Cách ChatGPT thay đổi mảng Marketing cho ứng dụng di động năm 2023
Trong thế giới marketing di động ngày càng cạnh tranh và nhiều biến chuyển, các nhà phát triển ứng dụng và người làm marketing cần đặc biệt coi trọng việc tìm ra hướng đi để tạo nên sự khác biệt. Để làm được điều này, một trong những hướng đi mới và khuấy đảo cộng đồng nhất là vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát, chẳng hạn như ChatGPT – một công cụ mạnh mẽ có thể khai thác theo nhiều cách, từ việc hình thành ý tưởng cho tính năng của ứng dụng và phát triển mã cho đến tối ưu hóa cửa hàng ứng dụng (ASO) và sáng tạo nội dung. Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những cách sử dụng ChatGPT mà bạn có thể áp dụng để xây các ứng dụng hấp dẫn và tăng hiệu quả cho chiến dịch marketing.
ChatGPT là gì?
ChatGPT là một chatbot AI được OpenAI giới thiệu vào tháng 11 năm 2022. Chatbot này được xây dựng trên cơ sở các mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3 của OpenAI và đã được điều chỉnh một cách tỉ mỉ bằng cách kết hợp kỹ thuật học có giám sát và học tăng cường. ChatGPT được thiết kế để bắt chước cuộc trò chuyện của con người.
Nhờ sự trợ giúp của các kỹ thuật điện toán tiên tiến và lượng dữ liệu đồ sộ, ChatGPT có thể dự đoán và xâu chuỗi các từ lại với nhau một cách chính xác và có ý nghĩa, tiếp cận một mảng từ vựng và thông tin đa dạng, đồng thời hiểu nghĩa của từ trong ngữ cảnh sử dụng.
ChatGPT còn có khả năng độc đáo, đó là gợi lại những lời nhắc trước đó trong cùng một cuộc trò chuyện. Phần mềm này cũng cực kỳ đa năng và có thể thực hiện đa dạng tác vụ, bao gồm:
- Viết và gỡ lỗi chương trình máy tính
- Tóm tắt văn bản bằng các ý chính
- Xây dựng ý tưởng mới
- Giải thích những chủ đề phức tạp
- Trích xuất dữ liệu từ văn bản
- Tiến hành phân tích cảm xúc
- Soạn nhạc
- Viết kịch, thơ, lời bài hát và bài luận
Lợi ích của việc sử dụng ChatGPT để marketing ứng dụng.
- Tăng hiệu suất: ChatGPT có thể tự động hóa nhiều tác vụ marketing, chẳng hạn như tạo bài đăng trên mạng xã hội, soạn bài viết trên blog và phản hồi câu hỏi từ khách hàng. Nhờ đó, đội ngũ marketing có thời gian rảnh để tập trung vào những nhiệm vụ phức tạp như xây dựng chiến lược và phân tích.
- Cá nhân hóa: Bạn có thể sử dụng ChatGPT để tạo thông điệp marketing được cá nhân hóa cho từng khách hàng, chẳng hạn như đề xuất sản phẩm tùy chỉnh hoặc chiến dịch marketing qua email được điều chỉnh phù hợp.
- Xây dựng ý tưởng: Nhờ khả năng tạo ý tưởng mới và đưa ra quan điểm mới mẻ về hành vi của khách hàng, ChatGPT có thể hỗ trợ đội ngũ marketing có được những suy nghĩ đột phá và phát triển chiến lược marketing sáng tạo.
- Phân tích nhanh: ChatGPT có thể trích xuất và phân tích dữ liệu từ văn bản, giúp bạn xác định xu hướng và thông tin về đối tượng mục tiêu (Target Audience) dễ dàng hơn.
Điều cần lưu ý trước khi sử dụng ChatGPT để marketing ứng dụng.
- Thông tin không chính xác và sai lệch: Đôi khi, ChatGPT tạo ra các phản hồi có vẻ hợp lý nhưng không chính xác, sai lệch hoặc vô lý. Để tránh sai sót, bước xác minh dữ kiện và đảm bảo tính chính xác và cập nhật của nội dung đóng vai trò rất quan trọng.
- Dễ bị ảnh hưởng từ những thay đổi: Mô hình này dễ bị ảnh hưởng từ các thay đổi về cách diễn đạt thông tin đầu vào hoặc lặp lại chính xác cùng một lời nhắc nhiều lần. Ngoài ra, ChatGPT thường lạm dụng một số cụm từ cụ thể.
- Thiếu tính độc đáo và chất lượng thiếu ổn định: ChatGPT còn thiếu khả năng hiểu ngữ cảnh, tính độc đáo và lối diễn đạt tự nhiên. Chất lượng của câu trả lời phụ thuộc vào chất lượng của câu hỏi được đưa ra.
Cách sử dụng ChatGPT để hình thành ý tưởng cho ứng dụng di động.
Quá trình hình thành ý tưởng và phát triển ứng dụng di động có thể phức tạp và đầy thách thức. Tuy nhiên, nhờ sự trợ giúp của ChatGPT, quá trình này trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ hình thành ý tưởng cho ứng dụng fintech và xây dựng chiến dịch marketing cho ứng dụng đó. Bạn cần làm theo những bước sau:
Nghiên cứu thị trường.
Công tác nghiên cứu thị trường là bước khởi đầu quan trọng trước khi xây dựng một ứng dụng di động thành công và phù hợp với người dùng. Bạn cần hiểu rõ đối tượng mục tiêu của mình, nhu cầu của đối tượng và đối thủ của bạn đang làm gì.
Bạn có thể hỏi ChatGPT về các xu hướng, các ông lớn trong ngành, thị phần, thách thức và lĩnh vực hứa hẹn liên quan đến ngành của ứng dụng của bạn.
Ví dụ bạn có thể sử dụng lời nhắc sau: “Các lĩnh vực phát triển mới, thách thức và xu hướng chính trong ngành ứng dụng di động fintech là gì?” Bạn có thể nhận được phản hồi gồm 4 ý chính về xu hướng, thách thức và lĩnh vực phát triển mới. Các xu hướng gồm có ví điện tử, AI và công nghệ máy học, kỹ thuật ngân hàng mở và tiền điện tử.
AI đã đề cập đến các thách thức về bảo mật, tuân thủ quy định, quyền riêng tư của dữ liệu và niềm tin của người tiêu dùng. Cuối cùng, về lĩnh vực phát triển mới, chatbot đưa thông tin về tài chính nhúng (embedded finance), tính bền vững, danh tính số và ngân hàng thuần số (Neo-bank).
Phân tích đối thủ.
Phân tích đối thủ là một bước quan trọng khác trong quá trình hình thành ý tưởng cho ứng dụng di động. Quá trình này đòi hỏi xác định và đánh giá điểm mạnh cũng như điểm yếu (SWOT) của những ứng dụng hiện có tương tự như ứng dụng đang được phát triển.
Thông qua quá trình phân tích này, chúng ta sẽ thu được thông tin hữu ích về thị trường và sở thích của người dùng.
Ví dụ bạn có thể hỏi: “Đơn vị nào là đối thủ lớn trên thị trường ứng dụng tiết kiệm tiền và điểm mạnh cũng như điểm yếu của họ là gì?”. Câu trả lời bạn nhận được là các điểm mạnh và điểm yếu của năm ứng dụng đầu tư và lập ngân sách phổ biến nhất.
Hình dung tính năng.
Xác định những tính năng cần thiết cho ứng dụng của bạn trước khi lập ngân sách là bước rất quan trọng. ChatGPT có thể là một công cụ hữu ích, giúp khám phá các triển vọng của tính năng và lấy cảm hứng cho những tính năng mới. Nhờ đó, bạn có thể tiết kiệm thời gian và tiền bạc về lâu về dài, giúp phát triển ứng dụng thành công.
Ví dụ: “Tôi đang phát triển một ứng dụng di động tiết kiệm tiền tích hợp cơ chế game. Tôi cần đưa tính năng nào vào ứng dụng này?” AI gợi ý đưa vào các tính năng như mục tiêu tiết kiệm, phần thưởng, thử thách, tính năng xã hội, cá nhân hóa và giáo dục.
Đặt tên cho ứng dụng.
Bạn cũng có thể sử dụng ChatGPT để lên ý tưởng đặt tên cho ứng dụng của mình sao cho dễ nhớ.
Ví dụ bạn có thể sử dụng lời nhắc: “Cho tôi 10 cái tên khác nhau để đặt cho ứng dụng tiết kiệm tiền tích hợp cơ chế game.”
Cách sử dụng ChatGPT để phát triển ứng dụng di động.
ChatGPT là phần mềm miễn phí, vì vậy bạn nên sử dụng công nghệ tiên tiến nhất của ChatGPT trong quá trình xây dựng ứng dụng.
Công nghệ máy học có thể viết mã. Hiện tại, công nghệ sẽ đáp ứng tốt hơn với những yêu cầu đơn giản và có lẽ điều này sẽ chỉ được cải thiện theo thời gian. Theo NewScientist, ChatGPT cũng có thể nhanh chóng tìm và sửa lỗi mã, giúp nhà phát triển ứng dụng tiết kiệm thời gian quý báu của mình.
Ngôn ngữ lập trình của ChatGPT gồm có:
- Java
- Python
- JavaScript
- C++
- C#
- PHP
- Go
- Ruby
- R
5 cách sử dụng ChatGPT mà bạn có thể áp dụng để thúc đẩy hoạt động marketing di động.
Những người làm marketing ứng dụng di động có thể sử dụng ChatGPT để tăng hiệu quả chiến dịch của mình. Sau đây là 5 cách sử dụng chatbot AI mà bạn có thể áp dụng:
-
Nghiên cứu đối tượng.
Nghiên cứu đối tượng giúp người làm marketing xác định, hiểu và nhắm đúng đối tượng cho ứng dụng của họ. Điều chỉnh thông điệp marketing sao cho phù hợp và cải thiện quá trình tăng trưởng người dùng là rất quan trọng.
Ví dụ bạn có thể hỏi ChatGPT: “Mô tả đối tượng mục tiêu, bao gồm các đặc điểm nhân khẩu học chính, cho các ứng dụng tiết kiệm tiền tích hợp cơ chế game.”
Bạn cũng có thể xác định chân dung đối tượng mục tiêu cho ứng dụng của mình.
-
Chọn kênh.
ChatGPT là công cụ hữu ích để xác định kênh mà bạn có thể tiếp cận đối tượng mục tiêu và quảng bá ứng dụng của mình.
Ví dụ bạn có thể hỏi chatbot AI: “Tôi nên sử dụng kênh nào để tiếp cận đối tượng mục tiêu và quảng bá ứng dụng của mình?”
-
Mô tả trên cửa hàng ứng dụng.
ChatGPT có thể cải thiện đáng kể ASO thông qua nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả tối ưu hóa cùng với bản địa hóa từ khóa và thẻ metadata. Bạn có thể sử dụng ChatGPT để nhanh chóng tạo những đoạn mô tả gây ấn tượng cho ứng dụng nhằm đảm bảo đạt điểm tin cậy cao.
Về nội dung mô tả trên cửa hàng ứng dụng, ví dụ bạn có thể hỏi: “Tạo năm đoạn mô tả hấp dẫn trên cửa hàng ứng dụng cho ứng dụng tiết kiệm tiền tích hợp cơ chế game. Ứng dụng đó sẽ giúp người dùng tìm hiểu về việc lập ngân sách và theo dõi chi phí qua việc chơi game.
Bằng cách này, người dùng có thể tùy chỉnh các mục tiêu tiết kiệm và tạo ra những thử thách cho riêng mình. Người dùng sẽ nhận được phần thưởng khi đạt mục tiêu hoặc hoàn thành thử thách. Người dùng cũng có thể chia sẻ với cộng đồng ứng dụng về tiến trình cũng như bí quyết và thủ thuật giúp họ tiết kiệm nhiều tiền hơn.”
-
Nghiên cứu từ khóa SEO.
ChatGPT cũng có thể hỗ trợ ứng dụng của bạn chọn từ khóa tốt nhất bằng cách xem xét những yếu tố như số lượt tìm kiếm cho một từ khóa nhất định và từ khóa cạnh tranh.
Để nghiên cứu từ khóa cho ứng dụng mẫu của mình, bạn có thể sử dụng lời nhắc: “Tạo danh sách liệt kê từ khóa liên quan cho ứng dụng tiết kiệm tiền tích hợp cơ chế game.
Ứng dụng này chú trọng giúp người dùng tìm hiểu về việc lập ngân sách với những tính năng sau: mục tiêu tiết kiệm và thử thách trong game có thể tùy chỉnh, phần thưởng sau khi đạt mục tiêu, bảng xếp hạng, chuyên mục cộng đồng để chia sẻ những bí quyết và thủ thuật tiết kiệm.”
-
Sáng tạo nội dung.
Một hướng sử dụng ChatGPT để sáng tạo nội dung là yêu cầu ChatGPT đưa ra ý tưởng chủ đề. Bạn có thể cho một ý tưởng chung chung hoặc một từ khóa cụ thể, rồi chatbot sẽ tạo danh sách liệt kê những chủ đề liên quan để bạn tìm hiểu.
Đây có thể là cách rất hữu ích để xây dựng ý tưởng nội dung mới và tìm cảm hứng cho bài đăng trên blog, bài viết hoặc video sau này.
Bạn cũng có thể sử dụng ChatGPT để tự tạo nội dung. Chatbot này có thể giúp bạn viết tiêu đề, phần giới thiệu và toàn bộ nội dung về một chủ đề. Mặc dù có thể chất lượng nội dung được tạo ra không phải lúc nào cũng hoàn hảo, nhưng bạn có thể dựa vào đây để viết bài và tiết kiệm được thời gian cũng như công sức bỏ ra.
Ví dụ: trước hết, để xây dựng ý tưởng cho bài đăng trên blog, bạn có thể sử dụng lời nhắc sau: “Cho tôi năm ý tưởng bài đăng trên blog về việc tiết kiệm tiền trong thời kỳ suy thoái kinh tế.”
Tiếp đó, bạn có thể sử dụng một trong những đề xuất đó để tạo bài đăng trên blog. Ví dụ bạn có sử dụng lời nhắc: “Tạo bài đăng trên blog với tiêu đề ‘Chuẩn bị hành trang để đối mặt với suy thoái kinh tế: Cách xây dựng mạng lưới an toàn tài chính.’
Bài đăng này sẽ đưa ra lời khuyên về việc chuẩn bị hành trang để đối mặt với suy thoái kinh tế bằng cách xây dựng mạng lưới an toàn tài chính, chẳng hạn như lập quỹ khẩn cấp và thanh toán dứt điểm nợ đọng.”
Phương pháp sử dụng ChatGPT tốt nhất.
Điều chỉnh lời nhắc.
Chất lượng của phản hồi từ ChatGPT sẽ phụ thuộc vào chất lượng của lời nhắc do bạn cung cấp. Trước khi gửi, hãy đảm bảo lời nhắc phải rõ ràng và cụ thể. Trau chuốt lời nhắc đến khi đủ cô đọng và súc tích. Nhờ đó, ChatGPT có thể hiểu rõ ngữ cảnh hơn.
Kiểm thử với các lời nhắc khác nhau.
ChatGPT có thể tạo phản hồi dựa trên nhiều kiểu lời nhắc. Tức là bạn có thể thử nghiệm để biết đâu là lời nhắc mang lại kết quả tốt nhất. Hãy thử sử dụng các cấu trúc câu, từ khóa và mức độ cụ thể khác nhau để tạo ra phản hồi hữu ích nhất.
Cung cấp thêm ngữ cảnh.
ChatGPT có thể tạo phản hồi dựa trên ngữ cảnh của lời nhắc. Chính vì vậy, quan trọng là hãy cung cấp càng nhiều ngữ cảnh càng tốt.
Trong đó có thể bao gồm thông tin liên quan về chủ đề, đối tượng và kết quả mong muốn. Bạn càng cung cấp nhiều ngữ cảnh, khả năng nhận được phản hồi hữu ích và phù hợp sẽ càng tăng.
Gửi góp ý.
Là một mô hình học máy nên ChatGPT có thể cải thiện nhờ góp ý. Nếu bạn nhận được các phản hồi không chính xác hoặc không phù hợp, hãy góp ý cho hệ thống. Thông qua việc góp ý này, ChatGPT có thể học hỏi từ những sai sót và cải thiện câu trả lời cho những lần tương tác tiếp theo.
Liên kết ChatGPT với những công cụ và kỹ thuật khác.
ChatGPT là công cụ mạnh mẽ nhưng chỉ là một trong số nhiều công cụ hiện thời. Hãy cân nhắc kết hợp ChatGPT với những công cụ và kỹ thuật khác để đạt được kết quả tốt nhất.
Ví dụ: bạn có thể sử dụng ChatGPT để tạo ý tưởng nội dung rồi sử dụng công cụ phân tích nội dung để trau chuốt thêm.
5 lý do để tích hợp ChatGPT vào ứng dụng di động của bạn.
Với những tính năng ChatGPT đem lại cho ứng dụng, bạn có thể tiết kiệm thời gian và chi phí mà vẫn cải thiện được trải nghiệm người dùng. Cân nhắc các đề xuất mà ChatGPT có thể giúp ích cho ứng dụng di động của bạn khi tích hợp.****
- Chatbot nâng cao: Nhờ sử dụng kỹ thuật Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NPL), ChatGPT cung cấp giao diện trò chuyện (CI) để xác định nhu cầu của người dùng. Trong quá trình trò chuyện, ChatGPT sẽ tương tác với người dùng thông qua trò chuyện, đàm thoại và những yếu tố NPL khác như menu, hình ảnh, video, v.v. NPL giúp chatbot hiểu ngôn ngữ thường nhật của người dùng và phản hồi một cách phù hợp, góp phần tạo nên một chatbot thông minh.
- Hỗ trợ khách hàng: Để mô hình AI trả lời những câu hỏi được người dùng quan tâm nhất và giúp giải quyết mọi vấn đề, kể cả những vấn đề phức tạp hoặc đòi hỏi nhiều bước xử lý. Nhờ vậy sẽ tiết kiệm các nguồn lực chính và vẫn đảm bảo khách hàng được tiếp cận dịch vụ hỗ trợ ngay tức thì.
- Trải nghiệm cá nhân hóa: Với khả năng học hỏi nhanh về sở thích của người dùng, chatbot có thể cung cấp những phản hồi được điều chỉnh phù hợp và sử dụng Công cụ đề xuất nhằm đưa ra đề xuất cụ thể cho người dùng dựa trên những hành động trước đó mà họ thực hiện trong ứng dụng.
- Chuyển ngữ: ChatGPT có thể dịch văn bản đầu vào từ ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác cho các ứng dụng đa ngôn ngữ. Lưu ý: khả năng này khá hữu ích nhưng vẫn đang trong giai đoạn triển khai ban đầu và hiện tại chỉ nên sử dụng tính năng này trong các cuộc trò chuyện cơ bản, ít yếu tố phức tạp.
- Chức năng tìm kiếm nâng cao: Việc tích hợp chức năng này với ứng dụng sẽ giúp tăng cường kết quả tìm kiếm của người dùng nhờ thông tin từ các nguồn và cơ sở dữ liệu bên ngoài.
Cách triển khai ChatGPT trong ứng dụng di động của bạn.
Nếu bạn thấy hợp lý, hãy làm theo ba bước sau để tích hợp ChatGPT vào ứng dụng của mình.
- Thiết lập tài khoản để nhận khóa API GPT-3 cung cấp quyền truy cập vào các ứng dụng GPT-3.
- Xác định chiều hướng trò chuyện của người dùng và sử dụng GPT để viết kịch bản.
- Đào tạo mô hình với dữ liệu dành riêng cho doanh nghiệp để có câu trả lời chính xác và thích hợp hơn.
Tương lai của marketing ứng dụng với sự hiện diện của ChatGPT và AI khác.
Ngoài khả năng đáng chú ý trong việc tạo phản hồi giống con người, ChatGPT còn có tiềm năng phát triển và củng cố hiệu suất hơn nữa trong tương lai. Điều này có thể đạt được thông qua quá trình đào tạo dữ liệu đa dạng và chuyên sâu để ChatGPT có thể tạo ra phản hồi tự nhiên và ứng đáp sát với ngữ cảnh hơn.
ChatGPT3 có tiềm năng tác động rất lớn đến ngành marketing và quảng cáo. ChatGPT đang thay đổi hoạt động marketing ứng dụng bằng cách cung cấp cho người làm marketing những hướng đi mới nhằm thúc đẩy quá trình tăng trưởng người dùng, tăng tỷ lệ chuyển đổi, cải thiện tỷ lệ duy trì và tối đa hóa doanh thu.
ChatGPT có thể tạo các chiến dịch nhắm mục tiêu với độ chuẩn xác cao và tiếp cận đúng người dùng vào đúng thời điểm nhờ xác định sở thích và hành vi của người dùng thông qua quá trình phân tích dữ liệu. Dựa trên dữ liệu này, có thể đưa ra các đề xuất và thông báo cá nhân hóa cho người dùng, giúp họ luôn cảm thấy có sự kết nối khi dùng ứng dụng.
ChatGPT mới chỉ là bước khởi đầu và chắc hẳn sẽ có nhiều công cụ marketing được AI hỗ trợ, với đặc điểm tiên tiến và đổi mới hơn nữa trong tương lai. Notion – một ứng dụng ghi chú và năng suất – đã giới thiệu AI của mình sau khi ChatGPT ra mắt.
Google Bard là công cụ chatbot AI mới của Google và hiện cũng đang được tung ra thị trường, cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT. Thật nóng lòng muốn xem màn so tài giữa các chatbot AI tạo sinh và hướng biến chuyển cũng như ảnh hưởng của những chatbot AI này đối với ngành marketing ứng dụng di động.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | MarketingTrips