Skip to main content

Chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism) là gì? Ưu và nhược điểm của Chủ nghĩa tiêu thụ

19 Tháng Mười Một, 2023

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu về một thuật ngữ rất phổ biến trong lĩnh vực kinh tế tiêu dùng nói chung và marketing nói riêng đó là Chủ nghĩa tiêu dùng (tiếng Anh được gọi là Consumerism): chủ nghĩa tiêu dùng là gì, nó ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế, ưu điểm, nhược điểm và ví dụ về chủ nghĩa tiêu dùng (chủ nghĩa tiêu thụ) và hơn thế nữa.

Chủ nghĩa tiêu dùng là gì
Chủ nghĩa tiêu dùng là gì? Ưu và nhược điểm của chủ nghĩa tiêu dùng

Chủ nghĩa tiêu dùng là gì? Được sử dụng rất phổ biến trong kinh tế vĩ mô, tiêu dùng hay cả ngành marketing, thuật ngữ chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism) thường được nhắc đến với ý tưởng tích cực và có lợi cho bản thân người tiêu dùng lẫn xã hội, tuy nhiên trong thực tế nó cũng đi kèm với không ít khía cạnh tiêu cực hay quan điểm trái chiều từ cả góc nhìn kinh tế và xã hội.

Phân tích dưới đây từ MarketingTrips sẽ giúp bạn có được những cái nhìn từ tổng thể đến chi tiết xoay quanh thuật ngữ này, từ các khái niệm và ý nghĩa cơ bản đến các phân tích chuyên sâu về cách chủ nghĩa tiêu dùng tác động đến nền kinh tế và xã hội.

Chủ nghĩa tiêu dùng là gì?

Chủ nghĩa tiêu dùng hay còn được gọi là Chủ nghĩa tiêu thụ hoặc Văn hoá tiêu dùng, trong tiếng Anh có nghĩa là Consumerism, là ý tưởng cho rằng việc tăng cường tiêu thụ các hàng hóa và dịch vụ mua trên thị trường luôn là mục tiêu mong muốn và hạnh phúc của một người tiêu dùng nào đó.

Về cơ bản, sự hạnh phúc và thoả mãn của các nhóm người tiêu dùng này phụ thuộc vào việc họ có được tiêu dùng, mua sắm và sở hữu của cải vật chất hay không. Chủ nghĩa tiêu dùng gắn liền với yếu tố Vật chất hơn là Tinh thần.

Theo ý nghĩa kinh tế, chủ nghĩa tiêu dùng có liên quan đến ý tưởng rằng hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế và khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn là mục tiêu chính của các chính sách.

Từ quan điểm này, chủ nghĩa tiêu dùng là một hiện tượng tích cực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, nhiều quan điểm khác lại cho rằng việc coi động lực để có được nhiều của cải vật chất là gốc rễ của nhiều vấn đề, bao gồm việc gây lo lắng cho cá nhân và làm xói mòn cơ cấu xã hội.

Những lưu ý cần hiểu về cái gọi là Chủ nghĩa tiêu dùng.

  • Chủ nghĩa tiêu dùng là lý thuyết được sử dụng chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế thị trường (và marketing) cho rằng những cá nhân hay người tiêu dùng càng tiêu thụ nhiều hàng hóa và dịch vụ thì họ sẽ càng có cuộc sống tốt hơn.
  • Một số nhà kinh tế tin rằng chi tiêu tiêu dùng (consumer spending) giúp kích thích sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
  • Các nhà kinh tế xem tiêu dùng (consumption) là việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn sinh học của người tiêu dùng dựa trên việc tối đa hóa các tiện ích.
  • Thay vào đó, các nhà xã hội học lại xem tiêu dùng là việc đáp ứng những nhu cầu và mong muốn vốn được nhìn nhận theo hướng xã hội thông qua các giao dịch mang tính biểu tượng.
  • Chủ nghĩa siêu tiêu dùng (Hyper-consumerism) đã bị chỉ trích rộng rãi vì những hậu quả gây ra cho kinh tế, xã hội, môi trường và tâm lý.

Hiểu đúng về khái niệm chủ nghĩa tiêu dùng.

Khi nói đến các khái niệm hay thuật ngữ kinh tế, điều quan trọng không phải là chuyện đúng sai của câu từ mà là ý nghĩa sâu xa hay bản chất đằng sau các khái niệm đó.

Trong cách sử dụng thông thường, chủ nghĩa tiêu dùng đề cập đến xu hướng của những người chủ yếu sống trong nền kinh tế tư bản tham gia vào lối sống chủ nghĩa vật chất quá mức xoay quanh việc tiêu dùng quá mức theo phản xạ (tự nhiên), và điều này thường gây lãng phí.

Theo nghĩa này, chủ nghĩa tiêu dùng được hiểu rộng rãi là góp phần phá hủy các giá trị và lối sống truyền thống, sự bóc lột hoặc “khai thác” người tiêu dùng bởi các doanh nghiệp lớn, thứ cuối cùng sẽ tạo ra sự kiệt quệ về môi trường và những tác động tâm lý tiêu cực khác.

Ví dụ, Thorstein Veblen là nhà kinh tế học và nhà xã hội học thế kỷ 19 nổi tiếng với việc đặt ra thuật ngữ “tiêu dùng phô trương” (conspicuous consumption) trong cuốn sách Lý thuyết về giai cấp nhàn rỗi (1899).

Tiêu dùng phô trương là một phương tiện để thể hiện địa vị xã hội của một người, đặc biệt khi hàng hóa và dịch vụ được trưng bày công khai là quá đắt đối với những người khác cùng tầng lớp. Kiểu tiêu dùng này thường gắn liền với những người giàu có nhưng cũng có thể áp dụng cho bất kỳ tầng lớp kinh tế nào khác trong xã hội, bao gồm cả tầng lớp trung lưu hoặc thấp hơn.

Khi người tiêu dùng chi tiêu, các nhà kinh tế cho rằng người tiêu dùng được hưởng lợi từ các tiện ích của hàng tiêu dùng mà họ mua, nhưng các doanh nghiệp cũng được hưởng lợi từ việc tăng doanh thu và lợi nhuận. Ví dụ: nếu doanh số bán ô tô tăng, các nhà sản xuất ô tô sẽ thấy lợi nhuận tăng.

Một số nhà kinh tế khác coi mức chi tiêu tiêu dùng ngày càng tăng là mục tiêu quan trọng trong việc xây dựng và duy trì một nền kinh tế vững mạnh, bất kể lợi ích đối với người tiêu dùng hay toàn xã hội. Tuy nhiên, những người khác lại khá lo ngại về những tác động xã hội tiêu cực mà chủ nghĩa tiêu dùng (đặc biệt là chủ nghĩa siêu tiêu dùng) gây ra.

Những tác động kinh tế của chủ nghĩa tiêu dùng.

Theo lý thuyết về kinh tế học vĩ mô của nhà kinh tế học Keynes, thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng thông qua chính sách tài chính và tiền tệ là mục tiêu hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách kinh tế.

Chi tiêu tiêu dùng luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng cầu và tổng sản phẩm quốc nội (GDP), do đó thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng được coi là cách hiệu quả nhất để lèo lái nền kinh tế theo hướng tăng trưởng.

Chủ nghĩa tiêu dùng coi người tiêu dùng (consumer) là mục tiêu của chính sách kinh tế và là dòng tiền (cash cow) cho kinh tế với niềm tin duy nhất rằng việc tăng cường tiêu dùng sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế. Tiết kiệm thậm chí có thể được coi là có hại cho nền kinh tế vì nó gây tổn hại đến chi tiêu tiêu dùng tức thì.

Các hoạt động Marketing và quảng cáo của doanh nghiệp thường tập trung vào việc tạo ra nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm mới hơn là thông báo cho người tiêu dùng về các tiêu dùng cần thiết đơn thuần.

Hiểu về khái niệm Tiêu dùng phô trương.

Nhà kinh tế chính trị Thorstein Veblen là người đã phát triển nên khái niệm tiêu dùng phô trương vào năm 1899, trong đó ông đưa ra giả thuyết rằng một số người tiêu dùng mua, sở hữu và sử dụng sản phẩm không phải vì giá trị sử dụng trực tiếp của chúng mà như là một cách để báo hiệu địa vị kinh tế và xã hội của họ.

Khi mức sống tăng lên, mức tiêu dùng phô trương cũng tăng lên.

Dưới hình thức tiêu dùng phô trương, chủ nghĩa tiêu dùng có thể tạo ra chi phí thực tế rất lớn cho nền kinh tế. Việc tiêu thụ hàng hoá chỉ để giành lấy địa vị xã hội cuối cùng sẽ đè nặng lên môi trường, thị trường và nhiều thứ khác.

Các nhà xã hội học coi chủ nghĩa tiêu dùng là sự tiêu dùng mang tính biểu tượng và có thể không giúp tối đa hóa lợi ích cá nhân của người tiêu dùng.

Thay vào đó, nó có thể đóng vai trò là tín hiệu cho người khác và giúp xác định danh tính của một người nào đó. Khi trở thành người tiêu dùng, các tác nhân xã hội (ví dụ như các áp lực ngang hàng hoặc nhà quảng cáo) sẽ làm hạn chế quyền tự do lựa chọn của chính người tiêu dùng.

Ưu điểm và nhược điểm của chủ nghĩa tiêu dùng là gì?

Ưu điểm của chủ nghĩa tiêu dùng.

Những người ủng hộ chủ nghĩa tiêu dùng coi việc chi tiêu của người tiêu dùng là hành động có thể thúc đẩy nền kinh tế và dẫn đến tăng cường sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Khi chi tiêu tiêu dùng cao hơn, GDP có thể tăng lên.

Nhược điểm của chủ nghĩa tiêu dùng.

Chủ nghĩa tiêu dùng thường bị chỉ trích vì lý do văn hóa. Một số người thấy rằng chủ nghĩa tiêu dùng có thể dẫn đến một xã hội sống vì vật chất mà bỏ qua các giá trị khác ví dụ như yếu tố tinh thần hay văn hoá.

Các phương thức sản xuất và lối sống truyền thống có thể được thay thế bằng việc tập trung vào việc tiêu thụ những hàng hóa đắt tiền hơn bao giờ hết với số lượng lớn hơn.

Chủ nghĩa tiêu dùng thường gắn liền với toàn cầu hóa trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hàng hóa và thương hiệu được giao dịch toàn cầu, điều này có thể không tương thích với văn hóa địa phương và mô hình hoạt động kinh tế của một số quốc gia nhất định. Chủ nghĩa tiêu dùng cũng có thể tạo ra động cơ khuyến khích người tiêu dùng gánh những khoản nợ không bền vững, điều này cũng góp phần gây ra khủng hoảng và suy thoái tài chính.

Các vấn đề về môi trường cũng thường gắn liền với chủ nghĩa tiêu dùng. Những vấn đề có thể bao gồm sự phát triển đô thị, ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên và các vấn đề về xử lý chất thải từ các hàng hoá tiêu dùng và bao bì dư thừa.

Chủ nghĩa tiêu dùng cũng bị chỉ trích vì lý do tâm lý. Nó được cho là nguyên nhân làm gia tăng sự lo lắng về địa vị, khi mọi người chịu nhiều áp lực liên quan đến địa vị xã hội và nhận thấy rằng nhu cầu của họ không “theo kịp những người nổi tiếng” hay những người khác trong xã hội.

Nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng những người tổ chức cuộc sống của họ xung quanh các mục tiêu tiêu dùng, chẳng hạn như mua sản phẩm, thường có tâm trạng kém hơn, bất hạnh hơn trong các mối quan hệ và các vấn đề tâm lý khác.

Các thí nghiệm tâm lý khác cũng đã chỉ ra rằng những người tiếp xúc với các giá trị tiêu dùng dựa trên sự giàu có, địa vị và của cải vật chất thường có biểu hiện lo lắng và trầm cảm nhiều hơn.

Nói cách khác, khoa học cho thấy chủ nghĩa tiêu dùng không hề khiến con người hạnh phúc chút nào (như cách mà những người ủng hộ chủ nghĩa tiêu dùng phát ngôn).

Một số ví dụ về chủ nghĩa tiêu dùng là gì?

Chủ nghĩa tiêu dùng (Consumerism) được xác định bằng việc một người tiêu dùng nào đó không ngừng theo đuổi việc mua sắm và tiêu dùng. Các ví dụ bao gồm mua sắm thoải mái, đặc biệt là những hoạt động thu hút nhiều người, chẳng hạn như trong các mùa lễ hội mua sắm hay giảm giá.

Một ví dụ khác về chủ nghĩa tiêu dùng liên quan đến việc theo đuổi các sản phẩm mới hàng năm (sản phẩm mới về cơ bản là có cùng mục đích sử dụng với các sản phẩm hiện có).

Tiêu dùng phô trương cũng là một ví dụ khác của chủ nghĩa tiêu dùng khi người tiêu dùng mua hàng chỉ để thể hiện địa vị hoặc thể hiện một hình ảnh cá nhân nào đó của họ. (Mặc dù điều này không phải lúc nào cũng mang hàm ý tiêu cực).

Chủ nghĩa tiêu dùng có hại cho xã hội không?

Trong khi mọi người cần phải là người tiêu dùng để sống và đạt được những nhu cầu cũng như mong muốn của mình, chủ nghĩa tiêu dùng quá mức được nhiều người bao gồm cả các chuyên gia kinh tế cho là ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.

Chủ nghĩa tiêu dùng dẫn đến các ngoại tác tiêu cực như ô nhiễm và lãng phí. Hơn nữa, chủ nghĩa tiêu dùng bắt đầu định nghĩa con người bằng những gì họ sở hữu.

Theo một số nhà xã hội học, văn hóa đại chúng chủ yếu được xây dựng và trở nên phổ biến thông qua ngành quảng cáo tạo ra những người tiêu dùng đóng vai trò thụ động bị các thương hiệu thao túng hơn là những thực thể năng động và sáng tạo.

Có những thành kiến mang tính hệ thống trong hệ thống tạo ra chủ nghĩa tiêu dùng. Nếu những thành kiến ​​này bị loại bỏ, nhiều người tiêu dùng sẽ áp dụng lối sống ít tiêu dùng hơn.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Funding Societies của Singapore vừa huy động được 25 triệu USD

22 Tháng Mười Hai, 2024
Funding Societies, công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính (fintech) ở Singapore, vừa huy động…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …