 5 sẽ có xu hướng lãnh đạo từ phía sau, tạo khoảng không để đồng đội có thể làm việc tốt nhất. Họ đối xử với mọi người công bằng như nhau. Những ai làm việc với lãnh đạo cấp 5 sẽ có xu hướng chăm chỉ và được dẫn dắt bởi một hình mẫu lý tưởng. Các nhân viên sẽ thấy lãnh đạo của mình là người chân thành, đạo đức và liêm khiết.

Lãnh đạo ở cấp độ 5 cũng thường là người không quá quan trọng tiểu tiết. Họ hài lòng khi có các nhân viên tự chủ trong công việc, chào đón các phản hồi và góp ý từ người khác vào quyết định của họ.

Biểu hiện của một nhà lãnh đạo cấp độ 5:

– Ở cạnh những người thông minh, kết nối, truyền được cảm hứng để mọi người phát triển hết khả năng

– Dẫn dắt một đội ngũ sáng tạo và thu được kết quả vượt mục tiêu đề ra

– Có một đội ngũ hợp tác tốt với nhau, tình nguyện hỗ trợ nhau vì mục tiêu chung

– Có những nhân viên nói rằng họ yêu công việc hiện tại

– Thường được nhân viên mời làm mentor (người cố vấn) cho họ

– Giúp đỡ được nhiều người phát triển trong sự nghiệp của họ

– Được mời làm diễn giả trong các chương trình về lãnh đạo, hoặc tập huấn nâng cao năng lực lãnh đạo cho người khác.

Cách duy trì:

Trở thành một lãnh đạo vĩ đại không phải là điều đơn giản. Trong môi trường kinh doanh liên tục thay đổi về nhu cầu thị trường lẫn nguồn lực nội bộ, để duy trì tư duy lãnh đạo vĩ đại, bạn cần liên tục đánh giá lại kết quả công việc, rà soát những yếu tố thành công mà nhân viên của bạn cần được bổ sung thêm.

Ngoài ra, bạn vẫn cần nuôi dưỡng tư duy cởi mở, linh hoạt. Với nhiều nhà lãnh đạo vĩ đại, điểm tựa của họ là tiếp tục học hỏi để hoàn thiện bản thân thông qua các tập huấn riêng hoặc thực hành thiền.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips 

Theo Doanh Nhân Sài Gòn

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Microsoft 365 bắt người dùng trả thêm tiền cho trợ lý AI Copilot tại một số quốc gia

29 Tháng Mười Hai, 2024
Microsoft đang thử nghiệm tích hợp Copilot lên dịch vụ 365 tại một số quốc gia. Điều này đồng ngh…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …